Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

GÃ QUẢNG NINH KHÔNG ĐƯỢC, TRUNG QUỐC LẠI GÃ CAO BẰNG VAY 300 TRIỆU USD ĐỂ LÀM CAO TỐC ĐỒNG ĐĂNG-LẠNG SƠN-TRÀ LĨNH ?

Trong cuộc chiến tranh 1979, Cao Bằng lại địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất; Thị xã Cao Bằng gần như thành bình địa không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn…Thậm chí ngay sang 17/2/1979 xe tăng Trung Quốc bất thần xuất hiện tại Cao Bằng không biết vào từ ngả nào ?
Có một nguồn tin cho biết: Trung Quốc đã đão sẵn những đường hầm xuyên núi dấu xe tăng trong đó; Đúng giờ khởi sự chỉ cho bộc phá nổ phá cửa là xe tăng bò ra. Nhiều bà con Cao Bằng đã bị ăn đạn của quân Trung Quốc vì tưởng xe tăng ta…
Chiều 16/2/1979, tướng Đàm Quang Trung còn nói ở xã Quang Lang, huyện Hạ Lang rằng: Có cho kẹo Trung Quốc cũng không dám đánh ta…
Trong thời gian “tu nghiệp 258”, chủ blog có ở chung với một tu nghiệp viên quê ở Cao Bằng, anh ta bị bắt vì tội gián điệp, bán bí mật quân sự cho Trung Quốc, bị phạt 20 năm tù…Anh này cho biết: Sỡ dĩ thị xã Cao Bằng bị phá hủy nhanh vì trước đó các công trình lớn, đường sa, cầu công do Trung Quốc giúp ta xây dựng họ đã cho gài trong đó nhiều mìn, thuốc nổ. 17/2/1979 họ chỉ nối kíp là cầu cồng, trụ sở làm việc nổ tung…
Bây giờ Cao Bằng lại định vay 300 triệu USD của Trung Quốc để làm đường; chắc chưa quên những gì đã xảy ra trong năm 1979 ?! Trung Quốc đã gạ Quảng Ninh vay nhung đã bị từ chối rồi mà…
P.V.Đ.



10/05/2017 10:05 GMT+7

TTO - UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất Thủ tướng giao các bộ tham mưu để vay 300 triệu USD từ Trung Quốc nhằm sớm làm đường cao tốc từ Đồng Đăng, Lạng Sơn đến cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng. 
Vay 300 triệu USD của Trung Quốc làm đường cao tốc
Quốc lộ 3 và 4A để đi từ Cao Bằng đến Lạng Sơn chật hẹp, nhiều đoạn xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu vận tải.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Cao Bằng và UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì vay lại khoản vay nói trên vì bộ này không phải là đối tượng được vay lại.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, trước đây Thủ tướng đã chấp thuận kiến nghị của tỉnh Cao Bằng bổ sung tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng đến cửa khẩu Trà Lĩnh vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Tuyến cao tốc từ Đồng Đăng đến cửa khẩu Trà Lĩnh dài 144km, rộng 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 47.520 tỉ đồng (2,16 tỉ  USD), tiến trình đầu tư sau 2030.
UBND tỉnh Cao Bằng nhận định việc đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông, nhất là đường cao tốc từ Đồng Đăng đến cửa khẩu Trà Lĩnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ cho thực hiện đầu tư tuyến đường này trong giai đoạn 2017-2020.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBDN tỉnh Cao Bằng, cho biết ngày 9-1-2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí chủ trương triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh trong giai đoạn 2016-2020, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét sử dụng khoản tín dụng ưu đãi 300 triệu USD của Trung Quốc.
Trong văn bản vừa gửi Văn phòng Chính phủ về đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng, Bộ Giao thông vận tải cho biết với khoản vay 300 triệu USD từ Trung Quốc, theo điều 63, Luật quản lý nợ công,  bộ này không phải là đối tượng được vay lại.
Trường hợp để hai doanh nghiệp chuyên đầu tư hạ tầng thuộc Bộ Giao thông vận tải vay lại khoản vay 300 triệu USD nói trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết không khả thi.
Bởi vì Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam không đủ năng lực tiếp tục vay lại, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long chưa có khả năng vay lại nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ phù hợp (hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay...).
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng giao UBND tỉnh Cao Bằng và UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì vay lại khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
Đồng thời ủng hộ đề xuất giao UBND tỉnh Cao Bằng là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để huy động nguồn vốn và triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
TUẤN PHÙNG




Phạm Viết Đào.

Theo DÂN TRÍ, Bộ Ngoại giao đã đồng thuận trong việc Bộ Giao thông-Vận tải  đứng ra vay 7000 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Móng Cái-Vân Đồn; khi trả lời câu hỏi của nhà báo, câu hỏi cũng là băn khoăn về các hệ lụy của nhiều chuyên gia trong việc nhận các khoản vay từ Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng; Phó TT Phạm Bình Minh đã biện giải như sau:
Phải nói thế này: Khi đánh giá dự án tiến triển nhanh hay chậm, nó không chỉ có một nguyên nhân, có rất nhiều nguyên nhân khác như có thể do quá trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ...Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả thì cơ quan, đơn vị triển khai phải biết sử dụng. Nhưng thực tế, chúng ta cũng phải nhìn nhận, nếu dùng nguồn vốn vay mà dự án bị kéo dài thì vốn vay càng đắt lên, thời gian trả nợ kéo dài, thời gian ân hạn ngắn lại. Chúng ta không triển khai nhanh thì sẽ thiệt hại nhiều…”
(http://dantri.com.vn/kinh-doanh/pho-thu-tuong-pham-binh-minh-noi-gi-ve-du-an-duong-vay-trung-quoc-7000-ty-dong--20160728163142697.htm)

Qua cách trả lời của PTT Phạm Bình Minh, chúng ta thấy ông tách các khoản ODA của Trung Quốc ra thành 2 công đoạn: công đoạn vay tiền và công đoạn triển khai dự án bằng tiền vay; Theo cách biện giải của PTT Phạm Bình Minh thì các hệ lụy phần lớn thường xảy ra từ các dự án có nguồn vốn ODA từ Trung Quốc ở công đoạn 2: “do quá trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ...Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả…”
Với cách ngụy biện này, PTT Phạm Bình Mình muốn chỉ ra: hệ lụy là do khâu “triển khai” dự án chứ không do khâu “đi vay tiền”; Với cách lập luận này, ông đã bật đèn xanh cho Bộ Giao Thông vận tải có thể vay ODA từ Trung Quốc, Phó TT phụ trách đối ngoại Phạm Bình Minh đồng thuận; Ông cũng đã chỉ ra: để tránh hệ lụy như các dự án trước đây thì phải tìm cách quản lý cho tốt khâu triển khai thi công dự án…
Đây là cách, mánh khóe mà các quan chức cao cấp của các quốc gia cộng sản thường áp dụng: người ban hành chủ trương bao giờ cũng đúng; còn nếu sai, gây nên hệ lụy này kia là do bởi cái anh thực hiện ???

Đảng CS Trung Quốc đứng đằng sau mọi túi tiền

Ông PTT Phạm Bình Minh không nhớ hay cố tình quên một điều cốt tử: ở các quốc gia CS như Trung Quốc, Đảng lãnh đạo toàn diện tuyệt đối tới mọi ngóc ngách đời sống xã hội kể cả trong sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ…Do vậy: việc cho Việt Nam vay ODA cũng là chủ trương do Đảng CS Trung Quốc bật đèn xanh; Tại sao Đảng CS Trung Quốc lại trở nên hữu hảo, tốt bụng cho Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn vay các ngân hàng thương mại để phát triển cơ sở hạ tầng ?
Có 3 nguyên nhân, theo người viết bài này:
1/-Trung Quốc muốn xì hơi quan hệ căng thẳng Việt-Trung sau sự cố Formosa, mọi người đều biết thủ phạm là các nhà thầu phụ Trung Quốc và sự căng thẳng trên Biển Đông do hành động lộng hành, bá quyền của lực lượng hải quân Trung Quốc;
2/ - Tuyến đường cao tốc này sẽ kết nối vùng kinh tế Quảng Châu- Quảng Đông phát triển của Trung Quốc với khu vực cảng biển miền bắc Việt Nam; Tuyến đường này sẽ tạo thuận lợi cho sự lưu thông hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam; qua tay Việt Nam để thâm nhập các thị trường khác …
3/ Vùng Vân Đồn- Quảng Ninh vốn là địa bàn sinh sống của hàng vạn người Hoa trước đây, họ đã quay về Trung Quốc sau chiến dịch nạn kiều 1978-1979; nếu cấp vốn ODA cho việc xây tuyến đường cao tốc này sẽ tạo điều kiện cho người Trung Quốc quay lại địa bàn này sinh cơ lập nghiệp vì họ còn nhiều quan hệ tại đây…
Đảng CS Trung Quốc không chỉ chỉ đạo ngân hàng Trung Quốc cho Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi và chắc chắn cũng sẽ chỉ định nhà thầu nào của Trung Quốc vào thi công dự án này…Bởi vì tổ chức Đảng CS Trung Quốc có chân rết tới các tập đoàn kinh tế và người đứng đầu các tập đoàn này đều do Đảng CS chỉ định, sắp xếp, cắt cử…
Về khía cạnh kỷ luật nội bộ trong các vấn đề an ninh và đối ngoại, tổ chức Đảng CS Trung Quốc chặt chẽ và sắt đá không kém hơn tổ chức Mafia quốc tế… Do vậy, những hệ lụy gây ra như tuyến đường sắt cao tốc Cát Linh-Hà Nội hay thảm họa môi trường Formosa đều do bàn tay lông lá của Đảng CS Trung Quốc; những hệ lụy trên không do các nhà thầu phụ nào đó thiếu vốn, dốt kinh doanh nhỡ tiêu hết tiền, nhỡ đầu tư vào các công trình nào đó không hiệu quả dẫn tới dây dưa, gây hệ lụy cho các công trình khác…
Cách biện giải của PTT Phạm Bình Minh là cách biện giải của lối “ đưa trâu qua rào” cốt được cái việc đi vay hộ tiền, còn tiền đó gây hệ lụy gì thì cấp khác chịu; “Trăm dâu lại đổ đầu tằm” nhân dân…mà thôi…
Cách trả lời báo chí của ông Phạm Bình Minh cho thấy Bộ Ngoại giao đã lường hết và nếu sau này xảy ra hệ lụy gì thì có Bộ Giao thông Vận tải, chính quyền tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm, còn ông chỉ ủng hộ và lấy công cái công đoạn đi vay tiền Trung Quốc…
Người viết bài này đảm bảo rằng: Khi Việt Nam vay được khoản tiền 7000 tỷ này của Trung Quốc rồi, các nhà thầu Trung Quốc sẽ vào thi công, Đảng CS Trung Quốc lại chỉ đạo các nhà thầu này giở ra bao chiêu trò, gây ra biết bao hệ lụy cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam, cho môi trường sinh thái, gây ra các vấn nạn xã hội và cho cả bản thân nền kinh tế…
Vay như thế để làm gì ? Tại sao lại cứ cắm đầu vay tiền của Trung Quốc khi mà tâm địa của giới chóp bu Trung Quốc, từ người dân bình thường, đến các vị lãnh đạo nắm các đầu mối thông tin lại không tường tỏ về những chiếc “ vòng kim cô” ác nghiệt ?!

Phạm Viết Đào.

Trung Quốc cho vay 300 triệu USD làm cao tốc: Đừng vội mừng

Liên quan khoản vay 300 triệu USD xây cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, các bộ liên quan đều đề nghị đàm phán lại với Trung Quốc về điều kiện và lãi suất. Bởi “quả đắng” từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó. Các chuyên gia cũng cảnh báo cẩn trọng với những điều khoản đi kèm vốn vay từ Trung Quốc.


Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đừng vội mừng
Ngày 31/7, trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về khoản vay hơn 300 triệu USD của Trung Quốc cho dự án xây cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (Quảng Ninh).
“Khi trả lời Bộ KH&ĐT, các bộ đều thống nhất phải đàm phán lại với Trung Quốc rồi mới quyết định vay hay không, do điều kiện đưa ra trong khoản vay chưa tốt, như lãi suất còn cao, phải chỉ định thầu với nhà thầu Trung Quốc…”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, số tiền 300 triệu USD mà Bộ GTVT đề xuất vay Trung Quốc nằm trong 1 hiệp định Chính phủ 2 nước ký cách đây vài năm. “Đây là khoản vay Trung Quốc đề xuất (cho Việt Nam vay), nên 2 bên đang xem xét, chủ yếu vẫn là điều kiện vay chưa thuận lợi”, ông Dũng nói thêm.
Theo người đứng đầu ngành Kế hoạch Đầu tư, những bài học từ các dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc như đường sắt Cát Linh – Hà Đông điều để chúng ta phải cân nhắc, tính toán chuyện vay hay không.
Theo ông Dũng, các khoản vay ưu đãi nước ngoài thường kèm nhiều điều kiện, nên đôi khi giá đi vay không rẻ, nên phải tính toán cho hợp lý. “Tùy từng nhà đầu tư sẽ có các điều kiện đi kèm vốn vay, nhưng thường các nhà đầu tư đa phương (như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á - PV ) không quan tâm việc buộc nhà thầu phải là của họ, phải mua hàng hóa của họ... Nhưng nhà thầu song phương họ lại quan tâm điều này”, ông Dũng nói.
Tuy vậy, nếu sử dụng vốn vay trong nước sẽ phải chịu chi phí vay cao, dẫn tới hiệu quả đầu tư sẽ thấp, nên cũng phải cân nhắc. Vì vậy, theo ông Dũng, đi vay phải đảm bảo hài hòa lợi ích người đi vay và cho vay, giảm thiểu những điều kiện đi kèm và minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, giảm chi phí không hợp lý.
Trong phần trả lời Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cho rằng, các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc đều có ràng buộc, như phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc, thiết bị Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp.
Do đó, cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn, tránh rủi ro. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc chủ trương sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cho dự án này, ưu tiên cho những dự án cấp thiết, có khả năng thu hồi vốn.
Khi được Bộ KH&ĐT hỏi ý kiến, Bộ GTVT cho rằng, đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là quan trọng và mang tính cấp bách, có tầm ảnh hưởng trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, bộ này đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án cho phía Bộ GTVT thực hiện.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là bài học lớn về vốn ưu đãi Trung Quốc. Ảnh: Phạm Thanh.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là bài học lớn về vốn ưu đãi Trung Quốc. Ảnh: Phạm Thanh.
“Quả đắng” vốn vay vẫn còn đó
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, Trung Quốc bao giờ cũng cho vay từ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Ngân hàng xuất khẩu Trung Quốc. Đây là nguồn quỹ khuyến khích xuất khẩu của họ.
Hiện, Trung Quốc đang dư thừa thép và xi măng. Họ có công suất 1.200 triệu tấn thép mỗi năm, nhưng chỉ sử dụng trong nước khoảng 600 triệu tấn, còn lại phải xuất khẩu. Trung Quốc đã gây sự với Liên minh châu Âu EU và Mỹ về sắt thép, với những tranh cãi rất gay gắt. Giờ Trung Quốc dùng quỹ này cho Việt Nam vay với điều kiện Việt Nam phải dùng nhà thầu, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu của họ.
Việc này vô cùng bất lợi cho Việt Nam, vì Trung Quốc luôn đưa ra một gói đấu thầu rất thấp, sau đó khi thực hiện Trung Quốc đội giá lên, điển hình là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau đó đội vốn lên mình lại phải vay của họ, chất lượng lại không đảm bảo nhưng mình vẫn phải phụ thuộc toàn bộ vào họ. Do vậy, nếu ham lãi suất thấp, ham rẻ nhận gói này thì chẳng khác gì mua thêm nợ vào cho người dân.
“Tôi nghĩ rằng, trong tình hình thế này phải hết sức thận trọng, phải công khai, minh bạch, có sự thẩm định. Trung Quốc thầu cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có lợi ích vô cùng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, sử dụng ô tô của họ chạy trên tuyến đường của ta, sử dụng cảng của chúng ta…
Nhưng phải thấy rằng, đây là con đường chiến lược, là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, do đó, dự án cần được đưa ra thẩm định hết sức thận trọng, chi tiết, đảm bảo lợi ích quốc phòng – an ninh. Có thể thời gian đầu chúng ta chưa có kinh nghiệm mới thuê và khoán hết cho họ. Còn bây giờ quá nhiều kinh nghiệm xương máu từ các dự án như Cát Linh - Hà Đông rồi”, ông Doanh nói.
Theo vị chuyên gia này, chưa nên vội vàng cho rằng không có nhà thầu nào khác ngoài Trung Quốc. Cần tiếp tục đấu thầu công khai để kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư khác để cân nhắc, lựa chọn hợp lý.
TS. Nguyễn Quang Toàn, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ (ĐH GTVT Hà Nội) cho rằng, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nằm trong quy hoạch đường cao tốc của quốc gia, chắc chắn Bộ GTVT đã cân nhắc mọi điều kiện cần thiết. Quá trình phát triển hạ tầng hiện nay chúng ta cần nhiều nguồn vốn, từ nhiều nguồn.
Bộ GTVT thấy, có nguồn vốn nào thì đề xuất, nhưng vay hay không vay nên cân nhắc. Nếu nguồn vốn đáp ứng được các điều kiện của mình thì nên chấp nhận. Còn các vấn đề xảy ra với dự án, như chậm tiến độ, đội vốn phải làm rõ lỗi do ai, bên nào, kể cả những nguồn vốn từ các nước khác cũng có khả năng như vậy, không phải vì thế mà dừng vay.
Sau khi được giao nhiệm vụ làm rõ điều kiện với khoản vay ưu đãi trị giá hơn 300 triệu USD từ phía Trung Quốc, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng về dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 382 triệu USD, trong đó Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) đề xuất tài trợ 304,9 triệu USD (tương đương 6.800 tỷ đồng), vốn đối ứng của Việt Nam là 77,3 triệu USD (tương đương 1.700 tỷ đồng). Tuyến đường này dài khoảng 91km, điểm đầu đấu nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, điểm cuối giao với đường dẫn cầu Bắc Luân II (nối sang thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Thời gian hoàn thành 48 tháng.
Theo Nguyễn H. Việt - Tuấn Nguyễn
Tiền Phong

Không có nhận xét nào: