Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

‘Nền kinh tế thị trường Việt Nam là nền kinh tế méo mó, lệch lạc’

‘Nền kinh tế thị trường Việt Nam là nền kinh tế méo mó, lệch lạc’
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

(VNF) - Không tồn tại thị trường đất đai, đầy rẫy các rào cản gia nhập, bất bình đẳng trong phân phối nguồn lực, ứng xử phi thị trường… là những biểu hiện của sự méo mó, lệch lạc của nền kinh tế Việt Nam được TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra.

Một nền kinh tế thị trường méo mó
Phát biểu tại Hội thảo “xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra hàng loạt các bất cập của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Theo ông Cung, thị trường nhân tố hiện nay rất méo mó. Gần như không tồn tại thị trường đất đai, tài nguyên mà tất cả đều áp dụng cơ chế xin cho, chia chác.
Các thị trường khác thì đầy rẫy rào cản gia nhập. Tuy đã có rà soát, loại bỏ nhưng mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ, vẫn còn tồn tại rất nhiều quy định không công bằng, tạo lợi thế độc quyền cho một số nhóm.
Những hạn chế về quy mô trở nên hết sức phổ biến, như kinh doanh vận tải phải có ít nhất 20 ô tô, kinh doanh gas phải có 100 nghìn bình… Đó là hạn chế cực kì phi lí trong gia nhập thị trường, tạo ra sự bất bình đẳng trong nền kinh tế và là rào cản rất lớn đối với chính sách cạnh tranh.
Thêm vào đó, sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra tình trạng cạnh tranh không công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp, gây nên các ứng xử phi thị trường.
Điều này dẫn đến những tín hiệu thị trường lệch lạc, tạo ra những động lực hết sức méo mó trong phân phối nguồn lực, từ đó làm cho việc sử dụng trở nên kém hiệu quả.
Ngoài ra, dưới sự chi phối của các nhóm lợi ích, hàng loạt chính sách bị bóp méo, không tuân theo các quy luật chung, càng đẩy nền kinh tế đi vào khó khăn.
Đụng chạm đến ý thức hệ cũng phải cải cách
Lý giải về hiện trạng trên, TS Cung cho rằng đó là "do chúng ta vừa thích vừa sợ thị trường". “Đó là một bi kịch. Vì thế, các cải cách trước nay của chúng ta luôn lưỡng lự, không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường”.
Có thể thấy điều đó trong tổ chức bộ máy nhà nước không phù hợp về chức năng, không tương thích về nhiệm vụ. Bộ máy ấy cản trở kinh tế thị trường, bảo vệ cho các lợi ích nhóm.
“Kinh tế thị trường có thể đụng chạm đến các thứ mang tính ý thức hệ như sở hữu công về đất đai, tài nguyên... Nhưng cải cách lần này không thể không nói đến thị trường đất đai, thị trường quyền sử dụng đất, vai trò của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Không thể muốn tiến đến kinh tế thị trường mà kinh tế nhà nước vẫn chiếm phần lớn. Không thể có kinh tế thị trường với đa số sở hữu công. Kinh tế thị trường phải là một nền kinh tế có chế độ sở hữu tư nhân là chủ yếu”, ông Cung nhấn mạnh.
Phải làm đồng bộ
Theo ông Cung, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường. Để làm được điều đó phải thay đổi tư duy, phải coi thị trường, coi cạnh tranh là cốt lõi trong việc nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Vai trò của nhà nước phải chuyển sang khía cạnh bổ sung chứ không phải kiểm soát thị trường; không phải là người sở hữu, người cung ứng mà là người kiến tạo, người thúc đẩy.
Ông Cung cho rằng, ưu tiên hàng đầu là giảm rào cản gia nhập thị trường (các điều kiện kinh doanh, giấy phép con…), tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi chung một cách bình đẳng.
Thứ hai là giảm số doanh nghiệp nhà nước xuống, vì nếu quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc phân bố nguồn lực. Nhà nước không nên can thiệp vào mà phải để thị trường phải đóng vai trò quyết định trong phân phối đất đai, vốn, tài nguyên.
Thứ ba là tạo thị trường về quyền sử dụng đất, để thúc đẩy quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất. Khi thúc đẩy được tích tụ ruộng đất theo thị trường thì sẽ bớt được xin cho, bớt được bất công, mâu thuẫn và san sẻ lợi ích cho các bên có liên quan. Và cũng khi đó mới thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp cùng nhiều thứ khác nữa.
Tuy nhiên, người đứng đầu CIEM nhấn mạnh cần phải làm đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, như vậy mới tạo được sự bổ trợ và tránh khỏi tình trạng giằng xé lẫn nhau.
“Cải cách là một quá trình liên tục, nó có những thời điểm cụ thể đột phá, rồi sau đó sẽ tạo được đà và cứ thế phát triển. Việt Nam đang rất cần một cuộc cải cách có quy mô lớn, cường độ mạnh trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong quản trị quốc gia của Nhà nước”, ông nói
XUÂN HẢI

http://vietnamfinance.vn/dien-dan-vnf/nen-kinh-te-thi-truong-viet-nam-la-nen-kinh-te-meo-mo-lech-lac-20160803143807185.htm

Không có nhận xét nào: