Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Mục đích thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia là gì?

Diễm Thi, RFA

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc họp video với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hà Nội ngày 14 tháng 4 năm 2020.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc họp video với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hà Nội ngày 14 tháng 4 năm 2020.
 Reuters
















Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1040/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và Quyết định số 1041/QĐ-TTg về Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Quyết định có hiệu lực từ ngày 16 tháng 7 năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban chỉ đạo. Có ba Phó Trưởng ban, trong đó Phó Trưởng ban thường trực là Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Hai Phó Trưởng ban còn lại là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an. Các ủy viên là bộ trưởng các bộ; tổng giám đốc các đơn vị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu của Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ của ban.
Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia sử dụng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Quốc phòng làm kinh phí hoạt động.
Theo cá nhân tôi thì khi thành lập thêm bất cứ ban bệ nào, trong khi đã có rất nhiều ban bệ và lãnh đạo, đều là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ngân sách đó do người dân đóng thuế mà ra. -  Nhà báo Sương Quỳnh
Với vai trò một người dân, Nhà báo Sương Quỳnh nhận xét:
“Theo cá nhân tôi thì khi thành lập thêm bất cứ ban bệ nào, trong khi đã có rất nhiều ban bệ và lãnh đạo, đều là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ngân sách đó do người dân đóng thuế mà ra.
Trong các kỳ họp Quốc hội thì chính các ông bên ban tài chính đã kêu ca rằng ngân khố nhà nước đang trống rỗng. Mọi chi phí đều phải tính toán kỹ vì công nợ rất nhiều, vượt trần rồi.
Thành lập ban như thế chỉ làm tốn kém thêm ngân sách của Nhà nước mà không biết làm việc có hiệu quả hay không. Nếu để giám sát nhau thì đã có quá nhiều ban bệ có thể làm nếu họ thực tâm muốn làm.”
Trao đổi với RFA qua ứng dụng facebook messenger, ông Võ Minh Đức, cựu sĩ quan thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định, ‘họ’ vẽ ra để "cấu vào ngân sách" chứ thực ra cứu hộ, cứu nạn đã có cảnh sát phòng cháy chữa cháy; quân đội cũng có những đơn vị tương tự…
Ông cho rằng cộng sản có đặc tính là luôn cho mình là sáng suốt và tài tình nên họ nghĩ chỉ có họ mới có khả năng lãnh đạo toàn diện xã hội. Đó là một trong những lý do Ban Chỉ đạo Phòng Thủ dân sự quốc gia (cũng như một vài lĩnh vực khác cũng có ban chỉ đạo) ra đời.
Còn theo Trung tá Quân đội Đinh Đức Long, hiện đã có Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai có Trưởng ban là một phó Thủ tướng; có Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn có nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn trên không và trên biển, do một phó Thủ tướng làm thường trực ủy ban và thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm phó chủ tịch thường trực.
Với quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia vừa được Thủ tướng Việt Nam ký, ông Long nhận định:
“Theo tôi, thứ nhất nó khác nhau về cái tên, thêm chữ phòng thủ dân sự; thứ hai, chức năng nhiệm vụ của nó chỉ nâng cấp ông Chủ tịch ủy ban là ông Thủ tướng. Nòng cốt vẫn là lực lượng quân đội (là bộ tổng tham mưu, lực lượng thường trực) và công an. Tức vẫn là lực lượng vũ trang.
Có thể hiểu là với quyết định này thì ông Thủ tướng có thể gom các ủy ban đang có về một mối, thay người đứng đầu còn nhiệm vụ có vẻ trùng lặp.
Như vậy là thành lập thêm một cơ quan nữa mà nhiệm vụ có vẻ trùng lặp (chưa khẳng định). Nhân sự chắc chắn là phải thêm rồi. Thêm con dấu, thêm chữ ký, thêm biên chế, thêm người hưởng lương. Dân phải đóng thuế nuôi thêm."
Ông Long kết luận, ngay cả khi ông phó Thủ tướng làm chủ tịch một ủy ban thì họ cũng đã có đầy đủ thẩm quyền thay mặt Chính phủ điều hành các ban ngành, các bộ trưởng rồi. Đâu cần phải đến Thủ tướng!
Theo quyết định thành lập, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo ban chỉ huy phòng thủ dân sự của bộ, ngành trung ương và ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh.
Một số nhiệm vụ của ban này là xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch quốc gia, chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự, ứng phó thảm họa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; Chỉ đạo, hướng dẫn bộ, ngành trung ương, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự, ứng phó thảm họa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; Chỉ đạo, điều phối phòng thủ dân sự, khắc phục thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc; Quyết định các biện pháp cấp bách, huy động các nguồn lực của các bộ, ngành trung ương, tổ chức, cá nhân để phòng thủ dân sự, khắc phục thảm họa và tìm kiếm cứu nạn…
Với nhiệm vụ, chức năng của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia như vậy thì gần như trùng với nhiệm vụ của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Vậy tại sao phải thành lập thêm?
Phải chăng đây là hình thức các ông tránh né, dùng chữ “phòng thủ dân sự”, huy động toàn lực để phòng thủ đất nước trong trường hợp nếu có chiến tranh. - Trung tá Quân đội Đinh Đức Long
Trung tá Quân đội Đinh Đức Long dự đoán khả năng có thể:
“Phải chăng đây là hình thức các ông tránh né, dùng chữ “phòng thủ dân sự”, huy động toàn lực để phòng thủ đất nước trong trường hợp nếu có chiến tranh.
Dĩ nhiên trong hiến pháp quy định ông Thủ tướng có toàn quyền điều hành đất nước, nhưng nếu Thủ tướng tập hợp tất cả có quân đội, có công an, có cả hàng không dân dụng, có cả báo chí, truyền thông… thì liệu đây có phải là cách “trá hình” nhằm tập hợp lực lượng, tập dượt để phòng thủ đất nước? Khi có sự cố chỉ việc thay chỗ ‘dân sự’ thành ‘quân sự’ là xong?”
Trong tháng 6 và tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký một loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự cao cấp Bộ Quốc phòng. Bao gồm: Thiếu tướng Trần Minh Đức giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật; Thiếu tướng Lê Quang Minh giữ chức Chính ủy Tổng cục 2; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Dắt giữ chức Tư lệnh Quân khu 9; Thiếu tướng Nguyễn Huy Cảnh giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 1; Thiếu tướng Đặng Văn Hùng giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 7; Đại tá Nguyễn Đức Mạnh giữ chức vụ Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng giữ chức Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân;...
Ngoài ra, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Trung tướng Vũ Hải Sản và Phó đô đốc Hải quân Phạm Hoài Nam cũng được Thủ tướng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Như vậy Bộ Quốc phòng hiện có 9 Thứ trưởng.
Những động thái như thế dấy lên nghi vấn phải chăng Thủ tướng Việt Nam cần chuẩn bị nhân sự do tình hình ngày càng căng thẳng trên Biển Đông.

Không có nhận xét nào: