(Tài chính) - Đây cũng có thể là một xu hướng "đi tắt, đón đầu" của ngân hàng Trung Quốc nhằm hình thành hệ thống mua bán nợ riêng tại Việt Nam.
TS Bùi Quang Tín đưa ra những phân tích, nhận định riêng sau hội nghị thu hút vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.
Cần thận trọng với dòng vốn mới. Ảnh minh họa |
PV:- Thưa ông, Ngân hàng Trung Quốc tại TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SZSE) - Trung Quốc tổ chức hội nghị thu hút vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam.
Mục tiêu của hội nghị nhằm liên kết, hợp tác với các công ty chứng khoán Việt Nam để thu hút, huy động nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ông bình luận thế nào về sự kiện trên? Sự kiện trên sẽ mở ra cơ hội gì cho Việt Nam trong thu hút vốn từ Trung Quốc?
TS Bùi Quang Tín:- Trước hết tôi cho rằng cần làm rõ hình thức pháp nhân của Ngân hàng Trung Quốc tại TP.HCM cụ thể như thế nào, là ngân hàng đại diện cho ngân hàng Trung ương Trung Quốc hay là ngân hàng thương mại Trung Quốc, hay là ngân hàng liên doanh... từ đó mới đưa ra được nhận định cụ thể.
Trong trường hợp, Ngân hàng Trung Quốc tại TP.HCM này tồn tại dưới hình thức là văn phòng đại diện cho ngân hàng Trung Quốc tại Việt Nam thì ngân hàng này không có chức năng đứng ra huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy sang Việt Nam được.
Trường hợp thứ hai, nếu ngân hàng đó tồn tại đưới hình thức là ngân hàng liên doanh giữa ngân hàng Trung Quốc với ngân hàng Việt Nam. Trường hợp này cũng cần phải xem xét rất kỹ về chức năng huy động vốn của ngân hàng này được quy định như thế nào trong hợp đồng?
Đối với các ngân hàng liên doanh, thường thì quy mô cũng như hình thức hoạt động của những ngân hàng này có nhiều hạn chế, không thể như ngân hàng có 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam được. Do đó, phải xem xét việc đứng ra huy động vốn như vậy có phù hợp hay không, việc huy động trên được giới hạn bởi những điều kiện cụ thể nào?
Tương tự, đối với trường hợp thứ ba, ngân hàng Trung Quốc tồn tại dưới hình thức như một chi nhánh của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng vậy.
Vậy trong trường hợp ngân hàng Trung Quốc đó được đứng ra huy động vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc thì sao? Tôi cho rằng, đây cũng là hiện tượng bình thường mà các ngân hàng nước ngoài khác vẫn đang làm như ANZ, HSBC, CitiBank
Mục tiêu của họ là, một mặt đứng ra huy động vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, mặt khác, họ cũng muốn cung cấp các dịch vụ của ngân hàng cho những doanh nghiệp này.
Có hai hình thức huy động vốn là huy động trực tiếp từ các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư và hai là thông qua hình thức M&A.
Tuy nhiên, dù thực hiện theo hình thức nào thì các ngân hàng Trung Quốc cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cụ thể về tính pháp nhân của ngân hàng Trung Quốc tại Việt Nam như thế nào? Rồi cách thức hợp tác giữa ngân hàng Trung Quốc tại Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam ra sao? cũng như sự hợp tác giữa Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong thu hút vốn cụ thể ra sao?... rất nhiều vấn đề cần thể hiện rõ ràng trước khi hợp tác, thu hút vốn theo hình thức này.
Về phía Việt Nam, nếu muốn thu hút được vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc có trụ sở tại Việt Nam thì các doanh nghiệp này phải phát hành trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn trên thông qua thực hiện các giao dịch chứng khoán.
Trường hợp, cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc đã được niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, thì cũng phải thông qua sự liên kết, tư vấn giữa các công ty chứng khoán của hai bên.
Việc đẩy mạnh các giao dịch chứng khoán sẽ tạo ra cơ hội cho các hoạt động giao dịch nhằm thu hút vốn cả trực tiếp và gián tiếp từ các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Đây được xem là nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển đầu tư hạ tầng, giao thông, kinh tế...
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với không ít những rủi ro. Tôi lấy ví dụ, rủi ro về vấn đề minh bạch hóa thông tin, đặc biệt là những thương vụ mua bán, đầu tư với các nhà đầu tư Trung Quốc.
Thậm chí đã có thời điểm dư luận nói nhiều tới hiện tượng thị trường Việt Nam bị thương lái Trung Quốc lũng đoạn, thao túng, gây khó khăn trong sản xuất, mua bán các mặt hàng nông sản hay những chiêu trò gây khó khăn trong lĩnh vực du lịch, mua bán bất động sản... rất nhiều bài học đã từng xảy ra.
Do đó, cần phải xem xét rất thận trọng khi thực hiện các giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét