(Thời sự) - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” từ ngày 11-15/5.
Đánh giá về thực trạng quan hệ Trung-Việt, ông Lăng Đức Quyền khẳng định dưới sự nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước ngày càng được củng cố, sự tin cậy chính trị không ngừng gia tăng, hợp tác giữa hai nước đạt nhiều kết quả thực chất, giao lưu nhân dân ngày càng sôi động.
Quan hệ Trung-Việt thực chất đã bước sang một giai đoạn mới với xu thế hợp tác bền vững, phát triển toàn diện, lành mạnh, ổn định.
Theo ông, Việt Nam và Trung Quốc đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, là cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược.
Hai bên đã nghiêm túc thực hiện nhận thức chung quan trọng từng đạt được giữa hai Tổng Bí thư, luôn xem xét và phát triển quan hệ song phương từ tầm cao chiến lược và góc độ lâu dài dựa trên phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”
Hai nước kiên trì tôn trọng lẫn nhau, gia tăng kết nối chiến lược, tăng cường sự tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác thực chất, kiểm soát ổn thỏa bất đồng, tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt.
Bên cạnh đó, chuyên gia Lăng Đức Quyền cũng nhận định rằng trong bối cảnh tình hình mới, hai nước cần tiếp tục nỗ lực trong 7 mặt.
Một là, tăng cường giao lưu cấp cao, gia tăng sự tin cậy chính trị. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cần duy trì tiếp xúc thường xuyên nhằm phát huy vai trò định hướng chiến lược quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Hai là, tăng cường hợp tác, thúc đẩy giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Quan hệ hai Đảng có vai trò định hướng quan trọng đối với quan hệ hai nước. Hai bên cần xây dựng quan hệ giao lưu sâu rộng, toàn diện, tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm quản lý Đảng, lãnh đạo đất nước, qua đó cùng nâng cao năng lực lãnh đạo và tính khoa học trong xây dựng Đảng.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác thiết thực, gia tăng kết nối chiến lược. Hai bên cần phát huy vai trò điều phối của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, gia tăng hợp tác cùng có lợi giữa hai nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển chung của hai nước.
Bốn là, mở rộng giao lưu quân sự, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh, thực thi pháp luật giữa hai nước, nhằm thực hiện những Thỏa thuận và Cơ chế hợp tác đã ký kết giữa hai bên.
Năm là, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường nền tảng tình cảm giữa nhân dân hai nước. Hai bên cần đẩy mạnh giao lưu giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là sự giao lưu của thế hệ thanh niên, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, truyền thông, du lịch, thể thao…
Sáu là, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác trên biển. Hai bên cần đẩy mạnh kết nối chiến lược, tiếp tục gia tăng sự tin cậy chính trị, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho việc giải quyết vấn đề trên biển, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác, cùng khai thác trên biển.
Bảy là, tăng cường sự phối hợp trong các vấn đề quốc tế, khu vực quan trọng, duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích chung giữa hai nước. Nhận định về tiềm năng hợp tác kinh tế, xã hội, ngoại giao giữa hai nước trong tương lai, đặc biệt là sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Trung Quốc, chuyên gia Lăng Đức Quyền cho rằng hai nước Việt Nam và Trung Quốc núi sông liền một dải, nhân dân hai nước có tình hữu nghị lâu đời, cả hai nước đều đang trong quá trình đi sâu cải cách, vì vậy, tiềm năng hợp tác trong tương lai giữa hai nước là rất lớn và đầy triển vọng.
Ông nhấn mạnh rằng hợp tác kinh tế thương mại luôn là một phần quan trọng trong quan hệ Trung-Việt. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 13 năm liên tục.
Năm 2016, Việt Nam đã vượt Malaysia trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kim ngạch thương mại hai nước đạt 98,2 tỷ USD (theo thống kê của phía Trung Quốc).
Vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên đang từng bước được thu hẹp. Theo thống kê, năm 2016 xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng hơn 20%; con số này trong Quý I/2017 tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, cơ cấu thương mại song phương đang dần hướng đến sự cân bằng.
Ngoài ra, lĩnh vực quan trọng khác của hợp tác kinh tế thương mại là đầu tư. Cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước, đầu tư của Trung Quốc đối với Việt Nam tăng khá nhanh trong năm 2016, từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nước, khu vực đầu tư vào Việt Nam.
Mức độ tăng trưởng này trong quý 1/2017 còn nhanh hơn so với năm 2016: kim ngạch đầu tư của Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 3 trong tổng số 38 nước, khu vực đầu tư vào Việt Nam.
Trong các lĩnh vực ngoại giao, giao lưu nhân dân… không gian giao lưu, hợp tác thiết thực giữa hai nước cũng rất lớn. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu năm 2017 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo hai nước xác định cần tăng cường kết nối qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và chiến lược phát triển “Hai hành lang, một vành đai.”
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” là sự kiện lớn trong quan hệ song phương. Theo nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông trên cương vị Chủ tịch nước, sẽ được Đảng và lãnh đạo Nhà nước Trung Quốc nhiệt liệt chào mừng và tiếp đón trọng thể.
Gần đây, các cơ quan hữu quan của hai bên tăng cường bàn thảo về các văn kiện liên quan đến vấn đề kết nối, chính phủ hai nước cũng đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác năng lực sản xuất. Điều đó có nghĩa là, về mặt chính sách, mục đích hợp tác giữa hai chính phủ là rất rõ ràng.
Về mặt dự án, hợp tác cụ thể cũng có nhiều tiến triển và đạt được những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực giao thông, điện lực, ngành chế tạo, xây dựng khu công nghiệp…
Sắp tới, Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2017. Khi đó, Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị và thăm chính thức Việt Nam.
Ông Lăng Đức Quyền tin tưởng rằng sự thường xuyên thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt lên tầm cao mới, qua đó đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Hiện nay, ông cùng toàn thể nhân dân Trung Quốc rất tin tưởng và trông đợi điều này.
(Theo Vietnam+)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét