Hoàng Anh Sướng
Thứ năm ngày 11 tháng 5 năm 2017 5:43 AM
Vụ tai nạn tàn khốc, rùng rợn
5 năm sau vụ tai nạn lạ lùng, đầy bí hiểm và liêu trai của nhà thơ
Trần Đăng Khoa trên đường quốc lộ 5 thuộc địa phận cầu Ghẽ, xã Tân Trường,
huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, đêm ngày 5 tháng 8 năm 2001, cũng tại chính
đoạn đường này, một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra với nhà thơ Trần Nhuận
Minh, anh trai nhà thơ Trần Đăng Khoa. Vụ tai nạn đã gây chấn động huyện Cẩm
Giàng không chỉ bởi độ tàn khốc của nó mà còn bởi sự thoát chết kỳ lạ của nhà
thơ Trần Nhuận Minh. Cách đây ít hôm, ngồi kể lại cho tôi nghe toàn bộ vụ việc,
chìa cánh tay săn chắc ra trước mặt tôi, ông bảo: “Đến tận bây giờ, nhắc lại vụ
tai nạn rùng rợn ấy, anh vẫn còn sởn hết da gà lên đây này. Quả thực, anh không
thể hiểu nổi, tại sao mình vẫn còn sống sót sau cú đâm xe tàn khốc ấy. Tất cả những
người chứng kiến vụ đâm xe hôm đó, không ai tin là anh có thể sống lại. Phúc
nhà anh quá lớn chăng hay các cụ linh thiêng đã che chở cho anh?”. Rồi ông chậm
rãi kể.
Chiều muộn ngày 5 tháng 8 năm 2001, kết thúc hội nghị thường kỳ
của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại thành
phố Đà Lạt, nhà thơ Trần Nhuận Minh bay luôn ra Hà Nội. Thời gian đó, ông là
Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Vì có cuộc họp quan trọng với
chủ tịch tỉnh vào sáng hôm sau nên lái xe của Hội đã ra tận sân bay Nội Bài đón
ông rồi chở thẳng về Quảng Ninh. Đêm khuya. Đường vắng. Trăng sáng vằng vặc.
Thỉnh thoảng mới gặp một vài chiếc xe ô tô ngược chiều phóng như tên bắn. Đến
gần địa phận cầu Ghẽ, cậu lái xe buồn đi tiểu nên dừng xe bên vệ đường. Ô tô
vẫn nổ máy, đèn xi nhan vẫn bật. Không biết run rủi thế nào, cậu lái xe lại đi
tiểu vào đúng chỗ mộ gió, nơi mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng đi và rùng mình
ớn lạnh khi nhìn thấy vài chân hương xiêu vẹo. Nhà thơ Trần Nhuận Minh do mệt
nên vẫn ngồi trên xe. Ông ngả đầu vào thành ghế, thiu thiu ngủ. “Rầm”. Một
chiếc xe bò ma 5 tấn chở hàng từ Sài Gòn chạy cùng chiều với tốc độ 60km/h tông
thẳng rồi chồm lên 2/3 chiếc xe Mazda 4 chỗ. Ông Minh hoảng loạn hét ầm lên.
Con Mazda bị chiếc xe tải to vật ngoạm chặt vào gầm, kéo rê trên mặt đường dài
55m rồi lao thẳng vào dải phân cách. “Rầm”. Dải phân cách bằng thép đổ kềnh,
gẫy gập, bẹp dúm. Xe ông Minh văng lên không trung như một con khăng, bay qua
dải phân cách, bay vèo qua đường quốc lộ, bay qua cả hai thửa ruộng rồi cắm
thẳng đầu xuống cái ao thả rau muống. Vỏ chiếc xe con bị vò nát như cái vỏ
trứng bị bóp dập. Toàn bộ 2/3 thân xe phía sau bị cái ba-đờ-sốc của xe tải kéo
giật ra, trống hoác. Cái cặp số của nhà thơ để ở cốp xe bẹp rúm. Đầu ông đập mạnh
vào chiếc ghế bọc da phía trước và kẹt chặt vào đó. Thật may. Nếu không đầu ông
đã bị cái ba-đờ-sốc như cái máy chém khổng lồ kia kéo ngang cổ mà lôi ra, đứt
lìa.
Theo biên bản do phòng cảnh sát giao thông huyện Cẩm Giàng lập lúc
22 giờ 15 phút ngày 05/8/2001 thì chiếc xe của ông Minh đã bay chéo trên không
trung 57 mét trước khi cắm đầu xuống ao rau muống bên kia đường, cách mép cuối
cùng của vệ đường 2,3 mét. Lúc mọi người lao xuống ao vớt ông lên, máu từ
miệng, từ mũi ông chảy ra tuôn xối xả, ướt sũng cả chiếc ghế da. Ông ngưng thở,
đầu nghoẹo sang một bên, người mềm oặt như con gà bị cắt tiết. Hai thanh niên
người địa phương tốt bụng, một người lái xe máy, một người ngồi sau ôm “xác”
ông đưa vào bệnh viện đa khoa Hài Dương. Ông chết lâm sàng bốn tiếng đồng hồ
liền, hoàn toàn không biết gì. Cảnh sát giao thông điện thoại báo tin cho gia
đình, cả nhà náo loạn. Bà Diễn, vợ ông ngất xỉu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nửa
đêm bắt taxi về Hải Dương, ôm theo bọc tiền, chuẩn bị lo hậu sự cho anh trai.
Nhưng kỳ lạ thay, đến 2h sáng ngày 6 tháng 8, ông Minh bỗng tỉnh lại. Bệnh viện
Hải Dương chuyển tiếp ông lên Việt Đức. Sau khi chụp cắt lớp ở bệnh viện Việt
Đức Hà Nội, bác sĩ kết luận sọ không bị tổn thương, chỉ rạn xương gò má trái.
Cả nhà mừng rú. Bà Diễn khóc ầm lên. Thiếu tá Phú, công an huyện Cẩm Giàng,
người lập biên bản tại hiện trường, nói với ông Minh, ánh mắt vừa kinh sợ, vừa
ngạc nhiên: “Cháu thực sự không thể tin được tại sao chú vẫn còn sống, thậm chí
không bị tàn phế bởi vụ tai nạn quá khủng khiếp này. Tổ tiên nhà chú chắc phải
linh thiêng lắm mới phù hộ cứu được chú thoát khỏi cái chết. Về nhà, chú nên
làm lễ tạ các cụ”.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã viết văn bản yêu cầu công an không truy
tố cậu lái xe tải. Vì cậu buồn ngủ nên vô tình gây ra tai nạn. Ông cũng không
yêu cầu nhà xe bồi thường tiền cho cá nhân mình. Còn cái xe Mazda hư nát, ông
bảo: “Đã có bảo hiểm lo”. Cậu lái xe tải, quỳ sụp xuống đất, chắp tay lạy ông,
vừa khóc, vừa nói: “Chú ơi! Lúc đâm rầm vào dải phân cách, cháu mới choàng
tỉnh. Mở mắt, thấy cái xe của chú bay vèo như một chiếc lá khô trong bão, y
chang như trong phim Hollywood. Cháu nghĩ chuyến này cơ nghiệp nhà cháu thế là
hết. Vậy mà chú vẫn sống. Chú tốt với cháu quá. Cháu đội ơn chú đời đời kiếp
kiếp”.
Sau này, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã thuật lại vụ tai nạn rùng rợn,
kinh hoàng ấy trong bài thơ “Vô thức” với hai câu kết: “ Xòe hết ngàn cánh tay,
chẳng chạm vào bát ngát/ Ta rùng mình rơi trong muôn thẳm Cô Đơn”.
Bố mẹ nông dân nhưng ông bà tổ tiên thuộc dòng dõi trâm anh thế
phiệt
Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh xuất thân của nhà thơ
Trần Đăng Khoa, thấy tài liệu nào cũng viết: Bố mẹ anh là nông dân thuộc tầng
lớp bần nông. Trong cuốn “Đối thoại văn chương”, nhà thơ Trần Nhuận Minh viết:
“Thủa bé, tôi ở nhà ngoại, vì bố mẹ tôi luôn cãi nhau. Hai vị cùng tuổi (sinh
1920) không hợp tính nhau, nhưng thành gia thất là do sự sắp đặt của ông đồ và
ông thày lang, tức ông nội và ông ngoại tôi. Tôi đã ghi lại điều đó trong
trường ca “Đá cháy”: “Mẹ tôi vào phường cấy thuê/ Với câu hát buồn tứ xứ/ Gặp
cha là lại cãi nhau/ Tôi không hiểu vì đâu/ Đứng khóc một mình không ai dỗ”.
Bởi thế, người ta vô cùng ngạc nhiên khi hai vợ chồng nông dân một chữ bẻ đôi
chẳng biết lại sản sinh ra một thần đồng thơ nức tiếng. Nhiều người đã lý giải
rằng: Tuy mẹ Khoa là người thất học, không biết đọc, biết viết nhưng điều kỳ lạ
là bà lại thuộc lòng Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa, Hoàng Trìu… Đêm đêm, trong
ngôi nhà tranh vách đất nhỏ bé, vắng lặng, mẹ vẫn thường ru Khoa ngủ bằng những
câu thơ Kiều. Chính những lời ru ấy đã tưới tẩm, bồi đắp nên hồn thơ thần đồng
Trần Đăng Khoa. Cách lý giải trên có lý nhưng chưa đủ. Bởi thế hệ của cậu bé
Khoa ngày ấy, biết bao đứa trẻ khác cùng thời cũng được lớn lên trong những lời
ru Kiều của mẹ. Nhưng có ai trở thành thần đồng thơ đâu. Mẹ tôi cũng giống như
mẹ nhà thơ Trần Đăng Khoa, là nông dân thất học nhưng toàn bộ Truyện Kiều, bà
thuộc làu làu, thuộc đến độ bà có thể đọc ngược từ dưới lên trên. Tuổi thơ của
tôi cũng thấm đẫm lời ru Kiều của mẹ nhưng tôi đâu có trở thành nhà thơ?
Lại có người cho rằng, cậu bé Khoa trở thành thần đồng thơ là nhờ
anh trai, nhà thơ Trần Nhuận Minh, hơn Khoa 14 tuổi. Ngay từ năm lên 10, anh
Minh đã biết làm thơ. Chính sự đi trước của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã mở đường
thơ cho Khoa sau này. Nghe cũng có lý. Cũng chính bởi cách lý giải này mà hồi
cậu bé Khoa bắt đầu nổi tiếng, được dư luận “công kênh”, nhiều người đã nghi
ngờ rằng: chính anh trai Trần Nhuận Minh đã làm thơ hộ cậu nên không ít người
đã lặn lội hàng trăm cây số về quê cậu săm soi, “sát hạch”. Họ nhìn cậu chằm
chằm từ đầu tới chân, từ sau ra trước rồi vạch tóc xem khoáy đầu, xem tai, thậm
chí có người còn tụt áo quần cậu ra xem rốn bởi trong làng, rộ lên tin đồn chú
bé Khoa có đuôi, khi Khoa “ị” thì phân lại hình vuông chứ không tròn như những
đứa trẻ khác. Săm soi chán, thấy cậu bé Khoa cũng là người, thân hình cậu cũng
bình thường như bao đứa trẻ khác, họ bắt đầu “tra khảo” cậu bằng cách ra đề bài
và bắt Khoa làm thơ ngay. Họ bắt cậu làm thơ về cây chuối, cây dừa, vườn khoai,
con chó chạy mất sau trận bom… Rất nhiều bài thơ hay trong tập “Góc sân và
khoảng trời” được ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Trở lại quan niệm cho rằng: chính những bài thơ của ông anh Trần
Nhuận Minh đã mở đường thơ cho cậu bé Khoa sau này, tôi thấy, cũng không thuyết
phục lắm. Nhiều ông bố, bà mẹ là nhà thơ nhà văn rất nổi tiếng mà các con họ
chẳng viết nổi một câu văn hay một câu thơ nào. Nhà thơ Trần Nhuận Minh lại ở
Vùng Mỏ Quảng Ninh từ năm 1962, mấy tháng, có khi đến nửa năm mới qua nhà, qua
cũng chỉ chớp nhoáng rồi đi thì làm sao mà “kèm” được cậu em. Trong khi cậu em
ngày nào cũng có khách quây bủa. Ngay cả tôi đây, tôi có một chị gái là học
sinh giỏi văn toàn quốc, làm thơ rất hay. Thuở nhỏ, chị cũng kỳ công dạy tôi
cách làm thơ, gieo vần nhưng cho đến tận bây giờ, khi đã trở thành một nhà báo
có thâm niên hơn 20 năm, đã ra hàng chục cuốn sách được bạn đọc đón nhận rất
nồng nhiệt mà tôi vẫn chẳng làm được một bài thơ nào cho ra hồn. Nhà thơ Trần
Nhuận Minh, sau này, cũng từng viết: “Tôi sinh ngày 20 tháng 8 năm Giáp Thân.
Nếu có thể gọi là làm thơ thì những bài thơ đầu tiên, tôi làm từ cuối năm 1954,
năm tôi 10 tuổi, đúng tuổi lên 10 sau này, Trần Đăng Khoa trở nên nổi tiếng
(1968). Chỉ có điều, thơ Khoa năm lên 10, ở những bài thành công, đã thấy rõ
bút pháp của một nhà thơ chuyên nghiệp. Đó quả thực là một điều lạ. Còn thơ
tôi, chả kể năm lên 10 làm gì, ngay cả thơ đã đăng báo, đã in sách khi đã lớn,
đã nhận được giải thưởng văn học của cấp Trung ương, vẫn có nhiều yếu tố nghiệp
dư. Có thể nói, toàn bộ cố gắng của thơ tôi thời gian từ 1960, tức là từ khi đã
chính thức đăng báo, được giải thưởng thơ ở cơ sở, hoặc trên cấp cơ sở, tạm gọi
là thành danh như người ta thường nói, đến năm 1985, vẫn là một quá trình mới
vào nghề, với sự vùng thoát ra khỏi cái, mà chúng tôi gọi là “thơ phong trào”,
“thơ nhân dịp”… Ví như không có ngày 1/5 quốc tế lao động thì chả ai nói đến
thơ công nhân làm gì.”. Thực ra, Trần Đăng Khoa tài mà Trần Nhuận Minh cũng rất
tài. Ông Minh khổ luyện mà thành tài. Còn Khoa thì, nói như nhà thơ Tố Hữu:
“Trời mượn cái mồm Khoa làm thơ cho người lớn đọc”.
Điều gì đã tạo nên tài năng thơ của cậu
bé thần đồng Trần Đăng Khoa?
Mãi sau này, khi trở thành người em thân thiết của nhà thơ Trần
Đăng Khoa, có dịp về quê anh dự giỗ Tổ của dòng họ Trần tại làng Điền Trì,
huyện Nam Sách, tôi mới giật mình vỡ lẽ: thì ra dòng tộc nhà thơ Trần Đăng Khoa
vốn có truyền thống khoa bảng nức tiếng. Tổ tiên anh thuộc dòng dõi trâm anh
thế phiệt, có nhiều tiến sĩ đứng thứ nhì đất nước, chỉ xếp sau họ Vũ Mộ Trạch.
Từ đường dòng họ đã được xếp hạng Di tích lịch sử và văn hóa.
Theo các thư tịch cổ thì cụ tổ chín đời của nhà thơ Trần Đăng Khoa
là cụ Trần Thọ, (1639 – 1700), tự là Nhuận Phủ, đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất
(1670), làm quan đến chức Hình bộ thượng thư. Cụ là con Hàn lâm viện Thừa chỉ,
Dụ Phái Hầu Trần Phúc (theo sắc phong hiện còn lưu tại Từ Đường dòng họ). Khi
là Tả thị lang bộ Hộ, tước Hầu (Phương Trì Hầu), tháng 4 năm Canh Ngọ (1690),
cụ Trần Thọ là phó sứ đi Trung Hoa với nhiệm vụ đòi lại đất bốn châu biên giới
đã bị nhà Thanh lấn chiếm gồm: Bảo Lạc, Vị Xuyên, Thủy Vĩ và Quỳnh Nhai, trong
đó Vị Xuyên nay vẫn mang tên cũ, thuộc tỉnh Hà Giang. Trong bộ sách “Lịch triều
hiến chương loại chí”, học giả Phan Huy Chú khen Trần Thọ là một trong số các
nhà bang giao tài giỏi của nhà nước ta ở thời Lê. Cụ Trần Thọ có tác phẩm
“Nhuận Phủ thi tập”, hiện còn ba bài thơ về bang giao với nhà Thanh trong “Toàn
Việt thi lục” của Lê Quý Đôn.
Cụ tổ tám đời là Trần Cảnh (1684 – 1758), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất
(1718), làm quan Tế tửu Quốc Tử Giám (tương đương Bộ trưởng Bộ giáo dục bây
giờ). Trong 18 năm cuối đời, từ 1740 – 1758, cụ được phong tước Công, lần lượt
giữ chức Thượng thư bốn bộ: bộ Công, bộ Hình, bộ Binh, bộ Lễ, hai lần giữ chức
Tham tụng, tước Thái bảo (một trong ba tước cao nhất của triều đình), Đặc tiến
Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thượng trụ quốc. Mặc dầu đương chức Tể tướng đứng đầu
triều, cụ vẫn khẩn thiết xin vua cho về hưu. Rồi cùng nhân dân khẩn hoang, mở
ấp. Cùng với việc làm ấy, cụ đã soạn bộ sách “Minh nông chiêm phả”, dâng vua Lê
Hiển Tông năm Kỷ Tị (1749), được coi là bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên
của nước ta. Viết về cụ Trần Cảnh, nhà văn, nhà sử học Phạm Đình Hổ (1768 -
1839) ghi rằng: “Làm quan đến chức công khanh mà vẫn ở trong nhà tranh vách đất
như ông thì tôi chưa thấy có ai”. Khi cụ về triều nhận chức Tể tướng lần thứ
hai, cả nhà chỉ có 30 quan tiền lẻ, và khi theo vua đi công cán, vợ con đói đến
mức, Trần Tiến, là con trưởng, phải đến bộ Lại nhờ cấp tiền gạo cứu đói. Cụ đưa
các quan đi làm việc ở đâu, đều lệnh trước cho nơi đó, cấm không được tiếp đón
bằng rượu thịt, cấm giết gà lợn để thết đãi.
Cụ tổ bảy đời là Trần Tiến (1709 – 1770), tự là Khiêm Đường, hiệu
là Cát Xuyên, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748) làm quan Phó đô Ngự sử, tước Bá
(Sách Huân Bá), Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, sau thăng Lễ bộ Thượng thư,
tác giả các bộ sách: Đăng khoa lục sưu giảng, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh
Chi, Cát Xuyên thi tập, Cát Xuyên tiệp bút, Niên phả lục… Sách giáo khoa phổ
thông “Ngữ văn lớp 10 nâng cao”, vinh danh cụ là một trong 5 nhà viết ký xuất
sắc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam (938 – 1858) gồm: Vũ Phương Đề,
Trần Tiến, Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ, Lý Văn Phức. Cụ Trần Tiến sinh ra Trần
Trợ (1745 - ?) và Trần Khuê… Trần Trợ, tên khai sinh là Trần Quý, lịch sử văn
học Việt Nam ghi là Trần Quý Nha, làm quan Trợ giáo thái tử (dạy con vua Lê
học, nên gọi là cụ Trợ), Viên ngoại lang bộ Lễ, sau làm Tri phủ huyện Đoan
Hùng, Hoài Đức, tác giả tập ký “Tục Công dư tiệp ký”.
Cụ tổ sáu đời là Trần Khuê. Cụ đã cùng anh ruột là Phương Trì Hầu
Trần Lương, Sùng Lĩnh Hầu Trần Thai cùng em con chú ruột là Côn Lĩnh Bá Trần
Đĩnh, Thủ lệnh trấn Hải Dương và Tổng trấn Kinh Bắc Trần Quang Châu, hộ giá vua
Lê Chiêu Thống khi vị vua này bôn ba ở các tỉnh phía Bắc, chưa sang cầu cứu nhà
Thanh. Đến năm Tự Đức thứ 14 nhà Nguyễn (1862), các vị trên được thờ ở đền
Trung Liệt, Hà Nội, cùng với ba con của Trần Đĩnh là Trần Dần , Trần Hạc và Vũ
Trọng Dật (con rể).
Cụ tổ năm đời là Trần Ích, Tri phủ huyện Phú Xuyên và huyện Đồng
Sơn.
Cụ tổ bốn đời là Trần Tấn (1863 – 1887), tham gia phong trào Cần
Vương của vua Hàm Nghi, là tiểu tướng của Nguyễn Thiện Thuật. Cụ đã hy sinh năm
24 tuổi, trong một trận chỉ huy chống càn, khi quân Pháp đánh vào căn cứ Bãi
Sậy.
Đến đời ông nội nhà thơ Trần Đăng Khoa chỉ là nhà nho nghèo, học
giỏi nhưng người Pháp không trọng dụng. Ông dạy học tư ở xã xa, lấy con gái ông
chủ nhà trọ, gia cảnh sa sút, đói nghèo.
Khám phá ra sự thật về gia tộc thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt
của nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi mới phát hiện ra rằng: cái hun đúc nên tài thơ
đặc biệt của cậu bé được mệnh danh là thần đồng khi mới 7-8 tuổi đầu ấy chính
là dòng nguyên khí của tổ tiên bao đời với những tên tuổi lẫy lừng trong lịch
sử nước Việt. Dòng nguyên khí ấy bị gián đoạn một vài chặng cho đến khi cậu bé
Khoa chào đời, cậu đã đủ đầy nhân duyên để lĩnh hội và tỏa sáng, trở thành một
thần đồng thơ lừng lẫy, một nhà văn, nhà báo nổi tiếng như bây giờ.
Đào phá mộ tổ và cái chết rùng rợn của những kẻ ghen ăn tức ở
Việc chú bé Khoa mới 8 tuổi đầu đã làm thơ như thần trở nên nổi
tiếng cả nước và cả ở nước ngoài, được dư luận đặc biệt quan tâm. Ai cũng yêu
quý, ngưỡng mộ cậu. Nhưng mấy vị ở làng bên lại tỏ ra không vui vì sinh lòng
ghen ghét. Cậu bé Khoa càng nổi tiếng, sự ghen ghét càng lớn. Đỉnh điểm là năm
1968, khi bé Khoa tròn 10 tuổi, được xuất bản tập thơ riêng đầu tay “Góc sân và
khoảng trời”, thơ Khoa được nhà thơ nổi tiếng Madeleine Riffaud giới thiệu trên
hai trang báo Nhân đạo của Đảng cộng sản Pháp xuất bản ở Paris với tựa đề “Thơ
Trần Đăng Khoa, tiếng hát mạnh hơn bom đạn”. Rồi sau đó, đoàn quay phim Pháp,
do đạo diễn Gérard Guillaume về làng Điền Trì quê cậu quay phim “Thế giới nhỏ
của Khoa”. Một số vị chức sắc, người làng bên, kiên quyết không cho quay. Trong
lời bình phim, nhà thơ Pháp G. Guillaume có viết: “Cả làng xã quyết tâm bảo vệ
bé Khoa, không muốn chúng tôi làm phim về cậu. Chúng tôi đã phải tạo ra một cái
cớ, là làm một bộ phim về cuộc sống hằng ngày của thiếu niên xã Quốc Tuấn với
sự “đồng lõa” của chị Trần Thị Duyên. Nhờ thế mới có được hình ảnh của cậu mà
các bạn đang xem”. Chị Duyên là cán bộ phụ trách thiếu niên nhi đồng của Tỉnh
Đoàn thanh niên lao động Hải Dương, người được Bí thư tỉnh ủy Ngô Duy Đông rất
quý trọng. Cô thường về làm việc với lãnh đạo xã, có lần mang cả thư tay của
ông Ngô Duy Đông, gửi bí thư xã về việc quan tâm đến cháu Khoa: “Không được cho
người vào nhà Khoa hỏi giấy tờ của khách khi khách đến thăm, rồi tìm cớ trục
xuất họ. Bảo vệ cháu Khoa theo cách đó là không có tác dụng tích cực”. Vì thế
chị được lãnh đạo xã nể trọng.
Trong mấy ngày quay, đoàn làm phim đề nghị xã chọn cho 2-3 thanh
niên phục vụ đoàn. Chẳng hiểu sao, ba vị chức sắc ở 3 làng khác nhau lại tự
nhận làm. Mấy ông người Pháp cứ tưởng họ là người giúp việc nên sai bảo suốt
ngày khiến mấy vị rất bực tức. Cuối cùng, họ trút cơn giận xuống bé Khoa, xuống
gia đình cậu bằng một hành động rất thâm độc, đó là đập phá ngôi mộ cụ tổ 7 đời
là nhà văn Trần Tiến vì họ tin rằng: Khoa thành tài như vậy chính là nhờ ngôi
mộ này phát “chứ cái nhà nó trông rách nát như cái chuồng lợn, làm sao đẻ ra
được thứ con rồng, con phượng như thế”.
Hầu hết mộ phần các cụ tổ của Khoa đều đặt trên đất làng. Duy chỉ
có mộ cụ Trần Tiến là nằm chênh vênh ở gianh giới giữa đồng của 2 làng bên. Năm
1968, lấy cớ xây trận địa bắn máy bay Mỹ, ông Đ., đã giao cho anh T. cùng mấy
dân quân khác đặt khẩu đại liên rồi đào hầm tránh bom ngay cạnh mộ cụ. Đào sâu
chừng 1m thì thấy chiếc quách dài hơn 2m, rộng 80cm. Anh T. nghiến răng nghiến
lợi, dùng xà beng đâm vỡ quách, để lộ ra chiếc quan tài đỏ sậm màu huyết dụ.
Những người phá mộ tưởng trong quan tài có vàng bạc hoặc đồ cổ quý giá. Cậy nắp
mãi không được, vẫn chiếc xà beng trên tay, anh ra sức đâm, chọc. Nửa trên quan
tài vỡ toác. Bên trong, cụ Trần Tiến da thịt vẫn còn tươi nguyên, đầu đội mũ
cánh chuồn, tóc bạc trắng như cước, dài đến vai, trùm ra ngoài áo gấm, đến tận
cái đai tía ngang lưng. Xung quanh cụ xếp hàng chồng sách chữ nho. Hai bàn tay
anh T. thô bè với những ngón tay trùi trụi như những quả chuối, lục tung đống
sách và quần áo cụ để tìm vàng. Nhưng chẳng có gì ngoài sách. Anh ta xé từng
cuốn rồi ném tung lên trời. Gió đồng hun hút thổi, giấy lả tả bay trắng đồng.
Đám trẻ chăn trâu tranh nhau nhặt những tờ giấy bản có chữ nho về dán diều. Bố
Khoa nước mắt lưng tròng, mang về nhà một mảnh quan tài vỡ, to hơn bàn tay, gỗ
đỏ thẫm, trong có những đường vân màu hổ phách, mùi rất thơm. Anh Minh thì xuýt
xoa tiếc những cuốn sách chữ nho bị xé. Anh ngờ rằng, rất có thể, đó là các tác
phẩm đem chôn theo của nhà văn Trần Tiến. Bởi chính cụ đã ghi tên một số tác
phẩm của mình trong “Niên phả lục” mà nay không thấy còn. Cụ còn ghi ra giấy,
dặn con cháu rằng: “Chớ nên để cho người ngoài đọc”.
Ông Đ. chỉ huy việc phá mộ chứng kiến toàn bộ cảnh ấy cười hỉ hả.
Rồi nóng lòng chờ đợi một ngày kia, cậu bé thần đồng sẽ bị thui chột. Không
dừng lại ở đó, lợi dụng quyền sinh quyền sát trong tay, họ đã làm nhiều việc rất
hiểm độc và tàn ác đối với Khoa và gia đình Khoa, mà tôi không tiện nói ra đây.
Đến khi về làng Khoa vài lần, kể cả dự lễ trùng tu mộ cụ Trần Tiến, tôi mới xót
xa mà nhận ra rằng, những gì báo chí những năm đó rôm rả nói về sự quan tâm săn
sóc với tài năng đặc biệt của Trần Đăng Khoa, không những không có thật mà còn
hoàn toàn ngược lại.
Nhưng rồi Ông Trời đã làm phần việc của mình. Và chỉ một thời gian
sau, không hiểu ông vướng vào tội gì mà bị bắt. Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương
xử, tuyên án tù chung thân. Ông bị cùm chân tay, nghĩ cũng tội . Và khi cho tạm
thời tại ngoại để chữa bệnh, ông ra tù được ít ngày thì chết bất đắc kì tử, có
khi ở trong thì thì lại chưa chết, cái chết cũng dữ dội lắm, nghe bà con kể
thế. Còn anh trưởng nhóm dân quân T… người trực tiếp đập phá mộ, bị đau ruột
thừa. Chẳng biết có phải lỗi bác sĩ không mà vết mổ bị nhiễm trùng rất nặng,
phải mổ đi mổ lại đến 9 lần. Có lần, bác sĩ còn bỏ quên cả dao kéo trong bụng
anh. Cuối cùng, ruột bị hoại tử phải cắt bỏ. Anh đã phải sống như bị trời đày
đến non 25 năm bằng một mẩu ruột. Uống cái gì vào miệng là nước òng ọc chảy ra
hậu môn. Đau đớn vô cùng, ngày đêm quằn quại kêu khóc. Muốn chết mà không chết
được. Vợ anh đi xem bói, thầy phán, anh bị quả báo do tạo nghiệp ác. Muốn bớt
nghiệp, cần phải sám hối. Gia đình đã bí mật nhờ người sắm lễ đến từ đường nhà
bé Khoa rồi ra ngôi mộ bị phá thắp hương tạ tội. Thế mà mãi hơn một tháng sau,
anh T. mới chết được.
Có một lần, duy nhất một lần thôi, tôi gợi những chuyện đó, xem
Khoa có bàn gì thêm không, Khoa gạt đi ngay: “Trời đã xử họ thế theo luật nhân
quả là quá nặng, gia đình mình cũng đã quên rồi. Ngẫm lại thấy họ cũng thật
đáng thương. Chỉ tiếc là minh đã không làm được gì để cứu họ và an ủi họ… Hơn
nữa mình rời làng quê đã lâu, khi về làng có nghe kể thì việc cũng đã qua rồi”.
Chứng kiến cái chết thê thảm của anh T., nhiều người dân bảo: “Ông trời quả là
có mắt đấy. Lưới trời tuy thưa mà không để lọt. Luật nhân quả xưa nay có chừa
một ai. Đúng là gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy. Mọi người cứ ngẫm mà xem,
không sai đâu”.
( Nguồn: Trannhuong.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét