Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Chủ tịch nước giải thích nguyên nhân chưa thông qua Luật Biểu tình


Nguyễn Cường




Tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3, 4 (TP.HCM) ngày 26/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Luật Biểu tình rất được coi trọng, nhưng vì chất lượng của dự án luật nên đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị, tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước.
Chủ tịch nước trao đổi với lãnh đạo TP.HCM sau buổi tiếp xúc.
Tại phần chất vấn, cử tri Lê Minh Số cho rằng hiện nước ta luật nhiều nhưng chưa đủ. Tuy nhiên do không thể xử lý cùng một lúc nên phải nghiên cứu luật nào làm trước, luật nào làm sau.
Ông cũng bày tỏ ý muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Biểu tình để tránh những “bùng nhùng” như thời gian qua.
“Chúng tôi mong từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh. Đề nghị Quốc hội sớm bổ sung vào chương trình làm việc” – ông nói.
Tiếp tục, cử tri Số cho rằng Luật Phòng chống tham nhũng còn nhiều kẽ hở nên nhiều người lợi dụng để lách luật khiến cơ quan chức năng không thể xử phạt. Theo ông cần sửa đổi để chặt chẽ và có tính hiệu lực cao hơn.
Trong khi đó cử tri Lê Thanh Tùng đề nghị chú ý đến Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và nêu ý kiến rằng cần duy trì hình thức xem xét cả những đơn thư nặc danh.
Trong buổi làm việc này nhiều cử tri còn đề cập đến Luật Đất đai, chương trình bảo vệ nhân chứng.
Các cử tri tham dự hội nghị.
Trả lời ý kiến các cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Chúng ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, chúng ta quản lý nhà nước, xã hội bằng pháp luật, với tinh thần thượng tôn pháp luật. Chính vì thế chúng ta phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực”.
Do đó theo ông, chương trình xây dựng các dự án luật đặt ra cho các ĐBQH trong nhiệm kỳ này rất nặng nề, bởi rất nhiều lĩnh vực hiện vẫn đang được điều chỉnh bằng pháp lệnh, nghị định.
“Tiến tới tất cả phải điều chỉnh bằng luật nên chương trình xây dựng cũng phải căn cứ vào những hoạt động của từng nhiệm kỳ cho phù hợp. Tránh đề ra nhiều quá mà xây dựng không đảm bảo chất lượng thì quá trình thực thi sẽ bị ảnh hưởng” – ông nói.
Về Luật biểu tình, Chủ tịch nước cho biết dù đã đưa vào chương trình nghị sự từ nhiệm kỳ trước, thậm chí đã giao cho các cơ quan chức năng thành lập ban soạn thảo, nhưng trong quá trình xây dựng vẫn còn nhiều mặt chưa được xem xét.
“Đây là một đạo luật lớn, có liên quan đến rất nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề nhạy cảm mà chúng ta chưa có kinh nghiệm, nên cơ quan soạn thảo dù tích cực chuẩn bị nhưng đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để trình ra Quốc hội thông qua”.
“Trong khi đó Quốc hội cũng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn chương nghiên cứu, hoàn thiện để sớm trình ra cho Quốc hội xem xét thông qua vào những kỳ họp tiếp theo” – Chủ tịch nước lý giải.
“Chúng ta rất coi trọng việc này, nhưng vì chất lượng của dự án luật nên đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị, tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước rồi lấy thêm ý kiến của nhân dân và hoàn thiện” – ông nói thêm.
Chủ tịch nước: "Luật Đất đai là luật rất quan trọng”
Ngoài ra theo Chủ tịch nước, trong các kỳ họp tới Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Đất đai – một bộ luật theo ông là “rất quan trọng”.
“Hiện nay có nhiều vấn đề liên quan đến các vụ tranh chấp, khiếu kiện từ đất đai, các vụ tiêu cực, tham nhũng, cổ phần hóa doanh doanh nghiệp cũng từ đất đai. Chính vì thế vấn đề đặt ra là phải sớm sửa đổi bổ sung bộ luật này” – ông nhấn mạnh.
Với ý kiến về đơn thư nặc danh, Chủ tịch nước nhận định đây là vấn đề có hai mặt.
“Có người sợ bị trả thù nên không dám ký tên, nhưng cũng có hiện tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để gây rối nội bộ, bôi nhọ cá nhân bằng cách viết đơn thư không đúng sự thật”.
“Chính vì thế trước đây dù về nguyên tắc là không xem xét, nhưng trong thực tế những đơn thư có thể xếp vào nặc danh nhưng ghi rõ vụ việc thì các cơ quan chức năng vẫn xem xét để nắm tình hình, nếu thấy rằng sự việc đúng như thế thì vẫn vào cuộc xử lý” – Chủ tịch nước khẳng định.
Người đứng đầu nhà nước còn chia sẻ rằng: “Quan điểm nhất quán là phải bảo vệ những người tố cáo, đồng thời cũng khuyến khích mọi người phải đề cao trách nhiệm công dân, dũng cảm nói lên sự thật, không nên dùng hình thức nặc danh để làm khó cơ quan chức năng”.
( Infonet)

Không có nhận xét nào: