Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Tướng Trần Độ: “Tháng ngày biến hóa, ác luân hồi ”

Đinh Quang Anh Thái

(Tháng Chín, 2002)
Lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với ông Trần Độ phải qua trung gian hai ba người chứ không phải tự nhiên mà ông Độ trả lời điện thoại một người lạ sống ở Mỹ. Nhất là một nhân viên Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, đài phát thanh bị Cộng Sản Hà Nội quy chụp là chống phá chế độ.
Đầu đuôi câu chuyện bắt nguồn từ việc ông Trần Độ bị đảng Cộng Sản khai trừ ngày 4 Tháng Giêng năm 1999.
Ngay khi biết tin, tôi lập tức gọi điện thoại về hỏi thăm ông Độ và được ông xác nhận tin này là đúng, nhưng ông không đưa ra lời bình luận nào.
Một ngày sau, mới tờ mờ sáng ở Washington DC, giám đốc Ban Việt Ngữ RFA, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, điện thoại bảo tôi tìm cách liên lạc với những người quen ở Hà Nội để tìm hiểu nguồn tin nói rằng có một đại tá đảng viên cộng sản 50 năm đã trả thẻ đảng để phản đối việc ông Trần Độ bị khai trừ.
Qua cuộc nói chuyện bằng điện thoại với Nhà văn Hoàng Tiến, tôi được biết người trả thẻ đảng là cựu Đại tá Phạm Quế Dương, nguyên Tổng biên tập Tạp Chí Lịch Sử Quân Sự thuộc Viện Lịch Sử Quân Sự, Tổng Cục Chính Trị của Cộng Sản Việt Nam.
Nói chuyện với Nhà văn Hoàng Tiến, tôi hỏi ông sau khi ông viết những bài ủng hộ cựu Trung tướng Trần Độ, tình trạng an ninh của ông ra sao, ông Hoàng Tiến cho biết là ông bị công an “săn sóc” tận tình lắm, dù vậy, ông và những “anh em dân chủ khác” luôn luôn chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, để nếu có việc gì xẩy ra thì về mặt tâm lý, mọi người không thấy có gì hỗn loạn cả. Ông Hoàng Tiến còn tâm sự rằng, “phải chịu đựng thôi, vì bao giờ cũng thế, cái gì cũng phải trả giá, nhất là dân chủ và tự do phải trả giá lớn chứ không phải nhỏ. Thôi thì cứ làm cho hết cái lương tâm của mình. Anh em đều nghĩ như thế, vì đây là cái nghĩa cả, cái nghĩa lớn ấy mà. Đất nước mình không thể thua các nước khác được. Bây giờ cả thế giới sống trong trào lưu dân chủ thì mình sống trong cái ốc đảo sao được. Làm sao cho quyền làm người, quyền làm dân được hiểu đúng thì lúc đó khó ai mà o ép dân được.”

Tôi hỏi ông có gặp Tướng Trần Độ không, ông cho biết ngay sau khi đảng Cộng Sản khai trừ ông Trần Độ, ông có đến thăm và thấy ông Độ đã chuẩn bị hết cả rồi, vì ông Độ “sống bằng lương tâm đối với cái nghĩa lớn của đất nước nên rất thanh thản, không có gì vướng bận cả”.
Ông Hoàng Tiến cho tôi số điện thoại của ông Phạm Quế Dương, còn dặn dò là tôi gọi về ngay, và cứ bảo do Hoàng Tiến giới thiệu.
Tôi gọi về, sau vài phút dè dặt, ông Dương đã hề hà nói chuyện rất thân thiện. Ông gọi tôi là cậu và xưng tớ. Ông bảo, ông quen cung cách nhà binh như thế rồi, vả lại, ông nói, vậy mới thân tình.
Hỏi tại sao ông trả thẻ đảng và trả luôn cả huân chương Hồ Chí Minh để phản đối việc ông Độ bị khai trừ, ông Dương cười thoải mái nói nguyên văn rằng, “Ông Độ từng là cấp chỉ huy của tớ, và trong một phiên gác thời tớ mới vào bộ đội trong cuộc chiến chống Pháp, chính ông Độ đã đề nghị gác thay cho tớ vì thấy tớ buồn ngủ quá. Từ đó, tớ yêu kính ông Độ. Nhưng trên tất cả, tớ thấy ông Độ rất anh dũng khi dám nói lên thực trạng hiện nay của đất nước và dám nêu vấn đề dân chủ với lãnh đạo đảng. Cho nên khi nghe tin ông bị khai trừ, tớ đến ngay nhà ông và bảo ông rằng, anh luôn luôn trong trái tim em, bây giờ em ra trụ sở đảng để trả thẻ đảng viên 50 năm và huân chương Hồ Chí Minh đây. Tớ cho rằng sống với nhau phải có tình có nghĩa. Thế thôi, nhất là việc ông Độ tranh đấu cho dân chủ là đúng quá chứ có gì sai đâu.”
Tôi nói với ông Dương là có cách nào giúp tôi phỏng vấn được ông Độ không, ông Dương bảo “để tớ gọi ngay cho anh ấy, chắc được thôi.”
clip_image002
Tướng Trần Độ
Tướng Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh năm 1923 tại Thái Bình. Gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940, từng bị Pháp bắt và lãnh án 15 năm tù. Cuối năm 1941, từ nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Trần Độ bị đầy lên Sơn La, ở tù cùng thời gian với Nguyễn Lương BằngLê Đức ThọXuân Thủy… Năm 1943, trên đường Pháp giải tù từ Sơn La ra Côn Đảo, Trần Độ trốn thoát để ra ngoài tiếp tục hoạt động. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đảng CSVN, và năm 1975, ông là Phó Chính ủy và Phó Bí thư Quân ủy “Quân Giải phóng Miền Nam.”
Sau 1975, ông giữ chức Trưởng ban kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa và soạn nghị quyết số 5, củng cố tiến trình cởi mở văn hóa trong thời kỳ Đổi Mới. Ông còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII và là ủy viênTrung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa III, IV, V, VI (1960-1991).
Do bất đồng chính kiến với một số lãnh đạo cao cấp khác của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông bị khai trừ khỏi Đảng ngày 4 Tháng Giêng năm 1999, sau 58 năm phục vụ đảng.
***
Dù đã được ông Phạm Quế Dương giới thiệu, thế mà vẫn không được!
Qua điện thoại, rõ ràng ông Độ có cởi mở hơn chứ không dè dặt như lần trước, nhưng ông bảo, cứ nói chuyện với nhau thôi, đừng thâu âm làm gì, vì ông cần cân nhắc trước khi trả lời các đài phát thanh nước ngoài, nhất là ông đang muốn thuyết phục những đảng viên khác còn trong đảng. Nói chuyện với ông Độ hơn nửa tiếng, hỏi ông rất nhiều vấn đề, nhất là thắc mắc của tôi là ông “chống đảng để cứu đảng hay chống đảng để cứu dân”. Ông bảo, đọc các bài viết của ông thì tất rõ chứ đừng để ông phải giải thích.
Cảm tưởng của tôi thôi, chứ chưa chắc đã đúng, là ông Độ vẫn còn lưu luyến với đảng CS, tổ chức mà ông đã hết mực gắn bó gần cả đời người, dù nó đối xử tàn tệ với ông. Có lẽ nói đúng hơn, là ông quyến luyến với những đảng viên mà trong các bài viết của ông, ông gọi họ là “những người còn có tấm lòng”.
Không hỏi trực tiếp được ông Độ thì tôi hỏi những người khác về ông Độ.
Giáo sư Lữ Phương ở Sài Gòn, người từng là thứ trưởng của “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” và sau này đã bỏ đảng CS, nhận định rằng, đấu tranh trong nước phải quyền biến lắm, chống đảng để cứu đảng hay chống đảng để cứu dân, ranh giới của hai lập trường này rất khó phân định, mà cũng chả ai nói huỵch toẹt ra đâu, ai muốn đoán sao thì đoán. Tại sao ấy à, ông Lữ Phương giải thích, “xã hội CS nào cũng thế, người ta nghĩ một đằng nói một nẻo, nên cứ phải từ từ thì mới hiểu được ai là ai, ai là người thế nào”.
Một nhận định của ông Lữ Phương về ông Trần Độ trong cuộc nói chuyện bằng điện thoại khiến tôi chú ý nhiều, là ông Trần Độ dấn thân vì lòng yêu nước, chứ trình độ hiểu biết của ông Độ về chủ nghĩa Mác Lê, theo ông Lữ Phương, “còn hời hợt lắm.” Ông Phương nói nguyên văn rằng “đối với chủ nghĩa Mác, ông Độ chỉ là người đứng ngoài ngõ nhìn vào thôi, chứ chưa bước chân vào nhà.” Cũng theo lời ông Phương, những người như ông Độ trong đảng chiếm đa số. Trả lời câu hỏi của tôi về ảnh hưởng việc ông Độ bị khai trừ, ông Lữ Phương nói, cứ nhìn vào số tướng lãnh vẫn đến thăm ông Độ thì biết là ông Độ còn được nhiều người yêu kính lắm. Mà không riêng gì quân đội đâu, ông Lữ Phương bảo, văn nghệ sĩ cũng nhiều người có cảm tình với ông tướng nhà văn này. Vì năm 1986, khi còn giữ chức Trưởng Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương Đảng, ông Độ đã được các văn nghệ sĩ hoan nghênh với câu nói “nhân dân Việt Nam không cần ai chọn món ăn tinh thần cho mình. Nhân dân đủ thông minh để chọn lấy. ”  Cũng vì câu nói ấy, và vì chủ trương cởi mở đối với sinh hoạt văn nghệ, ông Độ bị mất chức. Một số người cho rằng, nếu không có Trần Độ thì khó lòng có những tác phẩm nói lên sự thật về cuộc sống Xã Hội Chủ Nghĩa của các tác giả như Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo, Phùng Gia Lộc và nhiều nhà văn khác.
***
Tết năm 2000, tôi có dịp kiểm chứng lời ông Lữ Phương.
Chiều Mùng Hai, do đi công tác cho đài Á Châu Tự Do ở Thái Lan, nên từ Bangkok, tôi điện thoại về mừng tuổi ông Độ. Cuộc nói chuyện rất ngắn, vì nhà ông đang có khách, tiếng cười nói rất ồn. Ông bảo, một số thuộc cấp ngày xưa của ông đến chúc Tết, họ hiện đang nắm các sư đoàn. Tôi hỏi, họ không sợ khi đến thăm một người bị khai trừ hay sao, ông nói, cũng có người sợ không dám đến, nhưng nhiều anh em vẫn giữ được tình cảm có trước có sau. Ông nói, tôi để anh nói chuyện với một sư trưởng nhé.  Sau đó ông Độ giao điện thoại cho một vị giọng Bắc sệt, cười lớn bảo, anh Trần Độ là thủ trưởng cũ của chúng tôi và mãi mãi vẫn là thủ trưởng, dù hoàn cảnh nào chăng nữa. Ông tiếp, anh hỏi tôi đang nắm sư đoàn mà thăm ông Độ như vậy có sợ không ấy à, tôi chả sợ gì cả: “Sống với nhau mà không giữ được lòng tử tế thì chẳng ra làm sao cả!”
Trở lại việc tìm hiểu tâm tư ông Trần Độ qua những người quen thân ông Độ, ngày 13 Tháng Giêng 1999, tôi điện thoại thăm ông Hoàng Minh Chính, cựu Viện trưởng Viện Triết Học Mác Lê và là nạn nhân nổi tiếng nhất của vụ án mà đảng Cộng Sản gọi là “Vụ Xét Lại Chống Đảng.”  Ông Chính cho biết, hôm Mùng Bẩy, tức là ba ngày sau khi ông Trần Độ bị khai trừ, ông có đến gặp ông Độ. Ông Chính nói: “Tôi thấy anh ấy thanh thản, và hình như anh ấy thấy đã được giải phóng khỏi cái vòng kim cô. Nếu như tôi không lầm thì anh ấy thanh thoát và quyết tâm vững vàng để phục vụ tổ quốc và nhân dân.”
Tôi hỏi ông Chính là số người đồng ý với những bài viết đòi tự do dân chủ của ông Độ có đông không, ông Chính nói, nhiều cán bộ cấp thứ trưởng nghỉ hưu, nhiều người còn tại chức mang cấp vụ trưởng, các sĩ quan cấp tá, thậm chí cấp tướng nữa, cũng đồng tình với những điều triệt để do ông Độ nêu ra. Thế còn giới lãnh đạo đảng thì sao, tôi hỏi ông Chính, ông bảo, lãnh đạo của đảng bị ở thế giữa ngã ba đường. Nếu không phê phán bài của ông Trần Độ thì không được. Mà phê phán thì 30, 40 bài chỉ trích ông Độ đăng trên báo Nhân Dân bị người ta chê là dưới tầm, nội dung yếu. Mà quan điểm của ông Trần Độ đề ra là những vấn đề lớn nhất của đất nước khiến lãnh đạo cao nhất của đảng phải suy ngẫm. Thế nên lãnh đạo mới lo. Lo mà để yên thì sẽ có các bài khác ủng hộ ông Trần Độ, mà đã có một loạt bài rồi. Vì thế nên mới ngăn chặn, rồi dẫn đến khai trừ ông Độ.
Tiến sĩ Địa Vật Lý Nguyễn Thanh Giang cũng cho tôi nhiều nhận định lý thú về ông Độ. Cùng ngày nói chuyện với ông Hoàng Minh Chính, tôi được ông Giang cho biết qua điện thoại, là ông đã đến thăm và nói với ông Độ rằng, ông Độ nên xem việc bị khai trừ là bình thường, và “ông Trần Độ thế nào thì cứ là ông Trần Độ như thế thì ông Độ sẽ đi vào lịch sử.” Ông Giang còn cho biết là ông đã nói cho giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam biết là họ đừng làm thế (khai trừ ông Độ), chẳng có lợi gì cho họ, vì chỉ gây nhiều buồn phiền cho những người có thiện tâm, những người sống có tình có nghĩa vì ai cũng đều thấy việc ông Trần Độ lên tiếng cho tự do dân chủ là xứng đáng làm. Ông Giang bảo, chẳng riêng ông Phạm Quế Dương trả thẻ đảng, mà còn có đảng viên khác đã tỏ sự ủng hộ ông Trần Độ, nhưng ông Giang không quan tâm lắm đến vấn đề này, vì trong đất nước ta hiện nay còn có nhiều vấn đề khác đáng lo hơn nhiều, ông Trần Độ chỉ là một trong những vấn đề nổi cộm trong nhiều vấn đề khác phải lo lắng. Đó là các vấn đề ai cũng biết rồi. Vụ Thái Bình, Uy Nỗ, những thứ ấy đều là vấn đề cả chứ. Tôi hỏi ông Giang rằng trong tình huống hiện nay, liệu Việt Nam có yếu tố Gorbachev không, có yếu tố Ceaucescu không, có yếu tố Thiên An Môn không, ông trả lời rằng “chả cái gì rõ cả, nhưng cái gì cũng có, cũng giống như ngành địa chất học, nhiều chỗ tưởng không có mỏ, nhưng nếu huy động đủ trí tuệ thì có khi nó bùng nổ thành cuộc cách mạng đại kỹ nghệ.”  Ông Giang cười sảng khoái nhận định như thế.
***
Bản thân ông Trần Độ, ông nghĩ gì khi bị khai trừ khỏi cái tổ chức mà ông đã dành gần trọn đời người để hy sinh và tận tụy với nó?
Lá thư phản kháng dài sáu trang đánh máy của ông đề ngày 22 Tháng Bảy, 1999, gởi cho các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam cho ta thấy phần nào tâm tư của ông. Một đoạn trong thư, ông viết: “Tôi là đảng viên bị khai trừ. Tôi bị khai trừ là phải. Nếu không khai trừ tôi, có lúc tôi phải xin ra khỏi cái đảng này. Tôi không thể chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ. Còn với chủ nghĩa xã hội, tôi không hề chống. Tôi chỉ không tán thành cái thứ chủ nghĩa xã hội đã thất bại trên thế giới và đã gây nghèo đói ở Việt Nam.”
Nhưng có lẽ rõ ràng và dứt khoát hơn cả là bốn câu thơ ông Trần Độ viết trong bút ký “Một Cái Nhìn Trở Lại” vào Tháng Chín năm 1988 khi ông vừa tròn 75 tuổi:
Những mơ xóa ác ở trên đời (lúc bắt đầu)
Ta phó thân ta với đất trời (dấn thân)
Ác xóa đi, thay bằng cực thiện (thắng lợi) 
Tháng ngày biến hóa, ác luân hồi (trở lại ác)
(*ghi chú: những chữ trong ngoặc là của chính ông Trần Độ).
Đọc bốn câu thơ trên, tôi có cảm tưởng nghe thấy tiếng thở dài, ray rứt của ông Độ.
Trong bút ký, ông còn nhấn mạnh rằng, “Dân tộc Việt Nam không nên lệ thuộc vào bất cứ chủ nghĩa nào, học thuyết nào. Đảng Cộng Sản có quyền có học thuyết của mình, nhưng không được bắt tất cả mọi người phải theo học thuyết đó. Vì mọi người, nhất là người Việt Nam hiện nay đã đủ trình độ để nhận xét chân lý và đạo lý.”
Một đoạn khác của cuốn bút ký, ông đã dàn trải rất rõ tâm sự của mình. Ông viết: “Tôi có nhiều cái để chống. Tôi chống năm cái. Đó là thói quan liêu. Tệ tham nhũng. Thói lừa dối mưu mẹo, thủ đoạn để mưu lợi và hại người. Tệ cơ hội, nịnh hót. Bệnh độc đoán, thiếu Dân Chủ. khinh thường nhân dân. Các ông có những cái ấy thì tôi chống. Tôi thấy cái bộ máy cai trị Việt Nam hiện nay là một bộ máy đàn áp, bóp nghẹt, không muốn nghe một tiếng nói nào.”
***
Cuối tháng 11 năm 2000, Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton viếng thăm Việt Nam. Ngày 4 Tháng 12, tôi điện thoại xin phỏng vấn ông Trần Độ. Lần này ông đồng ý cho thâu âm để phát thanh. Cuộc phỏng vấn xoay quanh nhiều vấn đề, nguyên văn một vài đoạn như sau:
Tổng Thống Bill Clinton vừa viếng thăm Hà Nội và đã trở về Washington. Ông nhận định như thế nào về chuyến công du Việt Nam của nguyên thủ Hoa Kỳ?
“Tôi đánh giá rất tốt chuyến đi của ông Clinton, vì nó biểu hiện một xu thế chung của thế giới hiện nay là mọi người đều mong muốn hòa bình và hòa giải. Việt Nam với Mỹ trước đây vốn là hai nước đã đối địch với nhau trong một cuộc chiến tranh ác liệt, thì nay lại có sự thăm hỏi bình thường quan hệ với nhau, thế là tốt lắm và đáng mừng lắm. Tôi tin chắc chắn là qua cuộc quan hệ này, qua hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn. Thế cho nên tôi rất hoan nghênh chuyến viếng thăm của Tổng Thống Clinton.”
Ngay sau khi Tổng Thống Clinton rời Việt Nam, một vị tướng của Hà Nội là Trung Tướng Lê Văn Dũng, tổng tham mưu trưởng kiêm thứ trưởng quốc phòng đã có một bài xã luận đăng trên báo của đảng, nói rằng bộ đội của đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam quyết tâm đập tan mọi diễn biến hòa bình trước khi chúng trở thành sự thật. Ông có nghĩ rằng lời phát biểu của Tướng Lê Văn Dũng phản ảnh quan điểm của đảng Cộng Sản Việt Nam và khi nói “diễn biến hòa bình” là muốn ám chỉ Hoa Kỳ không ạ?
Tôi không đọc bài đó. Ít lâu nay tôi cũng không đọc báo Nhân Dân và báo Quân Đội Nhân Dân. Nhưng mà tôi nghe các đài thì có nói đến bài đó và chắc chắn ông Lê Văn Dũng phải nói lên quan điểm của đảng Cộng Sản rồi. Quan điểm của tôi thì khác. Tôi thấy bây giờ không có cái trò diễn biến hòa bình đâu. Chỉ những nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam mới tưởng tượng những cái trò như thế, bày đặt ra như thế để hạn chế dân chủ trong nước, chứ không có diễn biến hòa bình đâu.
Trong những bài viết gần đây của ông, người đọc nhận thấy rằng, càng ngày ông càng dứt khoát và cả quyết dấn thân cho lý tưởng đấu tranh cho dân chủ-tự do của Việt Nam. Điều này có đúng không ạ?
Nước Việt Nam mà không dân chủ thì không phát triển được. Và tôi rất muốn đất nước được phát triển tốt đẹp. Vì vậy tôi cho rằng phải có dân chủ mới phát triển được. Còn chế độ hiện nay là một chế độ không dân chủ và phản dân chủ.
Trả lời một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình CNN, vị nguyên thủ Hoa Kỳ phát biểu rằng, tự do và dân chủ tại Việt Nam là một tiến trình không thể đảo ngược được. Ông nghĩ sao về lời phát biểu này?
Tôi cũng cho là như thế. Bởi vì càng ngày, nhất là giới trẻ càng cần phải có dân chủ. Và tiến trình dân chủ cứ diễn ra mà không cưỡng lại được.
Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt cách đây 25 năm và đất nước giờ phút này đang phải gánh chịu tình trạng tụt hậu về mọi lãnh vực, từ tinh thần, vật chất lẫn nhân phẩm của người dân. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của đảng Cộng Sản, thế thì nếu trong một trường hợp nào đó, ông gặp gỡ một vị sĩ quan mang cùng cấp bậc với ông trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa hoặc là một người sống trong chính thể miền Nam trước năm 1975, ông sẽ nói gì với những người đã từng đối nghịch chiến tuyến với ông?
ếu tôi có gặp, thì bây giờ tôi sẽ coi họ là một người Việt Nam và nói chuyện bình thường với nhau. Và họ muốn nói chuyện gì tôi cũng sẽ nói chuyện với họ như những người Việt Nam nói chuyện với nhau.
***
Một câu chuyện có liên quan xa gần đến ông Trần Độ: “cành đào” trong Dinh Độc Lập mà một số bài viết, một số người cho rằng chính ông Độ từ bưng biền đem vào biếu Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong dịp Tết năm 1963.
Một lần, được ngồi hầu chuyện cụ Cao Xuân Vỹ, nguyên Tổng Ủy Viên Thanh Niên Đệ Nhất Cộng Hòa cho đến thời điểm đảo chánh năm 1963, tôi nêu chuyện “cành đào” ra hỏi cụ, cụ nói, chuyện cành đào là có thật và người biết rõ là Giáo sư Tôn Thất Thiện, nguyên Bộ Trưởng Thông Tin thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Nhân một lần đi Canada, tôi đến thăm bác Tôn Thất Thiện, tôi hỏi bác chuyện này, bác cho biết, theo lời Cố Vấn Ngô Đình Nhu, thì người đem cành đào vào Dinh Độc Lập là Tướng Trần Độ.
Tôi gọi điện thoại về Hà Nội hỏi ông Trần Độ, ông trả lời, giọng lạnh tanh, vỏn vẹn chỉ vài chữ: “làm gì có chuyện đó”.
Tôi gọi hỏi ông Hoàng Minh Chính, ông Chính bảo,”nếu đúng như người ta nói, thì đây là một chuyện liên quan đến tình báo, anh Độ có làm hay không chỉ anh ấy biết.  Vả lại, trong tình thế bị bủa vây như hiện nay, dù có thật là thế thì anh Độ cũng phải trả lời thế.”
***
Những ngày ông Trần Độ hấp hối bên giường bệnh, tôi thường điện thoại về Hà Nội thăm hỏi những người bạn ông để biết rõ tình trạng của ông.
Sáng sớm ngày 9 Tháng Tám 2002, giờ tại California, tức là đã vào buổi tối tính theo giờ tại Hà Nội, tôi điện thoại về thì được Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang báo cho biết là ông Trần Độ vừa qua đời.
Ngày tang của ông, bộ máy cai trị đã dùng đủ mọi thủ đoạn đê tiện để cốt hạ nhục ông. Một người nho nhã như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang mà còn phải phẫn uất thốt lên rằng: “Chúng nó không còn là con người nữa khi chúng nó đối xử với ông Trần Độ như thế.”
Cách chế độ Hà Nội đối xử tàn tệ với người nằm xuống đã bị ông Trần Thắng, con trai Tướng Trần Độ ghi lại trong bài viết “Có một đám tang…rất buồn” nhân kỷ niệm 15 năm ngày ông  Độ mất.
Ông Trần Thắng gọi đám tang bố mình là “một đám tang buồn” vì đúng một ngày sau khi Tướng Trần Độ trút hơi thở cuối cùng thì “Văn phòng Quốc hội họp với gia đình bàn về lễ tang cho ông Độ. Các vấn đề lễ tang, hoả táng, đưa hài cốt về quê… được thống nhất. Lời điếu của Ban tổ chức lễ tang, và lời cảm ơn của gia đình sẽ được soạn trước và đưa hai bên thống nhất.”
Nhưng khi một người tên Hùng, phó ban lễ tang mang tới nhà cho ông Thắng xem lời điếu, trong đó có một đoạn khoảng chục dòng ông Thắng yêu cầu bỏ vì nó “không thích hợp và trái đạo lý nghĩa tử nghĩa tận của ông bà ta.”  Và dù ông Thắng đã yêu cầu, bản nháp lời ai điếu vẫn còn lại hơn một dòng “không thích hợp” và ông Thắng nhất quyết đòi bỏ, nhưng nhân vật tên Hùng nói: “Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư cho ý kiến là không bỏ, nhưng tại lễ tang sẽ đọc rất nhỏ hoặc tạm tắt tăng âm…”
Trước thái độ này của tay Hùng, ông Thắng nói, tùy các ông, nhưng nếu xảy ra chuyện gì gia đình không chịu trách nhiệm”.
Ngày 14 Tháng Tám 2002 là tang lễ Tướng Trần Độ.
Ông Trần Thắng viết, “cảm nhận đầu tiên là vấn đề an ninh: không hiểu sao công an, bộ đội, người đứng chỉ trỏ… rất đông. Cảm nhận tiếp theo là: không khí rất căng thẳng như có gì đó chống đối nhau. Cảm nhận nữa là: tại sao việc kiểm soát vòng hoa tang, băng tang, các bức trướng… lại nghiêm ngặt đến vậy? Nhiều vòng hoa phải thay băng tang hoặc sửa câu chữ, nhiều bức trướng bị thu giữ…” Và trên một tấm bảng lớn gắn trên tường, người ta treo dòng chữ “Lễ tang ông Trần Độ”  phủ kín dòng chữ “Vô cùng thương tiếc…” lâu nay vẫn thường thấy trong các buổi tang lễ khác.
Rồi các đoàn, các nhóm, các cá nhân lần lượt vào viếng. Băng tang hầu hết không có chữ “vô cùng thương tiếc” hoặc “Trung tướng Trần Độ”. “Những người đi viếng mang trướng theo hoặc giấu trong người. Khi tới gần quan tài họ giương lên hoặc phủ lên áo quan. Cả phòng tang lễ im phăng phắc, không khí căng thẳng dần. Khi các cụ đi khỏi, có vị nói với mấy cậu lính gì đó. Hai cậu lính chạy lên, thu mấy bức trướng, cuộn lại và ném vào góc phòng.”
Lúc bắt đầu lễ truy điệu, một người có mặt tại chỗ là ông Lưu Trọng Văn kể trong bài viết “Đám tang tướng Trần Độ”: “Bản nhạc Hồn tử sĩ vang lên. Hơn một ngàn con người đứng im mặc niệm tướng Trần Độ. Ông Vũ Mão, chánh văn phòng Quốc Hội, nơi ông Trần Độ từng là phó chủ tịch, lên đọc điếu văn. Giọng ông hùng hồn ngợi ca công lao của ông Độ đối với đất nước, dân tộc. Nhưng đến kết thúc điếu văn giọng ông tự dưng tụt âm lượng, rồi nói tiếc rằng, ‘cuối đời đồng chí đã phạm những sai lầm…’ Cả khán phòng im lặng sững sờ vì ‘nghĩa tử là nghĩa tận’ theo truyền thống dân tộc Việt xưa nay, vậy mà một ông đại diện cho Quốc hội lại cố tình bất chấp…”
Theo lời kể của ông Trần Thắng, cách hành xử của ông Vũ Mão khiến “hội trường im lặng, có tiếng ho, tiếng khóc ấm ức cứ lớn dần. Tôi lên đọc lời cảm ơn. Tôi đọc bản soạn sẵn đã đưa ban lễ tang duyệt. Gần về cuối, hình ảnh người lính ném mấy bức trướng vào góc phòng và nhiều chi tiết đau lòng khác làm tôi nghẹn giọng. Vẫn cầm tờ giấy như đang đọc nội dung có sẵn, tôi nói to, chậm, rõ: ‘…gia đình và dòng họ chúng tôi không chấp nhận bài điếu văn này…’(của ông Vũ Mão).
“Lập tức tiếng tôi chìm trong tiếng vỗ tay, tiếng hô vang của mọi người dự tang lễ. Lúc đó tôi không cảm nhận hết không khí của buổi lễ, tôi cố gắng làm tròn bổn phận của mình, nhưng trong tôi mọi thứ như vỡ vụn. Thật không ngờ tôi phải tham gia một đám tang… rất buồn như vậy.”
***
Ông Trần Độ qua đời, để lại sự thương tiếc cho nhiều người, và đồng thời cũng để lại nhiều tranh cãi cho những người khác.
Cựu Thiếu tướng Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Nhựt, nghe tin ông Độ mất, nói với tôi khi tôi đến nhà thăm ông ở Quận Cam, California, “ông Độ mất đi là một thiệt hại cho phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.”
Với kẻ viết bài này, ông Trần Độ là người trung thực và can đảm.
Trung thực, vì dám đeo đuổi điều ông cho là đúng.  Lúc tin cộng sản đúng, ông theo cộng sản. Can đảm, vì lúc nhận ra cộng sản không có khả năng xây dựng đất nước và độc tài, ông dám chống lại chế độ trong lúc đang được hưởng nhiều quyền lợi.
Ông Trần Độ thuộc lớp người từng mang tâm niệm “phục vụ nhân dân, đầy tớ nhân dân, thậm chí hiếu với dân.” Nhưng nhân dân mà Tướng Trần Độ từng phục vụ đã bị guồng máy của đảng Cộng Sản bóc lột, chèn ép. Trong thư phản kháng đề ngày 22 Tháng Bảy năm 1999, ông Trần Độ viết rằng: “Các ông vẫn hô uống nước nhớ nguồn. Nhưng các ông có lúc nào tự cảm thấy mình là đầy tớ nhân dân hay không? Các ông đối xử với nhân dân như thế à ? Các ông đã chống lại nhân dân. Ta nói nước ta nghèo, đó là sự thật. Nhưng tôi hỏi ai nghèo? Tôi thấy rằng chỉ có dân là nghèo. Còn nhà nước và các quan cai trị không nghèo. Các quan có ô tô, phòng khách, máy lạnh, biệt thự, khách sạn. Đảng bây giờ là đảng gì? Đảng của ai? Đảng đang làm gì có lợi cho dân và đảng đang làm gì hại cho dân?”
Những câu hỏi đớn đau của Tướng Trần Độ cũng là những thắc mắc của rất nhiều người đang bị cai trị bằng những chính sách hà khắc của chế độ.
Nhà văn và cũng là đạo diễn Trần Văn Thủy, trong phim “Chuyện Tử Tế,”  đã ngậm ngùi nói rằng, “khi chưa có chính quyền trong tay, thì nhân vật của văn nghệ chủ yếu là những người nghèo khổ: một bác phu xe, một bé bán báo, một bé đi ở, một bà mẹ nghèo, một tiếng rao đêm. Ngày nay, khi quyền hành đã về một mối, thì những người nghèo khổ, bất hạnh trong văn nghệ bỗng dưng biến mất. Y như đồng bào của chúng ta bây giờ rất xa lạ với sự nghèo khổ, hoặc giả những người nghèo khổ đã chạy sang thế giới bên kia cả rồi”. Trần Văn Thủy kết luận, “ăn ở với nhau như vậy thì không những không được tử tế mà còn đáng sợ.”
Ông Trần Độ phẫn nộ với cỗ máy cai trị. Và ông đã chấp nhận cái giá phải trả.
Đảng Cộng Sản không có quyền phán xét công hay tội của ông Trần Độ. Đây là việc làm của lịch sử mai sau. Nhưng ngay lúc ông còn sống và ngay khi ông vừa lìa đời, đã có rất nhiều người thương tiếc ông./.
Đ.Q.A.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào: