Lời khai của ông Đinh La Thăng về việc gây cản trở điều tra
21/12/2017 03:07 GMT+7
- Kết luận điều tra cho rằng, ông Đinh La Thăng đã hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra.
Theo kết luận điều tra, ông Đinh La Thăng có cung cấp cho CQĐT Giấy xác nhận ngày 28/3/2017, trong đó thể hiện nội dung: Trước khi ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm, ông Thăng đã trao đổi nhiều lần với những người trong HĐQT (mà trực tiếp là ông Hoàng Xuân Hùng, ông Trần Ngọc Cảnh và bà Phan Thị Hòa) việc PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank.
Sau khi bị khởi tố điều tra, ông Đinh La Thăng khai nhận lại. Theo lời khai của ông Thăng, khi đang là Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông đã điện thoại nhờ ông Hoàng Xuân Hùng, ông Trần Ngọc Cảnh, ông Đỗ Văn Đạo và bà Phan Thị Hòa (đều là nguyên thành viên HĐQT năm 2008) xác nhận việc ông Thăng đã bàn bạc, thống nhất với HĐQT về chủ trương PVN góp vốn vào Oceanbank.
Ông Thăng còn nhờ bà Bùi Thị Nguyệt (trước đây là Ban kiểm soát, nay là Trưởng ban tổ chức nhân sự PVN) đến trực tiếp xin chữ ký xác nhận vào Giấy xác nhận ngày 28/3/2017 cho mình.
Trên thực tế, không hề có việc thông qua HĐQT hay tổ chức cuộc họp xin ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản.
Ông Đinh La Thăng |
Các ông, bà Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh và Phan Thị Hòa đều khai: Ngày 30/9/2008, HĐQT có cuộc họp do ông Đinh La Thăng chủ trì. Tại đây, ông Thăng có trao đổi việc PVN góp vốn mua cổ phần của Oceanbank, và từ đây các ông bà này mới biết được chủ trương PVN góp vốn vào Oceanbank.
Các thủ tục báo cáo Thủ tướng và các bộ, ngành đều do ông Đinh La Thăng ký mà không thông qua HĐQT.
Bản kết luận điều tra cho rằng, ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank mà không thông qua HĐQT, không có ý kiến đánh giá của HĐQT về năng lực, khả năng tài chính của Oceanbank. Điều này là trái quy định.
Tài liệu xác minh còn thể hiện, ngày 14/10/2008, Bộ Tài chính có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và PVN về việc góp vốn mua cổ phần của PVN, trong đó có nêu: "Để đảm bảo tính hiệu quả, đề nghị PVN cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho hoạt động kinh doanh của Oceanbank, xác định giá trị thực cổ phiếu của Oceanbank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư. PVN chịu trách nhiệm về hiệu quả của hoạt động đầu tư này".
Dù vậy, khi nhận được công văn này, ông Đinh La Thăng không chỉ đạo PVN thực hiện đúng theo nội dung này của Bộ Tài chính.
Khai báo chưa thành khẩn
Theo lời khai của ông Đinh La Thăng: Ông nhận thấy việc góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng ngày 16/5/2011, nâng tổng số vốn góp của PVN lên 800 tỷ đồng, duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank, là trái quy định.
Tuy nhiên, do bận đi công tác tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa nên ông Thăng đã ủy quyền điều hành HĐTV từ ngày 16-18/5/2011 cho ông Nguyễn Xuân Thắng (thành viên HĐTV). Do vậy, ông Thăng cho rằng mình không liên quan.
Về việc này, ông Thắng khai, sau khi ông Thăng đi công tác về, ông đã báo cáo ông Thăng về việc ký Nghị quyết ngày 16/5/2011 để PVN góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng vào Oceanbank, nhưng ông Thăng không có chỉ đạo gì, mà đồng ý thực hiện.
Theo kết luận điều tra, sau khi PVN góp 20% vốn vào Oceanbank để trở thành cổ đông chiến lược, ông Đinh La Thăng đã ký văn bản mang tính chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thành viên của PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản, sử dụng dịch vụ ngân hàng của Oceanbank.
Thực hiện chỉ đạo này, từ năm 2009 đến 2014, có 165 đơn vị thành viên thuộc PVN gửi tiền vào Oceanbank với doanh số tiền gửi không kỳ hạn trung bình hơn 2.500 tỷ đồng/tháng và 74 triệu USD/tháng.
Đây chính là một trong những nguyên nhân để xảy ra hành vi nhận tiền lãi ngoài trong nhiều năm, trong đó có 145 đơn vị của PVN với hơn 318 tỷ đồng (chưa kể số tiền 246 tỷ đồng riêng Nguyễn Xuân Sơn nhận).
Bản kết luận điều tra cho rằng, quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, ông Đinh La Thăng có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra.
Đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng
Sau 12 ngày khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, cơ quan CSĐT đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Thăng và đồng phạm.
Thêm 2 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng
Cơ quan điều tra vừa cấp giấy chứng nhận cho hai luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng để bào chữa cho ông Đinh La Thăng.
‘Ông Đinh La Thăng đứng trước UB Kiểm tra TƯ nói giá mà…’
Ông Đinh La Thăng khi đứng trước UB Kiểm tra TƯ cũng nói: Giá mà các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề.
Khởi tố, bắt tạm giam em trai ông Đinh La Thăng
Bộ Công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng, Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà.
Ông Đinh La Thăng bị tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu QH
UB Thường vụ QH thông qua nghị quyết về việc tạm đình chỉ ĐBQH đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT (sau này là HĐTV) PVN.
T.Nhung
Cựu TGĐ Dầu khí Phùng Đình Thực: Quãng đời đồng hành cùng ông Đinh La Thăng
21/12/2017 05:00 GMT+7
Ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN, là “nhân vật” mới nhất bị khởi tố trong đại án PVC. Nhìn lại quá trình công tác của ông Thực, ông có một giai đoạn đồng hành cùng ông Đinh La Thăng ở Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam. Ông Thực cũng chính là người tiếp quản ghế Chủ tịch PVN sau khi ông Thăng lên làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.
Cùng làm lãnh đạo cao nhất PVN
Ông Đinh La Thăng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2005-2008), rồi tiếp tục là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN (2008-2011). Sau khi rời ghế chủ tịch PVN, ông Đinh La Thăng thăng tiến nhanh trên con đường quan lộ.
Trong quá trình làm sếp ở PVN của ông Đinh La Thăng luôn có sự đồng hành của ông Phùng Đình Thực với vai trò Phó Tổng giám đốc rồi lên Tổng giám đốc PVN
Ông Phùng Đình Thực, sinh ngày 12/5/1954, tốt nghiệp Học viện Hoá dầu Bacu (thuộc Liên xô cũ) chuyên ngành khai thác dầu khí năm 1977.
Ông Đinh La Thăng từng trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc PVN cho ông Phùng Đình Thực |
Dưới thời ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch PVN, ông Phùng Đình Thực nắm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc (từ tháng 5/2006). Tháng 4/2009, trên cơ sở phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ, ông Đinh La Thăng đã ký quyết định để ông Thực giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đến khi ông Đinh La Thăng được Quốc hội cử làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, tháng 9/2011, Thủ tướng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Phùng Đình Thực, giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn PVN.
Năm 2014, ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu. Chiếc ghế nóng của ông Thực năm 2014 được để lại cho ông Nguyễn Xuân Sơn - cùng là một lãnh đạo PVN dưới thời ông Đinh La Thăng (nay bị tuyên án tử hình trong đại án OceanBank).
Ông Thực nghỉ hưu, còn ông Đinh La Thăng tiếp tục quan lộ của mình trải qua nhiều chức vụ như Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương.
Đoạn cuối buồn
Tại kỳ thứ 14 (diễn ra từ 24-26/4/2017), Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật cũng như đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với nhiều nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Trong đó, ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCMh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009-2011.
Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/08/2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để HĐTV, Ban tổng giám đốc tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật;
Ông Đinh La Thăng (trái) và ông Phùng Đình Thực |
Ngoài ra, ông Đinh La Thăng còn vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa ông Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PVN và Chủ tịch HĐQT OceanBank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên,...
Ngoài ra, ông Thăng phải chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng thành viên ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005,...
Còn ông Phùng Đình Thực, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVN từ năm 2008-2010 và Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV từ tháng 9/2011-7/2014 chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong giai đoạn 2011-2014.
Ông Phùng Đình Thực có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng uỷ và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của HĐTV, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công Thương; không chỉ đạo xem xét vi phạm của Nguyễn Xuân Sơn khi làm Tổng Giám đốc Oceanbank; chịu trách nhiệm cùng Tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV khi làm quy trình đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Nguyễn Xuân Sơn từ Phó Tổng Giám đốc lên Chủ tịch HĐTV và Bí thư Đảng ủy Tập đoàn năm 2014. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Do đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Phùng Đình Thực. Đồng thời đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền.
Sau kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Đinh La Thăng lần lượt bị cách hết chức vụ và bị khởi tố, bắt giam vào ngày 8/12/2017.
Không lâu sau khi ông Thăng bị bắt, ông Phùng Đình Thực cũng đã bị khởi tố vào ngày 19/12/2017.
Như vậy, đến nay, cả ông Phùng Đình Thực và ông Đinh La Thăng cùng bị khởi tố vì có liên quan đến các sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) làm tổng thầu.
Hà Duy
Bốn đời Chủ tịch Tập đoàn Dầu Khí vướng vòng lao lý
20/12/2017 13:00 GMT+7
Tính đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 đời chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là các ông Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh. Sai phạm của 4 cựu lãnh đạo ngành dầu khí này đều khởi nguồn từ thời ông Đinh La Thăng.
Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch PVN từ 2005-2011
Ông Đinh La Thăng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2005-2008), rồi tiếp tục là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2008-2011).
Sau khi rời ghế Chủ tịch PVN, ông Đinh La Thăng thăng tiến nhanh trên con đường quan lộ.
Tháng 8/2011, Quốc hội phê chuẩn ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Tháng 1/2016, ông Đinh La Thăng được bầu vào Bộ Chính trị. 1 tháng sau đó, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Tháng 5/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao, trên 90%.
Ông Đinh La Thăng |
Ngày 10/5/2017, Bộ Chính trị phân công ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015-2020), giữ chức Phó Ban Kinh tế trung ương.
Ngày 8/12, ông Đinh La Thăng chính thức chấm dứt đươc quan lộ khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng.
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố vì có những vi phạm nghiêm trọng trong việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (Oceanbank) và mất trắng số tiền này. Ngoài ra, ông Thăng còn bị truy trách nhiệm trong vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (điều 278 bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Phùng Đình Thực, cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch PVN 2011-2014
Ngày 20/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định tố tụng đối với bị can Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Qua điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, ngày 19/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phùng Đình Thực, sinh ngày 12/5/1954, trú tại: Nhà số 6, N06A, Khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội; nguyên Tổng Giám đốc PVN, về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự, do những sai phạm của ông Thực trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Phùng Đình Thực |
Ông Phùng Đình Thực tốt nghiệp Học viện Hoá dầu Bacu (thuộc Liên xô cũ) chuyên ngành khai thác dầu khí năm 1977.
Dưới thời ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch PVN, ông Phùng Đình Thực nắm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc (từ tháng 5/2006). Tháng 4/2009, trên cơ sở phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ, ông Đinh La Thăng đã ký quyết định để ông Thực giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tháng 9/2011, Thủ tướng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Phùng Đình Thực, giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn PVN, thay cho ông Đinh La Thăng đã được Quốc hội cử làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Năm 2014, ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu cho đến khi bị khởi tố vào ngày 20/12. Chiếc ghế nóng của ông Thực vào năm 2014 được để lại cho ông Nguyễn Xuân Sơn – một lãnh đạo PVN dưới thời ông Đinh La Thăng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Cựu Chủ tịch PVN 2014-2015
Nhận ghế Chủ tịch từ ông Phùng Đình Thực, ông Nguyễn Xuân Sơn là Chủ tịch PVN đầu tiên bị khởi tố và bắt giam trong đại án OceanBank - Hà Văn Thắm. Ông Nguyễn Xuân Sơn bị buộc tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng"; "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". PVN là cổ đông lớn của OceanBank (đã giữ 20% cổ phiếu).
Khi ngân hàng này có lỗ nặng, Ngân hàng Nhà nước phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng. Do đó, PVN mất trắng số tiền 800 tỷ đã đầu tư vào đây. Việc PVN mất số vốn đầu tư 800 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương, ông Sơn bị cho là phải chịu trách nhiệm liên đới.
Ông Nguyễn Xuân Sơn những ngày hầu tòa |
Bởi dưới thời ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN là người đại diện phần vốn góp Nhà nước tại Oceanbank, được giữ chức Tổng giám đốc OceanBank.
Ngày 29/9/2017, Nguyễn Xuân Sơn bị tòa án sơ thẩm tuyên án Tử hình về tội tham ô tài sản.
Trước khi bị bắt, Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam vào tháng 7/2014, thay cho ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu.
Một năm sau, tháng 7/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định để ông Sơn thôi chức Chủ tịch PVN. Ngay sau đó, ông Sơn bị khởi tố, bắt giam và có kết cục kể trên.
Ông Nguyễn Quốc Khánh và món nợ thời làm sếp PVN
Ông Nguyễn Quốc Khánh, cựu Chủ tịch PVN bị khởi tố và bắt giam cùng ngày với ông Đinh La Thăng (ngày 8/12) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Dưới thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch, ông Khánh được nắm giữ chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (tháng 7/2009).
Ông Nguyễn Quốc Khánh |
Khi đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc PVN, ông Khánh phụ trách mảng sản xuất điện và gắn với hàng loạt các dự án điện do PVN đầu tư trong đó đáng chú ý là các dự án điện lớn gồm Nhiệt điện Vũng Áng I (1.200 MW), Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200 MW), nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200 MW) và Dự án nhiệt điện Long Phú 1 (1.200 MW) được xem là có ảnh hưởng lớn đối với an ninh năng lượng.
Đây là giai đoạn ông Khánh bị xem xét trách nhiệm trong việc quản lý các dự án.
Ông Khánh làm Tổng giám đốc PVN vào tháng 11/2014. Ngày 12/01/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi ấy đã ký Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Khánh giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, thay cho ông Nguyễn Xuân Sơn vừa bị bắt.
Ngồi ghế Chủ tịch PVN được 1 năm, thì ngày 9/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 308/QĐ-TTg để ông Khánh thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.
Sau khi Thủ tướng cho thôi chức, ông Nguyễn Quốc Khánh đã về làm việc tại Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các dự án về điện có trụ sở đặt tại Bộ Công Thương cho đến khi bị bắt vào ngày 8/12.
Như vậy, tính đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 đời chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là ông Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh. Các sai phạm của những cựu lãnh đạo ngành dầu khí này đều khởi nguồn từ thời ông Đinh La Thăng.
Hà Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét