Sau 3 lần sai hẹn, Tổng thầu Trung Quốc bất ngờ lại xin lùi đến tháng 11/2018 sẽ vận hành thử tuyến Đường sắt Cát Linh - Hà Đông...
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông xin lùi mốc về đích vào cuối năm 2018.
Sau 3 lần sai hẹn, Tổng thầu Trung Quốc hứa đến đầu năm 2018 sẽ vận hành thử tuyến Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thế nhưng, tháng 12/2017, Tổng thầu bất ngờ đề nghị xin lùi đến tháng 11/2018. Liệu dự án này có tăng vốn tiếp?
Trên công trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, hiện chỉ có một số khu bảo dưỡng sửa chữa, tòa nhà điều hành, nhà xưởng đang thi công các hạng mục điện nước, nền đường, chưa hoàn thành lắp đặt cửa, ốp lát. Phần lớn hệ thống thông tin liên lạc, điện, viễn thông tại các nhà ga vẫn chưa được lắp đặt. Với tiến độ như hiện nay, dự án buộc phải xin Bộ Giao thông Vận tải lùi mốc về đích vào cuối năm 2018. Đây là lần thứ 4 dự án buộc phải lùi tiến độ và kéo dài gần 10 năm thi công, đội vốn gấp 2 lần (từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD).
Tổng thầu thiếu năng lực
Ông Đường Hồng, Giám đốc Ban điều hành dự án, Tổng thầu Trung Quốc, cho biết, hiện nhiều thiết bị cho các hạng mục điện, viễn thông đã được đặt hàng ở nước ngoài, song chưa được chuyển về Việt Nam do chưa có tiền thanh toán.
Trong những tháng tới, các nhà thầu sẽ lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu, điện tử, hoàn thiện xây lắp các nhà ga. Tuy nhiên, Tổng thầu đang nợ các nhà thầu Việt Nam hơn 600 tỷ đồng. Để đạt được tiến độ hiện nay, Tổng thầu Trung Quốc đã ứng vốn lưu động hơn 65 triệu USD để trả cho các nhà thầu.
Đây là phần vốn lưu động để giải quyết trước mắt, Tổng thầu cũng đã báo cáo Đại sứ quán Trung Quốc để đôn đốc việc giải ngân và làm việc với Bộ GTVT, các bên liên quan để cùng vào cuộc, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, rõ ràng mốc thời hạn 11/2018 mới chỉ tạm chốt, do phải phụ thuộc vào sự sẵn sàng của đơn vị tiếp nhận, quản lý vận hành khai thác và cả nguồn vốn.
Được biết, mốc thời hạn đưa vào khai thác thương mại nói trên chỉ đạt được nếu đại diện chủ đầu tư và tổng thầu EPC xử lý được một loạt đường găng tiến độ gồm: hoàn thành xây dựng cơ bản các ga và lắp ray trong tháng 3/2018; trang trí kiến trúc Depot và hệ thống thiết bị trong tháng 3/2018...
"Với tiến độ mới, dự án sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh hồi tháng 2/2017", ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, việc dự án một lần nữa phải lùi tiến độ là điều bất khả kháng, sau khi đơn vị tổng thầu đã thất bại trong việc đưa vào vận hành thử nghiệm đoàn tàu vào tháng 10/2017.
Như vậy, suốt từ tháng 6/2017 đến nay, dự án không ghi nhận bất cứ tiến triển đáng kể nào trong công tác xây dựng. Dự án vẫn chốt khối lượng hoàn thành 90% phần xây dựng cơ bản hạ tầng chạy tàu. Song con số này đã được các bên công bố cách đây đúng 1 năm. Điều này cho thấy, năng lực của Tổng thầu có vấn đề.
Loay hoay chạy lo nguồn vốn
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nhiều hạng mục dù không bị vướng mặt bằng, nhưng gần như dừng thi công hoặc thi công cầm chừng do thiếu vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ hoặc tổng thầu không cung cấp vật tư, thiết bị, bản vẽ cho thầu phụ thi công.
Đặc biệt, việc giải ngân khoản vay ưu đãi 250 triệu USD của Trung Quốc gặp nhiều vướng mắc về thủ tục. Vì thế, quá trình thanh toán chậm khiến Tổng thầu Trung Quốc tăng dần khoản nợ đọng với thầu phụ, nhà cung ứng thiết bị. Cùng với đó, không có tiền để thanh toán các gói thiết bị đã đặt hàng như hệ thống điện, thông tin liên lạc.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, dự án đã hoàn thành xây lắp đạt được trên 95% nhưng còn 5% là thiết bị chưa được lắp đặt; chưa trả tiền nên đối tác chưa chuyển thiết bị.
Thứ trưởng Đông cho biết, theo kế hoạch, vào tháng 12/2016 phải giải ngân cho phần khối lượng thực hiện và tiếp tục có hiệp định vay vốn mới. Tuy vậy đến tháng 5/2017 mới ký được hiệp định vay vốn với phía Trung Quốc. Đến tháng 9/2017, các thủ tục phía Việt Nam vẫn chưa hoàn tất do chờ ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp và một số vướng mắc khác.
"Đến nay các vướng mắc trong việc giải ngân phía Việt Nam đã được giải quyết, chỉ chờ các thủ tục phía Trung Quốc cho khoản vay 250 triệu USD", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Việc chậm giải ngân khiến một số nhà thầu phụ mất niềm tin vào nhà thầu chính. Vì thế, hiện còn một số hạng mục tổng thầu chưa lựa chọn được nhà thầu phụ thi công. Điều này khiến cho tiến độ dự án dù phải lùi đến tháng 11/2018 nhưng chưa chắc đó là mốc cuối cùng. Không rõ dự án sẽ tiếp tục đội vốn đến đâu?
Thúc đẩy vận tải liên vận đường sắt Việt Nam - Trung Quốc
13/12/2017 - 11:52 (GMT+7)
Đường sắt Việt Nam và Đường sắt Trung Quốc thống nhất các biện pháp thúc đẩy khối lượng vận chuyển liên vận hai nước.
Khai mạc Hội nghị Đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 41, bàn thảo các giải pháp thúc đẩy khối lượng vận tải liên vận giữa hai nước
|
Sáng nay (13/12), tại Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) khai mạc Hội nghị Đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 41.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Chu Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty hữu hạn tập đoàn Cục Côn Minh (Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc) cho biết, Trung Quốc là đối tác mậu dịch và là thị trường, du lịch lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại, du lịch lớn nhất trong khối ASEAN của Trung Quốc. Trong lĩnh vực thương mại, từ năm 2004, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại và là thị trường nhập khẩu đứng thứ nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước vô cùng lớn trong mọi lĩnh vực.
Những năm qua, với sự tạo điều kiện thuận lợi của Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN, đường sắt Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt VN trên nguyên tắc “Cùng thắng, cùng có lợi”. Hai bên đã khắc phục những vướng mắc như tiêu chuẩn kĩ thuật khác nhau, hiệu suất tổ chức vận tải thấp, việc vận dụng và quay vòng toa xe chưa trôi chảy… để thực hiện tốt công tác vận tải liên vận quốc tế giữa hai nước.
“Sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, loại hàng ngày càng phong phú, phương thức vận tải đa dạng. Đây thực sự là bước đột phá trong công tác liên vận giữa đường sắt hai nước, mở ra cơ hội tăng trưởng rất lớn”, ông Chu Vinh nói và đề nghị hai bên nghiên cứu, tìm kiếm điểm tăng trưởng mới trong công tác này giữa đường sắt hai nước.
Nhóm vận tải đàm phán các quy định trong Nghị định thư, làm cơ sở tổ chức vận tải liên vận giữa hai bên
|
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, trong gần một năm thực hiện các điều khoản đã kí kết tại Hội nghị Đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 40 tại Hà Nội năm 2016, hai bên đã phối hợp và tạo điều kiện tối đa cho nhau để giải quyết các vấn đề phát sinh trong vận tải hành khách, hàng hóa liên vận giữa hai nước. Vì vậy, tình hình liên vận đường sắt giữa hai nước đã có những bước khởi sắc, khối lượng vận chuyển ngày càng tăng. Cụ thể, trong năm 2017 ước tính có khoảng 47.000 lượt hành khách, trong đó nhập cảnh vào Việt Nam 20.000 khách, xuất cảnh sang Trung Quốc 27.000 khách. Về hàng hóa, ước đạt khoảng 696.000 tấn; trong đó nhập về Việt Nam 404.000 tấn, xuất sang Trung Quốc 292.000 tấn.
Tuy nhiên, theo ông Khôi, khối lượng vận tải này chưa thật sự tương xứng với tiềm năng của đường sắt hai nước. “Vì vậy, hai bên không chỉ cần giải quyết các vấn đề đã, đang và sẽ phát sinh trong công tác liên vận đường sắt quốc tế giữa hai nước mà còn cần đề xuất những kế hoạch hợp tác hiệu quả, toàn diện hơn và đa dạng hơn nhằm mục đích nâng cao khối lượng vận tải, tăng cường giao lưu hợp tác giữa hai nước”, ông Khối nói.
Nhóm toa xe đàm phán, thống nhất các điều khoản tạo điều kiện khắc phục sự khác biệt về kĩ thuật toa xe, đầu máy giữa hai bên khi chạy trên đường sắt mỗi nước
|
Ngay sau lễ khai mạc, hội nghị đã chia thành các nhóm vận tải, toa xe để thảo luận, đàm phán những nội dung cần sửa đổi trong Nghị định thư về các vấn đề giá thuê toa xe trên đường sắt mỗi nước; tổ chức vận tải container; tiêu chuẩn kĩ thuật toa xe của đường sắt mỗi nước khi chạy trên đường sắt đối tác như hãm, tải trọng, đảm bảo vệ sinh, không xả thải trực tiếp ra môi trường; các quy định khi đầu máy kéo tàu liên vận để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt…
Hội nghị diễn ra trong hai ngày và sẽ kết thúc vào chiều ngày 14/12.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét