05/03/2019
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Tháng 3/2018, đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng chương trình có tên “Tin tưởng Trung Quốc” (Trust in China), một show diễn lớn được quảng cáo ầm ỹ về quá trình chuẩn bị lâu tới 12 tháng, về chuyện mời được dàn văn nghệ sĩ và MC ngôi sao có giá trị phòng vé (box-office value) tới 50 tỷ Nhân dân tệ tham gia biểu diễn…
Tác phẩm xuất phát từ ý tưởng sáng tạo mới: trình diễn dưới hình thức nghệ thuật nghe-nhìn những bức thư gửi người thân do các đảng viên cộng sản TQ viết để chứng minh họ có “tính người”, họ thật đáng yêu, dễ gần chứ không hề khô khan thiếu tình cảm. Theo giới thiệu, đây là những đảng viên được coi là anh hùng dân tộc, xuất hiện sau ngày thành lập Đảng CSTQ (1/7/1921).
Từ hơn 2.000 bức thư sưu tầm được, các tác giả show diễn phát hiện thấy hơn 50 câu chuyện có tính nhân văn tiêu biểu và chưa ai biết. Họ mời các văn nghệ sĩ và MC nổi tiếng đọc những bức thư đó kèm theo thuyết minh về tác giả thư, nội dung thư, bối cảnh viết thư… Giọng điệu quyến rũ của người đọc và thuyết minh bức thư, kèm theo kỹ xảo hình ảnh, âm thanh phối cảnh mê ly sử dụng công nghệ nghe-nhìn hiện đại nhất đã tạo dựng được những hình ảnh sống động về người cộng sản TQ. Show diễn đặt khán giả vào cương vị đối thoại và hòa mình với lịch sử, vượt qua thời gian-không gian, từ đáy lòng cảm nhận được giá trị nhân văn cao quý của các anh hùng liệt sĩ.
Show diễn này là một trong những nỗ lực tuyên truyền các giá trị của văn hóa TQ nhằm “tranh thủ trái tim và khối óc của người TQ”, hưởng ứng thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình “Người TQ phải tự tin vào nền văn hóa của mình”.
Quả thật, không ít người TQ còn thiếu tự tin vào nền văn hóa truyền thống của nước họ. Mã Lợi Phó, Tổng biên tập tờ “Nhân dân nhật báo” viết: Hiện nay rất nhiều người TQ có tự tin, nhưng cũng có một số người không tự tin như thế, thậm chí rất không tự tin, mở miệng là khen ngợi phương Tây, lấy tiêu chuẩn giá trị phương Tây để bình luận về TQ, nói TQ chẳng có mặt nào được như phương Tây.
Không ít người phương Tây cho rằng văn hóa TQ thiếu tính nhân văn, mấy cuốn tiểu thuyết cổ nổi tiếng nhất TQ như Tam Quốc, Tây Du Ký, Thủy Hử… hầu như không viết về tình cảm con người, tình yêu nam nữ như văn học phương Tây mà chủ yếu kể chuyện đánh giết lẫn nhau, tranh giành quyền lực hoặc những chuyện huyền ảo, tưởng tượng. Ngay cả tác phẩm của Mạc Ngôn – nhà văn TQ duy nhất được trao giải Nobel văn học – cũng bị Peter Englund thuộc Viện Hàn lâm Thụy Ðiển nhận xét là “vừa tàn nhẫn vừa gợi cảm”, “trong sách của ông có những thứ đáng sợ nhất mà tôi từng đọc”. .. Bởi vậy việc đề cao các giá trị nhân văn của người TQ sẽ giúp nâng cao giá trị của văn hóa TQ, tăng được tính hấp dẫn của nền văn hóa nước này.
“Tin tưởng Trung Quốc” phát sóng liền 6 tuần, mỗi tuần một lần vào 20h Thứ Sáu, tức vào “Giờ vàng”, bắt đầu từ 9/3 và kết thúc ngày 13/4. Hiệu quả thu được rất khả quan. Tỷ lệ người xem (audience rating) buổi cao nhất đạt 1,066%, buổi thấp nhất 0,276%. Nhiều khán giả xúc động tới mức khóc rưng rức, có người về nhà không ngủ được.
Dĩ nhiên tác giả show diễn không quên nhân dịp này đề cao “tính người” của các lãnh tụ cộng sản TQ. Các vị Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai… dù có viết thư hay không đều được trực tiếp hay gián tiếp tạo dựng thành những hình tượng đậm chất nhân văn, tới mức làm khán giả xúc động rơi lệ, khác hẳn với những lời đồn ngược lại về họ.
Hình ảnh Mao Trạch Đông giàu tính người được tạo dựng qua việc đọc bức thư viết năm 1929 của vợ ông là bà Dương Khai Tuệ (Yang Kaihui, 1901-1930). Thực ra đây chỉ là một đoạn ghi chép của bà Dương vào hôm kỷ niệm sinh nhật Mao, lúc tình cảm nhớ chồng trong lòng bà lên tới cao điểm sau nhiều tháng không nhận được thư của ông.
Show diễn muốn thể hiện Dương Khai Tuệ là người rất giàu tình cảm, vì để bảo vệ tình yêu chồng mà đã oanh liệt hy sinh thân mình, đồng thời qua đó thể hiện hình ảnh giàu tình yêu vợ con, giàu tính người của Mao Trạch Đông. Dương là người vợ đầu tiên Mao được tự do lựa chọn và tự tổ chức lễ cưới vào năm 1920, được Mao yêu thương nhất trong số 4 bà vợ chính thức của ông.[1] Khi đã có 3 con với bà, tháng 8/1927 Mao đưa vợ con về quê vợ ở Trường Sa rồi xuống nông thôn phát động cuộc “Khởi nghĩa Thu Thu” nhằm cướp chính quyền từ bọn quân phiệt Quốc Dân Đảng. Khởi nghĩa thất bại, Mao lên núi Tỉnh Cương xây dựng chiến khu. Dương ở nhà một mình nuôi con trong nỗi thương nhớ người chồng bà vô cùng yêu quý. Tháng 10/1930, bộ đội Mao tấn công Trường Sa, tên trùm quân phiệt địa phương bắt giam bà và ra điều kiện: Nếu bà cắt quan hệ vợ chồng với Mao thì sẽ thoát tội chết. Do kiên quyết không chấp nhận yêu cầu này, ngày 14/11 năm đó Dương Khai Tuệ bị hành quyết.
Năm 1957 Mao làm bài thơ “Điệp luyến hoa – trả lời Lý Thục Nhất” trong đó có những câu làm xúc động lòng người, như câu “Ngã thất kiêu Dương, quân thất Liễu”,[2] tạm dịch: Tôi mất Kiêu Dương, bạn mất Liễu, ý nói Mao mất vợ là bà Dương Khai Tuệ, bà Lý Thục Nhất mất chồng là ông Liễu Trực Tuân; Dương và Liễu đều là liệt sĩ cách mạng. Ở đây trước chữDương lẽ thường phải dùng chữ Kiêu娇với nghĩa là đáng yêu, nhưng Mao dùng chữ Kiêu 骄với nghĩa là kiêu hãnh, hai chữ này đọc như nhau nhưng chữ viết khác nhau. Kiêu Dương ý nói “Nàng Dương (Khai Tuệ) kiêu hãnh (của tôi)”. Nhiều người đọc thơ này nghĩ rằng Mao rất yêu quý Dương Khai Tuệ nên mới dùng từ như vậy.
Những người thuộc phái chống Mao cho rằng thực ra Mao rất thiếu tình người, thậm chí đối xử nhẫn tâm với các bà vợ của mình. Mao thủa trẻ cao lớn, khôi ngô, luôn tỏ ra là người có chí lớn, giỏi làm thơ lại có tài viết bài về các vấn đề lớn chính trị, xã hội,… Thời còn học ở trường Sư phạm Hồ Nam, Mao được thầy học là Dương Xương Tế chú ý. Năm 1918, Dương Xương Tế được mời lên dạy ở Đại học Bắc Kinh, ông cho Mao đi theo và chạy cho Mao chức Trợ lý Thủ thư Thư viện nhà trường, lại cho Mao ở nhờ nhà mình. Trong điều kiện đó, Mao nảy sinh tình cảm với Dương Khai Tuệ, con gái cưng của thầy. Sau khi Dương Xương Tế qua đời (1/1920), Dương Khai Tuệ theo mẹ về quê ở Trường Sa. Cuối năm ấy Mao cưới Dương sau khi hai người đã chung sống nhiều tháng với nhau.
Năm 1927, Mao để Dương Khai Tuệ và ba con ở lại vùng địch chiếm cực kỳ nguy hiểm mà không đón họ vào chiến khu để dễ bảo vệ. Bởi thế Mao có phần trách nhiệm về cái chết của Dương. Sau khi lên Tỉnh Cương Sơn lập căn cứ địa, Mao gặp cô gái 19 tuổi Hạ Tử Trân và lập tức sống chung với Hạ, quên ngay vợ, khiến Dương Khai Tuệ vô cùng đau khổ. Tháng 5/1928, Mao công nhiên cưới Hạ Tử Trân trong khi chưa ly dị với vợ cũ.
Trong mấy trang ghi chép của Dương có câu: “Anh ấy bỏ tôi rồi, những chuyện trước kia quay cuồng trong đầu óc tôi, từng màn từng lớp… Nhất định là anh ấy bỏ tôi rồi!” “Những chuyện trước kia” có lẽ là chuyện Mao cám dỗ và ngủ với vợ một đồng chí của mình và với cô em họ vợ. Chuyện vỡ lở, bị Dương rầy la ầm ỹ, hai vợ chồng cãi nhau. Lý Nhuệ, một cựu thư ký của Mao cho biết Dương Khai Tuệ từng nhận xét Mao là “lưu mạnh trong sinh hoạt, lưu manh về chính trị”.
Bà Hạ Tử Trân cũng là một nạn nhân. Trong 9 năm đầu tiên chung sống với Mao, bà mang thai 10 lần, người gày như que củi, ngay cả trên đường hành quân cực kỳ gian khổ trong cuộc Trường chinh vạn dặm bà cũng không thể không phục vụ nhu cầu tình dục của ông chồng. Đã thế hầu như lần nào đẻ con ra cũng liền có người bế đem đi cho dân địa phương nuôi, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của bà. Hạ Tử Trân sinh 6 lần nhưng chỉ giữ nuôi được một (con gái, tên Lý Mẫn). Năm 1935 bà bị thương ở đầu và ngực trong một trận địch ném bom. Sau đó Mao viện cớ Hạ Tử Trân có vấn đề thần kinh để đòi ly dị bà. Thực ra chuyện vợ chồng Mao-Hạ chia tay là do Mao ngoại tình.
Tháng 1/1937 nhà báo nữ người Mỹ Agnes Smedley cùng cô phiên dịch Ngô Quảng Huệ, còn gọi Lily, đến chiến khu Diên An làm việc tại căn cứ địa của Trung ương Đảng CSTQ do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Khách được đón tiếp nồng nhiệt. Về sau Mao cùng Chu Đức, Chu Ân Lai đề nghị Smedley dạy cán bộ cộng sản TQ nhảy giao tế vũ. Từ đó hàng tuần tại nơi ở và làm việc của Trung ương ĐCSTQ đều có tổ chức vũ hội. Nam nữ cán bộ, lãnh đạo hoặc nhân viên, từng cặp ôm nhau nhảy trong tiếng nhạc van êm dịu phát ra từ các đĩa nhạc phương Tây. Người thích vũ hội là các cán bộ nam giới, người phản đối là vợ họ. Hạ Tử Trân phản đối hăng hái nhất.
Qua nhiều lần gặp Lily tươi trẻ, Mao tìm cách quyến rũ cô. Một đêm Mao đến phòng ngủ của Lily thì Hạ Tử Trân xông vào bắt quả tang. Bà làm toáng lên và lấy đèn pin đánh sưng đầu chồng. Cả thị trấn Diên An xôn xao về vụ đánh ghen ấy. Sau đó Mao phải giải trình trước Trung ương Đảng. Trung ương bênh Mao, đồng ý Mao ly dị vợ và quyết định đưa Hạ Tử Trân sang Liên Xô điều trị bệnh thần kinh đồng thời đuổi Lily về Thượng Hải.
Mao Trạch Đông 45 tuổi độc thân tiếp tục tìm kiếm tình ái. Lần này kẻ sa vào vòng tay Mao là nữ diễn viên điện ảnh 23 tuổi Lý Vân Hạc từ Thượng Hải đến Diên An theo cách mạng. Hai người nhanh chóng chung sống với nhau. Vì Lý đã có 4 đời chồng nên Trung ương không đồng ý, nhưng cuối cùng đành phải chiều ý lãnh tụ. Sau ngày cưới (11/1938), Lý Vân Hạc đổi tên là Giang Thanh. Hai người có một con gái là Lý Nạp.
Năm 1947, Hạ Tử Trân về nước sau 10 năm ở nhà thương điên Liên Xô, nhưng không được về Bắc Kinh, mà phải về Hàng Châu, nơi bà được sắp xếp nhận chức Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố. Bà vò võ ở đây một mình gần 40 năm cho đến ngày lìa đời (1984).
Người TQ đều biết chuyện Mao Trạch Đông và bốn bà vợ kể trên của ông. Rõ ràng cách Mao đối xử với các bà ấy tỏ ra Mao rất thiếu tính người, thậm chí tàn nhẫn. Đưa nhân vật Mao lên show diễn “Tin tưởng TQ” càng làm người ta nghi ngờ về tính người của Mao./.
———————–
[1] Vợ chính thức thứ nhất họ La, do gia đình cưới cho Mao (1907) mà không hỏi ý kiến Mao. Vợ thứ hai là Dương Khai Tuệ (cưới 1920), thứ ba là Hạ Tử Trân (cưới 1928), thứ tư là Giang Thanh (cưới 1938).
[2] Bài thơ này được Hoàng Trung Thông và Nam Trân dịch như sau: “Tôi mất bạn Dương, người mất Liễu./ Dương, Liễu tênh tênh lên thẳng chín từng trời./ Thăm hỏi Ngô Cương có gì nhỉ?/ Ngô Cương bưng rượu quế ra mời./ Quạnh quẽ Hằng Nga tung áo thụng./ Muôn dặm trời xa múa lượn vì trung hồn./ Bỗng báo dưới đời đà dẹp hổ./ Lệ bay phút chốc thành mưa tuôn.” Liễu Trực Tuân là bạn chiến đấu của Mao.
1
0 0 New
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét