Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Nhà thơ Việt Phương: Nhìn vào sự thật nhìn cho thẳng

06/05/2017 20:44 GMT+7

TTO - Tin nhà thơ Việt Phương mất không phải là một tin bất ngờ, bởi từ năm ngoái tới nay, ông đã yếu lắm, nhưng ấy là một tin mang đến cho những người biết tên Việt Phương nhiều hụt hẫng.
Nhà thơ Việt Phương: Nhìn vào sự thật nhìn cho thẳng
Nhà thơ Việt Phương và vợ - nhà giáo Trần Tú Lan - Ảnh: Hoàng Điệp
Lại một lần nữa, cuộc sống hôm nay mất đi một người đã đau đáu cống hiến từng giọt sống một cho đời, cho đến giọt cuối như ông từng nhắn nhủ: “Cho dẫu nếu hồn anh sắp cạn/ Xin nâng niu chắt giọt cuối cùng/ Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn/ Một giọt người rất sáng rất trong/ Đậu xuống vai em làm giọt sương đồng...”.   
Ông  từng viết về chính mình: “Một đời là người của sự quá/ Quá thương quá yêu quá dại khờ/ Quá tin quá tưởng quá nhẹ dạ/ Quá mơ quá mộng quá ngây thơ...”.  Ai được gặp và trò chuyện với ông một lần cũng sẽ chứng kiến được “sự quá” ấy.
Quá lịch sự đến mức đệm chữ “vâng ạ” ở đầu câu, cuối câu khi nói chuyện với tất cả mọi người, kể cả với một kẻ đến hỏi chuyện chỉ đáng tuổi cháu nội ông là tôi. Quá yêu thương vợ đến mức trong câu chuyện, cứ chốc chốc ông lại hướng sang bà: “Anh nói thế có phải không, Tú Lan?”.
Quá yêu đời, yêu người đến mức khi nào đặt vấn đề phỏng vấn ông cũng từ chối, nhưng rồi sau đó lại say mê cuốn vào những câu chuyện về đời, về người...
Từng 53 năm làm thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lại thêm nhiều năm làm thành viên nhóm tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, thân quen với các lãnh tụ như người trong gia đình, từng gây sóng gió và gặp sóng gió với những bài thơ “nhìn vào sự thật nhìn cho thẳng” , nhưng rồi khi gặp lớp hậu thế như chúng tôi đến hỏi chuyện, bao giờ ông cũng kể những câu chuyện đẹp, thật đẹp.
Chuyện về chữ 'nhẫn', chữ 'dũng' trong cõi vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chuyện về chữ 'hòa', chữ 'tâm' trong hành xử của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chuyện về chữ 'tầm' trong cách nhìn nhận, đánh giá của Thủ tướng Võ Văn Kiệt...
Ông cười dung dị trước những câu hỏi cắc cớ, và lại đọc thơ thay lời giải thích: “Đã qua cái thời ngạc nhiên/ Đã qua cái thời dằn vặt/ Đã qua cái thời tức điên/ Đã qua cái thời đau uất/ Đã đến cái thời mở mắt/ Nhìn cho sáng màu tiếng khóc/ Nhìn cho tỏ sắc nụ cười/ Nhìn thấy cuộc đời đang lọc/ Nhìn ra trong vắt ngày mai...”.
“Các bạn trẻ cần học thêm sự kiên nhẫn để tận dụng được cơ hội đóng góp cho đất nước của các bạn. Con đường trước mặt các bạn đang rộng mở”, ông điềm tĩnh cho lời khuyên trước những sốt ruột của chúng tôi mỗi khi tới tham vấn.
Ông điềm tĩnh kể về công việc tư vấn của mình và các đồng sự: “Góp ý một lần chưa được lắng nghe thì góp lần thứ hai, thứ ba. Góp một ý không được đồng tình thì suy nghĩ thêm để góp mười ý, trăm ý. Trăm ý tưởng đưa ra nếu được nghe ba là đạt hiệu quả rất cao rồi, được nghe hai là đạt yêu cầu cao, và được nghe một thì đã là toại nguyện, đã đủ để gắng sức.
Còn nếu như không được nghe ý nào, thì nhiệm vụ của chúng tôi vẫn là phải nói ra ý kiến của mình”. Ông lại đọc như để nhắn nhủ: “Gieo trăm gặt một thế cũng là/ Được bao nhiêu cũng là được cả/ Một thời khô héo một thời hoa”....
Thời của ông, ông đã rất trung thực, thẳng thắn và dũng cảm để dùng tay mình mở cửa. “Cửa mở” của ông dẫu đã gặp phải những thanh chắn từ bên ngoài, nhưng rồi ông đã kiên nhẫn tiếp tục đẩy cửa cho đến ngày “Cửa đã mở”. Và mở từ bên ngoài. Bài học ấy của đời mình, ông để lại cho những người đi sau...
PHẠM VŨ

Không có nhận xét nào: