Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Nhân chứng Gạc Ma và hơn 3 năm trong nhà tù Trung Quốc


Sau 27 năm, cựu binh Trương Văn Hiền mới gặp lại những người bạn tù từng cùng bị Trung Quốc bắt giữ sau trận thảm sát Gạc Ma năm 1988.

(TNO) Sau 27 năm, cựu binh Trương Văn Hiền mới gặp lại những người bạn tù từng cùng bị Trung Quốc bắt giữ sau trận thảm sát Gạc Ma năm 1988.

Nhân chứng Gạc Ma và hơn 3 năm trong nhà tù Trung Quốc - ảnh 1
Cựu binh Trương Văn Hiền (ngoài cùng bên phải) và đồng đội tại lễ cầu siêu 64 liệt sĩ Gạc Ma
Bị Trung Quốc bắt giữ
Cả cuộc đời mình, anh Hiền không thể quên được biến cố ngày 14.3.1988. Tròn 16 tuổi, chàng trai quê Hà Tĩnh tình nguyện vào quân ngũ. Hơn 20 tuổi, anh Hiền được đơn vị điều ra đảo Gạc Ma xây dựng, canh giữ đảo.
“Chiều 13.3.1988, tàu HQ - 604 chở công binh cập đảo Gạc Ma. Sáng 14.3.1988, khi một số anh em đang khảo sát đảo thì lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo, xả đạn vào nhóm công binh Việt Nam. Tàu HQ - 604 bị bắn chìm buộc tôi và một số anh em nhảy ra khỏi tàu”, anh Hiền nhớ lại.
Anh Hiền và đồng đội trôi dạt trên biển, đến chiều thì bị tàu Trung Quốc phát hiện, bắt giữ. Tổng cộng có 9 chiến sĩ Việt Nam bị Trung Quốc bắt. Sau khi vớt những người lính Việt Nam lên tàu, quân Trung Quốc dùng khăn bịt mắt rồi trói gông 2 người lại với nhau. Chín anh em bị quẳng vào nhà kho, máu chảy lênh láng khắp sàn tàu. Từ Gạc Ma, tàu Trung Quốc chở tù binh tới đảo Hải Nam. Ở đây, tù binh người Việt Nam bị chuyển sang một tàu khác để chuyển về nhà giam quân đội ở bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông (Trung Quốc).
“Khi pháo hạm Trung Quốc bắn chìm tàu HQ - 604, tôi bị thương rất nặng ở đầu, tay và chân nên bất tỉnh hoàn toàn lúc tàu Trung Quốc vớt lên. Suốt mấy ngày liền trên tàu Trung Quốc, mọi người không ăn uống gì. Vết thương cũng không được băng bó”, cựu binh Nguyễn Văn Thống nhớ lại.
Ở nhà giam Lôi Châu, người bị thương nặng được đưa vào trạm xá để “mổ sống” lấy mảnh đạn. Những người còn lại bị cách ly từng phòng riêng để phía Trung Quốc hỏi cung. Các câu hỏi chủ yếu tập trung vào vị trí trọng yếu của đảo ở Trường Sa, người chỉ huy đảo, về khí tài, quân số của Việt Nam, về thân nhân từng người… Tuy nhiên, Trung Quốc không khai thác được thông tin gì từ những người lính Việt.
Giam cầm hơn 3 năm 5 tháng
Cựu binh Lê Minh Thoa, quê ở Quy Nhơn (Bình Định), kể thời gian đầu bị bắt giam, mọi người phải lao động rất cực khổ, toàn làm công việc nặng nhọc. Mỗi người bị giam phòng riêng nhưng trong cùng một khu nên thường gặp nhau khi đi lao động. Sau một năm, khi tổ chức chữ thập đỏ quốc tế can thiệp, lính Trung Quốc mới đối xử tốt hơn với tù binh Việt Nam.
“Nhớ nhất là ngày tổ chức chữ thập đỏ quốc tế vào thăm. Mỗi người được viết 24 chữ gửi thư về cho gia đình. Anh em không ai bảo ai đều viết chung một dòng: “Con vẫn khỏe, mọi người ở nhà yên tâm”. Không biết sau đó thư có được chuyển về Việt Nam không nhưng chúng tôi không ai nhận được hồi âm”, anh Thoa nói.
Vào một chiều cuối tháng 8.1991, những người tù Việt Nam được trại gọi lên thiết đãi bữa “cơm tươi” ngon hơn ngày thường nhưng không cho biết lý do. Thường trong tù, bữa cơm thịnh soạn có thể là điều tốt nhưng cũng để báo hiệu điều không hay sẽ đến với người tù. Đêm hôm đó không ai ngủ được.
Nhân chứng Gạc Ma và hơn 3 năm trong nhà tù Trung Quốc - ảnh 2
Nhớ nhất là ngày tổ chức chữ thập đỏ quốc tế vào thăm. Mỗi người được viết 24 chữ gửi thư về cho gia đình. Anh em không ai bảo ai đều viết chung một dòng "Con vẫn khỏe. Mọi người ở nhà yên tâm
Nhân chứng Gạc Ma và hơn 3 năm trong nhà tù Trung Quốc - ảnh 3
Cựu binh Lê Minh Thoa
Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, lính trại đánh thức mọi người dậy sớm rồi đưa lên xe rời khỏi trại giam. Kẹp hai bên người tù là lính Trung Quốc được trang bị đầy đủ vũ khí. Lúc này mọi người vẫn chưa hiểu điều gì đang xảy ra. Tuy nhiên, khi xe chạy một đoạn, người chỉ huy cuộc áp tải rút giấy đọc lơ lớ tiếng Việt: “Hôm nay Chính phủ Trung Quốc phóng thích tù binh Việt Nam về nước”. Nghe xong, những người tù Việt Nam vẫn không tin bởi dù có lệnh phóng thích nhưng lúc này đây họ vẫn ở trên đất Trung Quốc.
Sau 3 ngày đêm, xe đến biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), khi thấy bên kia biên giới, đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam đứng đón, 9 người tù mới tin rằng mình đã được trở về quê hương thân yêu. Xuống xe, mọi người chỉ biết ôm nhau khóc sau quãng thời biệt biền bị giam cầm không biết ngày về. Tổng cộng, 9 chiến sĩ Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giam hơn 3 năm 5 tháng.
Hội ngộ sau nhiều năm xa cách
Về Việt Nam, ban đầu Bộ Quốc phòng sắp xếp để 9 người an dưỡng ở thị xã Bắc Giang trong vòng 2 tháng. Nhưng rồi mọi người nhớ nhà nên xin phép về thăm gia đình. Từ đây, mỗi người mỗi ngã. Anh Hiền về Hà Tĩnh, anh Thống về Quảng Bình, anh Thoa về Quy Nhơn…
Tại quê nhà, những người lính Gạc Ma lập gia đình, rồi bận rộn với cuộc sống mưu sinh nên bặt tin nhau một thời gian dài. Cho đến năm 2013, khi sự kiện Gạc Ma được báo chí nhắc nhiều, anh em có thông tin để kết nối với nhau.
Nhân chứng Gạc Ma và hơn 3 năm trong nhà tù Trung Quốc - ảnh 4
Các cựu tù và những người sống sót sau trận thảm sát Gạc Ma gặp lại nhau sau nhiều năm đứt liên lạc 
Thảm sát Gạc Ma không chỉ cướp đi người đồng đội yêu thương mà còn để lại nỗi đau trên thân thể các anh. Hơn một nửa trong số 9 người tù bị Trung Quốc bắt giam hiện là thương binh. Nặng nhất là thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thống khi bom đạn đã cướp đi của anh con mắt bên trái và một phần tay, chân. Sau khi xuất ngũ, anh Thống về quê Quảng Bình lấy vợ, rồi mở tiệm sửa chữa xe đạp. Những năm gần đây, vết thương khiến anh Thống không đủ sức khỏe bám trụ ở tiệm, đành ở nhà phụ giúp việc nhà cho vợ yên tâm đi chợ. Anh Hiền lên Đắc Lắc lập nghiệp và hiện là thợ xây dựng. Anh Thoa xuất ngũ về Quy Nhơn mở tiệm phở lấy tên Trường Sa như lưu giữ về những tháng ngày hào hùng giữ đảo.
Những ngày tháng 7.2015 cận kề dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ 27.7, những người tù Gạc Ma năm xưa được mời vô Sài Gòn dự lễ cầu siêu các liệt sĩ, chiến sĩ trận vong, trong đó có cả 64 đồng đội hy sinh tại đảo Gạc Ma năm nào. Đi cùng các anh còn có hai cựu binh sống sót sau vụ thảm sát là Phạm Xuân Trường, Lê Hữu Thảo, cùng vợ con của hai liệt sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Mậu Phong.
Gặp lại sau nhiều năm xa cách, bao nhiêu kí ức đau thương lại ùa về trong những người cựu tù Gạc Ma dũng cảm năm xưa như nhắc nhở về một biến cố không thể lãng quên của dân tộc.
Bài, ảnh: Trung Hiếu

Không có nhận xét nào: