Thủy Thu |
Mao Trạch Đông cho rằng, Giang Thanh muốn ra oai với trung ương và tranh giành quyền lực với Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh.
Giang Thanh cáo buộc y tá riêng đầu độc
Theo lời kể của Vũ Kiến Hoa - vệ sĩ từng làm việc lâu năm tại Trung Nam Hải, khoảng 7h tối ngày 5/3/1972, Giang Thanh tự ý lệnh cho thư ký riêng triệu tập cuộc họp tại Điếu Ngư đài với Thủ tướng Chu Ân Lai, Phó Thủ tướng Kỷ Đăng Khuê, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và nhóm thân tín như Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên.
Trong thời gian đợi Chu, Diệp, Giang Thanh đã nổi trận lôi đình trước nhóm thân tín của mình với lý do, y tá riêng Triệu Liễu Ân muốn đầu độc bà. Biết chuyện, Chu Ân Lai đã khuyên Giang bình tĩnh và cẩn thận bàn bạc điều tra.
"Tôi muốn thẩm vấn tội phạm... muốn tìm ra kẻ đứng sau cô ta", Giang Thanh tức giận nói với Chu Ân Lai.
Lúc này, bất chợt cả nhóm nghe thấy có tiếng khóc ở phòng bên cạnh. Sau khi chạy sang hỏi chuyện, Kỷ Đăng Khuê cho hay, nhóm y tá Triệu Liễu Ân bác bỏ cáo buộc và cho biết số thuốc Giang Thanh dùng đều là thuốc ngủ thông thường.
"Thuốc ngủ của đồng chí Giang Thanh đều được chuẩn bị theo đơn của bác sĩ. Tối qua, đồng chí đã uống do khó ngủ. Sáng dậy đến sau bữa trưa đều không xảy ra chuyện gì nhưng đến gần 7h tối, đồng chí ấy chợt nhớ lại và nói có người muốn hại độc. Một lúc sau lại nói tôi hạ độc đồng chí ấy, sau lại nói tôi có người đứng sau ủng hộ", Triệu Liễu Ân giãi bày.
"Tiểu Triệu nói dối vì cô ta muốn thoát tội, không thảo luận gì nữa, cần phải tiến hành thẩm vấn ngay", Giang Thanh tức tối quát lớn. Tuy nhiên, Chu Ân Lại và các lãnh đạo còn lại đều nhất trí thảo luận tập thể, buộc Giang Thanh phải nghe theo.
Đúng lúc này đến giờ dùng thuốc của Thủ tướng Chu. Bác sĩ riêng của Chu là Trương Tá Lương mang theo thuốc từ bên ngoài bước vào đến gần bàn hội nghị.
"Đồng chí không phải là bác sĩ Trương của Thủ tướng sao?... Đồng chí am hiểu về thuốc ngủ nên cùng ngồi xuống thảo luận đi", Giang Thanh lạnh lùng nói.
"Các người nên thẳng thắn thú nhận đi, trình bày rõ ràng đã bàn bạc đầu độc tôi như thế nào? Ai là kẻ đứng sau lưng các người?", Giang Thanh quay sang chất vấn nhóm của Triệu Liễu Ân.
Tuy nhiên, Triệu và hai y tá còn lại một mực phủ nhận cáo buộc khiến Giang Thanh giận dữ, đập bàn ra lệnh cho cận vệ tháo bỏ huy hiệu của Triệu.
"Dừng lại", Chu Ân Lai bất ngờ lên tiếng và vẫy tay ra hiệu yêu cầu người cận vệ lùi xuống, đồng thời trách Giang Thanh: "Đồng chí không nên kích động như vậy, sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ. Đồng chí sao có thể hành xử như vậy!".
Cuối cùng, do thời gian đã muộn, Chu Ân Lai yêu cầu kết thúc buổi thảo luận, cho nhóm của Triệu thời gian suy nghĩ.
Nhưng Giang Thanh vẫn cố ý làm căng và trách móc Chu Ân Lai: "Tại sao bác sĩ, y tá của Thủ tướng đều là người giỏi? Tại sao không cử người giỏi đến chăm sóc tôi? Cử được y tá Hứa (Hứa Phụng Sinh - y tá riêng của Chu Ân Lai) thì tốt".
"Dùng đòn gánh đuổi Giang Thanh ra ngoài"
Để nhượng bộ Giang Thanh, Chu Ân Lai ngay lập tức yêu cầu vệ sĩ là Cao Chấn Phổ gọi điện hẹn Hứa Phụng Sinh đến văn phòng nói chuyện. Biết chuyện có thể bị điều chuyển đến chỗ của Giang Thanh, Hứa bật khóc và tỏ ý phản đối.
Khi đón Hứa Phụng Sinh ở đại sảnh, Cao đã bày kế giúp Hứa tránh được việc điều chuyển. Theo đó, trước khi vào gặp Giang Thanh, Hứa đã làm lạnh tay bằng nước lạnh.
"Đồng chí ấy không cần tôi nữa, nói tôi quá lo lắng, tay lại lạnh như băng, cầm tay đến sợ", Hứa Phụng Sinh hồ hởi ra khỏi phòng hội nghị và kể lại sự việc với Cao Chấn Phổ.
Lúc này bên trong phòng hội nghị, Chu Ân Lai yêu cầu kết thúc cuộc họp do sức khỏe của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh không cho phép.
Tuy nhiên, bỏ qua sự việc y tá đầu độc, Giang Thanh lại quay sang yêu cầu thảo luận vấn đề của Diệp Kiếm Anh: "Đồng chí Diệp Kiếm Anh không thể đi, vẫn còn vấn đề của lực lượng quân đội bảo vệ Di Hòa Viên. Họ không đáng tin nên phải bắt giữ tất cả bọn họ".
Theo Giang, đội quân ở Di Hòa Viên thường làm khó, cản trở bà mỗi lần bà đến đó tản bộ. Giang Thanh còn cáo buộc, đội ngũ này giống đội quân do thám nên cần phải xử lý.
"Tôi không nắm rõ việc này, hãy đợi tôi điều tra rõ rồi thảo luận tiếp", Diệp Kiếm Anh buộc tiếp lời. Chu Ân Lai cũng nhân đó yêu cầu kết thúc cuộc họp.
Đi xa phòng hội nghị, Diệp Kiếm Anh cho rằng đã may mắn tránh được bẫy của Giang Thanh, đồng thời kiến nghị với Chu Ân Lai nên báo cáo sự việc lên Mao Trạch Đông nhằm tránh phiền phức từ Giang Thanh.
Mấy ngày sau, biết được chuyện này, Mao Trạch Đông cho rằng, mục đích Giang Thanh "dạy dỗ" nhân viên bên cạnh vì muốn ra oai với trung ương và muốn tranh giành quyền lực với Chu, Diệp.
"Tôi mà là Thủ tướng thì tôi đã dùng đòn gánh đuổi Giang Thanh ra ngoài", Mao Trạch Đông tức giận chỉ trích Giang Thanh và ra lệnh cho Chu, Diệp cần giữ vững lập trường trước yêu sách của Giang.
Sau này, Giang Thanh tiếp tục đòi thay đổi thư ký và vệ sĩ riêng do cáo buộc họ có ý chống đối bà. Trước tình hình này, Mao Trạch Đông lệnh rút vệ sĩ về vì cho rằng, Giang không cần có người bảo vệ nữa.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét