Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

AI KÝ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG NGHĨA TRANG CAO CẤP ?

Phạm Viết Đào.

 

Vấn đề thứ nhất: mỗi ngôi mộ có khuôn viên 25-35m2 có trái Nghị định 37/2010/NĐ-CP

Ngày 1/2/2018, Hà Nội: Công bố quy hoạch Nghĩa trang Yên Trung diện tích 120 ha

Theo thông tin báo chí, quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Nghĩa trang Yên Trung là nghĩa trang cấp quốc gia, nơi an nghỉ, khu tưởng niệm các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các anh hùng, danh nhân của đất nước sau khi từ trần.
Tổng diện tích nghĩa trang là 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu cây xanh cảnh quan trên 47 ha. Nghĩa trang sẽ có 2.200-2.500 ngôi mộ, mỗi ngôi có khuôn viên 25-35m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người.
Thời gian thực hiện dự án khoảng 36 tháng. Trong đó giai đoạn 1 xây dựng đường kết nối, khu dịch vụ, khu nghỉ lễ, khu tưởng niệm và khu vực an táng phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng. Các khu vực còn lại được đầu tư khi có nhu cầu.
Dự kiến nguồn vốn được đầu tư là 1.430 tỷ đồng bằng ngân sách nhà nước. Dự án cũng xác định khu tái định cư rộng 9,38ha đáp ứng chỗ ở cho 105 hộ dân thuộc diện di dời phục vụ giải phóng mặt bằng.”
Lần theo thông tin báo chí, chúng tôi tìm thấy quy hoạch này được ghi tại Điều 1 của Quyết định Số: 496/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 08 tháng 04 năm 2014, nguyên văn Điều 1:” Phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau đây:
+ Xây mới nghĩa trang cấp quốc gia tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, quy mô khoảng từ 100 - 150 ha; sử dụng hình thức táng tổng hợp; phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước…”

Có 2 cơ sở pháp lý liên quan trực tiếp về chuyên môn xây dựng nghĩa trang được Quyết định 496/QĐ-TTG dựa vào đó là:
1/- QUYẾT ĐỊNH Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050…
2/Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
3/Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
4/Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
5/Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về việc xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;

Chúng tôi lần theo các văn bản pháp lý kể trên, không thấy có văn bản nào quy định việc xây dựng nghĩa trang cho cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước sau khi mất?
Riêng tiêu chuẩn nhà đất ở bố trí cho các vị lãnh đạo đảng và nhà nước cao cấp hàm Ban bí thư, Bộ chính trị, Đại tướng, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành một quyết định riêng…
Nghiên cứu thông tin do báo chí đưa” “Nghĩa trang sẽ có 2.200-2.500 ngôi mộ, mỗi ngôi có khuôn viên 25-35m2…” Không rõ cái định mức này do Thủ tướng phê duyệt hay do chính quyền Hà Nội chế tác ?
Trong các văn bản pháp lý đã được viễn dẫn kể trên quy định về chế độ, phần đất mai táng cho người chết không nêu hay phân biệt cán bộ cao cấp thì có chế độ phần mộ riêng?

“Điều 4” của Nghị định số: 35/2008/NĐ-CP do Thủ tướng ký ngày 25 tháng 03 năm 2008 Quy định diện tích đất tối đa cho một phần mộ cá nhân:
“1. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2.
2. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ cát táng tối đa không quá 3 m2.”
Như vậy, cái bản quy hoạch phê duyệt mộ phần mỗi ngôi lên tới 25-35 m2 là do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt hay do chính quyền Hà Nội “tùy táng”?
Yêu cầu chính quyền Hà Nội sớm làm rõ điểm uẩn khúc trái Nghị định 35/2008/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành ?!
Vấn đề thứ 2: Cán bộ cao cấp vợ chồng được an táng chung tại Nghia trang cán bộ cao cấp dựa tập quán có sái luật pháp ?
Về chế độ vợ chồng cán bộ được tiêu chuẩn chôn chung tại nghĩa trang dành cho cán bộ cao cấp, báo Dân trí đưa tin:

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang mới và Nhà tang lễ quốc gia

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương xây dựng Nghĩa trang mới dành cho cán bộ cao cấp sau khi từ trần và Nhà tang lễ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Xây dựng tổ chức việc lựa chọn địa điểm xây dựng, quy hoạch xây dựng Nghĩa trang mới và Nhà tang lễ quốc gia. Đây là việc làm cần thiết để đáp ứng yêu cầu trước mắt và cho lâu dài.
Đối với Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung; trong đó chú ý đến các đối tượng phục vụ của Nghĩa trang.
Khu an táng cán bộ cao cấp được nghiên cứu quy hoạch để khi từ trần, cán bộ được chôn cất chung cùng vợ (hoặc chồng) để phù hợp với tập quán đời sống của người Việt Nam; bổ sung khu vực Đài hóa thân hoàn vũ để khuyến khích việc chôn cất bằng hình thức hỏa táng, hợp vệ sinh, tiết kiệm đất. Khu vực an táng dành cho cán bộ cao cấp sau khi từ trần được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và được quản lý như Nghĩa trang Mai Dịch hiện nay.”

(Khu an táng cán bộ cao cấp bố trí đất chôn cất cho cả vợ/chồng

http://dantri.com.vn/xa-hoi/khu-an-tang-can-bo-cao-cap-bo-tri-dat-chon-cat-cho-ca-vochong-1438091622.htm)

Qua thông tin này cho thấy, Ban Bí thư ban hành chủ trương theo tập quán ( hủ tục) mà không căn cứ vào bất kỳ quy định pháp lý nào ?

P.V.Đ.

Không có nhận xét nào: