Rất nhiều nữ diễn viên múa quân đội đã bị lạm dụng bởi Giang Trạch Dân và những quan chức trong Đảng của ông ta
Trong nhiều thập kỷ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tuyển dụng một số lượng lớn những diễn viên cho cái gọi là “đoàn văn công”. Khi quân đội cộng sản mang bom đạn đến các chiến trường của cuộc nội chiến Trung Quốc, các đoàn [văn công] tuyên truyền này đã được Mao sử dụng để lôi kéo và thu phục trái tim và tâm trí của quần chúng nhân dân [Trung Quốc].
Nhưng các đoàn văn công đã từng là biểu tượng quan trọng của chế độ [Trung Quốc] giờ đã bị lún sâu trong tai tiếng. “Đội quân giải trí”, như nó thường được gọi, có dính líu tới tham nhũng, và các đoàn văn công với toàn là nữ giới, đã bị coi là nguồn ‘gái đẹp’ cho những cuộc hẹn hò bất chính với các sĩ quan quân đội và các quan chức của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
PLA là một tổ chức rất quyền lực ở Trung Quốc, và bởi vì các quan chức quân đội và các lãnh đạo Đảng không thuộc đối tượng chịu sự giám sát của phương tiện truyền thông, sự lạm dụng của họ, bao gồm việc đối xử với phụ nữ, vẫn là “điều bí mật ai cũng biết”. Các vấn đề như vậy được bàn tán và chấp nhận rộng rãi giữa những người dân Trung Quốc, nhưng thường thiếu những bằng chứng rõ ràng, không giống như trong các xã hội với những hệ thống tư pháp hoạt động có hiệu quả nếu xảy ra sự việc như vậy thì thường những bằng chứng sẽ bị lòi ra.
Kết quả là có rất nhiều các quan hệ như thế này được biết đến từ nhiều năm qua, nhưng thường lại có rất ít những thông tin chi tiết. Tuy nhiên, một người kỳ cựu trong một đoàn văn công PLA, giờ đây đã làm sáng tỏ về một trong những trường hợp nổi bật nhất, của một ca sĩ quân đội đã trở thành bồ nhí: Tống Tổ Anh, tình nhân của cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân.
Những bí mật của một người kỳ cựu
Mối quan hệ giữa Giang Trạch Dân và Tống Tổ Anh, một ca sĩ của Đoàn Ca Múa của hải quân [Trung Quốc], là đề tài cho những câu chuyện phiếm tình ái trên các báo tiếng Trung Quốc ở hải ngoại trong nhiều thập kỷ qua.
Phát biểu với Epoch Times, sử dụng bút danh Xiao Mei, một cựu binh của một đoàn văn công PLA cho biết, trong 5 năm làm trợ lý cho bà Tống, cô Xiao Mei đã được biết từ chính bà ca sĩ [Tống Tổ Anh] về khuynh hướng trụy lạc của Giang, cũng như các thông tin chi tiết về cách thức mà các đoàn nữ ca múa trong quân đội thường xuyên bị sử dụng để đáp ứng các nam sĩ quan cao cấp.
Cá nhân cựu binh này không thể nêu tên hoặc tiết lộ số năm phục vụ [trong quân ngũ] vì lý do an toàn cá nhân, khi xét thấy việc tiết lộ về các lãnh đạo Đảng ở Trung Quốc có thể sẽ bị trả thù.
“Nhiều nữ quân nhân trong các đoàn văn công của Hải quân và Quân khu Bắc Kinh phải được Giang Trạch Dân kiểm định”, cô Xiao Mei nói. “Điều này có nghĩa rằng các phụ tá quân đội gửi các bức ảnh của các cô gái đến văn phòng của Giang. Những ai mà Giang thấy bắt mắt, sẽ được triệu đến nơi ở của ông ta. Nếu một đêm là không đủ, Giang sẽ có được cô gái đó cho nhiều đêm tùy thích, cho đến khi Giang phát chán cô ấy”.
Cô Xiao Mei giải thích thêm về cách mà những người phụ nữ này bị phân phát cho những đồng minh chính trị của Giang, nếu như họ không được chính ông ta, lãnh đạo của ĐCSTQ, lựa chọn. “Các quan chức cấp cao này … sẽ chọn các nữ quân nhân, và lợi dụng họ để thỏa mãn thói dâm ô của mình,” cô Xiao Mei nói. Mặc dù những phụ nữ này có thể đến từ “gia đình tốt”, họ có rất ít tác dụng trong cơ cấu quân đội [Trung Quốc].
Rất nhiều phụ nữ lựa chọn rời bỏ quân ngũ với những khoản lớn ‘tiền đấm mõm’ [để im lặng] trong khi những người khác sẽ củng cố được quan hệ của mình, và trở thành lực lượng nòng cốt [trong quân đội]. “Người nào ăn nằm lâu dài với một quan chức cấp cao, có thể được thăng cấp từ trung úy lên thiếu tá hoặc thậm chí trung tá. Điều gì xảy ra đằng sau hậu trường hầu như không cần nhắc đến,” cô Xiao Mei cho biết.
Đằng sau sự nổi lên của một Ngôi sao
Tống Tổ Anh, cấp trên của cô Xiao Mei, đã có những bước tiến dài vững chắc trong đoàn ca múa của hải quân Trung Quốc, hiện đã dừng hoạt động. Nó đã khiến cho Tống Tổ Anh giành được chức danh “thiếu tướng hải quân”, bất chấp vai trò không tham gia chiến đấu của mình. Khắp nơi đồn đại rằng bà Tống có được chức vụ này vì là người tình của Giang.
“Cứ khi nào bà Tống nghe được tin về Giang, ánh mắt của bà có biểu hiện rất lạ”, Xiao Mei nói. “Dường như có những điều gì đó giữa họ mà không được tiết lộ”.
Tống Tổ Anh được cho là đã hút hồn Giang vào năm 1990 khi bà biểu diễn tại Gala Năm mới Trung Quốc, được phát sóng trên truyền hình nhà nước. Nhiều hơn bà Tống 40 tuổi, ông Giang đã được chụp ảnh khi nắm tay ca sĩ này thật chặt. Năm tiếp theo, Tống Tổ Anh đã được chuyển sang Đoàn Ca Múa thuộc Cục chính trị hải quân của PLA – một cơ quan mà Giang thường xuyên lui tới.
Trong 24 năm, Tống Tổ Anh luôn xuất hiện trong Gala hàng năm, giành được các giải thưởng và danh hiệu ở Trung Quốc và ở nước ngoài. Điều này trùng hợp với khoảng thời gian mà Giang Trạch Dân, và các tay chân của ông ta, đã có được sự chi phối chính trị trong ĐCSTQ.
Trong một sự kiện từ tháng 5 năm 2010, cô Xiao Mei nhớ lại việc bà Tống Tổ Anh được đón bởi một chiếc xe mang biển số Quân khu Bắc Kinh, ngay sau khi bà biểu diễn tại một buổi hòa nhạc cao cấp, được tổ chức tại sân vận động Thượng Hải.
Cô Xiao Mei là một người tốt nghiệp một học viện kịch có danh tiếng của Trung Quốc. Cô được tuyển dụng vào một trong các đoàn văn công của hải quân, nơi đây cô đã gặp gỡ và phục vụ cho bà Tống Tổ Anh. Điều này trở nên có ích mỗi khi cô Xiao Mei gặp phải “những kẻ dâm đãng trong quân đội” – Tống Tổ Anh sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình và họ sẽ phải để cô Xiao Mei được yên thân.
Có một lần, một nữ sĩ quan quen biết với cô Xiao Mei đã tìm cách bố trí cô gặp một quan chức cao cấp. Cảnh giác với những ý đồ của quan chức đó, cô Xiao Mei đã gọi cho bà Tống, và bà đã nói với cô rằng bà sẽ xử lý vấn đề này. Một giờ sau, nữ sĩ quan quay trở lại chỗ cô Xiao Mei, và giải thích rất nhiệt tình rằng không còn yêu cầu cô đến cuộc gặp nữa.
Lịch sử mờ ám
Cô Xiao Mei cho biết cô đã quyết định lên tiếng về những điều mình đã từng trải trong các đoàn văn công, nhằm tiết lộ những hiểm họa mà họ mang đến cho những người phụ nữ trẻ mà họ tuyển dụng.
Các cuộc tranh cãi đã bao quanh các đoàn văn công của PLA, thậm chí trước khi có tự do hóa nền kinh tế của Trung Quốc. Khi các đoàn văn công được thành lập theo lệnh của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong những năm 1930, như một phần của cánh quân cộng sản, nguyên soái Bành Đức Hoài đã chất vấn về quyết định chuyển những diễn viên gợi cảm ưa nhìn tới một cơ quan tập trung.
Nguyên soái Bành đã nói rằng có vẻ như “quá trình tuyển chọn cung tần mỹ nữ cho vua chúa” đã quay trở lại [Trung Quốc], theo một bản báo cáo của ông Lý Chí Thỏa, bác sĩ riêng của Mao.
Những lời chỉ trích chua cay này, ngoài những hành vi khác mà nguyên soái Bành đã làm Mao phật ý, có thể đã nói đúng tim đen [của Mao]. Theo hồi ký của bác sĩ riêng của Mao, Mao thường xuyên tìm kiếm các trinh nữ trẻ, đến từ các đoàn văn công, cho sở thích cá nhân của mình. Nguyên soái Bành đã bị hăm dọa trong những năm 1960, và đã qua đời vào năm 1974 như một kẻ bị ruồng bỏ chính trị.
Gần đây hơn, các đoàn văn công vẫn tiếp tục là đối tượng cho sự soi mói và đàm tiếu của công chúng, đặc biệt là trong thời gian bị ảnh hưởng chính trị của Giang Trạch Dân.
Tang Can, một ca sĩ của Quân khu Bắc Kinh, người giành được danh hiệu mơ hồ “hoa khôi quyến rũ của quân đội,” đã bất ngờ biến mất và không xuất hiện ra công chúng cho đến nay. Có đầy rẫy những suy đoán rằng cô đã dính líu vào một vụ tham nhũng lớn, bị điều tra bởi cơ quan kỷ luật nội bộ của ĐCSTQ hoặc cô là người tình của một hay nhiều quan chức cấp cao hay những sĩ quan quân đội, những người gần đây đã bị thanh trừng.
Vương Thủ Nghiệp (Wang Shouye), nguyên phó đô đốc hải quân PLA, đã có những quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ từ các đoàn văn công. Một trong số họ, được cho là đã có một đứa con ngoài giá thú với ông Vương, đã có mối bất hòa với ông, và cuối cùng đã khai báo ông Vương với các cơ quan chống tham nhũng. Ông Vương đã bị kết án trong năm 2006 vì việc biển thủ hơn 100 triệu Nhân dân tệ (khoảng 15 triệu USD).
Khi còn là một thiếu nữ, diễn viên Mỹ gốc Trung Quốc Bai Ling đã nói rằng khi cô được cử đến Tây Tạng cùng với [đoàn văn công] PLA, cô và các nữ diễn viên khác thường bị buộc phải uống rượu với các nam sĩ quan. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP vào năm 2011, cô cho biết đã bị hãm hiếp và buộc phải phá thai, và sau đó bị tống đến một bệnh viện tâm thần.
Chia sẻ bài viết này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét