Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Phiếm đàm về TBT Nguyễn Phú Trọng: Tả khuynh hay hữu khuynh qua Hội nghị TW 5?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiệm kỳ II đã trở thành một gương mặt đáng giá trên địa đồ chính trị Việt Nam. Và ở chừng mực nào đó, có thể tạm thời đánh giá về ông trên cơ sở quy luật lượng – chất (Chủ nghĩa Mác-Lê) theo diện phiếm đàm.

TBT Nguyễn Phú Trọng: Tả khuynh hay hữu khuynh qua Hội nghị TW 5?
Tả khuynh?

Tả khuynh theo Chủ nghĩa Mác-Lenin mô tả là tư tưởng chủ quan, nóng vội, muốn sớm có sự thay đổi về lượng nhưng lại không tính đến sự tích lũy về chất.

Ông Nguyễn Phú Trọng có tả khuynh không? Có! Trong Hội nghị 5 vừa qua, ông tuyên bố Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Thực tế quan điểm này thiếu tính thực tiễn, thậm chí mang tính nóng vội hơn so với quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi nhấn mạnh: Đã đến lúc thoái vốn, thoái sức Nhà nước, nhường nguồn lực phát triển kinh tế cho khu vực tư nhân.

Lý do nằm ở, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân và góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước chỉ là một cách gỡ rối cho năng lực cạnh tranh, thua lỗ, cũng như hạn chế sự phá hoại của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nói đúng hơn, nó là cách thức bắt hệ thống doanh nghiệp tư nhân “gánh” nợ cho nhà nước chứ không hề gạt bỏ được các thành tố làm trì hoãn sự phát triển nhà nước - ở đây là “tính chủ đạo” của khối DNNN. Trong khi đó, ông Chủ tịch VCCI đã đúng khi cho hay, cần nhường nguồn lực lại cho tư nhân, thoái hóa vốn nhà nước, đưa thị trường trở lại đúng nghĩa với thị trường, tạo một sự cạnh tranh ngang bằng giữa các khu vực, tiếp sức – rót cơ chế - chính sách cho các thành phần kinh tế phát triển.

Quan điểm ông Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị 5 là muốn tạo một “bước nhảy” gắn với sự thay đổi về chất, nhưng rõ ràng, ông đã không định lượng được về chất, thậm chí chất mà ông hướng tới vẫn là một “chất” nhầm lẫn mà những người tiền nhiệm trước ông đã từng chọn. Chính sự nửa vời này khiến ông sẽ dễ trở thành một người thuộc giai đoạn đầu của Chủ nghĩa cơ hội (từ tâm trạng đến xu hướng, từ xu hướng cho đến tập đoàn), điều mà V.Lenin từng phê phán và nhận diện qua việc “cách tân, sửa lại” chủ nghĩa Mác cho phù hợp hơn dưới mác “những câu chữ marxit”.

ĐCSVN từng rơi vào một trường hợp tương tự như vậy vào Đại hội III, khi đó, vẫn chủ trương phát triển thành phần quốc doanh và thực hiện công nghiệp nặng một cách hợp lý. Kết quả, nền kinh tế Việt Nam chỉ “thắng lợi” giai đoạn đầu, nhưng sau đó, nhanh chóng rơi vào suy thoái, cơ cấu kinh tế mất cân đối nghiêm trọng và dẫn đến khủng hoảng xã hội thập niên 70-80 (Thế kỷ XX).

Hữu khuynh?

Đây là khái niệm chỉ tư tưởng bảo thủ, trì trệ, không dám thực hiện “bước nhảy” (sự thay đổi về chất) khi đã có sự tích lũy đủ về lượng. 

Ngay câu phát ngôn mang tính để đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Đến hết thế kỷ này” càng chứng tỏ ông Trọng có sự thận trọng theo đúng tuyên huấn của thế hệ trước là “bước ngắn, bước dài, tùy theo hoàn cảnh”, không đốt cháy giai đoạn, không đưa thời hạn để đi lên CNXH mà đổ vỡ như Liên Xô. Nhưng cũng chính câu nói này nó cũng chứa đựng một sự thận trọng đến mức trì trệ, rằng mọi sự “vỡ bình” là ưu tiên cao trong toàn bộ hệ thống “dò đường và rút kinh nghiệm”. Điều này không thể trách ông Trọng, bởi những người đứng đầu Đảng như ông trước đó cũng không khác gì ngoài hai chữ “thận trọng”, vấn đề nằm ở chỗ - ông Trọng đã được tiếp xúc nhiều hơn, thông tin nhiều hơn, nhận diện lỗ hổng chế độ (tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm) tốt hơn trong thời đại hiện nay (khi mà nhóm lợi ích và tư bản thân hữu đã trở nên công khai, thậm chí thách thức dư luận). Tuy nhiên, việc ông vẫn giữ một quan điểm mơ hồ trong hiện thực xây dựng Xã hội chủ nghĩa, vẫn cứ là một cuộc đấu tranh phức tạp lâu dài, với nguyên tắc “tiến tới dần dần” là điều khó hiểu. Bởi vì hiện nay, dù “vật chất ngày càng tăng”, nhưng vật chất đó lại nghiêng hẳn về người giàu, nông dân bị tước đoạt tư liệu sản xuất, đời sống tinh thần theo hướng suy đổi và hưởng thụ vật chất, hệ thống chính trị - quyền hạn không còn nằm vào dân, khiến cho công chức trở thành ông chủ thay vì công bộc của dân.

Sự bảo thủ trì trệ này cũng là lý do vì sao mà hơn “30 năm đổi mới”, ông Tổng Bí thư mới thừa nhận là “có những bước tiến nhận thức quan trọng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân”. Và nhiều câu hỏi được đặt ra: đây là thứ lý luận gì? Nó có phải là mở đường cho phát triển hay chỉ chăm kìm hãm sự phát triển?

Hơn nữa, với trên 30 năm mới “lý luận” được vai trò của KTTN cũng đồng thời trả giá bằng nguồn tài nguyên lên đến hàng tỷ USD; làm suy yếu hệ thống kinh tế khu vực tư nhân, thế hệ dân số vàng đã sắp trôi qua… và một thị trường tràn ngập hàng ngoại quốc. Cái mà “Đổi mới” tự hào là tốc độ tăng trưởng lại suy giảm trong những năm gần đây, mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn vốn nhà nước (theo Viện KH Thống kê cho biết giai đoạn 2006 - 2010 vốn khu vực nhà nước chiếm 51,8% vốn đầu tư của toàn xã hội). Nhưng rồi đây, sẽ không còn quá nhiều tài nguyên, và tiềm lực quốc gia đã không còn quá dồi dào để tiếp tục để Đảng thêm thời gian “thận trọng” được nữa, mà buộc phải bứt phá, phải Đổi mới thực sự. 

Tiếc rằng, Hội nghị 5 dưới sự điều hành của ông Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục kiên trì đường lối kinh tế “định hướng XHCN” và vẫn tiếp tục coi khối DNNN như là “vị trí then chốt trong khu vực kinh tế nhà nước, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”.

Anh Văn

 (VNTB) 

Không có nhận xét nào: