Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Ngẫm suy về vận nước (Mênh mông thế sự, để gió cuốn đi)

Tương Lai

Trong những ngày buồn, tư tưởng bị xáo trôn vì sự ra đi của Việt Phương, một trong những con người đẹp nhất mà tôi từng biết, tôi hay tìm về những tài liệu cũ đã đọc để chiêm nghiệm trở lại nhằm vơi đi những day dứt.
Cái câu “Cõi thiền gần lắm lặng yên vẫn chờ” của Anh cứ lướng vướng trong đầu, cho dù tôi đã nghĩ và viết ra để đọc trong buổi Tưởng Niệm Việt Phương ngày 8.5.2017 vừa rồi: “Cái tầm vóc “thiền” của Việt Phương nâng tầm vóc lý luận và tiếp sức sống độc đáo cho tầm vóc thơ của Anh”, tôi vẫn lan man suy ngẫm câu thơ của Anh:

Không có gì tạo thành tất cả
Tất cả đầy những không có gì
để rồi liên tưởng đến cái tứ thơ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh cách nay gần nghìn năm:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có, có không là gì
Liệu có thể nhận thức rằng câu thơ đẫm chất triết lý của Việt Phương “tất cả là không có gì, và không có gì là tất cả” chính là sự thâu tóm một cách đơn giản nhất triết học Phật mà nhà văn hóa uyên bác Việt Phương từng nghiền ngẫm?
Lẩn thẩn mở Thơ Thiền thời Lý Trần, để rồi lan man lần về bộ sách Lịch sử Phật giáo của Lê Mạnh Thát mà tác giả tặng tôi ngày 15.4.2006 khi tôi đến thăm và đàm đạo với ông để suy ngẫm về Vận Nước.
Dừng lại bài “Quốc tộ” của Thiền sư Pháp Thuận (915-990)
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh
(Vận nước đan xen với nhau như mây cuốn
Đất trời Nam đang hưởng thái bình
Nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi
Mọi nơi sẽ không còn chiến tranh)
Bời bời vận nước quấn mây
Trời Nam mở lượng đó đây thái bình
Thiền tâm thấm tận triều đình
Thì nhân gian dứt đao binh đời đời
Nguyễn Duy dịch thơ
Đây là câu Thiền sư trả lời Vua hỏi về Vận nước (Đáp Quốc vương quốc tộ chi vấn). Giáo sư Lê Mạnh Thát viết: “Quan điểm coi vận nước như một bó mây vừa thật hình ảnh dễ hiểu, lại vừa chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc. Ngày nay chúng ta thường dùng hình ảnh bó đũa để chỉ sự đoàn kết. Tổ tiên ta hơn ngàn năm trước đã dùng hình ảnh cuộn mây (đằng lạc). Từng con người có thể yếu ớt như từng chiếc đũa, từng sợi mây, nhưng biết kết hợp lại thì sẽ trở thành một sức mạnh không gì có thể phá vỡ được… đọc bài thơ “Vận nước”, ta không chỉ cảm thấy Pháp Thuận đã nói về yêu cầu đoàn kết toàn dân cho một nền thái bình đang tới của trời Nam, mà còn thấy Pháp Thuận nói đến trách nhiệm của những người cầm quyền.
Pháp Thuận đã nói thẳng với vua Lê Đại Hành rằng để đất nước được thái bình “nơi nơi hết chiến tranh”, đòi hỏi người cầm quyền phải “vô vi”: “Vô vi cư điện các/Xứ xứ tức đao binh”.
Khi nói đến khái niệm vô vi, người ta thường nghĩ ngay đến phạm trù vô vi của triết học Lão Trang. Nhưng đấy thực sự không phải thế. Về phía Phật giáo, vô vi là một phạm trù lớn và thường được coi là dịch từ chữ asamskrta của tiếng Phạn. Nội dung của vô vi theo hướng này thường được quy định trong giới hạncủa bản thể luận và nhận thức luận…. Vì vậy rõ ràng, khi nói đến vô vi trên điện các, Pháp Thuận đã muốn đề xuất một mẫu người lý tưởng cho Lê Đại Hành trong lãnh đạo đất nước, một mẫu người có trí có đức. Người lãnh đạo phải sở hữu những phẩm chất tài và đức này thì đất nước mới thái bình thịnh trị, nơi nơi mới chấm dứt chiến tranh….Cho nên, tuy không trả lời trực tiếp cho câu hỏi vận nước ngắn dài của vua Lê Đại Hành, nhưng ý nghĩa của bài thơ thì hết sức hiển nhiên khỏi cần phải bàn cãi đâu là yếu tố cấu thành nên vận nước…Trong lịch sử dân tộc, gặp những khi một sự tình như thế xảy đến, không biết bao nhiêu xương máu đã đổ ra để tìm cho được manh mối nguyên do vì sao đất nước bị ngửa nghiêng, dân tình bị khốn khổ. Lời cảnh cảnh báo về độ dài ngắn của vận nước, do thế, đã trở thành một lời huyền khải, một tuyên ngôn về tư tưởng dựng nước và giữ nước. Nó đã trở thành cơ sở cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền dân tộc” *
Vô vi” ư? Thật quá mỉa mai khi đọc những điều này: Để có thể “vô vi cư điện các” (triều đình thấm nhuần lẽ vô vi) thì tất nhiên người đứng đầu trăm họ phải là người có trí và có đức. Có được điều đó mới chấm dứt được nạn binh đao khiến muôn dân chịu cảnh lầm than, đem xương máu lót đường cho những mưu ma chước quỷ trong những cuộc tranh bá đồ vương nhằm giành giật cái ghế quyền lực.
Oái oăm thay, những con người với những phẩm chất như vậy thường chỉ xuất hiện trong thời kỳ mở đầu cho một triều đại! Rồi triều đại do họ lập nên thịnh suy, dài ngắn ra sao gắn liền với việc những phẩm chất đẹp đẽ như vừa nói của người nắm quyền được gìn giữ, kết thừa và phát huy đến đâu, hay lụn bại dần dần rồi dẫn đến chỗ băng hoại dẫn đến sụp đổ, tiêu vong.
Thì chẳng phải là người lập nên triều đại Tiền Lê, người anh hùng dân tộc đánh tan quân xâm lược nhà Tống làm rạng rỡ non sông, nhưng khi nằm xuống thì các con trai ông đã giết nhau để tranh ngôi. Đến thời Hậu Lê, các triều vua thay nhau trị vì trong 100 năm, từng có những thời đoạn chói sáng như Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Tám cõi hướng theo, trong khoảng 38 năm, thiên hạ yên trị. Sao mà phồn thịnh vậy”, nhưng rồi cũng sách trên chép tiếp: “Nối theo thì Mẫn Lệ bạo ngược vô đạo, Linh Ân cướp nước giết vua, Đà Dương Vương thì nội loạn bị cưỡng bức, Cung Hoàng Đế thì ngôi trời đã chuyển dời, còn làm gì được nữa”!
Có thịnh rồi lại có suy, buổi mạt vận của một triều đại kết thúc một thời đoạn lịch sử để chuẩn bị cho một bước mới của lịch sử. Hãy chỉ nói triều đại Hậu Lê. Có những minh quân làm rạng rỡ đất nước như Lê Thánh Tông, nhưng rồi vào buổi mạt triều lại có “vua quỷ” Lê Uy Mục (1488-1509), “vua lợn” Lê Tương Dực (1495-1516) làm sụp đổ chóng vánh một triều đại!
Lịch sử đầy rẫy những thảm họa từ bọn vô tài bất tướng do những nguyên cớ khác nhau mà ngoi lên nắm được quyền hành. Rồi, để giữ cái ghế quyền lực thì cấu xé, tàn hại lẫn nhau, đẩy trăm họ đến chỗ lầm than, sơn hà nghiêng ngả, đấy là thời vận nước suy. Điều này chẳng lấy gì làm khó hiểu.
Chỉ có điều, trong thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21 này, những chuyện “bạo ngược vô đạo” của những “vua quỷ”, “vua lợn” thời hiện đại lại mang những bộ mặt mới, khoác những bộ áo mới, trưng ra những chiêu bài mới bịp bợm hơn, xảo quyệt hơn được quan thầy của chúng truyền dạy cho, rồi dùng một bộ máy tuyên truyền ngu dân trải rộng ra khắp nước kết hợp với bạo lực để “kiên định” hơn, ngoan cố hơn trong việc vá víu, gia cố một nhà nước toàn trị phản dân chủ đã quá rệu rã báo hiệu sự sụp đổ là không thể cứu vãn. Thật ra thì những “vua quỷ”, “vua lợn” thời hiện đại cũng chẳng kém cạnh chuyện thô bỉ bẩn thỉu kiểu tranh vợ của con rồi từ con để cho con gái phải công khai viết đơn tố cáo, những chuyện ấy đầy rẫy chẳng nên kể ra nữa chỉ làm bẩn thêm trang viết. Điều này có cái nguồn cơn của nó, nói như Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo: “Xét trong sử sách, đã có minh trưng”!
Những người lập nên một triều đại mới thường thường là phải trải qua thời “nằm gai nếm mật” nên hiểu được nguyên lý “đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân” nói trên, do vậy mà biết lo tìm cách “an dân”, “khoan thư sức dân”, thu phục nhân tâm, trọng dụng hiền tài. Nhưng rồi những hậu duệ của họ, theo quy luật khắc nghiệt của quyền lực bị tha hóa, sẽ chóng vánh bộc lộ những bệnh hoạn của kẻ ăn trên ngồi trốc nhờ những ngẫu nhiên của lịch sử mà leo được lên, không có “đức”, cũng chẳng có “trí”, càng xa lạ với cái “tài”, nếu có chăng chỉ có những mưu ma chước quỷ và tài ranh mãnh nịnh bợ. Bọn chúng thế tất đã, hay sẽ, nhanh chóng bị lịch sử phế bỏ. Xưa nay đều vậy!
Và rồi cũng lạ, chẳng phải là ngẫu nhiên hay là một thứ gì đó na ná kiểu “hiệu ứng cánh bướm”, mà Nguyễn Duy vừa gửi qua email hai bài thơ, trong đó có đoạn:
Ai nuôi cái mù loà đáy mắt
nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?
Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
tự biến thành thù địch trước nhân dân?
Lai tỉnh
hỡi lương tri
lai tỉnh!
Ai, những ai cần lai tỉnh đây? Lương tri cần lai tỉnh, nhưng mà lương tri của ai? Có phải lương tri của người “không để cái ác nhỏ như tóc tơ che giấu trong lòng mình” mà giáo sư Lê Mạnh Thát dẫn ra trong Kinh lục độ tập để răn kẻ “đứng đầu trăm họ” phải tự kiểm lại mình ư? Nếu vậy thì quá hài hước khi mà cái quy luật quyền lực gọi quyền lực để mở rộng vô hạn độ cái quyền lực ấy là động lực của mọi động thái chính trị bẩn thỉu được khoác tấm áo choàng sặc sỡ của đủ loại ngôn từ “cách mạng” đang ngày ngày làm ô nhiễm môi trường xã hội, đầu độc đời sống tinh thần của triệu triệu con người!
Cũng như đem chuyện triết lý ”vô vi” để nói về “vô vi cư điện các” để nói vào cái thời buổi nhiễu nhương thối rữa này thì chẳng phải là đã quá vô duyên và lố bịch với cái đầu lú lẩn vốn dĩ đã kém trí tuệ chỉ có thể đọc những giáo điều đã học thuộc lòng nhưng nhờ “biết vâng lời và dễ bảo” mà từng bước leo lên cho đến tận đỉnh cao của quyền lực và đang tìm mọi cách để ngồi lâu thêm nữa bằng mưu ma chước quỷ của quan thầy dạy cho mặc cho sự oán thán của dân tình, sự phỉ nhổ của dư luận ư?
Có lẽ, trong trường hợp này thì thiết thực hơn, như một lời cảnh cáo mà nhắc lại rằng một nghìn năm trước đây, thiền sư Vạn Hạnh đã nhắn nhủ:
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi. Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ” để tin chắc rằng cái hiện tồn của những ung nhọt trên cơ thể đất nước sẽ bục vỡ chóng vánh thôi.
Lòng không sợ hãi. Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ.Ở đây, không chỉ biểu lộ một bản lĩnh, một nhân cách của người đề xướng mà còn là sự đúc kết một quy luật.
Xã hội nào có thịnh rồi cũng có suy theo quy luật vận động của lịch sử. Biết “nhậm vận”, tức là biết được quy luật của sự vận động đó. Con người có bản lĩnh là con người biết hành động đúng với quy luật ấy, cũng có nghĩa là biết làm chủ được tình thế. Nếu chịu khó lắng lại suy ngẫm về những gì đang diễn ra thì dường như lịch sử đang lặp lại trên một vòng xoáy trôn ốc mới của một thế giới đang biến động dữ dội màchuẩn mực chính là sự thay đổi. Thì chẳng phải thế sao?
Hãy chỉ bằng một ví dụ về Emmanuel Macron, vị tổng thống trẻ nhất của nước Pháp đang được ví như là một “Napoléon của nước Pháp của thế kỷ 21”, người đánh bại những chính trị gia lão luyện để trở thành nhà lãnh đạo bằng cách mà chưa ai ngoài Napoléon làm được. “Phấn đấu cho sự đổi mới thực sự ở mọi cấp độ, đổi mới gương mặt, đổi mới biện pháp, đổi mới tư duy”. Đó là tuyên ngôn của vị tổng thống 39 tuổi. Tờ La Tribune viết: “Thay đổi, tiến lên, mới mẻ, đó chính là biểu hiện của ‘chủ nghĩa Macron’. Dominique Moisi thuộc Viện Nghiên cứu Montaigne tại Paris thì giải thích rõ: “Hoàn cảnh đặc biệt tạo nên những người đặc biệt. Nếu không có cuộc cách mạng Pháp, Napoléon Bonaparte có lẽ vẫn chỉ là một sĩ quan bình thường trong quân đội. Và nếu hai chính đảng lớn của Pháp không đi xuống và khiến người dân bất mãn thì Emmanuel Macron có lẽ vẫn mãi chỉ là một chuyên gia ngân hàng tài năng”!
Trông người lại ngẫm đến ta. Làm sao có thể hiểu được sự kiện Macron là một biểu tượng có tính cảnh báo tuyệt vời cho một cuộc hành tiến đi về phía trước khi mà cả dân tộc vẫn tiếp tục bị đầu độc trong môi trường ô nhiễm bởi đều đều những tiếng ê a tụng niệm các giáo điều cũ rích từng dìm sâu đất nước trong sự lạc hậu về kinh tế, văn hóa, khủng hoảng về chính trị, xã hội.
Bởi lẽ, để có một tổng thống 39 tuổi Emanuelle Macron được ví như một Napoléon của nước Pháp thế kỷ 21, phải có một thể chế dân chủ để người dân tham gia tuyển chọn người lèo lái con thuyền đất nước, được tự do bày tỏ ý chí và sức mạnh của mình quyết định vận mệnh quốc gia. Còn vẫn ngoan cố duy trì một thể chế toàn trị phản dân chủ thì chỉ có thể có được những tội đồ lịch sử đã và đang kìm hãm đất nước! Mà là sự lạc hậu tăm tối để thua kém những nước láng giềng cùng chung một xuất phát điểm về trình độ kinh tế như ta cách nay mấy thập kỷ. Lạc hậu đến nhục nhã khi mà muốn đuổi kịp năng suất lao động của người Thái thì người Việt phải cần đến một nửa thế kỷ nữa!
Nỗi đau nhục nhã ấy có thể chỉ ra nguồn cơn chẳng mấy phức tạp vì, hôm nay đây, khi người Thái đang lên kế hoạch một cách có bài bản nhằm biến Việt Nam chúng ta trở thành một thị trường rất giàu tiềm năng ở sát cạnh họ thì chính Việt Nam đang tự biến mình thành một bãi chiến trường trong cuộc tranh giành quyền lực ở nơi cao nhất để rồi đang hí hửng môt cách khốn nạn rằng đó là chỉ mới bắt đầu, “sắp tới còn làm tiếp”!
Để đất nước tan hoang như thế này, nếu cần trị một người để cứu muôn người thì cần trị ai đây? Bà con nông dân ở xã Đồng Tâm Hà Nội vừa đưa ra một ví dụ sống động mang tính cảnh báo rằng: nhân dân không còn cam chịu thân phận của những thần dân mê muội dễ bảo để tiếp tục bị lừa bịp. Họ biết cách hỏi tội những kẻ đã và đang phản bội họ, biết đương đầu một cách thông minh và có tổ chức trước bạo lực lừa mị. Khi họ dám tuyên bố “Cụ Kình là Bác Hồ thứ hai của xã chúng tôi” là họ đã chứng minh trong thực tiễn: “Tước vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người”. Một tín hiệu mới đã được phát ra.
Sự ngột ngạt, oi bức đang nén dồn báo hiệu một cơn dông bão sắp ập đến. Phải chăng câu thơ cũng của Việt Phương lại là một tín hiệu tiếp theo có dáng dấp như một dự báo mang tính tiên tri:
Thời thế xấu đến sắp thành ra tốt.
11.5.2017
T. L.
Tác giả gửi BVN.
________________________
*Lê Mạnh Thát, 2006. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. NXB Tổng hợp TPHCM, tập II, từ tr. 361 đến tr. 368.

Không có nhận xét nào: