Vài giờ sau khi truyền thông trong nước đưa tin về việc ông Đinh La Thăng bị bắt, tin tức này đã trở thành một chủ đề thu hút báo chí quốc tế.
Tờ Washington Post dẫn tin tức từ hãng thống tấn AP nói rằng: “Cảnh sát Việt Nam đã bắt một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản vào thứ 6 vì cáo buộc làm sai trong khi đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ PetroVietnam.
Tờ báo nhà nước Tuổi Trẻ đưa tin rằng cảnh sát đã bắt ông Đinh La Thăng, một thành viên của Ban chấp hành Trung ương Đảng và là Phó ban kinh tế Trung ương vì cáo buộc vi phạm các nguyên tắc quản lý kinh tế.
Trước đó, cũng trong ngày thứ 6, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu truất quyền đại biểu của ông Thăng, dọn đường cho việc bắt giữ ông.
Ông Thăng, 57 tuổi, bị cách khỏi chức Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại ở phía Nam hồi tháng 5 sau khi bị cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin rằng ông Thăng bị liên quan đến 2 vụ án nghiêm trọng đang được công an điều tra.
Vụ đầu tiên liên quan đến Ocean Bank - nơi PetroVietnam đã mua 20% cổ phần trị giá 800 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD) năm 2008. Ocean Bank hoạt động thua lỗ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua lại với giá 0 đồng 2 năm trước đây và dẫn đến khoản đầu tư của PetroVietnam bị mất.
Một phiên tòa ở Hà Nội hồi tháng 9 đã kết án một cựu lãnh đạo PetroVietnam khác là Nguyễn Xuân Sơn tội tử hình vì tham ô biển thủ trong vụ án Ocean Bank trong khi 50 người khác, hầu hết là nhân viên ngân hàng bị án tù.
Vụ án thứ hai liên quan đến buông lỏng lãnh đạo và biển thủ tại một công ty con của PetroVietnam là công ty xây dựng PVC. Cựu lãnh đạo công ty này là Trịnh Xuân Thanh đã biến mất khỏi một công viên ở Berlin hồi tháng 7. Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông ta và đã trục xuất 2 nhân viên ngoại giao Việt Nam.
Tuy nhiên Bộ Công an Việt Nam nói Thanh tự đầu thú công an.
Trong bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng toàn cầu 2016, Việt Nam xếp thứ 113 trên 176 nước. Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã và đang thúc đẩy nỗ lực chống tham nhũng trong những năm gần đây với các tòa án đã kết án nhiều quan chức cấp cao án tử hình”.
Trong khi đó, hãng tin tức Reuters của Anh thì đưa tin: “Cảnh sát Việt Nam đã công bố một lệnh bắt vào thứ 6 đối với một cựu quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản vì tình nghi quản lý kém trong khi ông làm Chủ tịch của một hãng năng lượng quan trọng của nhà nước. Đây là ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên đối mặt với cuộc điều tra trong thập kỷ qua.
Cảnh sát công bố lệnh bắt và khởi tố với ông Đinh La Thăng, 56 tuổi, vì cáo buộc “vi phạm các nguyên tắc nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” - theo như website của chính phủ nói.
Ông Thăng là quan chức cao cấp nhất bị bắt trong cuộc trấn áp rộng lớn nhằm vào những gian lận trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng. Chiến dịch này đã tăng tốc độ kể từ khi đảng cầm quyền thay đổi lãnh đạo đầu năm ngoái.
Cảnh sát đang điều tra 2 vụ án liên quan đến nhiệm kỳ ông Thăng làm chủ tịch của tập đoàn dầu khí nhà nước PetroVietnam mà trong đó liên quan đến thất thoát đầu tư trong một ngân hàng nội địa và nghi ngờ làm sai tại một công ty con của PetroVietnam là PVC.
Ông Thăng không có bình luận nào và không ai biết ông đang ở đâu.
Quốc hội Việt Nam cũng đã bãi miễn tư cách đại biểu của ông Thăng từ trước đó trong cùng ngày hôm nay và Đảng Cộng sản đã đình chỉ ông khỏi các hoạt động.
Hồi tháng 5, Đảng Cộng sản Việt Nam cho ông Thăng thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị sau khi phát hiện ông có trách nhiệm về thất thoát tài chính tại PetroVietnam.
Ông Thăng sau đó cũng bị cho thôi chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh vì sai lầm trong thời gian lãnh đạo tập đoàn PetroVietnam.
Việc khởi tố một ủy viên Bộ Chính trị ở Việt Nam không phải chưa có tiền lệ. Năm 1979, một cựu Ủy viên Bộ Chính trị là Hoàng Văn Hoan cũng đã bị tuyên án tử hình vắng mặt sau khi ông trốn khỏi đất nước”.
Theo Washington Post/ Reuters
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét