Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

‘Đại án dầu khí’ tác động cải cách ở VN thế nào?

PGS. TS. Phạm Quý Thọ
13-12-2017
Cựu Bộ trưởng Giao thông & Vận tải Việt Nam Đinh La Thăng (trái) trong một ký kết với người tương nhiệm trong một chuyến công du nước ngoài. Fiona Goodall/ Getty
Đại án ‘PVN’ hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là rất lớn, nghiêm trọng khi có nguyên ủy viên Bộ chính trị bị khởi tố và bắt giam.
Bài viết không đề cập đến chi tiết lâm ly của nó, mà quan tâm cân nhắc từ các khía cạnh liệu đại án này tác động đến cải cách chính trị thế nào và những thách thức đặt ra?

Ngày 8/12/2017 có thể được coi là điểm ‘kịch tính’ của đại án ‘PVN’ khi tất cả các báo, đài của nhà nước Việt Nam đều đưa tin ông Đinh La Thăng bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Tính từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng, vào nửa đầu năm 2016 với ‘biến cố’ Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên PVC, đến thời điểm này đã có 24 lãnh đạo thuộc PVN qua hai nhiệm kỳ trước, trong đó có nguyên ủy viên Bộ chính trị, ông Đinh La Thăng, bị khởi tố và bắt tạm giam.
Các nhà quan sát cho là ‘không bất ngờ’, nhưng là một đại án lớn và chưa có tiền lệ, bởi vậy nó thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và trong nước. Đại án PVN không chỉ ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế – xã hội nói chung, mà còn tác động đến xu hướng cải cách chính trị của Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài.
Từ sau Đại hội Đảng CS lần thứ 12 đầu năm 2016, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2 (2016-2021), Đảng và Chính phủ, một mặt, đang nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề về kinh tế, đặc biệt sự phá sản của nhiều doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu cao, nợ công lớn và tăng nhanh…
Việt Nam và Trung Quốc đã và đang có nhiều tiếp xúc cấp cao, trong đó hai đảng, hai nhà nước trao đổi nhiều kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo của hai bên trong nhiều năm qua. Ảnh: Hoang Dinh Nam
Mặt khác, Đảng đang thúc đẩy các cải cách chính trị, chỉnh đốn đảng và cán bộ lãnh đạo, chống tham nhũng, ‘tinh gọn’ bộ máy nhà nước đang phình to và các đơn vị sự nghiệp công lập sống dựa vào ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân… Hơn thế, chính quyền đang phải đối phó với các cuộc biểu tình ‘tự phát’ bảo vệ môi trường, phản đối FOMOSA gây thảm họa ô nhiễm biển miền Trung và hiện tượng ‘bất tuân dân sự’ lan rộng của các tài xế qua các trạm thu phí BOT, điển hình là Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang… Niềm tin dân chúng vào các chính sách đã giảm sút nghiêm trọng.
Thời kỳ ‘nóng vội’ tăng trưởng và quản lý kinh tế yếu kém là nguyên nhân trực tiếp của tình hình. Nay Đảng tiến hành những cải cách, phê phán ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’, phai nhạt lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa Mác – Lê Nin, ‘suy thoái đạo đức, lối sống’ của các đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quy định những điều được và không được làm, đưa ra các hình thức kỷ luật… Đảng củng cố vai trò và phương thức lãnh đạo ‘tập trung dân chủ’, ‘tập thể lãnh đạo’ và ‘tập trung quyền lực’. Đây có lẽ là bài học quan trọng nhất được đúc kết từ sự việc kiểm điểm ‘đồng chí X’ tại Hội nghị TƯ Đảng 6 năm 2012 nhiệm kỳ khóa 11 (2011-2016) nhưng không thành.
Tham nhũng được nhận định là quốc nạn, ‘nhức nhối’, đe dọa tồn vong của chế độ. Chống tham nhũng, được xem là động cơ cải cách, nhắm tới hai mục đích: lấy lại niềm tin của dân chúng với Đảng và chế độ, đồng thời củng cố Đảng với nội hàm nêu trên.
Đại án ‘PVN’ là sự kiện tiếp theo của các đại án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản…, song liên quan đến một ủy viên Bộ chính trị, nên mang màu sắc chính trị hơn là kinh tế. Theo lô gic, ‘sự suy thoái’ một thời gian dài, thì đằng sau ông Thăng là ‘nhóm lợi ích’ nào? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất? Liệu có còn ‘vùng cấm’ nào cản trở Đảng tập trung quyền lực?…
Có ý kiến nhận xét rằng cuộc chiến chống tham nhũng có ‘hiệu ứng’ là củng cố Đảng kiểm soát hệ thống chính trị và tăng cường quyền lực cá nhân Tổng bí thư.
Quan sát một số động thái và kết quả chống tham nhũng, từ năm 2016 đến thời điểm khởi tố ông Thăng, quả thực, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thuận lợi chưa từng có để đẩy mạnh cải cách chính trị, về cơ bản, theo mô hình Đảng CS Trung Quốc.
Trong năm 2017, vụ việc với ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức ngành dầu khí và UBND tỉnh Hậu Giang, cũng gây chú ý của công luân Việt Nam. Ảnh: Hoang Dinh Nam

Liệu kinh nghiệm từ Đảng CS Trung Quốc có là Bài học?

Theo dõi quá trình chuyển đổi kinh tế trong suốt hơn 30 năm qua, Việt Nam luôn kiên trì giữ ổn định chính trị với chế độ Đảng cộng sản độc tôn lãnh đạo toàn diện đất nước trong khi mở rộng cửa nền kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài, thận trọng cải cách thể chế kinh tế thị trường với ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’.
Đảng CS Việt Nam đang tiến hành cải cách theo hướng trên, và đang cần nền tảng lý luận và thực tiễn để lãnh đạo, điều hành đất nước.
Các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội cho rằng mô hình phát triển Phương Tây với ba trụ cột kinh tế thị trường, tam quyền phân lập và xã hội dân sự là đúc kết quá trình phát triển lâu dài của chủ nghĩa tư bản, là sự tiến hóa trong giai đoạn lịch sử này, mà các quốc gia ‘cần’ hướng tới, kể cả những nước xã hội chủ nghĩa trước đây đang ‘chuyển đổi’ từ mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Họ đưa ra luận điểm đã được đúc kết về lý luận rằng mô hình phát triển như vậy mới kiểm soát được tha hóa quyền lực từ căn nguyên.
Đảng CS Trung Quốc không nghĩ như vậy. Đại hội 19 của Đảng vừa diễn ra vào tháng 10/2017 là ‘minh chứng’ rõ nhất, khi khẳng định vị trí ‘lãnh đạo hạt nhân’, tối cao của Tổng bí thư, chủ tịch nước Tập Cận Bình với ‘tư tưởng’ về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới’ của ông được khắc ghi bên cạnh tư tưởng của Mao Trạch Đông trong cương lĩnh chính trị của đảng.
Các nhà phân tích cho rằng nền tảng tư tưởng trên xuất phát từ nghiên cứu của Vương Hộ Ninh, một trong bảy thường vụ Bộ chính trị, ‘thiết kế’ và được coi là ‘nhà lý luận cung đình’ Trung Hoa. Đó là lý thuyết về ‘chủ quyền’, mà ở nhiều khía cạnh quan trọng trùng với quan điểm của các nhà lý luận phương Tây, tuy nhiên Ông Vương nhấn mạnh rằng chủ quyền đòi hỏi quyền lực chính trị phải có khả năng thực thi sự kiểm soát hành chính thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ mà không có mối đe dọa từ bên ngoài hoặc sự phá hoại từ bên trong. Ba đời tổng bí thư Đảng CS, từ Giang Trạch Dân, thực hành chủ yếu dựa vào cơ sở này.
Khi được coi là ‘tư tưởng’ thì các đảng viên phải phục tùng như ‘kim chỉ nam’, cả xã hội phải học tập và làm theo, không cần tiếp tục tranh luận về dân chủ kiểu phương Tây, về nhân quyền hay tự do báo chí… Đảng CS Trung Quốc kỳ vọng sẽ ngày càng trở nên nổi bật và Tổng bí thư Tập sẽ đảm nhận một vai trò còn lớn hơn nữa trong công cuộc điều hành đất nước và đối ngoại.
Tập Cận Bình sẽ dùng quyền lực to lớn để chống lại đối kháng và tham nhũng. Báo chí mới nêu ‘Trung Quốc cho biết quá trình tố tụng đối với ông Tôn Chính Tài chính thức bắt đầu từ ngày 11/12/2017’ và áp dụng “các biện pháp cưỡng chế”. Ông này được cho là ‘đối thủ tiềm năng’ của Tổng bí thư. Hồi tháng 7/2017, ông Tôn đột ngột bị cách chức lãnh đạo đảng trước thềm Đại hội 19 của Đảng CS…
Trong bối cảnh trên thế giới chủ nghĩa dân túy nổi lên, cải cách theo hướng dân chủ phương Tây của một số quốc gia chưa hẳn đã thành công, chưa có những lý thuyết chuyển đổi từ XHCN sang XHTB thị trường một cách thuyết phục…, thì bài học từ Đảng CS Trung Quốc có thể sẽ còn ảnh hưởng không nhỏ đến Đảng CS Việt Nam. Mặc dù tương đồng về ý thức hệ và quan hệ truyền thông, cũng cần cân nhắc những khác biệt, những vấn đề biên giới hải đảo, đầu tư kinh tế kém hiệu quả…, Trung Quốc là một nước lớn với giấc mộng bá quyền thế giới!
Trong năm 2017, nhiều vụ đại án ở Việt Nam đã được đem ra xét xử, trong đó có những vụ được cho là liên quan giữa nhi lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam, trong đó có dầu khí và ngân hàng. Ảnh: VIETNAM NEWS AGENCY

‘Nhiều thách thức phía trước”

Trước hết, quy mô kinh tế Việt Nam là nhỏ, yếu so với Trung Quốc nên không thể áp dụng các cải cách thể chế kinh tế tương tự, mà phải ưu tiên tăng trưởng bằng tự do kinh doanh và khởi nghiệp, thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên Việt Nam đang thúc đẩy tự do kinh doanh trong điều kiện bất ổn thể chế. Tự do kinh doanh là nguyên tắc của kinh tế thị trường, một mặt thúc đẩy tăng trưởng, như một ‘cam kết’ của chế độ, mặt khác, tạo ra khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, thay đổi tương quan sở hữu tư nhân mở rộng và nhà nước thu hẹp với ngân sách hết sức khó khăn để nuôi biên chế ngày càng phình to như hiện nay.
Kinh tế thị trường đã buộc Đảng phải ‘lùi một bước’ khi ban hành chính sách cho phép đảng viên làm kinh tế và có thu nhập càng ngày càng lớn từ cổ phiếu, cổ phần… ngoài đồng lương ngày càng nhỏ đi tương đối. Ngoài ra, họ cũng phải sống với vợ, con, họ hàng và những người thân. Đảng không thể kiểm soát được tài sản của đảng viên lãnh đạo, thậm chí ‘trong diện quản lý’. Kết quả xử các vụ án tham nhũng cho thấy chỉ thu được phần nhỏ tài sản chiếm đoạt.
Tội danh ‘cố ý làm trái…’ gắn liền với ‘chủ nghĩa cơ hội’ của cán bộ, đảng viên khi họ có quyền lực, và trong tay họ nắm quyền phân phối tài sản như đất đai, tài nguyên, tài sản của các tổ chức và doanh nghiệp nhà nước, và khi họ nhân danh ‘đại diện’ cho nhà nước để ‘quan hệ với địa phương, với đối tác, với nhân viên của tổ chức công và với người dân. Tội danh ‘lạm dụng chức vụ, quyền hạn…’ có căn nguyên từ đó và đang lan rộng. Nhiều thứ quy trình hiện tại, nếu không nói là đa số, đang là bình phong cho ‘căn bệnh’ được gọi tên là ‘chủ nghĩa cơ hội của người đại diện’
Kinh tế thị trường, nếu không né tránh, về thực chất là kinh tế tư bản tư nhân. Kinh tế thị trường với động cơ lợi nhuận, kích thích ‘lòng tham’, có thể làm sói mòn ‘đạo đức, lý tưởng cách mạng’ mà Đảng đang kêu gọi, dưới nhiều hình thức khác nhau thách thức các ‘luật chơi’ của cải cách thể chế.
Đảng đòi hỏi các đảng viên, công chức, viên chức tuân thủ, phục tùng và trung thành với lý tưởng của Đảng, nếu không họ sẽ bị chế tài. Cả hai động cơ thúc đẩy này tạo nên những con người mâu thuẫn với động cơ của kinh tế thị trường, tự do kinh doanh, đẩy họ đến mâu thuận với chính mình, buộc họ, nhiều khi khi phải sống với cuộc sống hai mặt…
Có thể kể ra nhiều mâu thuẫn khác nữa. Chẳng hạn khi quan hệ kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh thể chế vẫn diễn ra, nhiều khi một số tổ chức quốc tế và quốc gia khác có thể nêu vấn đề nhân quyền, như một điều kiện khi tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, tìm kiếm các giải pháp khách quan theo các quy luật và giá trị chuẩn mực văn minh nhân loại để cải cách phát triển cần được ưu tiên. Ngược lại, nếu phủ nhận nó một cách duy ý chí hoặc bằng bạo lực, thì chắc chắn con đường dẫn dân tộc tới thịnh vượng thiếu bền vững và dài hơn.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, chuyên gia về chính sách công từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam

Không có nhận xét nào: