Mao Trạch Đông có trình độ văn hóa không cao, lại không ưa giới trí thức, đặc biệt là những trí thức lớn có tiếng nói. Mao từng phát động phong trào “Phản hữu” để bức hại giới trí thức và tinh anh văn hóa Trung Quốc. Vậy nguyên nhân đằng sau nó là vì sao?
(Ảnh: Internet) |
Năm 1957, ông La Long Cơ (1898 – 1965), một nhà trí thức nổi tiếng đương thời Trung Quốc từng nói, hiện đang là thời giới “trí thức bình dân” theo chủ nghĩa Marx lãnh đạo, còn “giới trí thức cao cấp” theo giai cấp tư sản. Câu nói này khiến không ít người băn khoăn tự hỏi liệu ông Mao Trạch Đông có bị tổn thương không, bởi nó chạm vào một vết thương mà Mao thầm giấu kín. Nhiều người kể lại hai trải nghiệm không mấy vui vẻ về với giới trí thức của ông Mao: một là trong thời gian làm quản thư tại Đại học Bắc Kinh đã bị một số trí thức tư sản lạnh nhạt; hai là vào những năm 1930 ông Mao đã phải chịu đựng khinh rẻ của nhiều trí thức chủ nghĩa Lenin của Liên Xô thuộc phe Vương Minh (1904 – 1974).
Năm 1919, Mao Trạch Đông đến Cố đô, được bố vợ tương lai Dương Xương Tế (1871 – 1920) giới thiệu với ông Lý Đại Chiêu (1889 – 1927) và được ông Lý cho làm giúp việc ở thư viện Đại học Bắc Kinh.
Mao Trạch Đông nói với phóng viên Edgar Snow: “Vì chức vị tôi thấp nên người ta không muốn quan hệ với tôi. Trong chức vị tôi có việc ghi tên họ cho người đến thư viện đọc sách, nhưng đa số họ không cư xử với tôi như con người. Trong số những người đến đọc, tôi nhận ra một số tên tuổi nổi tiếng là lãnh đạo phong trào văn hóa mới, ví dụ như Phó Tư Niên (1896 – 1950), La Gia Luân (1897 – 1969)… Tôi rất ngưỡng mộ họ. Tôi từng có ý định cùng họ bàn chuyện chính trị và văn hóa, nhưng họ đều là những người bận rộn, không có thời gian nghe một người giúp việc thư viện nói thổ ngữ phương nam.”
Đối thoại giữa Mao và phóng viên Edgar Snow diễn ra vào thời kỳ khó khăn sau năm 1949, không được công bố. Vì thế đối thoại này chỉ là chuyện trần thuật miệng lưu truyền lại. Cho dù những trải nghiệm này khiến Mao “canh cánh trong lòng”, nhưng dù sao phải ghi nhận hai nguyên nhân khách quan: một là những người này rất bận, hai là thổ ngữ phương nam cũng là một trở ngại. Trớ trêu là sau đó Mao đã làm “vua Trung Quốc”, nắm giữ trong tay vận mệnh của hàng loạt danh nhân này. Từ góc độ này mà xét, những trí thức chịu nạn trong “Phản hữu” có lý do oán trách những danh nhân khi đó: nếu họ khiêm nhường một chút, nếu họ chịu hạ mình trò chuyện nhiều một chút với người giúp việc của thư viện chứ đừng qua loa chiếu lệ thì thái độ của Mao sau này đối với giới trí thức sẽ không tàn nhẫn như thế.
Giả thuyết này không phải là vô nghĩa. Những danh nhân dẫn dắt thời đại nhưng ngạo mạn tự phụ cho thấy “cảnh giới” của họ chưa cao, trình độ làm người còn yếu, nhưng một người phấn đấu gian khổ để thành danh làm giá trước người chưa thành danh thì cũng không phải chuyện gì to tát lắm. Cha của tiên sinh Lương Thấu Minh (1893 – 1988) là Lương Tế (1858 – 1918) từng viết thư thảo luận tình hình chính trị đương thời với danh nhân Lương Khải Siêu (1873 – 1929) nhưng không được hồi đáp. Lương Tế đã ghi lại chuyện này trong nhật ký cùng cảm giác rất oán hận, thất vọng. Sau này Lương Tế tự sát, Lương Thấu Minh gặp Lương Khải Siêu nói lại chuyện này khiến Lương Khải Siêu vô cùng ân hận.
Vì thế, nếu nhà chính trị chỉ dựa vào ấn tượng của mình đối với một vài danh nhân mà có đánh giá đối với toàn bộ giới trí thức thì cũng thật thiếu lý trí.
Mộc Nhiên
(Trí thức VN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét