Tễu Blog: Nhân tròn 03 năm ngày Anh Nguyễn Hữu Vinh (chủ trang Blog Ba Sàm) và cộng sự là Chị Nguyễn Thị Minh Thúy bị nhà cầm quyền bắt giữ, chúng tôi xin đăng bài của Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội):
TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI XÉT XỬ KHÔNG CÔNG KHAI, KHÔNG CÔNG BẰNG
Trần Đình Triển
XÉT XỬ KHÔNG CÔNG KHAI
1. Với Luật sư
Tôi đã tham gia rất nhiều phiên tòa với nhiều luật sư để bào chữa cho những người bị truy tố theo Điều 258 của bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng với phiên tòa xử ông Nguyễn Hữu Vinh thì là một điều rất kì lạ, đã truy tố ở Điều 258 của bộ luật Hình sự năm 1999 thì nằm ở chương 20 là các tội xâm phạm về trật tự quản lý hành chính, và đây là vụ án xét xử công khai, không liên quan đến bí mật hay liên quan đến đạo đức thuần phong mỹ tục để phải giữ kín. Mà trong quyết định đã đưa ra xét xử công khai, theo hiến Pháp cũng như bộ luật Hình sự hay Tố tụng hình sự thì mọi công dân đều được quyền đến tham dự. Việc công dân đến tham dự có hai nghĩa, một là góp phần nâng cao nhận thức của công dân với pháp luật, thứ hai là để họ hiểu những hành vi thế nào là vi phạm pháp luật và việc đó có ý nghĩa là để góp phần giáo dục và phòng ngừa chung. Đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước đều khuyến khích như vậy, tuy nhiên trong thực hiện có một số tòa án do nơi xét xử có quy định rất chặt chẽ, do một ngày họ xử rất nhiều vụ án như dân sự, hành chính, hình sự… ví dụ như Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội. Nên cái việc hạn chế người tham gia phiên tòa còn có cái để chúng ta thông cảm vì nó quá chật chội nhưng đây là trụ sở Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội mới xây rất rộng rãi, tổ chức một phiên tòa theo Điều 258 nhưng đặc biệt lại ngăn đường, không cho mọi người đi vào và thậm chí Luật sư đều phải đi qua trạm kiểm soát như đi vào sảnh tầng một của tòa nhà, tại đây tất cả điện thoại và thiết bị ghi âm đều bị thu giữ, niêm phong, các vật dụng cá nhân đều phải qua máy kiểm tra an ninh. Thậm chí Luật sư đi vào phòng xét xử cầm theo thẻ Luật sư cùng với phiếu đã được phát từ ngoài cổng nhưng Cảnh sát tư pháp còn ngăn chặn, gây ức chế tâm lý cho Luật sư như lúc thì yêu cầu phải đeo vào cổ, lúc thì phải gắn vào túi áo…
2. Với phóng viên báo chí trong nước, nước ngoài và các quan sát viên quốc tế
Điều bất bình thường nữa là khi có mời báo chí đến và tổ chức một phòng riêng nhưng qua phản ánh từ phía báo chí là hầu như không nghe được gì, có một số đoạn cần thiết phải nghe khi phân tích lý lẽ phải trái, nói lời yêu đảng, yêu nước, yêu dân, ví dụ như lời nói sau cùng của anh Vinh bị cắt đi và báo chí không nghe được. Tôi cho rằng tổ chức báo chí như vậy là bất bình thường.
XÉT XỬ KHÔNG CÔNG BẰNG
Theo Nghị quyết 49 của đảng và 08 của Bộ chính trị quy định tăng cường tranh tụng, mọi chứng cứ phải được đánh giá tại phiên tòa thì trong bản án sơ thẩm hầu như những nội dung đưa vào trong bản án không được đưa ra kiểm chứng tại phiên tòa. Thứ hai là tại phiên phúc thẩm thì một trong các vấn đề là những thành phần tham gia vụ án và nhân chứng có liên quan đến vụ án rất cần thiết mà Luật sư đề nghị chủ toạ phiên toà triệu tập đều không có mặt và việc tranh tụng không được tiến hành theo đúng quy định pháp luật gây nên sự bức xúc cho các Luật sư. Người có phản ứng hết sức lịch sự, văn hóa và đúng luật là Luật sư Trần Văn Tạo nhiều lần đưa ra câu hỏi: Tại sao vị đại diện VKS cấp cao không tranh tụng, không đối đáp, không đưa lại luận cứ đối đáp với Luật sư? Vậy hội đồng xét xử lấy đâu ra căn cứ, và căn cứ vào đâu để kết tội. Luật sư Trần Vũ Hải cũng rất bức xúc về việc không tranh tụng của đại diện VKS cấp cao và phản ứng thì ngay lập tức bị chủ tọa phiên tòa đuổi ra khỏi phiên tòa, và ngay lập tức hàng chục cảnh sát tư pháp xông vào để đưa Luật sư Hải ra khỏi phòng xét xử. Phiên tòa này được phát video trực tiếp nên sẽ bị các phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài, các quan sát viên quốc tế chứng kiến và ghi âm, ghi hình. Hành động đó của hội đồng xét xử và phương thức đó gây nên một phản cảm trước quốc tế về một phiên tòa áp đặt, điều đó hoàn toàn không nên. Với một tầm nhận thức lớn hơn chúng ta cho rằng có tội phải xử nhưng xử phải đúng chứ không áp đặt thì đấy với là một nhà nước văn minh, một nhà nước sống và làm việc theo đúng hiến pháp và pháp luật. Trong vụ việc này, tất cả các Luật sư tham gia đều cùng quan điểm là nếu làm đúng pháp luật thì ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy không phạm tội. Nhưng qua phương thức tổ chức xét xử và cách nhìn nhận thì cố ép và kiểu gì anh Vinh cũng bị khép vào tội và phúc thẩm thì hầu như chúng tôi đoán là 99% y án và kết quả đúng là như vậy.
Mới
Mà đã vậy thì bản chất vấn đề là tổ chức lấy lệ, lấy lệ ở đây tôi muốn nói đến là mang tính hình thức bởi vì các lập luận của luật sư đưa ra bằng chứng hay các căn cứ pháp luật đều bị bỏ ra ngoài, lơ đi và không có một căn cứ gì đủ để kết tội thế nhưng cố tình nại ra trong bản án để khép tội. Cho nên đó là một phiên tòa xử rất tốn công và tốn sức từ công tác bảo vệ đến bố trí phương tiện rồi hội đồng rồi các thành phần tham gia vòng trong vòng ngoài bảo vệ rất tốn kém cho ngân sách nhà nước từ tiền thuế, từ công sức mồ hôi nước mắt của công dân làm ra đóng góp vào và chúng ta chi tiêu ngân sách vào một vụ án không đáng có như vậy thì tôi cho rằng đó là có lỗi với nhân dân.
Trong vụ án này có 6 luật sư bào chữa cho anh Vinh, và chúng tôi đã bàn bạc với nhau, phân công công việc để tránh trường hợp khi bào chữa tại tòa làm mất nhiều thời gian của hội đồng xét xử đồng thời tránh trùng lặp. Và các luật sư cũng tùy theo khả năng, kinh nghiệm cá nhân để phân công sao cho hợp lý. Tôi lấy ví dụ như luật sư Trần Văn Tạo là một người dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà, do hoạt động cách mạng ông đã bị chế độ Việt Nam Cộng hoà xử tù 7 năm vì yêu nước, yêu đảng và sau khi thống nhất đất nước ông đã từng làm chức vụ Phó giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng cơ quan Điều tra của Công an TP. HCM và đã từng là Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP HCM. Luật sư Trần Quốc Thuận cũng đã bị đi tù 5 năm thời Việt Nam Cộng hoà vì tội yêu nước, yêu đảng đã hoạt động trong lĩnh vực Tòa án (là thẩm phán) và cũng từng hoạt động trong cơ quan ban hành pháp luật đó là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội và là chồng của chị Võ Thị Thắng mà chúng ta biết đến là Nụ cười thế kỷ, toàn những người sống chết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Tôi chỉ nói đến vài trường hợp để thấy là các luật sư làm việc với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhà nước và trước nhân dân với vai trò luật sư để bảo vệ công lý. Trong phần của tôi thì tôi nói rõ là ở đây với cái tội theo Điều 258, và tôi dùng cái chữ “ép buộc” cho anh Vinh Lập 2 Blog Dân quyền và Chép sử việt, đưa lên 24 bài có nội dung làm phương hại đến lợi ích của nhà nước, của tổ chức và cá nhân. Tôi cho rằng đây là một sự gượng ép, và ở ngoài đời người ta thường gọi là vu khống.
Thứ nhất, Cơ quan Điều tra kể cả cấp sơ thẩm và cả Viện kiểm sát không chứng minh được ai là người lập ra hai blog trên, mà để chứng minh điều này thì phải là cơ quan mạng, đó là cơ quan Worldpress là người quản lý cái này và của Gmail hay yahoo thì mới chứng minh được điều đó. Thì ở đây lại gán cho anh Vinh là người lập hai trang Dân quyền và Chép sử việt thì chưa đủ bằng chứng để kết luận.
Thứ hai, đưa ra kết luận anh Vinh và chị Thúy “Đăng tải” 24 bài xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, tổ chức và cá nhân nhưng kì lạ là một số tác giả trong đó đã làm đơn gửi lên Toàn án Nhân dân Thành phố Hà Nội khẳng định các bài viết là của họ và có được đưa lên một số blog khác. Chúng tôi đã yêu cầu tòa án phải triệu tập họ với vai trò nhân chứng hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc này nhưng cấp sơ thẩm cho đến cấp phúc thẩm cũng lờ đi, vậy thì rõ ràng trong 24 bài đã có người thừa nhận bài của họ và được phát tán trên nhiều blog khác, đó là điều cần phải làm rõ. Tại sao lại kết luận rằng anh Vinh và chị Thúy là người đăng tải những bài này? Đây là điều mà cả quá trình truy tố và xét xử họ lờ đi. Nếu theo yếu tố cấu thành tội trong Điều 258 thì yếu tố bắt buộc là đưa lên thông tin nhưng phải gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân, nếu không gây thiệt hại thì không cấu thành tội trong Điều 258. Tôi yêu cầu Viện Kiểm sát chứng minh là tại phiên tòa hôm nay ai là bị hại, ai là nguyên đơn dân sự và họ bị hại cái gì, họ thiệt hại bao nhiêu. Ở đây không có bị hại là tổ chức hay cá nhân nào cả và mức bị hại bao nhiêu cũng không được nói rõ vậy thì không có đầy đủ yếu tố cấu thành Điều 258 để xử lý tội rồi. Bởi vì Điều 258 có hai khoản, ở đây khoản 2 là tội đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp 24 bài này anh Vinh đưa lên thì ai là người bị hại và họ bị hại đến mức nào để bị xử vào khoản 2 của Điều 258 theo như cơ quan bảo vệ pháp luật đưa vào. Còn về luật lệ không đi theo một nguyên tắc nào của tố tụng, do đó không đủ yếu tố cấu thành rồi chưa nói đến cả quá trình tố tụng.
Trong 24 bài có bài là “Ông trời con Hoàng kông Tư” được đưa vào bản cáo trạng và kết luận điều tra, như vậy ông Hoàng Kông Tư là người bị hại, bị xúc phạm thì phải mời ông Tư ra trước tòa với vai trò người bị hại, mà đã là người bị hại rồi thì ông không thể đóng vai trò là thủ trưởng cơ quan An ninh Điều tra để ký lệnh khởi tố vụ án bị can được, đó là luật cấm vì đó là người liên quan vụ án, liên quan người thân, liên quan lợi ích hợp pháp của mình thì không được tham gia với vai trò điều tra viên và thủ trưởng cơ quan điều tra đó có liên quan thì cũng không được ký lệnh điều tra để chỉ đạo công tác điều tra này. Rõ ràng ông Tư ký là sai, và vụ án sai ngay từ đầu, mà trong hồ sơ chúng tôi chụp thì không có lệnh tạm giữ, ông Vinh bị bắt vào ngày 5/5/2014 thì đến ngày 14/5/2014 mới có lệnh Tạm giam phê chuẩn của Viện Kiểm sát, vậy 9 ngày đó không có lệnh tạm giữ, tại Tòa Sơ thẩm cũng nêu ra đều đó và cũng yêu cầu nếu có lệnh thì tòa cung cấp ra, luật sư đã yêu cầu chủ toạ thẩm phán Nguyễn Văn Phổ đưa ra trước phiên toà lệnh tạm giữ nhưng không trình ra được. Nhưng tại Tòa Phúc thẩm lại nói có ba lệnh tạm giữ có chữ ký bị can, tôi đã đề nghị cho tôi xem nhưng cũng không được. Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án từ sơ thẩm đến phúc thẩm. Vậy thì rõ ràng đã giam giữ trái pháp luật thì đã xâm phạm vào hoạt động tư pháp rồi, người ra quy định trái pháp luật cũng phải bị bắt giữ và truy tố vì làm trái pháp luật, đấy mới là bình đẳng trước pháp luật, và vấn đề này cũng không được làm rõ. Ở cấp Sơ thẩm có đưa ra hai cuốn sổ tay và cùng với một quyển nhật kí nhưng nhật kí đó được đánh máy trong máy tính thì rõ ràng là không có giá trị rồi. Mà hai cuốn sổ có giám định là chữ viết của anh Vinh nhưng nội dung lại liên quan đến blog khác mà chủ yếu nói đến việc thành lập HĐQT mạng rồi thư kí…, như vậy là có rất nhiều người quản trị thì không thể vội vàng kết luận anh Vinh và chị Thúy là người đăng tải được, điều này tôi đã nói rồi, tại tòa sơ thẩm không dám đưa ra hai cuốn sổ này vì không phải một mình anh Vinh quản trị nên việc kết tội anh Vinh là không chuẩn xác, do đó cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát bỏ hai cái đó ra ngoài. Tại tòa sơ thẩm thì các bằng chứng này không được đưa và mà các tài liệu trong bản cáo trạng bị luật sư bác bỏ, Viện Kiểm sát không đưa được thì Tòa cấp sơ thẩm tự nhiên đưa hai cuốn sổ vào mà không được đánh giá tại phiên tòa. Đây là vi phạm rất nghiêm trọng về mặt tố tụng, và qua phiên tòa phúc thẩm vừa rồi thì khi đọc bản án lại càng lạ lùng hơn, hai cuốn sổ và quyển nhật ký không còn trong bản án nữa và các tài liệu để đánh giá như luật sư đưa ra cũng không còn nữa và nói chung chung để kết tội, chứng cứ không được đưa ra để đánh giá trong phiên phúc thẩm vừa qua. Riêng cái mảng thu thập tài liệu, thu thập chứng cứ của Cơ quan tố tụng thì Luật sư Trần Văn Tạo chịu trách nhiệm.
Về Đảng tịch: Đảng có quy định rằng nếu đảng viên bị khởi tố thì cơ quan điều tra phải gửi văn bản cho cơ quan quản lý đảng viên để ra quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt đảng. Theo quy định của pháp luật một người chỉ có tội sau khi bản án có hiệu lực, nếu bản án người ta không có tội hay mức án do lỗi sơ xuất, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ,… do tính chất vô ý thì chưa cần thiết phải khai trừ thì phải khôi phục lại cho người ta. Đảng đã quy định rất chặt chẽ, không thể giam giữ đảng viên khi mà chưa tạm đình chỉ sinh hoạt đảng, trong trường hợp anh Vinh thì hồ sơ đảng viên từ Ban Việt kiều Trung ương không được chuyển về cho Bộ Công an, đến khi anh nghỉ việc bên Bộ Công an thì hồ sơ đảng của anh cũng không được chuyển và anh cũng khiếu nại, có ý kiến nhiều năm nay rồi. Như vậy bản thân anh khi bị bắt thì anh đang là đảng viên, hơn một năm sau kể từ khi anh bị bắt thì Quận ủy Đống Đa mới ra một quyết định thôi tư cách đảng viên của anh Vinh. Thứ nhất anh vinh đã khiếu nại, thứ hai là quyết định không đúng và kể cả là có đúng thì hơn một năm giam giữ đảng viên cũng vi phạm chỉ thị 15 của đảng. Tôi đánh giá rằng qua hàng loạt vấn đề này thì người ta bất chấp tất cả các quy định của đảng, quy định của pháp luật, cố để ép tội anh Nguyễn Hữu Vinh.
Tôi cũng đánh giá trước tòa, quan điểm của tôi là anh Vinh không có tội, do đó không cần phải đánh giá về nhân thân, tuy nhiên cũng nói nhân thân để cho hội đồng xét xử và mọi người tham gia phiên tòa được biết. Thứ nhất, bố anh Vinh là cụ Nguyễn Hữu Khiếu, là cán bộ lão thành của đảng có nhiều công lao với đất nước, đã từng giữ chức bộ trưởng, 30 năm uỷ viên trung ương, mẹ cũng là lão thành cách mạng. Anh Vinh là học viên khóa 6 của Học viện An ninh, về công tác tại Tổng cục An ninh, Ban Việt kiều Trung Ương, về sau Ban Việt Kiều sát nhập với Bộ Ngoại giao thì anh lãnh trách nhiệm vận động kiều bào ta ở nước ngoài yêu nước, yêu tổ quốc làm ăn ở nơi xa xứ chấp hành luật pháp của nước sở tại và cố gắng đầu tư về giúp quê hương để phát triển, đưa hình ảnh Việt Nam lên trường quốc tế, đó là nhiệm vụ của Ban Việt Kiều Trung ương mà anh Vinh là người có công lao đó. Tôi rất hiểu anh Vinh, giống như lời nói cuối cùng của anh Vinh trước tòa, ai bảo anh chống đảng – không phải, ai bảo anh chống nhà nước – không phải, từ trong trái tim anh Vinh, anh nói lên rằng anh rất yêu đất nước Việt Nam, yêu tổ quốc, yêu nhân dân, đó là lẽ sống của anh, tất cả những bài anh nêu lên vì sự đổi mới của đất nước này, vì sự hội nhập quốc tế, để đưa lại sự phồn vinh, văn hóa văn minh cho dân tộc. Và anh cũng nói trong các bài viết đó tất nhiên không nằm trong hai blog nói trên mà trên trang Ba Sàm có những bài viết gay gắt, nhưng sự gay gắt đó là với những kẻ đang lợi dụng đảng và nhà nước để tham quyền cố vị, lợi ích nhóm, tham nhũng và đang làm hại đất nước với vỏ bọc đảng viên, mồm lúc nào cũng vì nước- vì dân nhưng trong hành động và ý thức thì đang hại đất nước và nhân dân, đó là mũi nhọn của anh Vinh và anh dùng ngòi bút để đánh vào những người đó. Và tôi cho rằng với hoạt động như vậy nếu nhìn sâu xa bản chất vấn đề thì anh Vinh là một người yêu đảng, yêu nước, yêu dân và những việc anh làm với sự chân chính của đảng – nhà nước – nhân dân thì đánh giá anh là có công chứ không phải là người có tội.
T.Đ.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét