Cách đây ít ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ tin đồn rằng khí thải từ nhà máy thép của Formosa ở Hà Tĩnh chứa các hóa chất độc hại là dioxin và furan.
Tin đồn xuất hiện ngày 24/4 trên Facebook và lan truyền nhanh chóng. Sau gần một tuần, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra thông cáo báo chí nói rằng họ bác bỏ thông tin nhà máy thép của Formosa phát ra khí thải từ lò luyện cốc có chứa dioxin/furan.
Bộ nói trong quá trình luyện thép của nhà máy Formosa “có thể phát sinh ngoài chủ ý một lượng không đáng kể dioxin/furan” từ công đoạn thiêu kết quặng sắt, tuy nhiên “hoàn toàn có thể kiểm soát được” quá trình phát thải này.
Thông cáo hôm 30/4 của bộ cho biết Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã tiến hành 3 lần lấy mẫu khí thải ống khói xưởng thiêu kết của nhà máy trong hai ngày vào nửa cuối tháng 2.
Thông tin này nó chưa rõ là ‘ông’ lấy mẫu ở vị trí nào, thời điểm nào, lúc đó máy chạy theo công suất gì, bao nhiêu mẫu, được phân tích băng phương pháp gì, quy theo phương pháp nào của USEPA [Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ], phân tích ở đâu, phải có những yếu tố như thế mới tin được. Viện Công nghệ Môi trường chưa bao giờ được coi là chỗ phân tích dioxin cả.
Kết quả phân tích, theo lời bộ, cho thấy tổng độ độc tương đương (TEQ) của dioxin/furan là chưa đến 0,4 phần tỉ gam (ng) trên một mét khối khí thải chuẩn (Nm3). Bộ nói nồng độ như vậy “nhỏ hơn nhiều” so với quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam về khí thải công nghiệp sản xuất thép. Quy chuẩn này cho phép tổng lượng Dioxin/Furan tính theo TEQ nhỏ hơn 0,6 ng/Nm3.
Bộ cho biết Formosa sử dụng công nghệ mới của Nhật Bản trong lò chuyển thổi oxy. Theo bộ, khả năng phát thải dioxin/furan của lò này là “rất thấp” và “thấp hơn nhiều” so với quy chuẩn cho phép.
Sau khi dẫn ra các thông tin này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói “hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học” để khẳng định tin đồn trên mạng xã hội là “không chính xác”.
Nhưng một chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm về dioxin nói vị này chưa thấy thuyết phục về thông cáo của bộ.
Đề nghị VOA không nêu danh tính, chuyên gia này giải thích rằng nơi nào “có lửa và có các hợp chất chứa clo cũng như carbon”, nơi đó “đều có dioxin”. Như vậy, theo lời vị này, vấn đề không phải là “có phát thải hay không”, mà là “nồng độ cao hay thấp”.
Điều đáng chất vấn về kết quả Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố, theo chuyên gia, là việc lấy mẫu ra sao và phân tích ở phòng thí nghiệm nào. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả.
Chuyên gia nói việc lấy mẫu “không đơn giản” và ông “nghi ngờ” Viện Công nghệ Môi trường có khả năng làm việc đó. Chuyên gia đặc biệt lưu ý đến vị trí và thời điểm lấy mẫu: “Lấy mẫu ở đầu ống khói hay cách đó mấy chục mét, lấy mẫu khi máy chạy công suất cao, khi công suất thấp hay khi không chạy đều cho kết quả khác nhau”.
Yếu tố quan trọng nhất, theo chuyên gia, là phòng lab nào phân tích các mẫu. Vị này đặt câu hỏi rằng phòng lab đó có được công nhận không, nó có thiết bị phân tích mẫu sắc ký khối phổ phân giải cao (GC/MS) hay không, và có nhân viên chuyên môn giàu kinh nghiệm hay không.
Vị chuyên gia nói đó là những thông tin mà thông cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường không đề cập đến nên có thể xem là chưa đáng tin cậy:
“Thông tin này nó chưa rõ là ‘ông’ lấy mẫu ở vị trí nào, thời điểm nào, lúc đó máy chạy theo công suất gì, bao nhiêu mẫu, được phân tích bằng phương pháp gì, quy theo phương pháp nào của USEPA [Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ], phân tích ở đâu, phải có những yếu tố như thế mới tin được. Viện Công nghệ Môi trường chưa bao giờ được coi là chỗ phân tích dioxin cả”.
Dự án của Formosa trở thành tiêu điểm chú ý của công chúng Việt Nam, nhất là các nhà hoạt động vì môi trường, sau khi nó xả chất thải độc trái phép hồi tháng 4 năm ngoái, gây ra thảm họa cá chết ven biển 4 tỉnh miền trung. Vụ này đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế nhiều người sống nhờ vào du lịch biển và đánh bắt, buôn bán hải sản.
Giữa năm ngoái, Formosa đã nhận trách nhiệm và chấp nhận bồi thường cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla.
Ít ngày trước khi ra thông cáo bác bỏ lời đồn về khí thải của Formosa chứa dioxin/furan, hôm 27/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã họp với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và công ty gang thép Formosa về việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
Báo chí Việt Nam dẫn lại thông tin của bộ nói đến nay Formosa Hà Tĩnh đã cơ bản khắc phục 52/53 lỗi vi phạm về bảo vệ môi trường. Lỗi cuối cùng là chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô dự kiến hoàn thành vào 2019.
Trong một năm qua, nhiều người dân, nhất là ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, đã biểu tình hàng chục lần chống Formosa. Họ cho rằng dự án này không an toàn về mặt môi trường, vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế của họ.
http://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-nghi-ngo-ket-luan-cua-bo-moi-truong-ve-dioxin-cua-formosa/3834384.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét