Chiến dịch ném bom Hà Nội và Bắc Việt Nam dịp Giáng Sinh 1972 vẫn được giới sử gia quân sự Hoa Kỳ quan tâm nhiều năm sau cuộc chiến.
Quan điểm ai đã 'thắng' sau trận oanh tạc làm chết nhiều thường dân miền Bắc Việt Nam cũng như con số 'pháo đài bay B-52' bị Bắc Việt hoặc đồng minh của họ bắn hạ hai phía Mỹ - Việt nêu ra vẫn còn nhiều khác biệt như trong phần tổng hợp sau:
Nhìn từ Hà Nội
Tại Việt Nam từ trước tới nay đã có các chi tiết khác nhau về số p
háo đài bay B-52 của Hoa Kỳ bị Bắc Việt Nam bắn rơi ngay trên báo chí nhà nước.
Một bài trên trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam về 'Trận Điện Biên Phủ trên không' hôm 14/02/2004 viết:
"Qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường (từ 18 đến 30-12-1972) quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52,"
"Thất bại này của Mỹ không chỉ đơn thuần là thất bại quân sự, mà là thất bại chiến lược toàn diện cả về quân sự lẫn chính trị."
"Cùng với những thắng lợi giành được trước đó, đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược 1972 ở miền nam, thắng lợi của trận 'Điện Biên Phủ trên không' trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng đã góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền nam Việt Nam.
Sau bài báo đó 3 năm, con số 34 pháo đài bay B-52 của Mỹ bị bắn hạ tiếp tục được trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam nhìn lại trận oanh kích vào Giáng Sinh trong bài có tựa đề tiếng Anh 'The Christmas bombings of Hanoi in retrospect'.
Nhưng trong một bài đăng năm 2012, báo Quân đội Nhân dân đã giảm con số B-52 xuống so với trước:
"Trong 12 ngày đêm từ 18-12-1972 đến 29-12-1972, quân dân Hà Nội đã lập một kỳ tích lịch sử: bắn rơi 23 máy bay B-52, bắt sống nhiều phi công Mỹ."
Nhận định về kết quả quân sự - chính trị của chiến dịch nhìn từ phía Hà Nội, tờ báo viết:
"Sau sự kiện này, Tổng thống Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam từ 30-12-1972, đi đến việc ký kết Hội nghị bốn bên về 'chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam' tại Pa-ri ngày 27-1-1973".
Đây là quan điểm cho rằng vì 'thất bại' do số thiệt hại quá lớn, Hoa Kỳ phải ngưng không kích và chấp nhận đàm phán.
Nhìn ̀từ Hoa Kỳ
Đã có rất nhiều tài liệu của các nhân vật trong chính giới Hoa Kỳ, các nhà bình luận và phân tích quân sự về chiến dịch Hoa Kỳ gọi là Linebacker II (trận Linebacker I hồi tháng 5/1972 chỉ nhằm để kiểm tra sức mạnh phòng không Bắc Việt).
Một trong số bài viết gần đây nhất, của Rebecca Grant trên trang Bấm Airforce Magazine tháng 12/2012 mô tả:
"Các đội bay của B-52 xuất kích cả thảy 729 lần trong đêm... Cho đến khi chiến dịch kết thúc, Bắc Việt Nam đã quỳ gối, nói như lời của Cố vấn an ninh quốc gia Henry A. Kissinger. Họ đã sẵn sàng ký vào văn bản hòa đàm gồm cả phần trao trả tù binh Mỹ,"
Bà Rebecca Grant cũng trích lời sử gia không quân Walter J. Boyne nói có tám phi công Mỹ "bị giết khi tham chiến hoặc chết vì vết thương, 25 mất tích, 33 bị bắt làm tù binh chiến tranh, và chỉ có 26 được cứu thoát trước khi rơi bị bắt sống".
Con số B-52 bị bắn hạ, theo nguồn tin này là 15.
Bản thân sử gia Walter J. Boyne trong một tài liệu đăng năm 1997 nói rằng trên thực tế, hai đội bay B-52 ở Guam và U Tapao lên kế hoạch cho 741 lần xuất kích nhưng 12 chuyến phải bỏ.
Nhìn chung, các giới ở Hoa Kỳ đến nay vẫn cho rằng Linebacker II mà Mỹ cho là chỉ có 11 ngày (the 11- Day War) đã đem lại 'thắng lợi quân sự' và đã buộc Bắc Việt quay lại bàn đàm phán vốn bị bế tắc ở Paris.
Theo BBC News
Bài trên trang tiếng Anh của BBC Magazine 'North Vietnam, 1972: The Christmas bombing of Hanoi' (24/12/2012) nhấn mạnh đến sự tàn khốc của trận mưa bom.
"Vào thời điểm đó 1600 người Việt Nam bị giết, theo số liệu của nhà chức trách cộng sản, mà con số thực có thể còn cao hơn,"
Nhưng bài viết cũng cho rằng trận tấn công "có thể đã giúp cho việc ký kết hòa ước một tháng sau đó".
Viết về Đêm Giáng Sinh khủng khiếp năm 1972, bài báo cho rằng vì sự chống trả quyết liệt của phía Bắc Việt Nam, "không lực Hoa Kỳ mất hai chiếc B-52 đêm đó, trong tổng số 15 chiếc".
"Một số phản lực cơ và máy bay hỗ trợ cũng bị phá trong vòng 11 ngày diễn ra Linebacker II."
"Linebacker II chấm dứt ngày 29 tháng 12 và đến ngày 8 tháng 1/1973, mọi bên đều đã có mặt trở lại phòng hòa đàm ở Paris."
Bài của BBC cũng nói có yếu tố tâm lý tác động đến quyết định của Tổng thống Richard Nixon khi quyết định nghe theo quan điểm của phe quân sự Mỹ cho ném bom Hà Nội bằng B-52.
Đó là vì "hình ảnh các phi công bị cầm tù và tra tấn ở miền Bắc và thường xuyên bị bêu riếu trên truyền hình là một sự xấu hổ cho Washington. Ông Nixon đã chịu một sức ép phải làm sao đưa quân về nước."
"Hòa đàm Paris được ký vào cuối tháng đó, cho phép trao trả một số tù binh Mỹ và mở đường cho sự chấm dứt cuộc can dự quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam."
Chỉ là một trận đánh đưa tới chiến thắng
Nhưng theo Marshall Michel, tác giả cuốn 'The Eleven Days of Christmas: America's Last Vietnam Battle' thì cuối cùng, người Bắc Việt Nam đã thấy họ chiến thắng.
"Họ nhấn mạnh rằng cuộc ném bom của Hoa Kỳ có mục tiêu buộc họ đầu hàng, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng Hòa đàm Paris cuối cùng thì đã đồng ý cho Bắc Việt để quân đội ở lại phía Nam, và vì thế họ có thể nói là chiến dịch Linebacker II đã thất bại.
Niềm tin này còn được củng cố sau khi quân Bắc Việt ở lại phía Nam đã đem lại chiến dịch thống nhất cuối cùng năm 1975. Để hoàn toàn hiểu sự khác biệt trong các cách giải thích khác nhau, tôi đã phải hiểu ra rằng từ góc độ của người cộng sản Việt Nam, Linebacker II đơn giản chỉ là một chiến thắng nữa trong cả một chuỗi thắng lợi của họ trong cuộc chiến vì độc lập 30 năm. Bằng chứng cho chiến thắng chính là sự thống nhất đất nước của họ."
Nội dung chính của bài đã đăng trên giao diện cũ của BBC ngày 28/12/2012.
Đọc lại bài về Trận tập kích của Hoa Kỳ vào Sơn Tây năm 19708
Xem thêm chủ đề Chiến tranh:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét