Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Vụ 3 người bị sét đánh chết: Do chiếc điện thoại mang trong người?; Sự thật đáng sợ về loại đũa dùng một lần

Dân trí Theo lời kể của anh Trần Văn Thái, một trong hai người may mắn thoát chết trong vụ sét đánh trúng nhóm người đang đào huyệt tại một nghĩa trang ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, khi bị sét đánh, 3 nạn nhân tử vong đều mang theo điện thoại trong người.
 >> Tiếng khóc xé lòng của thân nhân 3 người bị sét đánh khi đào huyệt
 >> 3 người bị sét đánh tử vong khi đang đào huyệt

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 9/5, tại địa bàn xã Hưng Trạch có một đám tang, người dân địa phương đã đến giúp đỡ gia đình tang chủ lo việc hậu sự, trong đó một số người phụ trách việc đào huyệt mộ tại nghĩa trang của thôn.
Khi việc đào huyệt hoàn thành, có 5 người được cắt cử ở lại để trông coi, họ đều là anh em họ hàng với nhau.
Vào khoảng 13h cùng ngày, trời bỗng nổi cơn giông kèm theo sấm chớp và mưa lớn. Khi cả 5 người đang dùng bạt che chắn không để nước tràn vào huyệt mộ thì bị sét đánh trúng. 3 người tử vong, 2 người bị thương phải đi cấp cứu.

Nghĩa trang tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, nơi xảy ra sự việc.
Nghĩa trang tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, nơi xảy ra sự việc.
Các nạn nhân tử vong là anh Trần Xuân Thiên (SN 1976), anh Trần Xuân Diệu (SN 1973) và anh Trần Xuân Vĩnh (SN 1988), đều trú tại xã Hưng Trạch. Hai người bị thương là anh Lê Đức Anh (SN 1992) và anh Trần Văn Thái (SN 1990).
Theo lời kể lại của anh Trần Văn Thái, khi bị sét đánh trúng, anh thấy như bị điện giật rồi lịm đi, khi tỉnh dậy thì thấy đau nhức toàn thân, bỏng rát, hai chân tê cứng không đứng lên được.
“Tui tỉnh lại thì thấy mọi người gục cả rồi, chú Thiên bị đánh cháy áo quần, chiếc điện thoại trong túi cũng bị đánh hỏng; chú Diệu thì bị đánh rơi xuống huyệt chúng tôi vừa đào; cách đó mấy mét là anh Vĩnh, còn anh Đức Anh thì tui thấy đang hoảng hốt bò trong rẫy ngô”, anh Thái bàng hoàng kể lại.
Anh Thái cũng cho biết, thời điểm giông nổi lên và có sấm chớp, anh để điện thoại ở trong cốp xe máy, anh Đức Anh thì không mang điện thoại theo. Còn 3 nạn nhân bị sét đánh tử vong đều có điện thoại trong người. Ngoài ra, tại nơi xảy ra sự việc có nhiều loại dụng cụ bằng kim loại như cuốc, xẻng dùng để đào huyệt.

Anh Thái chưa hết bàng hoàng sau vụ sét đánh thương tâm.
Anh Thái chưa hết bàng hoàng sau vụ sét đánh thương tâm.
Anh Thái sau đó đã dùng xe máy chạy về nhà báo tin cho người thân, khi vừa đến nơi, anh đuối sức và ngất đi, mọi người phải đưa anh đi cấp cứu tại trạm y tế xã. Hiện sức khỏe của anh Thái và anh Đức Anh đã ổn định, việc hậu sự của 3 nạn nhân còn lại cũng đã được thực hiện theo tập tục của địa phương.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, khi người dân thấy hiện tượng mưa giông, sấm chớp thì nên về các công trình an toàn, nơi đã lắp đặt hệ thống chống sét, để tránh trú. Nếu không thể về kịp các vị trí an toàn thì tuyệt đối không trú dưới tán cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao. Nơi chứa nước như bãi biển, ao hồ cũng rất nguy hiểm. Cần đến chỗ khô ráo, người ở vị trí càng thấp càng tốt (tay ôm cổ, nhón chân, không được nằm xuống đất, không được đứng thành đám đông).
Đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng di động với sấm sét, một số nhà nghiên cứu còn cho rằng sóng điện thoại di động rất yếu, gần như không ảnh hưởng gì tới việc bị sét đánh trúng khi sử dụng. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn chúng ta nên hạn chế sử dụng cũng như mang theo điện thoại di động trong người khi trời có mưa bão, sấm sét.
Tiến Thành

Sự thật đáng sợ về loại đũa dùng một lần

Đũa dùng một lần đang được sử dụng phổ biến tại các quán ăn, nhất là các hàng quán trên hè phố bởi sự tiện dụng, giá thành rẻ. Song, ít ai biết rằng, trong quá trình sản xuất, những đôi đũa dùng một lần được ngâm tẩm đủ loại hóa chất độc hại.
 >> Hậu thâu tóm Big C, Metro: Bát đũa, tăm tre Thái "đổ bộ" vào Việt Nam


Đũa dùng một lần là vật dụng quen thuộc tại các hàng quán mấy năm gần đây, nhất là mua cơm hộp hay ngồi ăn tại những quán vỉa hè. Chúng được sử dụng nhiều vì giá thành siêu rẻ. Khách ăn xong bỏ luôn, không mất công dọn rửa lại.
Hơn nữa, loại đũa dùng một lần được ưa chuộng vì đa phần mọi người cho rằng đũa dùng một lần rồi bỏ, không tái sử dụng nên sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh hơn khi dùng đũa nhiều lần.
Trên thị trường , các loại đũa dùng một lần được bày bán tràn lan với mức giá siêu rẻ. Chúng thường được bán theo cân hay theo bao, chứ không bán theo đôi như đũa dùng nhiều lần. Người tiêu dùng có thể mua đũa dùng một lần tại bất cứ chợ nào với số lượng lớn.

Đũa dùng một lần được sử dụng phổ biến tại các quán ăn bình dân
Đũa dùng một lần được sử dụng phổ biến tại các quán ăn bình dân
Tại các chợ, đũa tre dùng một lần đóng gói 5-10 kg/bao, có giá 20.000-40.000 đồng/bao, đũa bọc ni lông từng đôi được bán 25.000 đồng/bao (5 kg). Một số nơi bán với giá 8.500 đồng/bó 60 đôi (giá khoảng 140 đồng/đôi). Theo quan sát, các loại đũa dùng một lần đều trắng, nhẵn bóng nhìn khá bắt mắt.
Vậy, tại sao đũa dùng một lần lại có giá rẻ? Vì sao giá rẻ vậy mà đũa vẫn bóng đẹp chẳng kém gì đũa dùng nhiều lần,...?
Chương trình Nói không với thực phẩm bẩn của VTV24, các PV đã phát hiện ra, tại các cơ sở sản xuất đũa ăn một lần ở xã Vạn Mai (Mai Châu, Hòa Bình), mỗi ngày có hàng chục tấn đũa dùng một lần được làm bằng tre tươi được để la liệt dưới nền đất đầy bụi bẩn. Để đũa không bị mốc và mối mọt, lại trắng muốt, các cơ sở sản xuất đũa tại đây đã ủ và sấy đũa với một loạt hóa chất lưu huỳnh.
Khi vạch bạt che phủ đống đũa trong quá trình ủ và sấy, phóng viên còn bị tức ngực, chóng mặt vì ngửi phải khói từ đống đũa bay ra.
Ngoài sử dụng hàng tấn chất lưu huỳnh, tại các cơ sở này, người ta còn sử dụng một loại bột trắng để tạo độ trơn bóng cho đũa. Trong khi, loại bột này trên bao bì ghi rõ chỉ dùng cho công nghiệp. Nhưng, bột đã được rải lên đũa - một dụng cụ dùng để trực tiếp ăn uống.
Đáng chú ý, khi chuyên gia thuộc Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) thực hiện một vài xét nghiệm kiểm tra nhanh bằng cách ngâm mẫu đũa ăn vào nước nóng lấy từ hai cơ sở ở xã Vạn Mai, chỉ sau vài giây, cốc nước đã chuyển sang màu vàng nhạt, xuất hiện vẩn đục cùng lớp màng trắng với nhiều tạp chất nổi lên.
Kết quả phân tích phát hiện cả hai mẫu đũa đều phát hiện còn lưu huỳnh tồn dư, với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn gần 2 lần, nếu so với tiêu chuẩn nước ăn uống.

Để cho đũa dùng một lần được trắng, bóng, không bị mốc, người sản xuất đã ngâm một số loại hóa chất độc hại
Để cho đũa dùng một lần được trắng, bóng, không bị mốc, người sản xuất đã ngâm một số loại hóa chất độc hại
Trước đó, vào thời điểm giữa tháng 3, lực lượng chức năng ở Nghệ An đã phát hiện một cơ sở sản xuất đũa dùng một lần tại xã Thạch Giám (Tương Dương) sử dụng hóa chất lưu huỳnh để chống mốc, đồng thời thu giữ hơn 9 tấn hóa chất lạ trong các bao bì in chữ Trung Quốc.
Chia sẻ trên VTV24, PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết: "Lưu huỳnh ở đây là lưu huỳnh công nghiệp, quy định không được dùng trong thực phẩm. Các nhà sản xuất nghĩ rằng chỉ đưa vào trong đũa thôi chứ không phải là trong thực phẩm. Nhưng đũa đấy lại dùng để ăn nên lưu huỳnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe".
Tuy nhiên, kết quả phân tích cũng cho thấy, hàm lượng lưu huỳnh và các tạp chất thôi nhiễm từ đũa cũng giảm đáng kể qua 3 lần ngâm đũa trong nước.
Vì thế, PGS.TS Doãn Ngọc Hải khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng nên ngâm rửa nhiều lần loại đũa này trước khi sử dụng, bởi lâu nay chúng ta vẫn có thói quen dùng trực tiếp ngay sau khi bóc bao bì.
Trong khi đó, TS Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cũng cho biết, nếu dùng với liều lượng cho phép thì SO2 (lưu huỳnh điôxit) bám vào đũa ít và vì là khí nên dễ bay hơi mất nên khi dùng gắp thức ăn không hại cho người dùng. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu hàm lượng lớn sẽ có hại. Trong trường hợp này khi bóc lớp nilon bao gói đũa ra, người tiêu dùng nên ngửi trước, nếu thấy mùi hăng hắc là SO2 đã bị sử dụng quá liều, không nên dùng.
Theo Châu Giang 
VietnamNe

Không có nhận xét nào: