Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Vì sao Chính phủ bị ‘hụt vay’ đến 110 ngàn tỷ đồng trong năm 2017?

 Nếu ngay cả các ngân hàng thương mại lớn trong nước mà còn không kham nổi trái phiếu chính phủ, nguồn thu cho ngân sách nhà nước sẽ càng nhanh chóng co ép và cạn kiệt, có thể dẫn đến kịch bản “sụp đổ tài khóa quốc gia” như Thủ tướng Phúc tán thán vào đầu năm 2017.

vay-tien-nhanh-trong-ngay

Ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ - vừa phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2017.

Cụ thể, kế hoạch vay của Chính phủ năm 2017 là 342.060 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 15 tỷ USD), gồm: Vay trong nước 243.300 tỷ đồng và vay ODA, ưu đãi nước ngoài 98.760 tỷ đồng, trong đó vay cho cân đối ngân sách nhà nước 316.300 tỷ đồng (vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng); vay về cho vay lại 25.760 tỷ đồng.

Vào năm 2016, kế hoạch vay của Chính phủ là 452.000 tỷ đồng, tương đương hơn 20 tỷ USD.

Như vậy, số vay của Chính phủ Việt Nam trong năm 2017 đã giảm đến 110 ngàn tỷ đồng so với số vay năm 2016.

Vì sao lại có hiện tượng “hụt vay” trên? Phải chăng Chính phủ muốn “thắt lưng buộc bụng”? Hay do nhu cầu chi tiêu của Chính phủ năm 2017 không căng thẳng như năm 2016?

Nhưng một chuyên gia nhà nước cho biết tình hình kinh tế nói chung và ngân sách nói riêng trong năm 2017 còn khó khăn hơn nhiều năm 2016. Vào năm 2016, tình hình kinh tế và ngân sách đã bị chính những chuyên gia nhà nước xem là rất khó khăn.

Chỉ có thể phân tích rằng số hụt vay của Chính phủ hoặc do hụt vay nước ngoài, hoặc do hụt vay trong nước.

Tuy nhiên, số vay nước ngoài năm 2017 vẫn gần tương đương năm 2016 - khoảng 4,5 tỷ USD.

Còn con số 110 ngàn tỷ đồng hụt vay năm 2017 lại khá tương đương với một nguồn vay lớn trong nước: phát hành trái phiếu chính phủ.

Nguồn cơn chính nằm ở đây.

Cần nhắc lại, vào tháng 3/2017, một thông báo của Kho bạc Nhà nước cho biết trong năm 2017, cơ quan này dự kiến sẽ phát hành 183,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Quy mô này thấp hơn rất nhiều so với dự tính trước đó là sẽ huy động khoảng 250 nghìn tỷ đồng trong năm 2017, cũng như so với tổng lượng huy động 2016.

Con số 183,3 nghìn tỷ đồng trên cũng thấp hơn rất nhiều so với mức 281 nghìn tỷ đồng phát hành trong năm 2016. Tức giảm đến gần 100 ngàn tỷ đồng.

Đó là chưa kể đến việc trong năm 2017, có hơn 98,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đáo hạn, theo đó, lượng phát hành ròng cả năm 2017 dự kiến chỉ còn là 84 nghìn tỷ đồng – thấp hơn nhiều so với lượng phát hành ròng năm 2016 là 173 nghìn tỷ đồng.

Tức lượng phát hành ròng giảm đến phân nửa!

Nguồn cơn nào đã dẫn đến tình trạng sụt giảm thảm thiết ấy?

Kinh nghiệm xương máu trong hàng chục năm qua, và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, là lượng phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2.5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát hành cho khối ngân hàng thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đã tăng cao và tăng đột ngột trong thời gian gần đây, gây sức ép mạnh lên cân bằng ngân sách nhà nước. Trong một vòng luẩn quẩn, chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Hậu quả là từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán, trong lúc chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Cũng hệ quả là quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ.

Đến lúc này, có thể khẳng định ngay cả hệ thống ngân hàng – địa chỉ thường xuyên phải “gánh” núi trái phiếu chính phủ – cũng trở nên quá “oải”. Vào giữa năm 2016, bất chấp hiện trạng vẫn được ưu ái và o bế bởi chính phủ cùng Ngân hàng nhà nước, ngay cả những ngân hàng loại một như Vietcombank cũng chẳng còn mặn mà gì với “giấy lộn”. Bằng chứng hiển hiện nhất đã lộ ra bằng cái cách hai ngân hàng BIDV và VietinBank quay lưng thẳng thừng với yêu cầu của Bộ Tài Chính về nộp cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt – giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, có thể cho thấy ngay cả các ngân hàng lớn cũng đang khó khăn và phải lo thủ thân như thế nào trước cơn suy trầm kinh tế đang gõ cửa từng nhà.

Trước khi xảy ra thất bại về phát hành trái phiếu trong nước, ý đồ phát hành 3 tỷ USD trái phiếu chính phủ ra quốc tế đã bị phá sản hoàn toàn. Kế hoạch này được đưa ra bởi chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào cuối năm 2015 – như một thành tích để “chào mừng đại hội 12”. Tuy nhiên từ đó đến nay, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Bộ Tài chính dám khơi lại chiến dịch này. Đơn giản là không có ai mua!

Nếu ngay cả các ngân hàng thương mại lớn trong nước mà còn không kham nổi trái phiếu chính phủ, nguồn thu cho ngân sách nhà nước sẽ càng nhanh chóng co ép và cạn kiệt, có thể dẫn đến kịch bản “sụp đổ tài khóa quốc gia” như Thủ tướng Phúc tán thán vào đầu năm 2017.

Thiền Lâm 



(VNTB)

Không có nhận xét nào: