Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Hữu Minh - Tương lai ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra sao?

Đu dây giữa các đại cường là một quy tắc ngầm bất biến được hình thành trong đảng từ thời ông Hồ Chí Minh. Bất kỳ cá nhân nào muốn đảng đi hẳn với Trung Quốc và dẹp bỏ Nga, Mỹ hoặc ngược lại, thì sẽ không được đảng ủng hộ và sẽ thất bại. Bây giờ xử ông Dũng rồi về sau ai dám đi đu dây cho đảng khi cần ?

Hình mang tính chất minh họa.
MỘT KHÍA CẠNH KHÁC CỦA "VỤ ĐINH LA THĂNG"

Vụ Đinh La Thăng ồn ào mấy hôm nay làm dư luận nóng lên còn đẩy tới một vấn đề khác mà dư luận bàn tán, đó là về ông Nguyễn Tấn Dũng.

Được cho là "đứng sau" ông Thăng nên ông Dũng lại bị mang ra nhắc lại. Những ý kiến nhỏ không bàn, có những ý kiến sau đây thì mình cũng muốn bàn một chút.

Nhiều người cho rằng ông Dũng một thời quyền khuynh thiên hạ, thế mà không tranh chấp ghế tổng bí thư tới cùng thì giờ đây chờ vào lò là xứng đáng. Nói thế là chưa thấy đúng và đủ về tình hình.

Trước hết, cần thấy là cuộc tranh chấp của ông Dũng và ông Trọng là cuộc tranh chấp về đường lối của nội bộ đảng, nội bộ chính quyền với nhau, là bên trong tranh chấp với bên trong, không phải bên trong tranh chấp với bên ngoài.

Tổng bí thư là người theo phái bảo thủ và giữ bình, chú trọng quan hệ với Nga, Trung Quốc và các nước XHCN anh em còn lại. Trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng vừa là đàn em vừa là học trò của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, theo đường lối đổi mới, đa phương hóa mà ông Kiệt mở ra. Tư bản, Mỹ và ông Dũng có "lòng tin chiến lược" với nhau.

Hãy chú ý rằng ông Kiệt từng nói "về hòa hợp hòa giải dân tộc, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm tốt hơn tôi". Đa phương hóa thì tất yếu phải đa nguyên hóa.

Tranh chấp bên trong đảng với nhau và là đảng cầm quyền thì có hai phương thức. Cách thứ nhất là đảo chính quân sự (Zimbabwe là một ví dụ) hoặc tranh chấp nghị trường bằng chủ trương, đường lối và lá phiếu ở trung ương đảng.

Nhìn vào tư thế VN hiện nay thì đảo chính quân sự là không thể giải quyết được vấn đề chuyển hóa.

Trung Quốc kẹp ở phương Bắc và Campuchia có Hunsen do TQ giật dây kê dao vào cái sườn phía tây. Mỹ thì ở xa khó giúp được lửa gần. Nếu VN có nội chiến, Tập Cận Bình với cơ chế độc tài, chỉ alo một cuộc điện thoại là quân đội TQ hiện diện ngay ở VN sau 15 phút. Nhưng Mỹ muốn can thiệp thì tổng thống Mỹ phải họp vài chục cuộc và ký hàng đống giấy tờ.

Các đồng chí thấy rõ kết cuộc của đảo chính chưa ?

Hãy nhớ thêm bài học Hungary vào thập niên 80, khi nước này muốn chuyển hóa thì Liên Xô đe dọa đánh. Phải đến khi Liên Xô suy yếu buộc phải tan rã thì Hungary mới chuyển hóa được. Giàn khoan 981 là một ví dụ về việc TQ muốn dùng áp lực quân sự ép vào chuyện nội bộ của VN.

Với nhân dân, đất nước thì không ai chấp nhận việc nội chiến cả. Nhân dân đã quá chán ngán chiến tranh, ai gây ra nội chiến thì sẽ là tội đồ của dân tộc.

Như vậy chỉ còn cách đấu tranh nghị trường, thế thì bối cảnh thế nào ?

Vì có lòng tin chiến lược của tư bản, ông Dũng dễ dàng vay và xin tiền quốc tế về cho đảng và đất nước xài. Thế nên Ban Chấp Hành Trung Ương luôn muốn ông làm thủ tướng, vì ông giúp đảng có tiền và ông để cơ chế cho chi xài thoải mái. Chính vì vậy mà BCHTW đã không kỷ luật ông.

Ông Dũng mà mất chức thủ tướng thì ai đi kiếm tiền về cho đảng xài ?

Sự khó khăn về ngân sách hiện nay chính là do tứ trụ triều đình, nhất là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rất khó khăn khi huy động tiền từ tư bản quốc tế. Đây là ví dụ dễ thấy nhất.

BCHTW muốn ông Dũng làm thủ tướng, nhưng ông là người cải cách nhanh quá nên đảng lại lo "vỡ bình" thế nên họ không muốn ông lên làm tổng bí thư. Đây là điều dễ hiểu. Thế nên phải thấy rằng họ ủng hộ ông Dũng làm thủ tướng là một việc, còn ủng hộ ông làm tổng bí thư là một việc khác nữa.

Ví dụ như các bạn có thể ủng hộ tôi phản biện lại đảng, nhưng dĩ nhiên các bạn sẽ không ủng hộ tôi lật đổ chính quyền.

Có nhiều ý kiến rất hăng hái trong việc ủng hộ bỏ tù ông Thăng rồi xử lý ông Dũng. Cần chú ý là tư thế ông Thăng là khác và ông Dũng là khác. Ông Dũng là người mà tư bản và Mỹ luôn cần lắng nghe ý kiến khi cần. Rất hiếm có lãnh đạo đảng nào đã về hưu mà Mỹ cần tìm. Thế mà ông Dũng dù đã nghỉ chính sách nhưng bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ vẫn đăng ký xin gặp.

Tư thế của ông Thăng là ảnh hưởng kinh tế, tư thế ông Dũng là ảnh hưởng địa chính trị. Đâu thể đánh đồng với nhau.

Đảng dù nói gì thì nói, vẫn cần thò một chân nhỏ sang phía Mỹ khi Trung Quốc bức ép quá, thế nên đường lối đổi mới vẫn luôn phải có trong đảng, chỉ là mạnh yếu có lúc khác nhau mà thôi. Hãy nhớ lại Lê Đức Thọ từng muốn dọn sạch phái thân Nga khi xưa rồi cuối cùng không thể ngồi lên ghế tổng bí thư được.

Đu dây giữa các đại cường là một quy tắc ngầm bất biến được hình thành trong đảng từ thời ông Hồ Chí Minh. Bất kỳ cá nhân nào muốn đảng đi hẳn với Trung Quốc và dẹp bỏ Nga, Mỹ hoặc ngược lại, thì sẽ không được đảng ủng hộ và sẽ thất bại.

Bây giờ xử ông Dũng rồi về sau ai dám đi đu dây cho đảng khi cần ?

Chúng ta nếu ủng hộ đường lối chuyển hóa thì phải thấy cái thế khó của những lãnh đạo đảng có quan điểm chuyển hóa để có nhận định và phát ngôn phù hợp. Không còn ông này thì sẽ còn ông khác vì đó là xu hướng không thể đảo ngược.

Chúng ta tin vào đường lối và kết hợp với con người, chứ không phải họ không làm được thì quay ra bỉ bôi nhau.

Hữu Minh

(FB Minh Hữu Quang)

Không có nhận xét nào: