Kinh Dịch: Vợ chồng như hai cánh cửa, âm dương hòa hợp, trời đất mới yên bình
Tục ngữ có câu: “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới chung chăn gối”. Vợ chồng sống với nhau, tựa như hai cánh cửa của một ngôi nhà, âm dương giữa trời đất, nếu có thể thuận thì vạn sự hưng, không thuận thì sẽ mang đến tai họa.
Vợ chồng tựa như hai cánh cửa
Kinh Dịch nói: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo”, hai khí âm và dương tác động lẫn nhau là động lực thúc đẩy sự hình thành và chuyển hóa của vạn vật, như vậy mới gọi là đạo. Âm dương đại biểu cho nam và nữ, cũng đại biểu cho trời và đất, trời là dương, đất là âm.
Gia đình ở trong trời đất nên cũng có quan hệ với âm dương của trời đất. Mặt trời (Nhật – 日) đại biểu cho dương, mặt trăng (Nguyệt – 月) đại biểu cho âm, “Nhật Nguyệt” hợp lại tạo thành “Minh – 明” (sáng tỏ), nếu âm dương không hợp thì sẽ là “bất minh” (mờ mịt). Cho nên, vợ chồng âm dương hòa hợp mới có thể có tương lai tươi sáng. Đây chính là đạo vợ chồng.
Hai nửa cánh cửa nâng đỡ một ngôi nhà; nam nữ hai người, tổ hợp thành một gia đình
Kinh Dịch nói: “Hữu thiên địa nhiên hậu hữu vạn vật, hữu vạn vật nhiên hậu hữu nam nữ, hữu nam nữ nhiên hậu hữu phu phụ, hữu phu phụ nhiên hậu hữu phụ tử”. Tạm dịch: Có trời đất rồi mới có vạn vật, có vạn vật rồi mới có nam nữ, có nam nữ rồi mới có vợ chồng, có vợ chồng rồi mới có cha con.
Trong một gia đình, đàn ông là “thiên – trời”, luôn dịch chuyển mạnh mẽ, không ngừng vươn lên, cho nên đàn ông cần phải kiên cường, phải biết gánh vác. Phụ nữ là “địa – đất”, thế đất là quẻ Khôn, phải có đức dày để nâng đỡ vạn vật, cho nên nữ nhân cần bao dung, ôn nhu.
Người vợ càng có đức hạnh, con cái càng ưu tú, người chồng càng thành công. Một gia đình mà âm dương hòa hợp, thì cuộc sống mới hài hòa ấm áp, con cái mới trưởng thành khỏe mạnh.
Hai cánh cửa lớn nhỏ như nhau, hai con người cũng bình đẳng ngang hàng; hai cánh cửa lồi lõm khác nhau, hai người có quan điểm bất đồng
Đàn ông như núi, đàn bà như nước. Núi hứng lấy dương khí của bầu trời, nước hấp thu linh khí của mặt đất. Từ xưa đến nay, núi và nước gắn bó với nhau mới tạo nên một bức tranh mỹ lệ.
Núi xanh nước biếc luôn gắn bó chặt chẽ. Núi không có nước ắt mất đi sự thanh tú, nước không có núi thì không thể hiện được sự cuồn cuộn mênh mông. Thế giới vốn thần kỳ như vậy, vạn sự vạn vật chỉ có âm dương hòa hợp mới có thể tồn tại muôn đời.
Hai cánh cửa chỉ dùng một ổ khóa để đóng chặt lại; hai người chỉ một lòng mới gắn bó thân thiết
Kinh Dịch: “Gia nhân, nữ chính vị hồ nội, nam chính vị hồ ngoại. Nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã”. Ý nghĩa là: Trong gia đình, người vợ phải lo việc nội trợ, phải lo săn sóc, dạy dỗ con cái, trong khi người chồng có bổn phận phải đi ra ngoài để lo sinh kế. Vợ chồng ngay chính hợp đôi, như thế mới đúng với lẽ đất trời xưa nay.
Đàn ông là Càn (Thiên), chủ ngoại, dẫn dắt vợ nhưng không quản vợ; đàn bà là Khôn (Địa), chủ nội, trợ giúp chồng nhưng không làm phiền lụy chồng. Đàn ông giúp vợ hành đạo, đàn bà giúp chồng thành đức. Nếu có thế đạt đến điểm này, chính là âm dương cân bằng.
Hai cánh cửa chỉ có thể sơn một loại màu sắc nhìn mới đẹp; hai người phải một lòng mới không làm mất mặt nhau
Đàn ông cần làm gương chứ không phải đi quản chế phụ nữ. Đàn ông tượng trưng cho “trời”, vậy trời liệu có quản đất hay không? Trời tất nhiên không quản, mà lấy bản thân làm mẫu.
Đàn ông đảm nhiệm phần xương sống của gia đình, là ánh mặt trời nên vĩnh viễn phải phó xuất. Phụ nữ cần phải thích ứng trong mọi hoàn cảnh, có thể giàu nghèo, có thể cao thấp, như nước có thể dưỡng vạn vật, nhưng lại không cùng vạn vật tranh giành.
Hai cánh cửa lúc đóng lúc mở, sẽ phát ra những thanh âm chói tai; hai người ở với nhau lâu ngày, khó tránh khỏi những lúc va chạm
Một người đàn ông ở nhà vô cùng vui vẻ, có tu dưỡng tốt, cái này gọi là “trời trong”; người phụ nữ ở nhà hiền hòa nhu thuận, không cáu giận, cái này gọi là “đất tĩnh”. Nếu đàn ông nóng giận, đàn bà bức xúc, thì tức là trời âm u, đất xáo động.
Trời âm u mây mưa sẽ kéo về, sét đánh vang trời, mưa đá đổ xuống; đất không tĩnh tất địa chấn nổi lên, sóng biển cuộn trào. Cho nên, trời không trong đối với một gia đình là thương tổn, mà đất không tĩnh đối với gia đình chính là tai nạn.
Hai cánh cửa trải qua dầm mưa dãi nắng sẽ biến hình, lúc này cần sửa chữa, khiến cho chúng có thể ăn khớp lại với nhau; hai người trải qua những trắc trở sẽ có ngăn cách, lúc này là thời điểm cần thấu hiểu lẫn nhau, qua cơn mưa trời lại sáng
Vợ chồng ở chung với nhau một thời gian lâu thì những nhược điểm của bản thân sẽ dần dần bộc lộ. Nếu mỗi người tự biết kiểm điểm, tự hoàn thiện mình, giúp nhau tiến bộ thì là chính đạo; nếu chỉ biết oán trách nhau sẽ dần trở nên bất hòa, thậm chí cãi nhau đến long trời lở đất.
Gặp mưa to gió lớn, hai cánh cửa cần đồng thời đóng lại; gặp sự tình gian nan khốn khổ, hai người phải cùng nhau nỗ lực
Kinh Dịch nói: “Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim”, ý nghĩa rằng hai người đồng lòng thì sức mạnh sẽ giống như lưỡi dao sắc bén cắt đứt được kim loại. Đàn ông đối với phụ nữ là yêu thương, phụ nữ đối đàn ông là kính trọng. Vợ chồng là duyên, tu mười năm mới ngồi chung thuyền, tu trăm năm mới chung chăn gối. Lúc nào cũng phải ôm giữ tâm cảm ân, trân quý duyên phận, như vậy mới có thể cùng người nhà vui vẻ bên nhau.
Nghênh đón khách quý cần mở rộng hai cánh cửa; phát sinh sự kiện trọng đại, hai người cần mở rộng tấm lòng
Vợ chồng với nhau chính là một hành trình tu luyện dài nhất, gia đình chính là đạo tràng tốt nhất. Giữa hai người cần nói đến tình, bởi càng nói tình càng sâu đậm; chớ nên giảng lý, bởi càng giảng lý càng nhiều xa cách.
Vợ chồng với nhau, cần nhiều một chút lý giải, nhiều một chút bao dung, nhiều một chút săn sóc… mới có thể vui vẻ làm bạn cả đời.
Giữa vợ chồng mỗi ngày đều phải trao đổi, nên phải chú ý nghệ thuật nói chuyện, cần thẳng thắn, thành thật, nhiệt tình, gặp chuyện thì mở lòng cùng nhau thương lượng, như vậy mới giữ cho hạnh phúc được bền lâu.
Tuệ Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét