Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Hàn Tín, anh hùng lỡ bước hận nghìn thu (Kỳ 3): Vạn dặm tìm minh chủ, đất khách gặp tri âm

Hàn Tín bỏ Sở theo Hán, được thừa tướng Tiêu Hà trọng dụng. Ảnh theo tác phẩm điện ảnh Hán Sở Truyền Kỳ.
Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Kỳ 3: Vạn dặm tìm minh chủ, đất khách gặp tri âm

Sau yến tiệc Hồng Môn, Hạng Vũ dẫn đầu chư hầu tiến vào Hàm Dương. Tần Vương Tử Anh tuy là quân vương bại quốc, nhưng vẫn là thân phận đế vương, Hạng Vũ không những không tiếp đãi đúng lễ, trái lại còn giết chết Tử Anh cùng tất cả vương tộc, tông thất và đại thần nước Tần, lại một tay châm lửa thiêu hủy cung Hàm Dương và lăng Tần Thủy Hoàng, ngọn lửa lớn cháy 3 tháng ròng vẫn chưa tắt. 
Bỏ Sở theo Hán
Ngọn lửa lớn này đã tạo thành phá hoại to lớn đối với nền văn hóa Trung Hoa, khiến cho tất cả tài liệu mà Tần Thủy Hoàng vất vả gây dựng sau khi thống nhất giang sơn và vô số điển tịch văn hóa từ trước thời nhà Tần đều bị hủy trong một sớm. Ghi chép hàng mấy nghìn năm của nền văn minh Hoa Hạ từ thời nhà Tần trở về trước gần như đều đã bị hủy hết trong một mồi lửa.
Một sai lầm to lớn khác của Hạng Vũ chính là đẩy Trung Hoa vốn đã được thống nhất trở về cục diện chư hầu cát cứ một lần nữa. Đương thời rất nhiều kẻ sĩ thức thời khuyên can ông định đô xưng đế ở Hàm Dương, bởi Quan Trung núi sông ngăn trở, dễ thủ khó công, đất đai màu mỡ, trù phú một vùng, thật quả là nơi lý tưởng xây dựng kinh đô xưng bá thiên hạ.
Nhưng Hạng Vũ lại nhất quyết đi về phía đông, cách nghĩ của ông là: “Phú quý không về lại quê nhà, chẳng khác chi mặc áo gấm đi đêm“. Sau cùng, Hạng Vũ khăng khăng phân phong thiên hạ, hoàn toàn vứt bỏ trung ương tập quyền cũng như chế độ quản lý của nhà Tần, lập ra 18 vương chư hầu, bản thân ông tự phong mình là Sở Bá Vương, quyền ngang với hoàng đế. Bá, thời xưa hiểu là “Bá”, “Bá” trong bá trọng thúc quý (thứ tự anh em trai: cả, hai, ba, tư), ngụ ý là người anh cả trong số các vương, vua của các vua vậy. Lúc này, Hạng Vũ thực sự đã đạt đến đỉnh điểm vinh quang của sự nghiệp.
Tạo hình Hạng Vũ trên điện ảnh.
Hàn Tín là thị vệ theo bên Hạng Vũ, nhiều lần bày mưu hay nhưng Hạng Vũ lại tự phụ cao ngạo, cho rằng mình là thiên hạ vô địch, căn bản vốn không xem kiến nghị của một vệ sĩ quèn vào đâu. Chỉ riêng hai việc hỏa thiêu Hàm Dương và phân phong thiên hạ đã cho thấy Hạng Vũ là người tầm nhìn thiển cận, chỉ biết hành sự theo cảm tính. Hàn Tín nhận thấy rằng đi theo Hạng Vũ thì không cách nào thực hiện được lý tưởng rộng lớn của mình. Thế là ông phân tích hết từng người một trong số 18 lộ chư hầu, cuối cùng tầm mắt dừng lại ở Hán Trung vương Lưu Bang.
Tháng 4 (năm 206 TCN), năm đầu Hán Cao Đế, các chư hầu vương nhận phong đều thi nhau bãi binh dựng nước. Hạng Vũ cũng “áo gấm về làng”, vui mừng về Bành Thành làm Tây Sở Bá Vương. Còn về Lưu Bang, trong lòng Hạng Vũ vẫn không yên tâm, lúc phong vương không hề phong cho ông ta làm Quan Trung Vương theo đúng giao ước, mà là kìm hãm ông ở Hán Trung, Ba Thục để hạn chế Lưu Bang bành trướng lực lượng.
Vào thời Tần, vùng đất Ba Thục vẫn còn chưa khai phá, được xem là nơi rừng thiêng nước độc, đói kém hoang vu, “tội nhân thời Tần đều bị lưu đày đến đó” (Tư Trị Thông Giám – quyển 9), nhưng cũng được tính là “đất Quan Trung”. Vậy nên phong đất Ba Thục cho Lưu Bang cũng không thể tính là Hạng Vũ không làm trái giao ước. Vùng đất màu mỡ thực sự của Quan Trung được phân cho ba vị tướng Tần là Chương Hàm, Tư Mã Hân và Đổng Tiễn, hình thành thế bao vây đối với Lưu Bang, chặn đứng con đường Lưu Bang tiến quân vào Trung Nguyên.
Lưu Bang căm hận cùng cực nhưng lại không thể làm gì khác hơn. Hạng Vũ chỉ cho phép ông ta dẫn theo 3 vạn binh mã, trong quan đại thần dưới trướng ông ta chỉ có Tiêu Hà được tính là hiền tài trị quốc. Mưu sĩ Trương Lương vốn là người nước Hàn, lúc đó đã đi phò tá Hàn vương Thành. Còn những võ tướng khác như Tào Tham, Chu Bột, Phàn Khoái, Hạ Hầu Anh, Quán Anh đều không phải là những nhân vật kiệt xuất gì, căn bản không phải là đối thủ của Hạng Vũ, nếu như chống lại, nhất định là trăm chiến trăm bại. Lưu Bang chỉ có thể nuốt hận, dẫn quân tây tiến đi vào Hán Trung.Hàn Tín chính ngay lúc này đã lặng lẽ rời khỏi Hạng Vũ, đi theo đoàn người của Lưu Bang tiến vào Hán Trung. Lần này đã thay đổi vận mệnh của hai nhân vật lịch sử Lưu Bang và Hạng Vũ này, cũng đã thay đổi chiều hướng phát triển của lịch sử.
Tiêu Hà dưới trăng đuổi Hàn Tín
Tạo hình Hàn Tín trên điện ảnh. Ảnh: DKN 
Từ Quan Trung đến Hán Trung, cần phải đi qua sạn đạo (đường núi hiểm trở) Tần Lĩnh. Trước khi Trương Lương chi tay với Lưu Bang, thấy cảnh ngộ của Lưu Bang bất lợi, đã đề nghị ông hãy thiêu hủy hết thảy sạn đạo mà họ đã đi ngang qua. Một là để phòng ngừa bọn chư hầu Chương Hàm tiến công vào Hán Trung. Điều quan trọng hơn là khiến Hạng Vũ lơ là cảnh giác, khiến ông ta tin rằng Lưu Bang không có dã tâm đoạt lấy thiên hạ.
Nhưng từ một phương diện khác, điều đó cũng hoàn toàn phong tỏa chính bản thân Lưu Bang ở đất Thục. Nếu như không có kỳ mưu diệu kế, chỉ có thể già chết ở Hán Trung. Lưu Bang vốn không còn lựa chọn nào khác, chỉ có thể giữ mình bình an trước rồi mới tính đến những phương án khác.
Mới đầu khi mới đến Hán doanh, Hàn Tín một là không có công trạng, hai là không có thế lực, chỉ được làm chức “liên ngao”, chức quan nhỏ này cụ thể là làm những gì trên sử sách đều không hề ghi chép rõ ràng. Với chức vị thấp kém như vậy làm sao có thể có được cơ hội để thực hiện hoài bão to lớn của mình đây!
Chính ngay lúc Hàn Tín đang cảm thấy chán nản, lại bởi đã vi phạm quân pháp sắp bị xử tử. 13 người khác cùng vi phạm đều đã bị xử trảm, mắt thấy đã sắp đến phiên mình, ông liền ngửa mặt nhìn trời, thấy Hạ Hầu Anh đi ngang qua, thế là lớn tiếng nói rằng: “Hán Vương không phải muốn có được thiên hạ sao? Sao lại muốn xử tử tráng sĩ đây” (Sử Ký – Hoài Âm Hầu liệt truyện).
Hạ Hầu Anh cùng Lưu Bang vốn thân nhau từ nhỏ, là một trong những người thân cận nhất của Lưu Bang, nam chinh bắc phạt, vô cùng trung thành. Trong yến tiệc Hồng Môn, trong số 4 vị tướng sĩ cùng đi dự yến gồm cả Hạ Hầu Anh trong đó. Ông nghe thấy lời của Hàn Tín không khỏi giật mình, Lưu Bang muốn tranh thiên hạ, đây vốn là bí mật trong những bí mật, quân sĩ nhỏ bé này sao lại biết được chứ? Ông nhìn kỹ Hàn Tín một lượt, thấy Hàn tướng mạo anh tuấn, uy vũ, khí độ bất phàm, liền cởi trói cho ông kéo đến một bên vặn hỏi cặn kẽ. Sau một hồi trò chuyện, ông lập tức bị tài trí và kiến giải của Hàn Tín chinh phục, liền tiến cử ngay với Lưu Bang.
Tạo hình Lưu Bang trên điện ảnh. Ảnh qua: vietnamese.cri.cn
Sau khi Lưu Bang tiến vào Hán Trung, cứ mãi sầu não uất ức, cũng không có để ý tiến cử của Hạ Hầu Anh. Ông chẳng muốn gặp mặt Hàn Tín, chỉ là nể mặt của bộ hạ cũ mà thăng Hàn Tín lên chức Trị lật đô úy trông coi lương thảo. Chức Trị lật đô úy này đã cho Hàn Tín có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với Tiêu Hà, tướng quốc nhà Hán.
Hàn Tín có nói với Tiêu Hà một câu rất nổi tiếng bàn về người làm tướng như sau: “Đạo làm tướng trước nhất phải có “năm tài” và tránh “mười lỗi”. Năm tài là: trí, nhân, tín, dũng, trung. Trí thì biết cẩn thận, nhân thì biết thương người, tín thì không sai hẹn, dũng thì không ai dám phạm, trung thì không ở hai lòng. Còn mười điều lỗi: một là cậy vào cái dũng khinh thân mình, hai là gặp việc gấp thì nóng nảy, thiếu cẩn thận, ba là gặp lợi thì ham, bốn là vì lòng nhân không dám giết người, năm là ỷ lại vào sức mình không biết lo xa, sáu là tin mà không phòng, bảy là không chịu thu thập ý kiến mọi người, tám là việc đáng làm gấp mà do dự, chín là thiên vị, thiếu công bằng, mười là lười biếng, chỉ muốn sai người. Nếu có đủ “năm tài” và tránh được “mười lỗi” ấy, tất là tướng giỏi“.
Tiêu Hà lúc này mới nhận ra Hàn Tín mưu lược hơn người, trí tuệ xuất chúng, hiểu sâu binh pháp, chính là tướng tài cần gấp trong quân Hán, liền vội vàng tiến cử với Lưu Bang. Tiêu Hà với Lưu Bang là đồng hương, lại là bạn tri giao từ thuở hàn vi, nhưng tiến cử của Tiêu Hà vẫn là chưa đủ để Lưu Bang thực sự coi trọng. Hàn Tín chờ đợi một thời gian, trong lòng thất vọng, dự tính đi tìm con đường khác.
Quân Hán đều là người Quan Đông, gia quyến đều ở lại cố hương, Lưu Bang cũng không ngoại lệ. Mọi người chỉ mong Lưu Bang mau chóng có thể đánh về quê nhà để được đoàn tụ với người nhà. Nhưng sau khi Lưu Bang thiêu hủy đường núi, không có bất kỳ biện pháp thực tế nào để có thể đánh về Quan Trung. Tâm tình thất vọng xen lẫn nỗi nhớ quê nhà bao trùm khắp toàn bộ doanh trại. Thuận theo thời gian, rất nhiều binh sĩ đã mất đi lòng kiên nhẫn, nhao nhao đào ngũ, ngay đến cả tướng lĩnh cũng đã có đến mấy chục người bỏ trốn. Cuối cùng một ngày kia, Hàn Tín cũng lặng lẽ rời khỏi Hán doanh.
Việc Hàn Tín bỏ đi đã kinh động đến Tiêu Hà. Trong con mắt của Tiêu Hà, sức nặng của Hàn Tín vượt xa hết thảy đại tướng dưới trướng của Lưu Bang. Lòng ông nóng như lửa đốt, không kịp báo lại với Lưu Bang đã khẩn trương lên đường đuổi theo Hàn Tín. Lúc đó, sắc trời đã tối, dưới ánh trăng mờ ảo, Tiêu Hà giơ roi thúc ngựa mất hút trong màn đêm. Đó chính là giai thoại nổi tiếng nghìn thu “Dưới ánh trăng, Tiêu Hà giục ngựa đuổi theo Hàn Tín”.
Sự kiện Tiêu Hà đuổi theo thuyết phục Hàn Tín đã trở thành điển cố “Tiêu Hà nguyệt hạ truy Hàn Tín” nổi tiếng. Ảnh qua: tinhhoa.net
Lưu Bang được tin Tiêu Hà đi khỏi quân doanh không khỏi giật mình, sốt ruột đến không làm chủ được tinh thần, mất hết hồn vía, đứng ngồi không yên, như thể mất đi tay chân vậy. Tiêu Hà lúc này khẩn trương không kém Lưu Bang. Hàn Tín là cứu tinh duy nhất của quân Hán, mất đi Hàn Tín thì quân Hán chẳng khác chi một đạo quân ô hợp. Nếu như Hàn Tín đầu quân dưới trướng kẻ khác để đối phó lại quân Hán, hậu quả thật không thể nào lường trước được.
Hàn Tín vẫn chưa nghĩ kỹ bước tiếp theo sẽ đi đâu, cộng với tâm trạng sầu não, vậy nên đi cũng không nhanh. Đến nửa đêm đi đến bên bờ sông Hàn Khê. Lúc này, nước sông dâng cao, không có cách nào sang bên kia sông được. Tiêu Hà dọc đường vừa nghe ngóng vừa đuổi theo, từ xa nhìn thấy dưới ánh trăng, bên cạnh sông Hàn Khê, có kẻ đơn thân độc mã đang tìm cách vượt sông. Người đó không phải ai khác chính là Hàn Tín.
Mấy ngày sau, khi Tiêu Hàn dẫn Hàn Tín về lại Hán doanh, Lưu Bang đang vì chuyện Tiêu Hà bỏ đi mà mấy ngày đêm ăn ngủ không yên. Trong lúc hoảng hốt nhìn thấy Tiêu Hà, cho rằng là đang nằm mơ, vừa kinh ngạc vừa vui mừng lại vừa phẫn nộ. Ông không nén được giận, trách mắng Tiêu Hà cớ sao lại bỏ đi. Ông không tin rằng Tiêu Hà vì đuổi theo Hàn Tín mới không lời từ biệt mà ra đi.
Thử nghĩ mỗi ngày ở đây đều có mấy chục hoặc hơn trăm binh sĩ bỏ trốn, chỉ tính riêng tướng lĩnh trốn đi cũng đều đã hơn mấy chục người, tại sao người khác bỏ trốn thì không đuổi theo, mà lại cứ nhất định phải đuổi theo Hàn Tín? Tiêu Hà nói: “Các tướng đều dễ kiếm thôi, còn như Tín là kẻ quốc sĩ, có một không hai. Nhà vua nếu cứ muốn làm vương mãi ở Hán Trung, thì chẳng cần Tín làm gì nhưng nếu muốn tranh lấy thiên hạ thì ngoài Tín ra chẳng có thể bàn công việc với ai”.
Nghe Tiêu Hà nói như vậy, Lưu Bang không thể không để ý kỹ Hàn Tín lần nữa. Ông trầm ngâm hồi lâu, đồng ý đề bạt Hàn Tín làm tướng quân. Tiêu Hà một mực khăng khăng cho rằng chức vị tướng quân thật không xứng với người tài. Lưu Bang bất đắc dĩ, buột miệng để Hàn Tín làm Đại tướng quân và yêu cầu triệu kiến Hàn Tín, xem thử y rốt cuộc tài giỏi chỗ nào. Tiêu Hà lại không đồng ý, nói rằng bậc Đại tướng quân mà sai tới quát lui như vậy thật thiếu tôn trọng, cần phải dựa theo khuôn phép chọn ra ngày lành, trai giới tắm gội, lập đàn sắc phong mới tỏ rõ được thành ý.
Chuyện đến đây không nhắc tới nữa. Không biết Hàn Tín đến diện kiến Lưu Bang ra sao, mời quý độc giả đón đọc ở kỳ sau để hạ hồi phân giải.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Thiện Sinh biên dịch
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: