Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Bà Bộ trưởng Y tế “3 trong 1”: vừa xay lúa, vừa ẵm em, vừa gánh nước ( Khổ thân bà Tiến?!)

Căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành, thì bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không thuộc đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 20/2001/NĐ-CP, về “quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư”.

Tại Điều 3 của Nghị định nêu trên ghi: “Đối tượng được xét công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) gồm: 1. Nhà giáo thuộc biên chế giảng viên của các loại trường đại học (sau đây gọi tắt là trường đại học); 2. Nhà giáo không thuộc biên chế giảng viên của các trường đại học nhưng đang tham gia đào tạo đại học và sau đại học theo quyết định làm nhiệm vụ giảng dạy hoặc hợp đồng thỉnh giảng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký; 3. Nhà giáo nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam”.

Bà Bộ trưởng Y tế “3 trong 1”
Bà Bộ trưởng khoa bảng

Trong công bố danh sách các ứng viên đã đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, phần bà Nguyễn Thị Kim Tiến, có nội dung tóm tắt như sau: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sinh ngày 01/8/1959. Bà Tiến học trường Đại học Y Hà Nội từ năm 1976 - 1982.

Từng làm Bác sỹ nội trú; cán bộ giảng dạy Bộ môn Vệ sinh dịch tễ ở Đại học Y Hà Nội; Nghiên cứu viên phòng dịch tễ, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh; Học nghiên cứu sinh tại Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh; Học nghiên cứu sinh chuyên sâu (D.E.A), tương đương cao học tại đại học Bordeaux (Pháp).

Được phong Phó giáo sư (năm 2002); Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên ban chấp hành Đảng ủy Viện, Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ khối cơ sở Bộ Y tế. Trưởng ban điều hành chương trình mục tiêu Quốc gia khu vực phía Nam về Phòng chống sốt xuất huyết; Tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS; Phòng chống dịch đường hô hấp cấp do Virus. Trưởng ban tư vấn kỹ thuật phòng chống dịch phía Nam. Chủ nhiệm Bộ môn vi sinh cộng đồng Đại học y dược TP.Hồ Chí Minh.

Năm 2011 – 2016 là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Đại biểu quốc hội khóa XIII. Nay là Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bà Bộ trưởng đa mang

Như vậy, tính từ năm 2011 đến nay, trong công việc, bà Nguyễn Thị Kim Tiến chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP, về “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ”. Theo đó, tại Điều 3, ghi: “Bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi toàn quốc. 2. Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Bộ trưởng Bộ Y tế được quy định tại Nghị định số 75/2017/NĐ-CP, “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế”. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây (trích):

“1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia về y tế - dân số thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ hoặc theo phân công.

3. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình quan trọng quốc gia sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ”. (…)

Nếu việc công nhận bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chức danh giáo sư là đúng pháp luật như báo chí đưa tin, thì coi như đồng nghĩa bà Bộ trưởng đã tuân thủ đúng Điều 9 và Điều 11 của Nghị định số 20/2001/NĐ-CP. Theo đó, Điều 9. Người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư phải có các tiêu chuẩn và điều kiện chung sau: 1. Có đủ các tiêu chuẩn của nhà giáo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục (thay thế bằng khoản 2 Điều 70, Luật Giáo dục 2005), thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại Điều 63 Luật Giáo dục (thay thế bằng điều khoản tương đương tại Điều 72, Luật Giáo dục 2005), trung thực, có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và khách quan trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ;

2. Có bằng tiến sĩ từ 3 năm trở lên kể từ ngày cấp bằng; 3. Có đủ số công trình theo quy định của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, trong đó có ít nhất 25% được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét chức danh giáo sư, phó giáo sư;

4. Có báo cáo khoa học tổng kết các kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ của cá nhân phù hợp với chuyên ngành đăng ký xét chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư; 5. Đạt số phiếu tín nhiệm của Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp theo quy định tại khoản 8 Điều 17 Nghị định này (“Các quyết định của Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 3/4 số thành viên của Hội đồng tham gia biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín với tỷ lệ quy định như sau: a) Đối với Hội đồng Chức danh giáo sư cấp cơ sở phải có trên 2/3 số thành viên có mặt tại phiên họp tán thành; b) Đối với Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành phải có trên 3/4 số thành viên có mặt tại phiên họp tán thành; c) Đối với Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phải có trên 1/2 số thành viên Hội đồng có mặt tán thành”).

Điều 11. Ngoài những tiêu chuẩn và điều kiện chung quy định tại Điều 9, chức danh giáo sư có những tiêu chuẩn riêng sau: 1. Có chức danh phó giáo sư từ đủ 3 năm trở lên và 3 năm cuối tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét chức danh giáo sư đang đào tạo đại học sau đại học; 2. Hướng dẫn ít nhất 2 nghiên cứu sinh trong đó hướng dẫn chính 1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; 3. Biên soạn giáo trình, sách phục vụ đào tạo đại học hoặc sau đại học phù hợp với ngành đăng ký xét chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư đã được xuất bản và nộp lưu chiểu; 4. Có đủ số bài báo khoa học đã được công bố theo quy định của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước;

5. Chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp Bộ trở lên và tương đương. Kết quả nghiệm thu ít nhất là đạt yêu cầu; 6. Sử dụng thành thạo một trong năm ngoại ngữ : Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức.

Hệ lụy tất yếu cho sự tuột dốc của nền y tế

Trên thực tế thì khó thể có chuyện đang đương chức Bộ trưởng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn còn quỹ thời gian hành chánh để cũng đồng thời làm nhiệm vụ “đang đào tạo đại học sau đại học” như Điều 11.1 của Nghị định số 20/2001/NĐ-CP. Khi ấy, về nguyên tắc, bà Bộ trưởng cũng không thể làm nhiệm vụ “hướng dẫn chính” cho một nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ như quy định tại Điều 11.2 nói trên.

Tuy nhiên việc gì cũng có thể xảy ra. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn có thể "3 đầu 6 tay" để đảm đương tất cả khối lượng công việc của một bộ trưởng, đồng thời cũng lúc với vai trò của một giảng viên của chương trình sau đại học. Chính việc vừa gánh nước, vừa xay lúa và còn vừa phải ẳm em như vậy nên hệ lụy tất yếu là nền y tế nước nhà ngày càng tuột dốc thảm hại. Nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, thì "đó là hệ thống y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trong tình hình mới.

Hiện trạng y tế nước nhà còn nhiều bất cập

Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, công tác quản lý vật tư y tế còn nhiều bất cập, đội ngũ y tế còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, văn hóa ứng xử và y đức tại một số cơ sở y tế chưa thực sự làm cho người dân hài lòng. Cơ chế tài chính chưa đủ sức thu hút và khuyến khích phát triển y tế cơ sở, vẫn còn tình trạng vượt tuyến gây quá tải ở tuyến trên, lãng phí ở tuyến dưới.

Quản lý giá thuốc, bán thuốc chữa bệnh cơ bản không có đơn, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh còn phổ biến, công tác quản lý thuốc nam, thuốc đông y, thực phẩm chức năng chưa chặt chẽ. Còn tình trạng trục lợi, quỹ bảo hiểm y tế để xảy ra một số sự cố về y tế ở các tuyến gây lo lắng cho nhân dân. Tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao và không thừa nhận kết quả trong xét nghiệm chung của các cơ sở y tế đã gây lãng phí, khó khăn cho người bệnh…" (Trích chất vấn tại kỳ họp Quốc hội ở năm vừa qua với Bộ Trưởng Y tế)

Chức danh giáo sư chỉ có ý nghĩa về học hàm, và giá trị khi người đó thực sự đang góp phần đào tạo nguồn nhân lực. Một bà giáo sư đi làm quản lý Nhà nước, dường như chẳng liên quan chi đến vấn đề học thuật, hay nghiên cứu khoa học chuyên sâu cả.

Trần Thành

(VNTB)

Không có nhận xét nào: