Sống ở đời ai mà không có lỗi lầm, ai mà không từng phạm phải sai sót? Nếu có thể nhìn mọi thứ bằng ánh mắt khoan dung, không quá chấp nhất ắt sẽ được người tín phụng…
Tử Trương, một học trò của Khổng Tử, đã hỏi thầy về đạo lý về chính trị và chấp chính. Khổng Tử giảng:“Người quân tử trị vì dân chúng, không nên thiết lập những tiêu chuẩn quá cao. Không nên thuyết dụ nhân dân bằng những mục đích quá xa rời thực tế. Đừng cưỡng chế họ làm những việc mà họ không có khả năng”.
Tử Trương đáp: “Học trò xin tiếp thụ giáo huấn”.
Khổng Tử giảng thêm: “Trò nhất định phải nhớ, nước trong thì không có cá, người nhìn thấy mọi thứ quá rõ ràng thì không có người theo. Ngày xưa, vương miện của các Hoàng đế thường có các chuỗi ngọc rũ xuống che phủ khuôn mặt. Đó là để họ không nhìn quá rõ mọi thứ. Họ trang trí cho che kín lỗ tai để không nghe được quá nhiều điều”.
Khổng Tử cũng giảng: “Trò nên truyền giảng những nguyên lý phù hợp với mức độ tiếp thu của quần chúng. Giáo dục cho họ có khả năng độc lập tư duy dựa trên những nguyên lý và tự tìm ra phương hướng cho bản thân!
Khi người phạm lỗi lầm, đừng làm mọi thứ để chỉ ra lỗi lầm của họ, hãy khoan dung và tha thứ cho họ dựa vào những điều tốt đẹp mà họ đã làm trong quá khứ. Điều đó sẽ giúp họ ngày càng trở nên tốt hơn, như một người chết đi mà được sống lại. Đấy là một phương cách của đấng trị vì”.
Tử Trương đáp tạ: “Thầy giảng thật thấu đáo”.
Khổng Tử giảng thêm: “Muốn người khác tin theo, tốt nhất là khiêm tốn lắng nghe quan điểm của họ trước. Muốn một chính sách được thực thi nhanh chóng, tốt nhất là hãy tự mình làm gương. Muốn người sớm quy phục mình, cách tốt nhất là dạy cho họ những đạo lý chân chính. Nếu trò có thể đạt được những điều trên thay vì chỉ biết mắng mỏ và trừng phạt dân chúng, trò sẽ là một người chấp chính được yêu chuộng”.
“Nếu nhìn thấy quá rõ thì không có người theo”, ý nói rằng chúng ta nên đối xử với người khác bằng nhẫn nại, không nên mắng chửi hay yêu cầu người khác quá khắt khe. Là con người, ai cũng có điểm yếu kém.
“Nếu nhìn thấy quá rõ thì không có người theo”, dạy chúng ta trở thành khoan dung và ân cần với người khác. Chúng ta nên cảm nhận được điểm mạnh của người khác và học hỏi từ họ để không ngừng thăng tiến về phẩm chất và đạo đức.
Khổng Tử luận về đức hạnh của nước
Đức Khổng Tử đang chăm chú ngắm dòng sông chảy về phương Đông. Tử Cống hỏi: “Thưa thầy, vì sao người quân tử nhìn ngắm dòng nước như thế này lại cảm thấy vui vẻ?”
Khổng Tử nói: “Bởi vì dòng nước vĩ đại có thể liên tục di chuyển về phía trước không ngừng. Nó làm điều tốt lành khi tưới mát cho đất đai ở khắp nơi mà nó chảy qua, ngay cả nó không tự quan tâm đến việc nó đang thực hiện một kỳ công to lớn. Nó chính là giống như đức hạnh.
Khi nó chảy, dù cho có lúc ở nơi thấp hay có lúc ở nơi cao, nó đều theo một nguyên lý. Nó tượng trưng cho công lý.
Dòng nước vĩ đại không bao giờ khô cạn hay dừng lại. Nó giống với Đạo.
Khi nó chảy vào thung lũng sâu vạn trượng, nó lao về phía trước mà không sợ hãi. Nó giống như lòng can đảm.
Nó luôn tự cân bằng mình. Nó giống như Pháp lý (Quy luật).
Khi nước làm đầy cái gì, nó tự nhiên chảy ra ngoài mà không cần bị cắt xuống. Nó giống như sự ngay thẳng.
Nó thật thận trọng để có thể đến bất kỳ đâu nó cần đến. Nó giống như việc khám phá những chi tiết nhỏ nhất trong mọi vật.
Nó từ đầu nguồn tuôn chảy về Đông. Nó giống như có mục đích cao thượng.
Nó có thể đi vào và đi ra không kể là nó đi đâu, nó có thể làm trong sạch mọi thứ ở đó. Nó giống như một vị hiền triết giỏi về giảng dạy.
Nước có rất nhiều đức hạnh, vì thế khi người có đức hạnh nhìn nó, họ nhất định sẽ quan sát nó cẩn thận và cảm thấy vui”.
Khổng Tử bàn luận về tính tự phụ và đức hạnh
Một hôm, Tử Lộ (một môn đồ của Khổng Tử) ăn mặc chỉnh tề kèm theo đôi chút khoe khoang đến bái kiến Khổng Tử.
Khổng Tử bèn nói: “Trọng Do (tên hiệu của Tử Lộ), trò tự hào chi vậy? Khi dòng Trường Giang bắt nguồn từ ngọn Dân Sơn, dòng chảy của nó yếu đến nỗi nó chỉ có thể đẩy được một chiếc thuyền mộc rỗng. Nhưng khi ra đến biển, nó mạnh như một trận cuồng phong và có thể làm lật cả một con thuyền mà cố băng qua nó. Đó chẳng phải là vì nước chảy xuôi theo dòng ư? Bây giờ Trọng Do ăn mặc khoe khoang, tự cho mình là nhất, thiên hạ còn ai dám chỉ ra khuyết điểm của Trọng Do nữa?”
Tử Lộ bước nhanh ra khỏi phòng và trở lại sau khi đã thay bộ trang phục bình thường. Khổng Tử nói: “Trọng Do, hãy nhớ rằng, người nói quá nhiều là người thiếu thực chất, người thích hiển thị bản sự thường hay khoác lác, và người thích thể hiện trí tuệ và năng lực hơn người đích thị là kẻ tiểu nhân.
Do vậy, người quân tử khi thuyết về đạo chỉ nói theo hiểu biết của họ, đó chính là mục đích của việc nói chuyện. Nếu họ không biết thì họ nói là không biết, đó chính là chuẩn tắc cơ bản nhất của việc hành xử. Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy chính là biết vậy! Ai hành xử theo quy tắc này thì đúng là người nhân đức. Một người vừa có trí tuệ lại vừa nhân đức, người ấy còn bất mãn điều gì nữa đây?”.
Theo Chánh Kiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét