Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

VNTB - Đáp lời Ts. Phạm Sĩ Liêm và Nhà báo Mai Dương về dự án nghĩa trang cao cấp cán bộ

Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Tuần qua nhà cầm quyền Hà Nội công bố dự án “Nghĩa trang cao cấp 1400 tỷ trên 120 ha đất ngoại thành Hà Nội” gây ồn ào cấp tập dư luận mạng xã hội. Báo chí nhà nước im lặng nghe ngóng động tĩnh vì đề tài nhạy cảm. Sau đó họ nghĩ không thể không bàn bạc, không thể né tránh. Thập thò nghe ngóng có ông Ts Phạm Sỹ Liêm thứ trưởng Bộ Xây Dựng (nhiều khả năng ông chính là đồng tác gỉa Dự án). Thính giả nghe VOV1 biểu dương nghị sĩ sử học Dương Trung Quốc đã thẳng thắn lên tiếng bác bỏ dự án trên trong một cuộc trao đổi trên làn sóng. 


Hiện nay xu hướng an táng người qua đời bằng hoá táng ngày càng lan rộng. Bộ XD và chính quyền Hà Nội bày trò “lập công dâng Đảng” bất chấp đi ngược chiều nền văn hoá mới đang hình thành. Mặt khác các ông đã và đang phạm tội “Cố ý làm trái di chúc” và “Cố ý làm trái tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”, các ông biết không ? Tội này còn nặng hơn tội cụ thể Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh nhiều lần đấy. 

“Khi bắt tay vào viết Di Chúc, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Về việc riêng: Sau khi tôi qua đời chớ tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong cách "hỏa táng" dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất. Bao giờ có nhiều điện thì điện táng càng tốt hơn". 

Nghĩa trang quốc gia Arlington có một lịch sử lâu dài, gắn liền với thời kỳ nội chiến
Để bênh vực cho dự án 1400 tỷ, TS Phạm Sỹ Liêm thứ trưởng Bộ Xây Dựng giải thích với Báo chí “ở các nước cũng có nghĩa trang cấp quốc gia, có nước gọi là điện thờ, đền thờ như ở Pháp có điện Panthéon, ở Trung Quốc có Bát Bảo Sơn”. (báo Dân Việt: 04/02/2018) 

Nhà báo Mai Dương viết bài trên tờ “Nghệ An Thời báo” (04/02/2018) ca tụng “Nghĩa trang cao cấp 1400”. Mở đầu, Mai Dương nêu lý do rằng Việt Nam cần học tập hai nước: “Mỹ có Arlington, Trung Hoa có Bát Bảo Sơn, đấy là hai khu nghĩa trang cấp quốc gia không chỉ thuần túy là nghĩa trang, mà nó còn là thương hiệu về bản sắc dân tộc của hai đất nước hùng mạnh bậc nhất thế giới”. 

Hai ông đã lấy nghĩa trang Mỹ, Pháp và Trung Quốc làm mẫu mực, làm gương cho Việt Nam học tập noi theo. 

Vậy thì tôi sẽ tranh luận với hai ông một lần, giúp hai ông tránh khỏi sự ngộ nhận. Giúp hai ông nhìn rõ xem có thể học theo họ không nhá. 

Mai Dương gọi “nghĩa địa quốc gia” là “thương hiệu về bản sắc dân tộc”. Nghĩa địa là phạm trù tâm linh, bây giờ nhà báo này gọi là “thương hiệu về bản sắc dân tộc” có thể kinh doanh buôn bán đổi chác a? Chả biết tay nhà báo này học lớp mấy. 

Hãy chú ý tính chất lịch sử của ba nghĩa trang Pantheon, Arlington và Bát Bảo Sơn. 

Nó khác hẳn với “ngẫu hứng nghĩa trang cao cấp” của BỘ XD và chính quyền Hà Nội đã được Ban bí thư và Thủ tướng phê duyệt 

Điện PATHÉON ở Pháp vốn dĩ là một ngôi nhà thờ cổ từ thế kỷ 18. Sau đó, các nền cộng hoà đưa hài cốt vua chúa an táng ở đó theo quan niệm tâm linh và ý thức ghi nhận lịch sử của họ. Mãi sau một số danh nhân văn hoá đặc biệt có tầm vóc lớn lao của dân tộc mới đưa thêm vào (các nhà Khai sáng cách mạng tư sản, các văn nghệ sĩ nổi tiếng thế giới người Pháp). 

Trong khi, Nghĩa trang Quốc gia ARLINGTON Hoa Kỳ được thành lập trên phần đất điền trang cũ của tướng Robert E.Lee *[1], đại tướng Nội chiến 1841-45 (phe Lien minh miền Nam thua trận) làm nơi an táng của hơn 290.000 người, trong đó phần lớn là các binh lính, sĩ quan hoặc cựu chiến binh của quân đội Hoa Kỳ chết vô danh (unknown). 

Những người được mai táng hoặc đặt bình tro cốt gồm:

- Các binh sĩ tử trận chưa biết tên của Chiến tranh thế giới I, thế giới II 

- Các binh sĩ tử trận vô danh trong Chiến Tranh Triều tiên 

- Các binh sĩ Hoa Kỳ tử trận vô danh trong Chiến tranh Việt Nam

Hai ông có biết vì sao có nghĩa trang tử sĩ vô danh không ? 

- Đáp: vì không xác định được họ tên quê quán, không biết đưa về an táng nơi đâu, không ai nhận, nên nhà nước sẽ lo nghĩa vụ ấy. Nhà nước không làm chuyện tào lao vô ích và thừa thãi trùng lặp. Nước Mỹ như thế đấy. 

Một số người nổi tiếng đặc biệt ngoại lệ khác 

- Philip Sheridan,chỉ huy quân đội Liên bang miền Bắc trong Nội chiến Hoa Kỳ. 

- Grace Hopper (1906-1992), nhà khoa học máy tính tiên phong. 

- John F. Kennedy (1917-1963), tổng thống Hoa Kỳ (1961-1963) bị ám sát, và Jacqueline Kennedy Onassis phu nhân tổng thống. Kế bên là mộ nghị sĩ Robert Kennedy, em trai tổng thống cũng bị ám sát trong khi tranh cử. 

- William Howard Taft, tổng thống Hoa Kỳ (1909-1913) (chưa rõ nguyên nhân mai táng ở đây). 

- Creighton Abrams (1914-1974), chỉ huy quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1968-1972. 

Khu tưởng niệm trong nghĩa trang quốc gia Arlington (tiếng Việt gọi là mộ gió) 

Trong nghĩa trang còn một số đài tưởng niệm chung: 
  • Đài tưởng niệm các nô lệ được giải phóng hi sinh Nội chiến 1841-1845 mất xác.
     
  • Đài tưởng niệm 266 binh sĩ thiệt mạng trong vụ đắm tàu USS Maine (mất xác)
  • Phi hành đoàn của tàu con thoi Challenger (bị nổ ngày 28 tháng 1năm 1986) (mất xác).
  • Đài tưởng niệm kiến trúc sư Pierre-Charles L'Enfant (người quy hoạch thủ đô Washington D.C). 
Lưu ý: vì không còn hài cốt, đài tưởng niệm coi như mộ gió. 

Tóm lại, nghiã trang quốc gia Hoa Kỳ không theo tiêu chí “cấp cao”, mà theo tiêu chí “đặc biệt”. 

Việt Nam sao chép Trung Quốc: vẫn kém!

“NGHĨA TRANG BÁT BẢO SƠN” là nơi chôn cất phần lớn các lãnh đạo Trung cộng và Nhà nước. Tuy nhiên họ khôn ngoan, chen kẽ nơi an nghỉ của nhiều người Trung Quốc nổi tiếng lịch sử trong đó có Phổ Nghi hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh và nhiều người chế độ cũ. Nghĩa trang Bát Bảo Sơn” muốn chứng tỏ ghi dấu lịch sử TQ. 

Người TQ không sáng chế ra “nghĩa trang cao cấp”, họ khôn hơn Việt Nam một cái đầu. 

Nguồn gốc của Bát Bảo Sơn là nơi đặt miếu thờ Cương Bỉnh, một người lính có hành động anh hùng thời Minh Thành tổ. Sau đó ngôi miếu trở thành một đền thờ Đạo giáo và nơi ở của các hoạn quan nghỉ hưu, phần đất xung quanh đền cũng được dùng để chôn cất các thái giám và cung phi của Tử Cấm Thành. Sau khi Bát Bảo Sơn trở thành “nghĩa trang cách mạng”, ngôi đền thờ Đạo giáo này được gọi là nơi thờ nói chung và đổi tên thành Bảo trung hộ quốc từ (褒忠护国祠). Năm 1951, trên phần đất Bát Bảo Sơn, chính quyền Bắc Kinh thành lập “Nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn”, nhưng vẫn giữ các phần cũ do lịch sử để lại. 

Khu vực 1 dành cho các quan chức cấp huyện, sĩ quan cấp sư đoàn, mộ phần 4m x 2m. Khu vực 2 chôn cất các quan chức cấp tỉnh hoặc sĩ quan cấp quân đoàn, kích thước tối đa 7m x 7m. Khu đất phía bắc của ngôi đền là khu vực 3, nơi chôn cất các lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Giải phóng quân, Nhà nước và hoặc người có công trạng đặc biệt với cách mạng. 

Sự khôn ngoan của Trung cộng ở chỗ họ thể hiện sự tiếp nối lịch sử. Rằng họ chẳng phải là quái thai lịch sử (thực ra thì đúng vậy). 

Anh nhà báo Mai Dương còn chê trách báo chí nhà nước không ủng hộ Dự án: 

“Nói thế để thấy rằng, không hiểu tại sao mà nghĩa trang cấp quốc gia qua miệng báo chí bỗng trở thành thuần túy chỉ là “nghĩa trang dành cho lãnh đạo cấp cao của Đảng”?! “Nghĩa là, không phải cứ cán bộ to, là được hưởng chế độ an táng ở các nghĩa trang này. Và báo chí chúng ta, hình như đang cố tình lờ tịt ?”. 

Mô hình nghĩa trang cao cấp Hà Nội hình Bát quái

Này anh Mai Dương nhà báo xứ Nghệ, anh nói xem Nghĩa trang 1400 thể hiện “tính dân tộc” ở chỗ nào ? 

Mô hình “nghĩa trang cán bộ cao cấp” học theo mô hình bát quái. 

Mô hình bát quái và Nghĩa trang cao cấp cán bộ Hà Nội
“Mô hình bát quái” (bên trái) trái với chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác- Engels. Nghĩa trang cán bộ CC (bên phải) bắt chước mô hình bát quái. Bát quái đồ là biểu tượng Triết học cổ đại và Đạo giáo Trung quốc cổ xưa. 

Anh nhà báo Mai Dương này được cái thạo tin bí mật quốc gia. Báo chí nói chung chả biết gì suốt mấy năm qua. Trung ương giữ bí mật để tránh bị phản đối, nay thành sự đã rồi mới công bố. “Ban bí thư đã phê duyệt chủ trương từ 2015, và bây giờ là bước công bố quy hoạch”. 

Mai Dương cho biết: “… những người đủ tiêu chuẩn an táng ở đây, sẽ được chôn cất cả vợ lẫn chồng với nhau, để phù hợp với văn hóa, tinh thần dân tộc. Đó là một bước tiến mới của sự nhân văn mà không mấy ai để ý”. Thế thì, nguồn vốn ngân sách là quá hợp lý. Và họ là những người xứng đáng!”. 

Này Mai Dương, “ăn trên ngồi trốc, phân chia giai cấp tới chết, tham nhũng tới bến” mà gọi là “phù hợp với văn hóa, tinh thần dân tộc” ư ? ! 

Xã hội hóa nghĩa trang: tả pí lù

Anh nhà báo Mai Dương tiết lộ:“Một phần thú vị trong nội dung dự án này hình như đang được (báo chí) lờ đi, đó là phần diện tích dành để xã hội hóa nghĩa trang nhằm tăng nguồn thu từ các tổ chức cá nhân có nhu cầu, giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước”. 

Thế là, những người có tiền đại gia, cũng sẽ chen vào kiếm chút danh. Chắc chắn sẽ có phong trào “chạy” suất nghĩa trang. 

Nhà báo Mai Dương kết luận rằng: “mỗi đất nước cũng cần phải có một khu nghĩa trang quốc gia … đó là văn hóa, là cội nguồn, là cái gốc cái rễ của chế độ, của tổ quốc.(!) 

Mai Dương nhà báo quốc doanh xứ Nghệ học qua mấy trường mà lẫn lộn tất cả khái niệm văn hoá cơ bản, anh bị u mê mất rồi . 

Kết

Nhận thấy công luận phản đối dữ dội, TS Phạm Sĩ Liêm nguyên đồng tác giả thiết kế Dự án liền xoay lá cờ gió: 

“Hiện nay ngân sách Nhà nước chưa phải dồi dào. Chúng ta còn phải phát hành trái phiếu, nợ công vẫn đang ở mức cao. Tình hình như vậy lại đi xây dựng nghĩa trang tiêu tốn khoản tiền 1.400 tỷ đồng thì nghe chừng chưa ổn, có thể người dân sẽ không bằng lòng'” (TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói). 

Làn sóng “tượng đài” mới tạm ngưng vì công luận phản ứng, bỗng nảy nòi ra chiêu mới “nghĩa trang / bãi tha ma cao cấp”. Đây còn gọi là “tham nhũng nghĩa địa nghĩa trang”. 

Dân gian thế mà thâm thuý lắm. Mấy hôm nay trên mạng xã hội đã bật ra những câu hài hước, như “Thành kính phân lô”. v.v… 

Các thầy đồ gật gù nói “Họ chen kẽ một ít danh nhân đất nước vào để ăn theo lẫn nhau, mập mờ đánh lận con đen”. 

Cần điều tra xã hội học, lấy ý kiến rộng rãi 

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói: Việc xây dựng nghĩa trang cho những vị lãnh đạo cao cấp nhất, xin nói là cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, các anh hùng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là cần thiết. Tuy nhiên, xây dựng nghĩa trang dành cho cán bộ cao cấp tới 1.400 tỷ đồng tiền ngân sách cần cân nhắc. “Người lãnh đạo khi về nghỉ hưu cũng là dân, lúc làm việc thay mặt cho nhân dân, khi quyết định vấn đề gì cũng phải được người dân ủng hộ. 

Sực nhớ một truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan tôi đọc từ hồi nhỏ. Về sau truyện này đã bị bỏ ra khỏi các tuyển tập, có lẽ nhà cầm quyền kiểm duyệt sợ nó được bắt chước thành hiện thực và lan truyền. Tên truyện “Một cuộc trả thù”. Nhân vật chính là một thầy đồ nho làng quê, thường bị 1 lão cường hà ác bá trong làng cậy quyền thế ức hiếp. Thầy đồ đau khổ lắm nhưng chẳng biết làm sao. Một hôm thầy hăm hở đi ra đồng vào ban đêm. Đến một ngôi mả xây khá đẹp, thầy nhìn quanh rồi vén quần, chĩa vào đái xối xả. Xong thầy ung dung thanh thản quay về nhà, cảm thấy cuộc đời hạnh phúc. 

Người dân Bắc từ xưa đã chửi “mả bố mày/ mả bố chúng nó chứ”. 

Người dân Nam có câu chửi tương tự, mạnh hơn “mồ tổ cha nó chớ”. 

Giờ nghe thời sự, mới hiểu ra nghĩa lý sâu xa của câu chửi xưa, xưa mà không cũ. 

Tài liệu tham khảo



3. Nhà báo Mai Dương ca tụng Nghiã trang cap cấp 1400 tỷ (trên Nghệ An thời báo): http://ngheanthoibao.com/cau-chuyen-1400-ty-va-nghia-trang/


[1]*. Về sau Custis Lee, con trai và người thừa kế của tướng Robert E. Lee, đã kiện chính phủ Hoa Kỳ vì quyết định sung công này, và Quốc hội Hoa Kỳ đã phải trả cho Custis Lee 150.000 USD để giành quyền sung công mảnh đất. “Bên thắng cuộc” đã không cướp không của “bên thua cuộc”. 

Không có nhận xét nào: