Với nền kinh tế dẫn đầu, Đức kêu gọi EU khẩn trương thắt chặt luật pháp liên quan đến việc các công ty nước ngoài mua lại các doanh nghiệp, tờ Express (UK) đưa tin hôm 6/2.
Theo một nghiên cứu gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc đang mua lại các công ty của Đức với một tốc độ chưa từng thấy.
Ông Matthias Machnig, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức, cho rằng “các biện pháp khắt khe hơn về luật pháp” là cần thiết để ngăn chặn việc Trung Quốc đang mua thêm nhiều công ty.
Ý kiến của ông Machnig được đưa ra trong bối cảnh một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne cho thấy số doanh nghiệp Đức bị mua lại bởi các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng vọt trong 7 năm qua.
Nghiên cứu phát hiện các công ty Trung Quốc đã mua lại và giành quyền kiểm soát 39 công ty Đức trong năm 2017, 44 công ty Đức trong năm 2016, so với chỉ có 6 công ty Đức bị tiếp quản trong năm 2010.
Nghiên cứu cũng cho thấy Trung Quốc đã đầu tư hơn 12 tỷ Euro vào Đức trong năm 2017, tăng khoảng 11 tỷ so với năm 2016, trong khi đó khoản đầu tư trong năm 2010 chỉ là 100 triệu Euro.
Đức đang kêu gọi EU bảo vệ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp của mình, chống lại việc mua lại của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là đang nhắm đến các doanh nghiệp của EU trong các lĩnh vực dược phẩm, hóa chất và hàng không.
Nghiên cứu cũng cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc thường không quan tâm trực tiếp đến bản thân các công ty, mà chủ yếu đến các bằng sáng chế, nghiên cứu và công nghệ của những công ty này.
Ông Christian Rusche của Viện nghiên cứu Cologne nói: “Có thể nhận thấy rằng kể từ năm 2010, rất nhiều cuộc tiếp quản và mua lại đã diễn ra, trong đó nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển đã được thực hiện”.
Những tiết lộ này được đưa ra sau khi ông Machnig kêu gọi siết chặt hơn việc các công ty Đức bị mua lại.
Phát biểu với tờ Die Welt của Đức, ông Machnig khẳng định: “”Điều cực kỳ cần thiết là trong năm nay, chúng ta phải có những biện pháp pháp lý khắt khe hơn trên khắp EU để có thể chống lại hiệu quả các vụ mua lại ‘kỳ quặc’, và chống lại việc chuyển công nghệ và bí quyết ra bên ngoài”.
Ông Machnig cho rằng: “Với các công ty có tính sáng tạo, EU rất hấp dẫn đối với nhiều nước trên thế giới; Việc mua lại, giành quyền kiểm soát đang trở nên thường xuyên hơn, thường dưới những điều kiện bóp méo thị trường”.
Ông Machnig cũng nói thêm rằng, cùng với Pháp và Ý, Đức đã bắt đầu quá trình thông qua một đạo luật mới của EU, cho phép các quốc gia thành viên có quyền xem xét, và có khả năng ngăn cản việc mua lại trong tương lai. Đạo luật cũng yêu cầu các thành viên EU phải chia sẻ thông tin về đầu tư nước ngoài, với nhau và với Ủy ban châu Âu.
Tuy nhiên, đạo luật này vẫn còn trong giai đoạn dự thảo.
Phạm Duy
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét