QĐND - "Chủ nghĩa tư bản thân hữu" là thuật ngữ được dùng để mô tả một nền kinh tế mà trong đó thành quả kinh doanh phụ thuộc vào các mối quan hệ thân thiết giữa các doanh nhân và các quan chức chính quyền.
Bài 4: Tạo bệ phóng cho kinh tế tư nhân
Bài 3: Vai trò phù hợp cho doanh nghiệp nhà nước
Bài 2: Nhà nước kiến tạo phát triển tại Việt Nam
Bài 1: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những vấn đề đặt ra hiện nay
Nó được biểu hiện bằng cách cư xử thiên vị của chính quyền đối với các doanh nghiệp thân hữu trong việc cung cấp tài chính, giấy phép, các khoản miễn, giảm thuế và các hình thức can thiệp khác. Nó đang là một nguy cơ lớn đối với nước ta, đòi hỏi phải có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Sự nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản thân hữu và một số biểu hiện tại Việt Nam
Câu hỏi đặt ra là: Những biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam chúng ta hiện nay ra sao, nhất là khi đất nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn với thế giới, khi chúng ta vận hành đầy đủ các quy luật của nền kinh tế thị trường, được hưởng lợi từ những mặt tích cực và chịu thiệt hại từ những mặt tiêu cực. Trong đó, có những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường được tác động rõ từ những đặc thù của thể chế chính trị của đất nước ta.
Hiện nay, hầu hết giới doanh nghiệp tại Việt Nam đều hiểu rằng, xây dựng mối quan hệ với các quan chức là rất quan trọng để có thể làm ăn dễ dàng. Rất nhiều doanh nghiệp coi đây không chỉ là một sự cần thiết, mà còn là một cách đầu tư sinh lợi hiệu quả. Dự án đầu tư vào các quan chức bắt đầu từ việc tài trợ cho chuyện "chạy" chức, "chạy" quyền. Đây là mối quan hệ hai chiều: Các doanh nghiệp có thể xin phép được tài trợ, mà các quan chức cũng có thể kêu gọi tài trợ. Có nói hay không thì cả hai bên đều hiểu cam kết bất thành văn ở đây: “Giúp anh thành công thì anh mới có điều kiện hỗ trợ”; “...Lên được mới tạo điều kiện được...”. Đây có lẽ đang là cách phổ biến nhất hình thành nên hệ thống các doanh nghiệp "sân sau", doanh nghiệp thân hữu. Nhiều doanh nghiệp còn tấn công qua "cửa sau" là vợ, con của quan chức để tạo sự thân tình, được hưởng mối quan hệ thân hữu.
Mặt khác, quan hệ thân hữu còn được hình thành theo cách tự nhiên nữa là người nhà của cán bộ đứng ra thành lập doanh nghiệp. Họ kinh doanh nhờ mối quan hệ mà không cần phải đầu tư trí, lực. Những doanh nghiệp này chẳng cần nhiều vốn, chẳng cần nhiều kiến thức, kỹ năng kinh doanh, chỉ cần đón lõng và hiểu "phép chia" đối với công lao những người giúp mình có được dự án là thành công. Với những biểu hiện cụ thể như vậy, nền kinh tế của chúng ta có phải bị chi phối bởi chủ nghĩa tư bản thân hữu không?
Cần tiếp tục có giải pháp để người dân ở mọi vùng, miền đều được hưởng thành quả của phát triển kinh tế đất nước. Trong ảnh: Giờ lên lớp của cô và trò Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY
Cách làm ăn dựa vào quan hệ thân hữu đang để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho đất nước, đồng thời sẽ còn tiếp tục tạo ra những nguy cơ, những rủi ro chưa thể lường hết.
Trước hết, nó làm cho môi trường kinh doanh bị hủy hoại nghiêm trọng. Chính phủ thời gian qua đã cố gắng rất nhiều trong việc thúc đẩy cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng cải cách hành chính sẽ làm được gì khi "đầu tư cho quan hệ" đang chi phối. Không ít doanh nghiệp phàn nàn rằng, ở một vài địa phương, việc gia nhập thị trường gần như là không thể đối với các doanh nghiệp không nằm trong nhóm thân hữu hoặc ở địa phương khác đến. Các doanh nghiệp như vậy sẽ khó có được các hợp đồng, dự án, chi phí kinh doanh luôn bị đội lên, không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị phá sản. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp thân hữu lại tận dụng được cơ hội nhờ được ưu tiên, ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực của đất nước bao gồm đất đai, tài nguyên, tiếp cận hợp đồng, thương quyền. Quan chức cũng hưởng lợi nhờ mối quan hệ này. Nạn hối lộ và tham nhũng cũng sinh ra từ đây.
Thứ hai, cạnh tranh lành mạnh như là một động lực thúc đẩy phát triển hoàn toàn bị triệt tiêu. Đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hay áp dụng các phương thức quản lý tốt nhất để hạ giá thành sản phẩm không quan trọng bằng việc đầu tư để có các mối quan hệ thân hữu với các cán bộ quản lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao các doanh nghiệp ở Việt Nam ít đầu tư vào khoa học-công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh dẫn đến hệ quả là năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế nước ta cũng rất thấp.
Thứ ba, bất công và bất bình xã hội đang bị tích tụ lại ngày một nhiều hơn. Nếu mọi cơ hội đều do một nhóm thâu tóm thì sẽ còn lại gì cho những người làm ăn chân chính? Điều này đi ngược với những giá trị về bình đẳng và công bằng xã hội mà chúng ta đang dày công xây dựng. Nó cũng dẫn đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực công vì lợi ích tư.
Thứ tư, vì những mục đích của nhóm thân hữu mà những cán bộ có quyền có thể quyết định cả những việc đi ngược lại lợi ích quốc gia, hủy hoại môi trường.
Do đó, đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu là rất quan trọng đối với sự tồn vong của chế độ. Chính chủ nghĩa tư bản thân hữu đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 làm cho xã hội ở Thái Lan bị mất ổn định nghiêm trọng, còn chính quyền ở In-đô-nê-xi-a thì sụp đổ. Với mô hình thể chế ở ta, việc xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả là rất quan trọng, nó giúp kiểm soát được sự chi phối của "lợi ích nhóm", bảo đảm công bằng xã hội, cân đối được các nguồn lực và tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế có môi trường, điều kiện phát triển như nhau. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai hóa và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với “lợi ích nhóm”-một cách gọi khác của chủ nghĩa tư bản thân hữu tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI). Trong thời gian qua, bằng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, việc chống chủ nghĩa tư bản thân hữu dường như đã được phát động thành một “cuộc chiến”. Liên tiếp các vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí là cách chức. Cùng với đó, quy định về 19 điều đảng viên không được làm đã được hoàn thiện hơn, cụ thể hơn, trong đó đã nghiêm cấm cán bộ để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, nhận những dự án ở mảng lĩnh vực mình đang phụ trách để trục lợi; 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng-chính trị, đạo đức-lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng đã được chỉ rõ. Điều này cho thấy quyết tâm và hành động ngày càng quyết liệt của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ.
Làm gì để ngăn chặn sự xâm lấn của chủ nghĩa tư bản thân hữu?
Để chống những biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu, giữ vững định hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang theo đuổi, có lẽ cần phải lưu ý đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, phải có cơ chế để khống chế quyền lực. Mà cơ chế để khống chế quyền lực có hiệu quả nhất là thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch để người dân có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; khắc phục sự thiếu minh bạch trong chính sách, thông tin và cả trong hệ tiêu chí đánh giá, đo lường chất lượng, hiệu quả đầu tư; tăng yêu cầu giải trình, sự phản biện và giám sát xã hội. Đồng thời, cần vận hành hiệu quả Luật Đầu tư công và làm rõ quyền tự chủ địa phương với yêu cầu quản lý nhà nước tập trung, thống nhất (đặc biệt là trong quy hoạch tổng thể chung và quản lý nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường).
Thứ hai, cần xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh, đồng thời nỗ lực cải cách hành chính. Pháp luật là tối cao, rõ ràng, đồng bộ và nhất quán, đồng thời mang tính hiện đại, theo kịp trình độ phát triển luật pháp, thông lệ quốc tế. Các thủ tục hành chính phải đơn giản hóa, công khai, công bằng, thống nhất, nhanh chóng và trực tiếp. Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn trong hệ thống cơ quan hành chính phải gắn liền với tăng cường trách nhiệm trực tiếp và cuối cùng. Bảo đảm mọi tài sản xã hội, mọi luật định, mọi công việc nhà nước đều có người chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm hình sự cụ thể, rõ ràng.
Kiểm soát chặt việc tự vay, tự trả của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các địa phương và cả khu vực tư nhân liên kết với các DNNN hay bảo lãnh của Nhà nước. Công khai, minh bạch đầu tư công và các số liệu của các DNNN để có giám sát từ cộng đồng, cùng phối hợp với giám sát của cơ quan nhà nước. Cần công khai việc công bố các dự thảo và văn bản chính thức luật lệ, quy định có liên quan đến người dân để nhân dân có thể đóng góp, hiểu rõ và thi hành đúng. Cần thi hành hệ thống thông tin điện tử thống nhất, dễ tra cứu về các thu, chi liên quan đến thu, chi ngân sách và đầu tư công trên internet để có thể theo dõi, giám sát.
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác thông tin. Chưa bao giờ yếu tố thông tin và lòng tin, nhất là trong khu vực kinh tế tư nhân và thị trường tài chính lại có vai trò nhạy cảm, quan trọng như hiện nay, cả trong phát triển, quản lý kinh tế. Trên cấp độ quốc gia, khi tình trạng các thông tin bất đối xứng, bị hạn chế, chậm trễ, thiếu thốn và thiếu chính xác càng nặng nề và phổ biến, thì căn bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ càng trầm trọng, kéo dài. Vì vậy, cần tăng cường và thể chế hóa các phát ngôn, cung cấp thông tin chính thức có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao định kỳ, không định kỳ của các cơ quan, đại diện nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan; bảo đảm các biến động chính sách phải tường minh và có thể dự báo được trong xu hướng ổn định, nhất quán, phù hợp các nguyên tắc kinh tế thị trường và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới cũng như các tín hiệu thị trường khách quan.
Thứ tư, cần đổi mới công tác cán bộ theo hướng đề cao quy chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu; khắc phục tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình hình thức nhưng không bảo đảm chất lượng cán bộ; coi trọng phát hiện, đào tạo, sử dụng và tôn vinh người tài, đặc biệt là đối với những người đứng đầu đủ tâm và đủ tầm gánh vác trọng trách; kiên quyết chống những biểu hiện tham nhũng trong công tác cán bộ cũng như thường xuyên phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản phát triển; cần thường xuyên luân chuyển cán bộ, tái lựa chọn cán bộ, tránh để một cán bộ tồn tại ở một vị trí quá lâu.
Thứ năm, chủ động và không ngừng hoàn thiện cơ sở lý luận đường lối, pháp luật, nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đề án xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội theo yêu cầu phát triển bền vững. Nên xem xét cẩn trọng tính hợp lý của các quy hoạch, bởi có thể lẩn khuất trong đó những lợi ích nhóm, gây thiệt hại cho cộng đồng, cho đất nước.
Thứ sáu, coi trọng các nhân tố chất lượng và yêu cầu phát triển bền vững. Cần đa dạng hóa các phương thức huy động và đầu tư (BOT, BT, PPP...); tích cực thu hồi, “bóc tách” và thương mại hóa những tài sản đất đai và bất động sản cùng các tài nguyên công cộng khác trên địa bàn bị chiếm hữu trái phép, sử dụng sai mục đích, quá tiêu chuẩn hoặc không hiệu quả… để đưa vào thị trường vốn.
Do lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị từ việc cố kết với nhau giữa các cá nhân có tiền, có quyền trong xã hội, nên việc "hóa giải" những cản trở cho phát triển đất nước là điều không hề đơn giản. Vấn đề là chúng ta có thật sự quyết tâm, từ đó có những giải pháp phù hợp, thực hiện quyết liệt để chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu vì sự tồn vong của chính chúng ta hay không. Chống chủ nghĩa tư bản thân hữu, chống "lợi ích nhóm" là để kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện đúng tính chất của nó. Đó là phát triển kinh tế theo quy luật của kinh tế thị trường-một thành tựu của nhân loại, đồng thời thành quả của phát triển được phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay để tiến tới đạt được mục tiêu lớn của chủ nghĩa xã hội là xây dựng một xã hội phát triển và hạnh phúc.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG, TS NGUYỄN MINH PHONG, HOÀNG GIA MINH, HỒ QUANG PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét