Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Cú đấm của con rể bà Tư Hường; Bà Tư Hường: Từ cô bé chỉ học hết lớp 5 đến "bà trùm" trên thị trường tài chính, bất động sản

20/07/2008 15:24 GMT+7

Nếu tiền bạc, trong vài tháng, có thể biến sỏi đá trở thành sân khấu nguy nga, thì văn hoá không thể trang bị cho những người có tiền nhanh tới vậy.
Cú đấm của con rể bà Tư Hường, người đăng cai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008, làm chảy máu mũi một phóng viên, có thể chỉ là một phản ứng cá nhân. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy rằng, nếu tiền bạc, trong vài tháng, có thể biến sỏi đá trở thành sân khấu nguy nga, thì văn hóa không thể trang bị cho những người có tiền nhanh tới vậy.
Dạ tiệc tối 14.7 có mời phóng viên và ban tổ chức đã đảm bảo rằng, việc chụp hình các hoa hậu là không hạn chế. Thế nhưng, theo tường thuật của các nhà báo có mặt, con rể bà Tư Hường, đã nói với một phóng viên Báo ảnh Việt Nam: “Không cần báo chí tụi mày, đ... có đưa tin gì hết”. Phóng viên này phản ứng bằng lời thì bị người con rể, nay đã xác định được tên là Trương Công Ánh, đấm ngay vào mũi. Đồng thời, cháu ngoại của bà Tư Hường giật thẻ tác nghiệp của phóng viên và nói: “Mày phải biết rằng có cái thẻ này là do tiền của gia đình tao bỏ ra”.
Bà Tư Hường ngay sau đó có giải thích rằng, con rể của bà chỉ “vung tay” làm chảy máu phóng viên chứ không cố tình gây thương tích. Bà cũng xin lỗi cho cậu cháu ngoại 16 tuổi đang sống ở Canada “chưa hiểu biết văn hoá, cách ứng xử ở Việt Nam”. Thực ra hành vi của “cậu ấm ngoại” không hẳn là vì chưa thấm nhuần văn hoá Việt Nam. Cậu và cả bố cậu (Trương Công Ánh) đã không ý thức được rằng khi bà ngoại cậu dành cả khu Diamond Bay cho một hoạt động công cộng như cuộc thi này thì cho dù cậu là chủ nhà cũng phải ứng xử ở đó như ở một nơi công cộng.
Một bài báo được đưa lên trên tờ Nhân Dân online từ lúc 12h ngày 16.7 đưa ra giả thiết, “cú đấm” bắt nguồn từ “một số thành viên trong gia đình bất mãn, cho rằng, ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai bà Tư Hường), chủ trương nhận đăng cai cuộc thi này là để chơi ngông, phá tiền”. Tuy nhiên, những ai biết bà Tư Hường thì không tin việc đăng cai cuộc thi được quyết định từ người con trai chứ không phải từ người đàn bà quyền lực ấy.
Nói chi hàng triệu đô la cho hoa hậu là “chơi ngông” là cũng chưa thực sự hiểu những hoạt động của Hoàn Cầu. Cho dù rất khó biết chính xác số tiền mà công ty này đã bỏ ra, nhưng cũng phải ghi nhận bà Tư Hường đã rất nỗ lực. Việt Nam đã có một cơ hội để được nhắc tên thông qua việc tổ chức thành công cuộc thi. Tuy nhiên, Hoa hậu Hoàn vũ là một hoạt động mang tính kinh doanh, cho dù lợi nhuận của những tổ chức đăng cai không phải bao giờ cũng được tính bằng tiền bạc.
Bà Tư Hường đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Diamond Bay, nơi diễn ra cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008. Diamond Bay chỉ là một phần rất nhỏ trong dự án khu du lịch giải trí Sông Lô và chỉ là một trong rất nhiều dự án kinh doanh bất động sản của bà Tư Hường, chỉ tính riêng khu vực Nha Trang. Bà Tư Hường được “giao” 178ha đất để xây dựng khu du lịch giải trí Sông Lô. Lẽ ra ở thời điểm giao đất, việc đền bù cho dân phải áp dụng theo nghị định 04, thoả thuận với dân theo giá thị trường, nhưng không hiểu sao, bà Tư Hường đã được địa phương cho vận dụng nghị định 02, theo đó, người dân sẽ bị “giải toả”, đôi khi, bằng “cưỡng chế”. Số tiền đền bù mà những người dân được hưởng khi phải giao đất cho bà Tư Hường chỉ được tính trên đơn vị “trăm đồng” trên một mét vuông.
Không dừng lại ở đó, trong quá trình xây dựng khu du lịch Sông Lô, bà Tư Hường còn cho lấn vịnh Nha Trang hàng chục hécta. Năm 2004, khi bị kiện, thay vì phục hồi nguyên trạng, bà Tư Hường đã tự rào lại phần lấn chiếm đó chờ “hạ hồi phân giải”. Khu du lịch Sông Lô bắt đầu từ năm 2001 nhưng cho đến trước cuộc thi hoa hậu, Hoàn Cầu bị chỉ trích rất nhiều vì ngoài việc phát triển quy mô về đất, Hoàn Cầu gần như không triển khai một đầu tư đáng kể nào. Theo đúng luật Đất đai, dự án Sông Lô có thể bị thu hồi vì không thực hiện đúng những gì cam kết.
Việc bà Tư Hường giành được quyền đăng cai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đã làm thay đổi uy tín của Hoàn Cầu trước khu đất liên tục bị dân khiếu kiện này. Dư luận và chính quyền các cấp rất nhiệt tình ủng hộ và bà Tư Hường, cũng trong mấy tháng chuẩn bị cho cuộc thi hoa hậu, đã cho lấp vùng bãi, kéo dài từ khu vực Diamond Bay đến thẳng khu Miếu Cậu, một khu danh thắng của Nha Trang, mở rộng “Sông Lô” bằng cách lấn biển thêm khoảng hơn 60ha nữa. Theo một nguồn tin từ Nha Trang, “trong không khí Hoa hậu Hoàn vũ”, bà Tư Hường đã được “hợp thức hoá” 60ha đất san lấp thêm này.
Bà Tư Hường là một nhà kinh doanh xuất sắc, tuy nhiên, bằng cách tích tụ địa ốc theo cách nói trên, từ năm 2002 tới nay, bà liên tục bị những người dân chịu cưỡng chế giao đất cho bà khiếu kiện. Thanh tra đủ các cấp đã từng giải quyết, nhưng gần như chưa có phán quyết nào đủ ảnh hưởng tới sự nghiệp vững như bàn thạch của bà. Không phải ngẫu nhiên mà con rể và cậu cháu ngoại 16 tuổi phản ứng với nhà báo đang tác nghiệp theo cách thô lỗ như trên. Những thành viên trong gia đình ấy biết rõ quyền lực của “bà ngoại” họ.
Trở thành một trong những người giàu có và quyền lực nhất Việt Nam, nhưng rất hiếm khi bà Tư Hường xuất hiện. Cách ứng xử của bà sau khi vụ hành hung nhà báo xảy ra cũng cho thấy bà là một người bản lĩnh. Bà chủ động gọi điện thoại cho nhà báo bị đánh, bà muốn có một cuộc gặp các nhà báo để xin lỗi sự việc nói trên, bà biết hành động của con rể và cháu ngoại của bà không chỉ ảnh hưởng đến thanh danh và uy tín của gia đình bà, của Hoàn Cầu mà còn ảnh hưởng nhiều tới đất nước.
Cú đấm vào mũi nhà báo của người con rể bà Tư Hường rất có thể là tự phát. Nó đến giữa khi mà những nỗ lực tổ chức một cuộc chơi lớn đã sắp sửa trọn vẹn thành công. Thật đáng tiếc. Nhưng, cú đấm ấy bật ra dù ngẫu nhiên thì vẫn phản ánh trung thành những gì thuộc về bản chất. Quảng bá hình ảnh của một gia đình cũng như của một quốc gia là một việc làm phải vô cùng cân nhắc, “uy tín” không thể được “sơn phết”.
Một khi muốn xuất hiện trước sự theo dõi của “hàng tỉ” khán giả truyền hình thì nên nhớ là người ta sẽ thấy một vịnh Hạ Long như mơ đồng thời cũng có thể thấy những người gánh hàng rong lam lũ. Công chúng bị thu hút bởi sự lộng lẫy của các nàng hoa hậu, công chúng cũng sẽ nhìn thấy chất trọc phú trong cú đấm kể trên. Sự nghiệp của một người phụ nữ đã trên 70, đôi khi lại lệ thuộc rất nhiều vào những người thừa kế.
Theo Huy Đức - Sài Gòn Tiếp Th


Bà Tư Hường: Từ cô bé chỉ học hết lớp 5 đến "bà trùm" trên thị trường tài chính, bất động sản

Bà Tư Hường: Từ cô bé chỉ học hết lớp 5 đến "bà trùm" trên thị trường tài chính, bất động sản

Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết, bà Tư Hường (Trần Thị Hường – bà Tư), cố vấn cấp cao của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu, vừa qua đời vì tuổi cao sức yếu, bà hưởng thọ 82 tuổi.

Bà Tư Hường nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản. Bà vẫn được biết đến là chủ của Ngân hàng Nam Á, những năm gần đây dù tuổi cao nhưng bà vẫn là cố vấn của ngân hàng này. Ngoài ra, bà còn là chủ tịch của Tập đoàn Hoàn Cầu – chuỗi doanh nghiệp mạnh về bất động sản cao cấp.
Đi lên từ hai bàn tay trắng
Theo Forbes, bà Tư Hường sinh năm 1936 tại Bình Định, là con thứ tư trong một gia đình đông anh em. Bà kể, khi còn nhỏ, nhà nghèo, bà chỉ được học đến lớp 5, rồi phải đi làm thuê, làm đủ nghề từ buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ, đến máy may, buôn vải, mối rượu… để có tiền lo cho gia đình.
Năm 1979, gia đình bà chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh với tất cả các số vốn tích cóp được nhờ buôn bán ở Bình Định.
Với sự thảo sát vốn có, bà mau chóng tạo lập mối quan hệ kinh doanh khắng khít với Tổng công ty thủy sản Seaprodex. Vào thời điểm đó, tư nhân không được phép kinh doanh, nên bà tư vấn cho Bình Định thành lập một hợp tác xã mua bán. Bà là người thay mặt công ty này cung ứng thủy sản cho Seaprodex. Cách làm là ứng trước một phần tiền cho ngư dân, sau đó thu mua lại sản phẩm.
Những năm 80 của thế kỷ trước, bà Tư còn buôn nhiều mặt hàng, trong đó có trầm hương và gỗ trước khi bị cấm.
Đến “bà trùm” của ngành tài chính, bất động sản
Bước ngoặt đột phá trong kinh doanh của bà Tư diễn ra khi đất nước mở cửa, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài. Nắm bắt thời cuộc, bà thành lập công ty, xin cấp giấy phép kinh doanh một số ngành hàng, sau đó bán cho nước ngoài. Bà là một trong những người đi tiên phong trong các thương vụ mua bán công ty, mà theo nhìn nhận của một số người, là “đáng giá”.
Những năm 1990, bà Tư nổi tiếng với hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD. Đầu tiên là phi vụ bà đầu tư xây nhà máy bia ở Khánh Hòa với 45% vốn góp và phần còn lại là chính quyền địa phương góp bằng đất đai. Vài năm sau, bà bán lại cho hãng San Miguel với giá 24 triệu USD. Bà từng tiết lộ riêng mình lãi 5 triệu USD từ thương vụ này. Theo Forbes, sự thành công của bà là nhờ nắm bắt xu thế: Trong giai đoạn mở cửa, các thủ tục hành chính nhiêu khê khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, họ chọn cách mua lại những công ty có sẵn thay vì xây dựng từ đầu.
Không lâu sau, bà xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức, Tp.HCM sau đó chuyển nhượng lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD. Tùy theo vốn góp, mỗi người con bà Tư Hường lãi 1-2 triệu USD. Sau đó, bằng chiến lược trên, bà thu lời triệu đô bằng cách bán và xây dựng nhà máy nước tăng lực Lipovitan (khoảng 17 triệu USD).
Công ty Hoàn Cầu của gia đình bà Tư được thành lập vào năm 1993, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản với vốn điều lệ ban đầu là 193 tỷ đồng. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Hoàn Cầu được biết đến như là một nhà tổ chức sự kiện uy tín với bạn bè quốc tế khi được vinh dự là nhà tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ (Miss Universe) 2008, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Theo Forbes, gia đình bà Tư Hường đã bỏ 65 triệu USD đầu tư vào khu nghỉ dưỡng Diamond Bay và các sự kiện quanh cuộc thi này.
Đến năm 2016, sau hơn 23 năm không ngừng phát triển, hoàn thiện về cấu trúc, đa dạng ngành nghề kinh doanh và đầu tư mạnh mẽ về con người, Tập đoàn Hoàn Cầu đã có vốn điều lệ 1.170 tỷ đồng cùng hơn 30 công ty thành viên trên khắp cả nước và trải dài trong các hoạt động từ tài chính – Ngân hàng tới Bất động sản bao gồm BĐS, BĐS nghỉ dưỡng, Khu Đô thị; Du lịch, Dịch vụ giải trí; Sân Golf...với hàng loạt các dự án nổi đình nổi đám trên thị trường.
Ngoài làm mạnh trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng, bà Tư Hường còn được biết đến như một “bà trùm” yến sào ở Khánh Hòa. Nhờ tiềm lực tài chính mạnh, bà đấu thầu, chấp nhận trả trước 5 năm một lần cho công ty yến sào Khánh Hòa để mua sản phẩm trên toàn tỉnh, và việc kinh doanh này kéo dài cho hơn 20 năm. Niềm đam mê yến sào đến những năm cuối đời vẫn đeo đuổi bà. Không chỉ nuôi yến tại biệt thư đang sống, bà còn giúp đỡ nhiều người thân quen thiết kế tổ nuôi ngay tại nhà và gọi yến về thành công.
Nhưng vô cùng kiệm lời
Trên thương trường, không mấy ai là không biết đến bà Tư Hường, nhưng với truyền thông bà lại rất kiệm lời. Dù tài sản của bà chưa có số liệu nào thống kê, đo đếm được và giới truyền thông cũng không có dịp để chứng thực điều này, song giới quan sát tin chắc bà là một trong những người giàu nhất Việt Nam.
Trong một lần trả lời hiếm hoi trên truyền thông cách đây 4 năm, bà Tư khẳng định sản nghiệp được gây dựng bấy lâu nay đều nhờ công sức của bà mà có. Hiện các con của bà đang chia nhau cai quản tài sản của gia đình trong các lĩnh vực.
Trong đời sống thường nhật, bà được những người thân miêu tả là người nghiêm khắc quy củ và có cá tính mạnh mẽ. Tuy nhiên, bà cũng là người sống rất tình cảm.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ/Tổng hợp

Không có nhận xét nào: