Theo kết quả rò rỉ thông tin từ Văn phòng Trung ương Đảng CSVN, chiều ngày 10/5 Tổng bí thư cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì điều hành thông qua danh sách phương án nhân sự Bộ Chính trị và phương án điều chỉnh nhân sự thay thế ông Đinh La Thăng vừa bị kỷ luật cảnh cáo, buộc loại ra khỏi Bộ chính trị. Có nhiều phương án để ông Trong phải điều chỉnh cho một số vị trí ở một số Bộ, và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đây là các phương án đã được họp bàn:
Phương án 1: Ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ về thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm vị trí Bí thư thành ủy Sài Gòn. Muốn về làm Bí thư thành uỷ Hồ thành thì phải có vây cánh. Ba Đình có câu "tiến vi Bộ, thoái vi Ban, lỡ cỡ lang thang thì về Quốc hội". Các bạn thử xem ông Nguyễn Thiện Nhân đang ngồi ở vị trí nào? Không Đảng, không Chính phủ, không Quốc hội. Vương Đình Huệ, Hoàng Trung Hải, Võ Văn Thưởng, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Thị Kim Ngân và đáng lẽ là Đinh La Thăng sẽ là ứng cử viên bộ 4 sắp tới. Nay anh Thăng đi rồi nếu Nguyễn Thiện Nhân về Hồ Thành sẽ khiến đường vào bộ 4 của 5 con người kia hẹp lại vì ông Nhân có thể sẽ vút cái lên Chủ tịch nước.
Thiện Nhân thế đang yếu với cái Mặt trận Tổ quốc "good for nothing" của mình. Good for nothing thì điểm credit ít. Không đời nào ai muốn một con người có chút tiềm năng nhưng hom hem chính trị này đe doạ tương lai của mình.
Mặt trận Tổ quốc là cái sọt rác của chế độ. Xưa anh Ba Dũng gạt Bá Thanh khỏi BCT bằng cách đưa Nguyễn Thiện Nhân vào, rồi đá Nguyễn Thiện Nhân sang Mặt trận để rằn mặt Bá Thanh "đừng xấc", vào BCT còn chưa ăn ai, huống hồ ở ngoài.
Ai dại lôi Nhân ra khỏi cái sọt rác Mặt trận để đặt y lên ghế cạnh tranh ghế Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch nước với mình?
Chính trường Việt Nam tuân theo logic lợi ích như thế chứ không phải lợi ích Hồ Thành. Đây cũng là tư duy chuyên môn của Ban Tổ chức Trung ương mà không có trường đại học nào dạy.
Phương án 2: Bà Tòng Thị Phóng về sẽ được nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tin yêu, giải quyết được mâu thuẫn 2 phụ nữ quyền lực ở trong Quốc hội, giữ gìn được tình chị em ở chốn cấp cao, nào chị Ngân ở Quốc hội, chị Phóng ở thành uỷ Hồ Thành, nào chị Mai ở Ban Dân vận, rồi chị Quyết Tâm ở Hội đồng Nhân dân tp. Hồ Chí Minh, đâu có đó, 4 nữ lãnh đạo ở 4 lãnh địa riêng biệt và không đe doạ ghế 4 trụ của ai, bể yên sóng lặng trong khi chính sách của Đảng và nhà nước là ưu tiên "ổn định chính trị".
Nhân dân Hồ Thành chuẩn bị đón chị Phóng về, đừng cự nự nữa. Chị Phóng nhớ miền nam nỗi nhớ nhà, miền nam nhớ chị nỗi mong mama. Mà người miền nam hay líu lưỡi hay nói lái. Khi gặp chị Tòng Thị Phóng thì phải đọc tên cho rõ, đừng đọc lầm thành Phòng Thị Tóng mà mất mạng. Rồi thành phố Hồ Chí Minh sẽ thân thiết với Sơn La. Tết này Nguyễn Thành Phong không vượt cao nguyên đá Mộc Châu mới lạ. Thú thật là mình từng đến thăm chị ở miền sơn cước ấy. Nơi ấy là quê hương của chiếc khăn piêu, của điệu múa Thái, của quê hương cách mạng Việt - Lào, nơi ấy con người chân thật, thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành...thích mê. Nơi ấy hoa mận, hoa đào đẹp lắm.
Nói chung thành uỷ Hồ Thành tập nhóm lửa thổi khèn, múa khèn đi là được rồi. Các em gái Sài Gòn cũng nên tập vấn khăn piêu đi.
Phương án 3: Ông Trương Hòa Bình, hiện đang nắm chức Phó Thủ tướng Thường trực, đang được vận động để vào thành phố Hồ Chí Minh giữ chức Bí thư thành ủy. Tuy nhiên, hiện Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vẫn chưa đồng ý nhận nhiệm vụ này. Cũng theo các nguồn tin nội bộ, trái với những dự đoán sau Đại hội đảng XII, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục giữ chức Tổng bí thư, chứ không về nghỉ hưu giữa nhiệm kỳ. Về tiểu sử cá nhân, khác với trường hợp của ông Đinh La Thăng - xuất thân từ miền Bắc; ông Trương Hòa Bình, 62 tuổi, quê quán Long An. Và cũng khác với ông Đinh La Thăng, ông Trương Hòa Bình trưởng thành từ ngành công an. Từng có thời gian dài giữ chức Cục phó Cục A25 Bộ Công an đặt trụ sở tại thành phố HCM. Năm 2005 ông Trương Hòa Bình được điều ra Hà Nội, giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng của Bộ Công an. Đến Năm 2006, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Giữa năm 2007, ông được bầu giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Tại Đại hội đảng lần thứ 12, ông Trương Hòa Bình được bầu vào Bộ Chính Trị, giữ chức Phó thủ tướng thường trực.
Phương án 4: Ông Võ Văn Thưởng với bằng cấp cao về lý luận đảng thì ngồi ghế trưởng ban tuyên giáo là phù hợp. Nhưng cũng khó cho ông vì ông không phải người bảo thủ giáo điều. Đưa ông ra trung ương ngồi vào ghế đó thì đảng có 2 cái lợi. Một là đẩy ông vào thế phải cùng phái bảo thủ “giữ bình” nếu ông còn muốn tiếp tục con đường chính trị, hai là cách ly thành ủy Sài Gòn khỏi ảnh hưởng của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi cũng thật sự khen bước đi này của đảng, một ná hai chim.
Đảng có thể vui nhưng tôi nghĩ ông Thưởng không vui, và có lẽ ông Thưởng càng không vui hơn nữa khi có vị phó tướng là bộ trưởng bộ thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn. Tôi nhớ năm 2015, tôi đã bật cười khi có tờ báo lề phải đăng 1 phát biểu của ông Tuấn mang hàm ý “tình hình Biển Đông phức tạp là do sự can dự của Mỹ”. Với một phó tướng “bảo hoàng hơn vua” như thế, e rằng ông Thưởng dù là cấp trưởng nhưng chắc cũng không dễ chịu gì. Cũng chính vì ban tuyên giáo có 2 vị trưởng phó mang đặc điểm khác nhau như thế, nên dạo này truyền thông lề phải hay bị giật cục với chuyện hôm nay rẽ trái thì mai rẽ phải, rồi đăng lên tháo xuống, đính chính tới lui. Là một công dân của thành phố Sài Gòn, dĩ nhiên tôi mong ông Thưởng quay về làm bí thư thành ủy thì nó tốt cho Sài Gòn lúc này, nhưng trên tầm nhìn quốc gia thì tôi lại nghĩ ông Thưởng cứ ở vị trí hiện nay thì hay hơn cả. Khi nhân dân cả nước đã quá mệt mỏi với những giáo điều bảo thủ, nói nhiều làm ít, thì tôi và nhiều người khác hi vọng cái loa của đảng là ban tuyên giáo có một lãnh đạo nói sự thật, nói thiết thực, biết coi trọng tiếng nói của nhân dân và nói ít làm nhiều. Nếu ông Trần Đại Quang muốn tiếp tục con đường đổi mới và hợp tác Việt- Mỹ, ông Quang cần ủng hộ ông Thưởng cải cách quan điểm tuyên truyền của ban tuyên giáo hơn là đưa ông Thưởng về lại Sài Gòn làm bí thư thành ủy. Song song đó là tạo điều kiện cho ông Thưởng được chứng tỏ cái tâm và tầm của ông Thưởng trong việc thúc đẩy đảng tiến hành đổi mới 2. Đổi mới 2 là đổi mới chính trị nên một trong những nơi phải đột phá đầu tiên là lý luận tuyên truyền và phát huy dân chủ- tự do trong nội dung truyền thông. Có một điều thú vị là khi tôi nhìn hình ông Võ Văn Thưởng hiện nay, tôi thấy có nhiều nét giống với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông Kiệt còn ở lứa tuổi 45 năm xưa.
Ngoài ra theo nguồn tin mới nhất trên mạng mà chưa thể kiểm chứng cho biết sau khi kỷ luật “thành trì” Đinh La Thăng, cung đường của nhóm Tổng bí thư Trọng dẫn thẳng đến nhà cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ mở rộng hẳn. Rộng thênh thang. Không biết trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, này ông Dũng nghĩ gì và có kế sách ứng phó ra sao?
Nguyễn An Dân
(Tin Lề Dân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét