Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư khai mạc Hội nghị Trung ương 5; Ông Phạm Thế Duyệt ngợi ca hành động của Trung ương XII...

Thứ 6, 15:10, 05/05/2017

VOV.VN - Sáng 5/5, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị. VOV trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
toan van phat bieu cua tong bi thu khai mac hoi nghi trung uong 5  hinh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XII
"Thưa các đồng chí Trung ương, 
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị, 
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, hôm nay Ban Chấp hành Trung ương bắt đầu họp Hội nghị lần thứ năm để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xem xét thi hành kỷ luật cán bộ; và một số vấn đề quan trọng khác. 
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các đại biểu khách mời đã về dự Hội nghị và xin gửi tới các đồng chí lời chúc tốt đẹp nhất. 
Thưa các đồng chí, 
Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần này, ngay từ tháng 10/2016, Ban Bí thư đã thành lập các ban chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết, xây dựng các đề án, báo cáo về các nội dung nêu trên để báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét, quyết định.
Các ban chỉ đạo đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, các nghị quyết Đại hội Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tình hình thực tiễn của đất nước, khu vực và thế giới để tiến hành tổng kết, nghiên cứu, xây dựng các đề án, tờ trình, dự thảo các nghị quyết trình Trung ương. Bộ Chính trị đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện các báo cáo, đề án nêu trên.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng Báo cáo trình Hội nghị Trung ương lần này. 
Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi các tài liệu để các đồng chí nghiên cứu trước. Sau đây, tôi xin phát biểu lưu ý thêm một số khía cạnh có liên quan đến nội dung của các đề án, báo cáo, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.

1- Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa 
Trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn xác định đổi mới, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, trong đó cốt lõi là tập trung ưu tiên đổi mới tư duy kinh tế, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển; coi đây là công việc thường xuyên, liên tục. 
Trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X "Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh... 
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, hiện vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, đặc biệt là: Kinh tế phát triển chưa thật sự nhanh và bền vững như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể chậm đổi mới và phát triển; kinh tế tư nhân phát triển chưa thật nhanh, bền vững và lành mạnh.
Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả. Việc tiếp cận các nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao và việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền sở hữu tài sản, nhất là quyền của người góp vốn chưa được bảo đảm thực thi đầy đủ. Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự theo nguyên tắc thị trường. Hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả chưa cao; việc tự do hóa thương mại, đầu tư trong một số thị trường, lĩnh vực chưa sát hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế... 
toan van phat bieu cua tong bi thu khai mac hoi nghi trung uong 5  hinh 2
Các đại biểu dự Hội nghị
Nhiệm vụ của Hội nghị chúng ta lần này là trên cơ sở quán triệt thật sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kế thừa, bổ sung phát triển Nghị quyết Trung ương 6 khóa X, ban hành một nghị quyết mới của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị tập trung nghiên cứu tài liệu, thảo luận thật kỹ, cho nhiều ý kiến đóng góp, tạo sự thống nhất cao về những nhận định, đánh giá tình hình, nhất là những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân.
Từ đó đi sâu phân tích, đánh giá về sự đúng đắn, phù hợp của mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những chủ trương, giải pháp chủ yếu tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời gian tới. Tập trung vào những điểm mới cụ thể hóa về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; đặc biệt là về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, nhất là những nhiệm vụ và giải pháp có tính đột phá, góp phần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế liên quan đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ khóa XII. 
2- Về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước 
Đây là vấn đề lớn, khó và phức tạp. Đảng và Nhà nước ta đã bàn nhiều lần, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển doanh nghiệp nhà nước, và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và đến thời điểm tháng 10/2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.
Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân… 
Có một câu hỏi lớn đặt ra cần được giải đáp thấu đáo là: Vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Phải chăng nguyên nhân chủ yếu là do: Chưa xác định rõ ràng, đúng đắn chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chức năng, nhiệm vụ chính trị - xã hội của doanh nghiệp nhà nước; chưa có chuẩn mực trong hạch toán kinh doanh đúng đắn và phù hợp với doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hoá thông thường với sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích.
Việc quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế. Thể chế quản lý, kiểm tra, giám sát về đầu tư và tài chính đối với doanh nghiệp, nhất là về bảo lãnh vốn vay, định giá đất đai, tài sản hữu hình, vô hình còn nhiều bất cập.
Công tác cán bộ, chính sách tiền lương của doanh nghiệp chưa phù hợp với cơ chế thị trường; quyền hạn và trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp chưa đủ rõ. Việc tách chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện chậm.
Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp còn bất cập, dễ bị lợi dụng để trục lợi; tham nhũng, tiêu cực. Việc đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. 
Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng những vấn đề nêu trên, cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có tính đột phá trong thời gian tới. Tập trung thảo luận, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề Bộ Chính trị xin ý kiến Trung ương như nêu trong Tờ trình, bao gồm: Khái niệm và vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; xây dựng mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước lớn; phương án đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của tổ chức đảng và công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước; sự cần thiết phải ban hành một nghị quyết mới của Trung ương để tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới… 
toan van phat bieu cua tong bi thu khai mac hoi nghi trung uong 5  hinh 3
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XII
3- Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân 
Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân" đã được xây dựng, biên tập, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở các báo cáo tổng kết và ý kiến đóng góp của hầu hết các ban, bộ, ngành và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; kế thừa kết quả tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới; tham vấn ý kiến các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. 
Qua tổng kết cho thấy, trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn.
Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội. Tỉ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39% - 40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể.
Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động thiếu ổn định, bền vững, thậm chí bị thua lỗ, giải thể, phá sản. Tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không quan tâm bảo đảm lợi ích của người lao động diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng. 
Đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự hội nghị xuất phát từ thực tiễn, thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Từ đó, bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 
4- Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng 
Thực hiện Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong tháng 3/2017, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 7 ngày để tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 
Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã được thực hiện bài bản, theo từng bước hợp lý. Các báo cáo kiểm điểm đều chuẩn bị đúng hướng dẫn. Không khí kiểm điểm dân chủ, đoàn kết, thẳng thắn, chân tình. Các đồng chí được góp ý đã tiếp thu nghiêm túc, cầu thị, coi đây như là cơ hội quý để học tập, chia sẻ lẫn nhau. Trong quá trình kiểm điểm, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã liên hệ đến trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực được phân công, thấy rõ những ưu điểm để phát huy, nhận ra những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục. 
Qua kiểm điểm tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Năm 2016, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp; tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, có một số vấn đề phức tạp mới nảy sinh (như sự cố ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung, tình trạng khô hạn gay gắt ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long,...).
Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn vững vàng, đoàn kết, kiên định và sáng tạo, có các quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đối nội và đối ngoại, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, hoan nghênh, bạn bè thế giới đánh giá cao.
Cụ thể là: Ngay sau thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đã lãnh đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - ­2021. Nhanh chóng kiện toàn tổ chức, nhân sự các cơ quan đảng và bộ máy nhà nước, bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển ổn định. Khẩn trương triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Đại hội XII của Đảng đề ra. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá (6,21%), lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, dự trữ ngoại hối đạt mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Văn hóa, xã hội có tiến bộ; tỉ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; niềm tin của nhân dân được củng cố.
Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính và cải cách tư pháp được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh, trật tự được ổn định.
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai mạnh mẽ, toàn diện; quan hệ đối ngoại, nhất là quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cùng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm đã được kết luận và xử lý, kỷ luật nghiêm minh, công khai, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những kết quả đạt được trong năm qua là đáng khích lệ, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới. 
Mặc dù vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng còn những hạn chế, khuyết điểm như đã nêu trong Báo cáo của Bộ Chính trị gửi các đồng chí Ủy viên Trung ương. Đề nghị Trung ương với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trên các lĩnh vực. Đặc biệt, cần chỉ rõ những nguyên nhân, bài học và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. 
Thưa các đồng chí, 
Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất lớn và quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cũng như xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp. 
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn"./.

Ông Phạm Thế Duyệt: Hành động của Trung ương XII ngày càng thuyết phục

VOV.VN - "Những vấn đề lớn Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu ra, Trung ương cần làm việc hết sức thận trọng, công tâm, đặt lên lợi ích của nhân dân, của Đảng trong xử lý cán bộ vi phạm".

VOV.VN phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 
 PV: Thưa ông, từ thời điểm ra Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đến nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, những hạn chế nào được nêu ra những chậm được khắc phục nhất?
Ông Phạm Thế Duyệt: Quyết tâm của Trung ương đã rõ. Sau nhiều năm đã triển khai thực hiện chưa tốt Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII năm 1999) nếu quyết tâm làm thì giờ khác nhiều rồi. Tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao Trung ương khóa XI, khóa XII đặt vấn đề rất rõ ràng phải làm tiếp xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đó là điều rất đúng.
Nghĩ đến Bác Hồ thì càng thấy có lỗi vì mấy chục năm nay rồi mà vẫn làm lúng túng, làm không dứt khoát, không rõ ràng quan điểm của Đảng cầm quyền trong việc lãnh đạo một dân tộc cách mạng trong việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Việc gương mẫu cho nhân dân và tiền phong cho đất nước còn nhiều day dứt.
ong pham the duyet dat loi ich cua dang cua dan len tren khi xu ly can bo sai pham hinh 1
Ông Phạm Thế Duyệt
So sánh giữa Trung ương XI và Trung ương XII thì rõ ràng ràng Trung ương XII có nhiều tiến bộ, đã triển khai tốt nhiều việc, giữa Nghị quyết và hành động, giữa nói và làm, giữa chỉ đạo trên và dưới. Hành động của Trung ương XII ngày càng có sức thuyết phục đối với Đảng bộ các cấp, đảng viên nghỉ hưu và nhân dân.
Rõ ràng Trung ương XI có nhiều quyết tâm nhưng còn thể hiện sự thiếu thẳng thắn trong nội bộ, cho nên có những lúc biết sai nhưng cũng không dám nói thẳng. Khi bỏ phiếu, khi công bố có nhiều biểu hiện trong Đảng thiếu tinh thần chân thành, thẳng thắn. Khi thiếu sự nghiêm túc trong nội bộ, nhất là nội bộ cấp cao thì sẽ ảnh hưởng đến lòng tin, đến suy nghĩ của đảng viên và người dân.
Rõ ràng Trung ương XI có nhiều cố gắng nhưng tôi cho rằng nhược điểm trên còn lớn.
Sang Trung ương XII thì những nhược điểm này được khắc phục rõ hơn, biểu hiện ở việc từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều việc kể cả những vụ việc xảy ra ở Trung ương, địa phương, việc cũ, việc mới đều được đề cập và nhiều cán bộ cũng có vị trí, trách nhiệm ở các tỉnh, thành phố, Trung ương và các bộ ngành cũng đã được đề cập đến để xem xét đúng sai và xử lý đúng mức.
Tôi cũng rất đồng tình với việc kể cả những người về hưu đừng nghĩ là “hạ cánh an toàn” mà ai có khuyến điểm đều được làm rõ. Đây không phải là sự moi móc, mà là sự công bằng trong đánh giá để giữ gìn kỷ cương của Đảng. Còn xử lý đến đâu và mức độ nào, căn cứ vào tính lịch sử và tiến trình của thời gian để xử lý đúng mức, rõ ràng công tội, không ngoại trừ một ai.
Một vấn đề nữa kể cả các lãnh đạo của các Bộ ngành, các Ủy viên Trung ương, các đồng chí đã nghỉ hưu, rồi cả những đồng chí đương chức có trọng trách lớn khi có sai phạm đều được chỉ rõ và xử lý.
Tôi cho việc thẳng thắn như vậy là rất tốt, nên làm và làm sẽ được tuyệt đại bộ phận nhân dân và các đảng viên đã nghỉ hưu, những người có công với cách mạng đồng tình.
Phải thẳng thắn nhìn rõ hạn chế để khắc phục
PV: Thưa ông, trong Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua, Đảng ta đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng đạo đức chính trị và nhận định đây là nguy cơ trực tiếp đối với sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta cảnh báo sự suy thoái này. Theo ông, vì sao sau nhiều năm tình trạng này không giảm mà ngày càng nghiêm trọng?
Ông Phạm Thế Duyệt: Nguyên nhân khách quan, chủ quan có thể nói đến, nhưng tôi cũng đã là người có trách nhiệm trong Đảng, trách nhiệm trong lãnh đạo, tôi cho rằng lỗi ấy chính là ở lãnh đạo, ở Trung ương đã chậm trễ, đã không kiên quyết, đã không nêu gương, đã không thẳn thắn trong xem xét, trong kiểm tra, trong đánh giá đội ngũ, trong xử lý cán bộ có sai phạm, không làm cho cả hệ thống chính trị mạnh lên để thực hiện chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đặt ra từ lâu.
ong pham the duyet dat loi ich cua dang cua dan len tren khi xu ly can bo sai pham hinh 2
PV VOV.VN phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt
Nếu nhìn ở dưới, nói triển khai kém thì cũng đúng nhưng trách nhiệm chính của việc sau nhiều năm tình trạng này không giảm mà ngày càng nghiêm trọng là của Trung ương, của lãnh đạo chủ chốt gánh vác những nhiệm vụ quan trọng. Tôi cho rằng việc này phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục chứ đừng nên tránh né.
PV: Trong 27 biểu hiện được Đảng ta điểm mặt gọi tên, theo ông những biểu hiện nào là nghiêm trọng và khá phổ biến trong tình hình hiện nay?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi thấy Trung ương đã nêu ra khá kỹ lưỡng như vậy để mọi người cùng liên hệ xem mình vấp phải những biểu hiện suy thoái gì, sai gì để tự sửa. Nhưng tôi thấy quan trọng nhất của người lãnh đạo là đạo đức và lối sống.
Bác Hồ thường nói cán bộ phải có đức và tài, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng có tài mà không có đức thì không thể làm được việc gì. Tôi cho rằng trong 27 biểu hiện mà Trung ương đã nêu ra, thì sự xuống cấp về đạo đức và lối sống là biểu hiện quan trọng nhất dẫn đến sự tha hóa. Cái đó là cái gốc của vấn đề. Tư lợi, cục bộ, coi trọng địa vị cá nhân, đề cao cá nhân, hãnh diện hão huyền nó cũng từ sự tha hóa phẩm chất đạo đức của người cách mạng.
Mỗi người cán bộ hãy tự soi mình vào cuộc sống của trên 90 triệu dân, tự soi mình vào hoàn cảnh của đất nước, tự thấy mình là người lãnh đạo, là người đảng viên thì phải sống thế nào cho đúng mực. Dù có đổi mới, hội nhập, nhưng là người cộng sản, là người thực hiện đường lối của Bác Hồ, đã hứa là phải làm theo những lời thề trước Đảng.
Toàn hệ thống vào cuộc thì người dân mới yên tâm
PV: Trong thời gian vừa qua, công tác cán bộ ở nhiều nơi có nhiều sai phạm ở nhiều cấp, nhiều ngành. Tuy chúng ta đã có những chỉ đạo, biện pháp nghiêm khắc xử lý vi phạm nhưng người dân vẫn lo lắng là chúng ta làm theo kiểu “hổng đâu, bịt đó” mà chưa thực sự giải quyết một cách bài bản, thậm chí có kết luận sai phạm nhưng chúng ta vẫn gặp khó khăn trong quá trình xử lý cán bộ. Thưa ông, ông có thể cắt nghĩa nguyên nhân và giải pháp để xử lý việc này?
Ông Phạm Thế Duyệt: Việc này đừng nghĩ là người dân nghĩ quá, mà phải nghĩ là  người dân nghĩ đúng. Đúng là vì mình chưa làm đúng những thực tế mà mình đã đặt ra. Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã nói rõ, vấn đề này đang thách thức cả chế độ, thách thức cả với Đảng cầm quyền.
Từ những nhận thức đó nếu làm không kiên quyết, hiệu quả, đồng bộ, mà mới chỉ rõ được những việc mà do Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính làm. Nếu mới chỉ làm được như thế thì người dân chưa thể yên tâm được.
Nhìn xuống 61 tỉnh, thành, nhìn xuống hơn 20 Bộ, ngành, Mặt trận, các đoàn thể có "sôi" lên không, hay chỉ có đồng chí Tổng Bí thư cương quyết, hay chỉ trông chờ vào 8 đoàn kiểm tra do Tổng Bí thư thành lập kiểm tra giám sát việc xử lý tham nhũng tới đây?
Nếu là một cấp ủy, ở đâu chả có cấp ủy, còn nếu là chính quyền thì cũng toàn đảng viên được cử ra để làm việc ấy, thì những nơi này hãy làm đi, đừng ỷ lại vào các đoàn kiểm tra hỏi đến mới nói. Tôi tin nếu làm được như vậy thì dân sẽ phấn khởi, sẽ tin ngay.
Đáng lẽ ra các thanh tra của Nhà nước, của các bộ, Ban cán sự Đảng của các bộ, Bí thư và Thường vụ của các Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn của Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể, đâu cũng thể hiện những việc làm về trách nhiệm của mình thì dân sẽ vui, đảng viên sẽ tin. Nhưng mới chỉ làm theo cách chỉ trông chờ vào Ban Nội chính, Ủy Ban kiểm tra… thì người dân vui nhưng cũng chưa thể yên tâm coi đó đã là quyết tâm của toàn Đảng.
Cần phải làm rành rọt, căn cơ, công bằng trước dư luận
PV: Ông có bình luận gì khi trong thời gian gần đây, nhiều cán bộ cấp cao mắc phải những sai phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, bị đề xuất xem xét kỷ luật?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi nhìn chung thấy các đồng chí làm thận trọng, đánh giá một cách nghiêm túc. Kể cả đối với những người về nghỉ hưu cũng đã được kết luận, đánh giá thận trọng. Riêng bản thân tôi thấy rất đúng đắn và ủng hộ.
Chỉ có điều, trong vấn đề thông tin mang hiện nay lớn, tư duy trình độ của cán bộ đảng viên khác trước, nên không thể không đặt các dấu hỏi còn cấp này cấp kia, người này người khác có liên quan đến việc đó hay không?
Cho nên cần phải làm rành rọt, căn cơ, công bằng trước dư luận những vấn đề đã xử lý và đang xử lý. Cái đó rất cần.
PV: Quan điểm của ông như thế nào trong việc xử lý vi phạm đối với các cán bộ, tập thể sai phạm, nhất là những người giữ trọng trách cao mắc sai phạm?
Ông Phạm Thế Duyệt: Việc xử lý như thế nào cho đúng mức giữa công và tội, quá khứ và hiện tại là việc phải làm một cách thận trọng, công tâm.
Khi làm, mong Trung ương làm như thế nào cho sáng suốt, đúng sai đến đâu làm cho rõ, mức độ thế nào đánh giá cho đúng, xử lý thế nào để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, hợp với lòng dân, đúng với mức độ sai phạm. Việc này Trung ương và Bộ Chính trị phải cân nhắc làm cho tốt để giữ được lòng dân.
Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên trong xử lý cán bộ
PV: Hội nghị Trung ương 5 lần này đang họp và bàn nhiều nội dung quan trọng. Ông có mong mỏi gì vào Hội nghị lần này?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi chỉ mong đây là một quyết tâm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, với tinh thần của Bộ Chính trị, của Trung ương đã đề ra, đã phát hiện ra các vấn đề như vậy thì Trung ương cần thảo luận thẳng thắn.
Những vấn đề lớn Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu ra thì Trung ương phải làm hết sức thận trọng, công tâm vì Đảng, vì chế độ XHCN, đặt lên lợi ích của nhân dân, của Đảng trong xử lý cán bộ vi phạm.
Xử lý ở đây vừa thể hiện tính nghiêm minh của Đảng, vừa thể hiện tính giáo dục đối với toàn Đảng, vừa nêu tấm gương cho tất cả các cấp phía dưới, vừa tạo được lòng tin của nhân dân với Đảng trong tình hình mới.
Qua những vấn đề này phải thấy đây là một bài học. Tuy đạt được những kết quả nhưng phải nhấn mạnh đây là bài học. Bài học là Đại hội XII mới chưa được một năm rưỡi, việc chuẩn bị Đại hội các cấp, việc chuẩn bị nhân sự, quyết định nhân sự những nơi quan trọng mà diễn ra như vậy thì cũng là vấn đề lớn đối với Đảng. Đây là bài học rất sâu sắc, cần phải tự nghiêm túc xem xét thật đúng mức.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Minh Hòa/VOV.VN (thực hiện)

Không có nhận xét nào: