Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Thế chân vạc của Bắc Kinh ở Biển Đông: Hoàng Sa-Trường Sa-Scarborough; NYT: Nghi vấn Trump "buông lơi" vấn đề biển Đông vì được TQ giúp ở Triều Tiên


Mai Vân


mediaẢnh chụp từ trên không Đá Xu Bi (Subi) -Trường Sa, ngày 21/04/2017.Reuters
Truyền thông trong thời gian gần đây rất chú ý đưa tin về việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng công trình quân sự ở Biển Đông. Trong một bài viết  trên trang web Mauldin Economics, chuyên gia phân tích địa chính trị nổi tiếng George Friedman, sáng lập viên hãng tham vấn Stratfor, đã tập trung xem xét các cơ sở quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông để đi đến kết luận rằng về căn bản thì đó hiện là những căn cứ mang tính chất phòng thủ, nhưng về lâu về dài, đó sẽ là bàn đạp để tấn công.









Bài viết có giá trị ở chỗ cung cấp cho độc giả một cái nhìn rõ rệt về trận đồ mà Trung Quốc đang bày ra ở Biển Đông trên những khu vực mà Bắc Kinh cho là của mình, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng, cũng như phán quyết của một tòa án quốc tế về tính chất không có cơ sở pháp lý của các yêu sách Trung Quốc.
Ghi nhận đầu tiên của Friedman là Trung Quốc không xây dựng bồi đắp tràn lan mà chủ yếu tập trung trên một số đảo đá, rạn san hô ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tại đấy, Trung Quốc đã rầm rộ xây dựng, nào là bến cảng, phi đạo, nào là đài radar, hệ thống bắn tên lửa.
Tuy nhiên, đối với nhà phân tích, các cơ sở nói trên về bản chất chỉ mang tính chất phòng thủ, được Bắc Kinh dùng làm phương tiện để kéo dài tầm với của Trung Quốc ra thật xa bờ biển của họ.
Không phải tất cả các đảo đá đều được tôn tạo như nhau, và mỗi quần đảo đều nhằm phục vụ một ý đồ chiến lược riêng biệt. Chính trong bối cảnh đó mà Trung Quốc đã chú ý thêm đến bãi cạn Scarborough Shoal, hiện chưa được phát triển, nhưng đang là một điểm gây căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. George Friedman đã nhắc lại rằng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông dựa trên một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà họ vẽ ra, đòi chủ quyền trên khoảng 90% vùng biển này, và vùng mà Trung Quốc cho là của họ, có chỗ cách bờ biển Trung Quốc đến 1.243 hải lý.
Trung Quốc đã lập luận rằng đường 9 đoạn đó đến từ các thỏa thuận lịch sử trước đây, điều mà tất cả các bên liên quan (ngoại trừ Trung Quốc) đều phủ nhận. Khi bị chất vấn, Bắc Kinh luôn mập mờ về các thỏa thuận đó.
Cơ sở của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa
Trung Quốc đã bồi đắp trên quy mô rộng lớn các đảo đá mà họ kiểm soát ở Trường Sa. Một báo cáo năm 2016 của Lầu Năm Góc cho thấy là đến cuối năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp xong khoảng 3.200 mẫu Anh (acre) đảo nhân tạo trong khu vực này, trước khi hứa hẹn là sẽ không bồi thêm nữa. Con số hàng ngàn mẫu Anh này đã vượt xa tổng cộng 50 mẫu Anh mà tất cả các bên tranh chấp còn lại đã bồi đắp trong cùng thời gian.
Trường Sa có rất nhiều bãi đá, nhưng Trung Quốc chỉ tập trung trên bảy địa điểm mà thôi.
Ba bãi lớn nhất - Đá Vành Khăn (Mischief), Đá Xu Bi (Subi) và Đá Chữ Thập (Fiery Cross) - giống nhau ở chỗ là cả 3 đều được trang bị các dàn phòng không cỡ lớn, và các hệ thống vũ khí đánh gần. Các thực thể này đều có bãi đáp trực thăng, phi đạo rất dài, và nhà chứa máy bay- có khả năng chứa đến 24 chiến đấu cơ và nhiều loại máy bay lớn hơn - kể cả các phi cơ lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.
Đá Chữ Thập đã có hải cảng mà tàu lớn nhất của Trung Quốc có thể cập bến. Việc xây các cảng tương tự đang được tiến hành trên Đá Vành Khăn và Xu Bi. Trên ba thực thể này, người ta còn thấy bốn cấu trúc hình lục giác hướng ra phía biển. Hiện chưa rõ mục đích của các cấu trúc này là gì.
Riêng trên Đá Chữ Thập, có một lực lượng gồm 200 lính đồn trú, với các cơ sở giải trí và các tiền đồn cố định. Còn trên bốn đảo nhỏ hơn – Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Gạc Ma (Johnson) và Châu Viên (Cuarteron) - đều có những cơ sở mà cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS của Mỹ cho là các đài radar hay bãi đáp trực thăng.
Một số cấu trúc khác như hải đăng, boong-ke, hoặc các bãi tiếp liệu nhỏ cũng được thấy trên các đảo nhỏ này, nhưng không phổ biến cho tất cả các đảo.
Quần đảo Hoàng Sa nhằm bảo vệ Hải Nam
Quần đảo Hoàng Sa là một tiền đồn phòng thủ khác của Trung Quốc, cách đảo Hải Nam khoảng 200 hải lý về phía đông nam. Hải Nam là nơi có một căn cứ tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau trên 8 đảo tại Hoàng Sa, với radar được bố trí trên ít nhất 6 đảo.
Đảo Phú Lâm (Woody) ở phía đông bắc Hoàng Sa, có lẽ là nơi có sự hiện diện quân sự đông đảo nhất của Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh một lực lượng quân sự gồm 1.400 người, đảo này còn có một phi đạo mà các loại chiến đấu cơ J-11 và oanh tạc cơ JH-7 có thể sử dụng, có các nhà chứa máy bay có thể dùng cho 20 phi cơ, bãi đáp trực thăng, cơ sở radar, và một dàn hỏa tiễn địa đối không HQ–9 (SAM), với tầm bắn 124 dặm. Cho dù vào giữa năm 2016, Bắc Kinh đã cho biết là các tên lửa này đã được gỡ đi, các hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy là các hỏa tiễn này vẫn còn ở đó.
Đảo Phú Lâm được chính thức chỉ định là thủ phủ của vùng biển đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền: Hoàng Sa, Trường Sa và cả vùng biển có bãi Scarborough.
Vào khoảng cuối năm 2016, Trung Quốc còn tìm cách bình thường hóa sự hiện diện của họ trên đảo Phú Lâm bằng cách cho mở các tuyến bay dân sự hàng ngày đến đây. Đưa thường dân đến đảo là cách khẳng định mạnh mẽ đòi hỏi chủ quyền. Việc làm gia tăng nguy cơ thường dân bị thương vong trong trường hợp đảo bị tấn công, quả là một chiêu có tính răn đe rõ rệt.
Các hòn đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng không có phi đạo, do đó có thể được coi là có chức năng yểm trợ cho đảo Phú Lâm. Một số công trình bồi đắp đã bắt đầu ở các đảo Bắc (North) và Trung (Middle) ở vùng Đông Hoàng Sa. Nhưng hiện chỉ có đảo Cây (Tree), nằm ngay phía đông bắc đảo Phú Lâm là có cơ sở quân sự, bao gồm radar và một số cấu trúc lục giác không rõ là gì, ngầm trong lòng đất.
Ở vùng Tây Hoàng Sa, các đảo Quang Ảnh (Money), Tri Tôn (Triton), Hoàng Sa (Pattle) và Quang Hòa (Duncan) đều có bãi đáp trực thăng và đài radar.
Scarborough: nguồn gốc tranh chấp Trung Quốc Philippines
Trên bãi Scarborough thì không có cơ sở quân sự gì của Trung Quốc, nhưng lại là điểm gây căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc-Philippines.
Nhìn bản đồ thì có thể thấy rõ nguyên nhân: Scarborough nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây Philippines chỉ cách Manila 220 hải lý. Vào đầu tháng Ba, bãi này đã thu hút sự chú ý khi ông Tiêu Kiệt, thị trưởng Tam Sa, phụ trách quản lý vùng Biển Đông, loan báo ý định đặt một “trạm quan trắc môi trường” trên bãi Scarborough. Sự vụ đã làm người dân Philippines phẫn nộ, cho là bị Trung Quốc tấn công, và đòi tổng thống Duterte phải phản ứng.
Tuy nhiên, Duterte đã trả lời: “Muốn tôi làm gì? Tuyên chiến với Trung Quốc sao? Tôi không thể làm được. Chúng ta sẽ bị mất cả quân đội lẫn cảnh sát trong ngày một, ngày hai, và đất nước chúng ta sẽ bị hủy diệt”.
Một hôm sau, ngoại trưởng Trung Quốc cải chính, cho là Trung Quốc không có ý định xây dựng bất kỳ cái gì trên bãi Scarborough – kể cả cơ sở môi trường – và tuyên bố của thị trưởng Tam Sa đăng trên website của báo Hải Nam đã bị rút xuống. Và ông Duterte có dịp nói rằng ông không bao giờ tin là Trung Quốc sẽ xây dựng cơ sở trên bãi cạn này “vì tôn trọng tình hữu nghị với Philippines”.
Căn bản là phòng thủ, nhưng có thể chuyển thành tấn công
Qua các sự kiện được nêu bật, George Friedman kết luận: Trung Quốc đang tăng cường năng lực quân sự trên các đảo đá tranh chấp, nhưng các cơ sở chủ yếu là để phòng thủ.
Các tên lửa SAM Trung Quốc cài đặt trên các rạn san hô chủ yếu là các công cụ bảo vệ không phận, với một phạm vi giới hạn là 124 dặm, có nghĩa là để bắn hạ phi cơ địch bay đến. Những chiếc máy bay của Trung Quốc bị phát hiện trên các đảo ở Biển Đông cũng thuộc loại dùng để phòng thủ (như tiêm kích J-11, được sử dụng để duy trì ưu thế trên không phận các đảo).
Vị trí của các rạn san hô cũng có tính phòng vệ: Vị trí của quần đảo Hoàng Sa cho phép Trung Quốc ngăn chặn việc Đài Loan hoặc Philippine tiếp cận căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam.
Tuy nhiên, lực lượng quân sự Trung Quốc trên các rạn san hô này có thể chuyển từ phòng thủ sang tấn công. Sự hiện diện bất thường các máy bay ném bom JH-7, và việc xây dựng các bến cảng lớn có thể tiếp nhận các chiến hạm lớn nhất trong hạm đội Trung Quốc, cho thấy là Bắc Kinh cũng quan tâm đến việc chứng minh rằng, nếu bị khiêu khích, họ có thể thực hiện các cuộc tấn công trong tương lai từ các hòn đảo này.
Ngoài ra, nếu Scarborough Shoal trở thành một cơ sở quân sự khác của Trung Quốc, bãi này đủ gần Philippines để đặt ra một mối đe dọa tấn công, cho dù Bắc Kinh xem đó là một vị trí phòng thủ.
Vào lúc này, tương tự như mọi động thái khác của Trung Quốc ở Biển Đông, việc quân sự hóa các đảo chỉ là một kế nghi binh, nhằm cho thấy là Trung Quốc hùng mạnh và đáng sợ hơn là trong thực tế.
( RFI)

NYT: Nghi vấn Trump "buông lơi" vấn đề biển Đông vì được TQ giúp ở Triều Tiên

Linh Nguyễn | 
NYT: Nghi vấn Trump "buông lơi" vấn đề biển Đông vì được TQ giúp ở Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi gặp gỡ tại Mar-a-Lago. Ảnh: AP

Theo New York Times, đề xuất tuần tra Biển Đông của Hải quân Mỹ đã bị Lầu Năm Góc từ chối, trong bối cảnh Trump - Tập hợp tác để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Đề xuất bị từ chối
Tờ New York Times ghi nhận, 6 tuần trước Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ đề xuất lên quan chức chính phủ cấp cao để cho phép một tàu chiến Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý của bãi cạn Scarborough.
Hải quân Mỹ hoàn toàn có lý do để tin rằng yêu cầu này sẽ được chấp thuận. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái, ông Trump chỉ trích chính quyền Barack Obama đã yếu đuối trong việc bảo vệ vùng biển quốc tế ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh đã tiến hành xây dựng trái phép đường băng, cơ sở quân sự và đưa thiết bị lên các đảo nhân tạo xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Không chỉ vậy, trong buổi điều trần trước khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Ngoại trưởng Rex Tillerson còn kêu gọi cần ngăn Trung Quốc không được tiếp cận các đảo nhân tạo. Các chuyên gia về chính sách ngoại giao cùng giới quan sát nín thở chờ đợi Hải quân Mỹ tiếp tục tuần tra vùng biển bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền như thường lệ, vốn bị tiết chế dưới thời Obama.
Tuy nhiên, yêu cầu của PACOM và hai cơ quan Hải quân khác đã bị lãnh đạo Lầu Năm Góc từ chối trước khi nó đến được bàn làm việc của Tổng thống Trump. Đến thứ Ba (2/5), quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Nhà Trắng không tham gia vào quyết định này.
Sau hơn 100 ngày đầu tiên dưới chính quyền Trump, chưa có tàu Hải quân Mỹ nào tiếp cận khu vực bán kính 19km quanh các đảo đá tại Biển Đông, theo quan chức Bộ Quốc phòng nước này.
Diễn biến này được cho là kết quả của quan hệ hợp tác Mỹ-Trung nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ và tiếp xúc Tổng thống Donald Trump ngày 6-7/4 vừa qua.
Căng thẳng trên bán đảo đã thay đổi quan điểm của chính quyền Trump về cách tiếp cận Trung Quốc. Ông Trump vận động tranh cử trên cơ sở cứng rắn với Bắc Kinh, hứa hẹn sẽ chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ và điều tra nước này về thương mại.
Nhưng khi Triều Tiên cố gắng thử phóng tên lửa đến 9 lần kể từ khi Trump nhậm chức, Mỹ lập tức tạo bầu không khí hòa dịu với Bắc Kinh. Cứ sau mỗi lần Bình Nhưỡng thử tên lửa, thái độ thân thiết mà ông Trump dành cho ông Tập lại tăng lên.
NYT: Nghi vấn Trump buông lơi vấn đề biển Đông vì được TQ giúp ở Triều Tiên - Ảnh 1.
Tàu tuần dương USS Chancellorsville của Mỹ ở vịnh Luzon trong chuyến tuần tra Biển Đông năm ngoái. Ảnh: NYTimes
Mối ưu tiên trong khu vực
Theo New York Times, Tổng thống Obama từng hứng chịu chỉ trích nặng nề từ đảng Cộng hòa vì liên tiếp trì hoãn các cuộc tuần tra của tàu Hải quân Mỹ ở biển Đông trong hơn 2 năm. Chính quyền Obama nhiều lần từ chối yêu cầu tiến vào khu vực của Hải quân vì lo ngại gây căng thẳng với Bắc Kinh. 
Tuy nhiên, quyết định này phần nào đã khiến Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa phi pháp, xây nhà chứa máy bay và mang đến nhiều thiết bị. Các quan chức Trung Quốc một mực khẳng định rằng những hành động này không có tính chất quân sự hóa, Mỹ và nhiều nước khác không đồng ý.
Trung Quốc đến nay chưa tiến hành xây dựng trên bãi cạn Scarborough, những chính quyền Mỹ từ lâu coi động thái này là giới hạn cuối cùng, và đã cảnh báo người Trung Quốc rằng việc xây dựng trên bãi cạn sẽ bị coi là hành động khiêu khích.
Một quan chức Lầu Năm Góc gọi đề xuất tuần tra khu vực 12 hải lý của bãi cạn Scarborough do PACOM đưa ra là tín hiệu cho người Trung Quốc biết rằng Mỹ vẫn coi việc xây dựng trên bãi cạn này là "lằn ranh đỏ". 
Vị quan chức này cũng cho biết, giới chức Hải quân Mỹ tin rằng đề xuất này phù hợp với ý định của chính quyền Trump.
Tuy nhiên, các quan chức Bộ Quốc phòng cũng cho hay, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis và giới lãnh đạo Lầu Năm Góc muốn nghiên cứu kỹ lưỡng các hậu quả của chuyến tuần tra như vậy đối với chính sách an ninh quốc gia.
Theo Andrew L. Oros, tác giả cuốn "Phục hưng An ninh Nhật Bản", điều quan trọng hiện nay là giải quyết tham vọng vũ khí hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, thay vì tranh chấp vài chuyến tuần tra Hải quân.
"Và tôi hy vọng rằng việc này không khiến người Trung Quốc cho rằng Mỹ đang chấp nhận các yêu sách về chủ quyền (trái phép) của Trung Quốc tại vùng biển quốc tế," ông Oros nhận định.

Không có nhận xét nào: