Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017

TT Vladimir Putin và tố chất "có một không hai" trong những ngày đầu tới điện Kremlin

Biên tập: Tất Đạt | 

TT Vladimir Putin và tố chất "có một không hai" trong những ngày đầu tới điện Kremlin
Ảnh: Zuma Press

Ông ta cư xử trầm tĩnh, nhưng kết quả công việc thì rõ ràng. Một đơn vị tin cậy trong sự hỗn loạn chung. Trung thành, hiệu quả, và dường như không có tham vọng...

Ít nói, rất đúng giờ, hiệu quả
...Trong số các nhiệm vụ mà đồng nghiệp mới Vladimir Vladimirovich Putin làm còn có việc thực hiện chính sách nhân sự, theo quan sát của Yumashev, vô hình một cách hoàn hảo: ít nói, rất đúng giờ, hiệu quả và lịch sự với đồng nghiệp.

Xuất phát từ kinh nghiệm Petersburg của mình, anh ta không luồn lách vào chính trị mà chỉ tập trung vào công việc. Trong những gian kế hàng ngày đan quyện ở trung tâm quyền lực, chính kỹ năng không làm mình nổi bật, và trong một số tình huống đáng ngờ có thể hòa lẫn với đồ nội thất, đã giúp anh ta.
Tiến bộ qua mỗi giai đoạn trên con đường nghề nghiệp của mình, anh ta ngày càng có được tầm nhìn chung về tình hình đất nước, mà tình hình thì không thể nào xấu hơn.
Anh ta nhanh chóng tạo dựng sự nghiệp, trở thành thủ trưởng Cơ quan Kiểm toán chính của Văn phòng Tổng thống, GKU, như người ta gọi chi nhánh kiểm tra đầy ảnh hưởng, một kiểu "phòng kiểm toán" nội bộ để kiểm soát tiền chính phủ đi đâu và có đến được địa chỉ cần đến hay không.
Chẳng bao lâu, luật gia Putin biết rõ từng chi tiết của nạn tham nhũng trong hệ thống đang kinh khủng thế nào. Ông thu hút một nhóm công tác đặc biệt, cộng tác với hệ thống tư pháp và các cơ quan tài chính để ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích nguồn công quỹ vốn đã khan hiếm.
Sau một thời gian, khi thủ trưởng của ông, Yumashev trở thành Chánh Văn phòng Tổng thống, tức là nhân vật thứ hai trong điện Kremli, Putin được cất nhắc vào chức vụ phó cho ông ta, và ông tiếp tục con đường của mình trong bộ máy chính quyền quốc gia.
Hiện giờ, ông chịu trách nhiệm về quan hệ của chính quyền trung ương với hơn 80 khu vực của nước Nga và nhanh chóng thấy chính quyền trung ương bất lực thế nào.
TT Vladimir Putin và tố chất có một không hai trong những ngày đầu tới điện Kremlin - Ảnh 1.
Cựu Tổng thống Nga Yeltsin trao quyền cho tân Tổng thống Putin năm 1999. Ảnh: AP
Ông cũng nhận ra những gia tộc mafia hay các nhà tài phiệt đang mua cho mình các ghế thống đốc hay tự bầu mình vào những vị trí then chốt tương ứng.
Nhờ chức vụ này, Putin gặp Tổng thống thường xuyên để giải thích cho ông những vấn đề nào đang tồn tại ở Vladivostok xa xôi hay ở thủ phủ Tatarstan của Kazan. Ông cũng đưa ra những đề nghị để giải quyết các xung đột.
Đôi khi, họ cùng nhau đi công tác, và Yeltsin bắt đầu đánh giá cao con người khép kín từ Petersburg. Vào tháng 7-1998, Tổng thống quyết định tìm một giám đốc FSB mới bởi cơ quan thay thế KGB này, theo cách hiểu của "gia đình" Yetsin, thường hành động theo sáng kiến riêng của mình và cư xử không trung thành.
Không nghĩ ngợi lâu, ông đã ra chỉ thị bổ nhiệm người cựu điệp viên đang nghỉ phép, vào chức vụ này. Thế nhưng, Putin đã trì hoãn và không muốn một lần nữa lại liên quan đến môi trường cũ.
"Tôi hoàn toàn chẳng vui mừng gì khi trở về từ kỳ nghỉ phép và bị đặt trước thực tế này", - Putin nhớ lại những nghi ngờ trong quá khứ và quyết định rời cơ quan tình báo như một bước ngoặt trong cuộc đời.
"Giờ tôi lại phải đứng trước cuộc sống bán quân sự này, với tất cả những giới hạn của nó mà tôi đã bỏ lại phía sau nhiều năm trước. Tôi đã quyết định một cách ý thức về việc sống theo cách khác, khi trở về từ Đức. Từ lâu, tôi đã có một cuộc sống khác. Và tôi lại thích chức vụ mà tôi đang giữ ở điện Kremlin khi đó".
Dẫu sao ông cũng đồng ý, với một điều kiện. Ông khước từ việc phong tặng hàm cấp tướng cho mình bằng cách thuyết phục Valentin Yumashev rồi sau đến Yeltsin, rằng có thể lãnh đạo cơ cấu này như một nhân vật dân sự.
"Ông ấy có cái nhìn rất có tính phân tích trong những tình huống phức tạp, rất không giống cái nhìn của những vị tướng KGB già cỗi. Ông ấy loại bỏ những mối liên hệ không chính thức cũ, tái cấu trúc và trên hết, ông ấy rất trung thành.
Nhờ đó mà Yeltsin ngày càng quan tâm tới ông ấy nhiều hơn", - Yumashev đã tóm tắt như thế về mối quan hệ tin cậy giữa hai con người này. Giờ đây, Vladimir Putin cuối cùng đã trở thành một phần của nhóm quyền lực và gặp Tổng thống mỗi tuần trong những cuộc thảo luận thường xuyên về tình hình.
Lớp an ninh nghiêm ngặt
Giờ đây, ông cũng là một phần của danh sách chính trị với những quy tắc đặc biệt, sống trong một cái kén dày đặc của quyền lực thật sự và những biện pháp hỗ trợ tầm quan trọng của nó.
Suốt ngày, bao quanh ông là cận vệ và những người cống hiến cho bí mật quốc gia đồng thời có một hình dung riêng đối với môi trường này về sự vĩ đại của riêng mình.
Cả hai con gái của Putin, vì lý do an ninh đều đã được đưa khỏi trường trung học Đức ở Moskva. Trước mỗi cuộc gặp mặt, kể cả riêng tư, căn hộ hay địa điểm gặp đều được đội bảo vệ đặc biệt kiểm tra. Gia đình ông không vui sướng gì với những điều kiện này.
TT Vladimir Putin và tố chất có một không hai trong những ngày đầu tới điện Kremlin - Ảnh 2.
Ông Putin cùng gia đình hồi năm 1999. Ảnh: Russian Archives/ZUMA Wire
Lãnh đạo mới của FSB hành động cũng như ngày trước. Ông tập trung vào những vấn đề quan trọng và đưa vào tổ chức những nhân viên mới vốn quen biết từ lâu ở Petersburg.
Ông thành lập trong cơ cấu một đơn vị mới đấu tranh chống tội phạm kinh tế, bảo đảm việc tái cấu trúc đơn vị đấu tranh chống tội phạm về thuế. Ông xây dựng quy củ các cơ cấu mà sau này sẽ sử dụng trong cuộc đấu tranh chính trị sống còn.
"Từ lâu, tôi đã muốn sắp xếp lại trật tự", - Putin nói về những cơ hội tạo ra cho ông ở chức vụ mới này, - "Yeltsin đã cho tôi cơ hội làm điều đó. Nhà nước thực sự là đã không tồn tại". Vladimir Putin vẫn là một người thực dụng.
Ông không tin là mình có thể bám trụ lâu trong giải đấu lớn. Trong bất cứ trường hợp nào, ông cũng vẫn sẵn sàng cho việc này.
Cuộc đời riêng của ông tình hình còn tệ hơn. Vào ngày nghỉ, ông thường xuyên bay về thành phố quê hương. Cha mẹ ông sống sót qua cuộc bao vây. Giờ cả hai đã tuổi 90, và cả hai đều bị ung thư.
Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, Boris Yeltsin đổi Thủ tướng như đổi găng tay. Lúc thì quốc hội phong tỏa việc bổ nhiệm theo kế hoạch, lúc thì Tổng thống cần một con dê tế thần để ông ta có thể đổ tội vì tình hình kinh tế nguy ngập.
"Cần phải thế"
Khi Putin được bổ nhiệm vào chức lãnh đạo FSB, người làm thủ tướng khi đó là cựu Bộ trưởng Năng lượng Sergey Kiriyenko, được dân gian gọi là "Ngạc nhiên con trẻ"(41). Ông ta mới tròn 35 tuổi và chỉ nửa năm sau khi được bổ nhiệm, đã ra đi.
Cuộc khủng hoảng kinh tế mùa hè 1998 lên tới đỉnh điểm. Ở Kuzbass, một trong những mỏ than đá lớn nhất Nga, thợ mỏ bãi công vì nhiều tháng liên tục họ không thấy một côpêch nào, và không chỉ mỗi mình túi họ từ lâu đã rỗng.
Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên Xô và Ngoại trưởng Yevgheni Primakov, thay Kiriyenko, dẫu sao cũng trụ được ở chức vụ lâu hơn hai tháng.
Được quốc hội ủng hộ, ông dần trở nên nguy hiểm với Tổng thống. Berezovsky và các nhà tài phiệt cũng sợ nhà chiến thuật giàu kinh nghiệm đang sẵn sàng ra ứng cử kỳ bầu cử tổng thống tới này. Yeltsin bèn đổi người cạnh tranh bằng cựu Ngoại trưởng Sergey Stepashin.
Ông này được chuẩn bị cho nhiệm kỳ thủ tướng ngắn nhất trong lịch sử Nga.
TT Vladimir Putin và tố chất có một không hai trong những ngày đầu tới điện Kremlin - Ảnh 3.
Ông tại nhiệm chức thủ tướng chỉ 89 ngày, từ tháng Năm đến tháng Tám năm 1999, và vào ngày cuối cùng, ông đã giới thiệu ngắn gọn, rõ ràng người kế nhiệm mình trước Hội đồng Bộ trưởng: "Chào buổi sáng! Tôi không ngồi, vì tôi không còn giữ chiếc ghế này nữa.
Sáng nay, tôi đã nói chuyện với Tổng thống. Ông đã ký văn bản từ chức của tôi, cảm ơn tôi vì công việc và sa thải. Nhiệm vụ của tôi bây giờ sẽ được Vladimir Putin đảm nhận" (115).
"Việc bổ nhiệm tôi, về thực chất, khá kỳ cục", Sergey Stepashin mô tả sự nghiệp "thủ tướng ngắn hạn" của mình như thế. - "Nói chung người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng phải là Bộ trưởng Thông tin Aksyonenko.
Khi đó, tôi sẽ là Bộ trưởng Nội vụ và Phó Thủ tướng. Thế nhưng, bất ngờ Yeltsin gọi tôi và bảo: "Giờ anh phải đảm đương chức thủ tướng". Trả lời câu hỏi của tôi, "Tại sao?", ông chỉ đáp: "Cần phải thế".
Sergey Stepashin từ chức thủ trưởng Phòng kiểm toán vào năm 2015. Ông là người gốc Saint Petersburg và biết Putin từ thời cả hai còn sống ở đó. Stepashin cùng tuổi với Putin và cũng được hình thành trong cơ cấu quyền lực của Liên Xô.
Trong cuộc chính biến chống Gorbachev năm 1991, đại biểu Duma này đã đứng về phía Yeltsin và Gorbachev. Sau đó, Yeltsin đã giao cho ông ta điều tra việc KGB dính líu thế nào vào vụ chính biến, rồi bổ nhiệm ông vào chức lãnh đạo FSB khi cơ quan này còn mang tên gọi cũ.
Ứng viên được yêu thích
Từ lâu, "gia đình" Yeltsin đã tìm kiếm một ứng viên tin cậy, người trong thời buổi không yên tĩnh này có thể xem xét không chỉ như thủ tướng, mà như một ứng viên khả dĩ kế nhiệm tổng thống, người đang luôn không được khỏe.
Cái tên Vladimir Putin ngày càng được nhắc nhiều hơn. Người đứng đầu FSB trở thành nhân vật được yêu thích vì chính những nguyên nhân mà Valentin Yumashev đã nhận xét vào buổi đầu hợp tác của họ ở Moskva.
Ông ta cư xử trầm tĩnh, nhưng kết quả công việc thì rõ ràng. Một đơn vị tin cậy trong sự hỗn loạn chung. Trung thành, hiệu quả, và dường như không có tham vọng. Ảnh hưởng của ông ta không quá rộng, ông ta thực sự không có phe nhóm riêng.
Và nhìn chung, ông ta được nhận định là một ứng viên điều khiển được. Tức là một người điều hành lý tưởng, phục vụ những lợi ích riêng của nhóm Yeltsin. Boris Berezovsky, bạn của "gia đình", cũng tham gia thảo luận về người cai trị trong tương lai.
TT Vladimir Putin và tố chất có một không hai trong những ngày đầu tới điện Kremlin - Ảnh 4.
Cựu Tổng thống Nga Boris Nikolayevich Yeltsin (trái) và Tổng thống Nga đương nhiệm Putin vào năm 2000. Ảnh: Reuters
"Vào lúc đó, chúng tôi thường xuyên bàn bạc xem ai có thể là thủ tướng tiếp theo. Và rõ ràng, đó chính là người mà từ vị trí khởi điểm này sẽ ứng cử vào nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo. Trước khi bổ nhiệm Stepashin, Yeltsin đã đưa ra quyết định có lợi cho Putin", - Valentin Yumashev nhớ lại trong văn phòng của mình ở Bolshaya Polyanka, thu nhỏ vai trò của Berezovsky trong "gia đình" Yeltsin.
"Yeltsin tư duy chiến thuật và không muốn hy sinh Putin trong tình hình căng thẳng. Vì thế, ông bổ nhiệm Stepashin vào chức vụ thủ tướng, rồi sau đó thoát khỏi ông ta. Berezovsky ngay lập tức lên máy bay đi thăm Putin, người khi đó đang nghỉ phép, và báo với ông: ‘Cậu sẽ là tổng thống tiếp theo’.
Ông ta cư xử như mình đã xây đắp mọi thứ. Đó là mô hình kinh doanh của ông ta: ông ta luôn đưa một phần thông tin, để gợi lòng biết ơn và tạo sự lệ thuộc".
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi ở London không lâu trước khi chết, Berezovsky nhớ lại sự kiện này theo kiểu khác.
Theo lời ông ta, ông ta bay tới Biarritz, nơi Putin đang nghỉ ngơi, theo lệnh của tổng thống để làm rõ việc ứng viên nghĩ gì về lời đề nghị. "Berezovsky đã ở chỗ tôi." - Putin khẳng định chuyến thăm ngắn của nhà tài phiệt. - "Tôi ngạc nhiên nhưng cũng biết ông muốn sử dụng tầm ảnh hưởng".
Đối với ông, lời đề nghị thật bất ngờ. Putin không tin mình là người thích hợp cho nhiệm vụ này và khi bay về Moskva, ông đã chia sẻ với Yeltsin những ngờ vực của mình. "Đơn giản hãy nghĩ về chuyện đó, rồi ta sẽ bàn sau", - ông này nói. Thế nhưng, Putin không có nhiều thời gian để suy nghĩ.
Mặc cho những nghi ngờ thoảng qua này, Putin nhận định ông có cơ hội tốt để trở thành "crownprince" [thái tử kế vị].
Không phải vì việc tiến cử của vị tổng thống đang yếu dần trong những ngày khủng hoảng này mà là phần thưởng cho sự nghiệp chính trị.
Tìm kiếm người kế nhiệm
Uy tín của Yeltsin đang sụt giảm mỗi ngày, và Putin thấy rõ Tổng thống đã hy sinh hết thủ tướng này sang thủ tướng khác khi tình hình trở nên nguy kịch đối với ông ta. Việc tìm kiếm một người kế nhiệm tin cậy - đó không chỉ là quyết định tự nguyện, mà còn là một biện pháp bắt buộc.
"Và đa số các nhà đối lập cùng những nghị viên lúc ấy đều tin rằng, bất cứ ứng viên nào đo Yeltsin đề nghị, đều bảo đảm sẽ thua cuộc", - Putin nhớ lại, sau đó chuyển suy nghĩ của mình sang việc liệu ông có thật sự nên đứng ra tham gia bầu cử hay không.
"Một mặt, tôi nhận định nếu chúng tôi muốn sống sót, tuyệt đối phải ngăn chặn sự tan rã của các cấu trúc nhà nước. Tôi muốn điều đó trong bất cứ trường hợp nào. Về quan điểm kinh tế, sự trở lại với Liên Xô là không thể. Mặt khác, tôi không tin mình là người thích hợp cho việc đó".
TT Vladimir Putin và tố chất có một không hai trong những ngày đầu tới điện Kremlin - Ảnh 5.
Ông Putin hồi những năm 1980 khi còn hoạt động trong Lực lượng tình báo Liên Xô. Ảnh: KGB
Dẫu sao cuối cùng ông cũng đồng ý. Với ông, quyết định này có nghĩa là sự thay đổi triệt để hình ảnh. Một cách tự nhiên, nguyên tắc chính của người đứng đầu an ninh quốc gia đã ấn định ông bên ngoài nhiệm sở phải trở nên thật sự vô hình.
Quy tắc này phù hợp với ý thích của ông. Ông không phải dạng người cởi mở với những người xung quanh. Thậm chí, ông chỉ nói với vợ Liudmila rằng ông làm việc trong ngành tình báo đối ngoại không lâu trước đám cưới. Nếu trở thành tổng thống, ông phải thay đổi tận gốc.
Và Vladimir Putin trở thành người của công chúng. Vì nhiệm vụ, ông phải thường xuyên thu hút sự chú ý và làm việc để tạo ra một hình ảnh nhất định, nhằm nắm được chính quyền.
Ông thật sự phải làm theo những định kiến xã hội nhất định và đóng những vai trò tương ứng. Đầu tiên là vai trò chính của một nhân vật nổi tiếng với cung cách cư xử nam tính, được đánh giá cao ở Nga, đối nghịch với một kẻ say sưa bệnh hoạn già nua Yeltsin.
Ngay từ lúc đó, ông đã không quan tâm sự tiếp nhận của phương Tây đối với hình ảnh này. "Tôi không bao giờ muốn giữ chức vụ Thủ tướng Đức", - ông xỏ xiên nói, - "mà chỉ giữ chức vụ Tổng thống Nga".
Cuộc đời riêng ông càng giấu kỹ hơn. Những biểu hiện công khai về đời sống gia đình như của các tổng thống Mỹ, chẳng hạn Barack Obama cùng vợ và con gái - khiến ông phản ứng.
Vào tháng 8-1999, vài ngày trước khi được Yeltsin bổ nhiệm làm thủ tướng, cha của Putin mất. Mẹ ông cũng không được chứng kiến sự cất cánh trong sự nghiệp của con trai. Bà mất vì ung thư vài tháng trước đó.
Tại lễ tang ở Saint Petersburg, ngoài gia đình và người thân, chỉ có khoảng gần mười người bạn của Putin có mặt. Họ nằm trong mạng lưới những nhân viên không chính thức mà người lãnh đạo tương lai của nước Nga sẽ dựa vào những năm sắp tới.
Điểm xuất phát không dễ dàng
Cuộc bỏ phiếu bổ nhiệm thủ tướng thứ năm trong 17 tháng đã diễn ra không vấn đề gì. Vài tháng sau, vào 31-12-1999, Tổng thống Boris Yeltsin từ chức trước thời hạn và bổ nhiệm Vladimir Putin làm người kế nhiệm mình. Phía trước ông là nhiệm vụ khó khăn.
Chỉ 10 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga đang trong tình huống vô vọng.
"Thống kê chỉ truyền tải được một phần sự thật về nước Nga không lâu trước khi đổi ca thiên niên kỷ", - cựu kinh tế gia trưởng của Ngân hàng thế giới Joseph Stiglitz viết và dẫn ra những con số khủng khiếp (116).
TT Vladimir Putin và tố chất có một không hai trong những ngày đầu tới điện Kremlin - Ảnh 6.
Ảnh chụp nước Nga năm 1989. Nguồn:Magnum Photos
"Năm 1989, ở Liên Xô chỉ có 2% người dân sống dưới mức nghèo khó, ở cấp độ 2 đô la/ ngày. 10 năm sau, con số này tăng lên tới ¼ đân số và hơn 40% người Nga sống với số tiền chưa tới 4 đô la/ngày. Hơn 50% trẻ em sống trong các gia đình rơi vào định nghĩa ‘nghèo’.
Công nghiệp Nga sản xuất ít hơn 60% sản phẩm so với 10 năm trước. Thậm chí số lượng gia súc cũng giảm một nửa", - Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế viết. Vị thế khởi điểm của Vladimir Putin hoàn toàn không có triển vọng.
Bản phân tích đánh giá tân tổng thống, phổ biến mật trong hội đồng giám đốc những ngân hàng lớn của Nga, tuyên bố trong thời gian tới không nên chờ đợi những thay đổi đáng kể nào và tất cả sẽ vẫn như trước.
"Trong 10 năm gần đây, Putin chủ yếu làm theo lệnh người khác. Ông ta không có kinh nghiệm ra các quyết định chính trị, và ông ta không thể tính đến sự hỗ trợ của ai khác. Đến nay, ông ta vẫn còn choáng váng vì sự hào phóng của Yeltsin. Ông ta có tâm thế của người phục tùng và cảm thấy phụ thuộc vào gia tộc Berezovsky" (117).
Tính đúng đắn của đánh giá này cũng giống như dự báo của các nhà báo Đức về việc bầu lại Putin năm 2012.
Nội dung bài viết trên đây được trích từ cuốn sách Putin - Logic của quyền lực, do First News – Trí Việt phát hành.
photo-1
Để hoàn thành tác phẩm "nặng ký" này, tác giả Hubert Seipel đã tiếp cận tổng thống Nga Vladimir Putin trong vai trò một nhà làm phim từ năm 2010, để rồi suốt 5 năm sau đó, ông đã có hơn 20 buổi phỏng vấn chuyên sâu, tháp tùng Putin trên hàng chục chuyến đi cả trong và ngoài nước để lấy thông tin. 
Đây là một đặc quyền hiếm hoi bởi Putin thường không gần gũi với bất kỳ nhà báo phương Tây nào.
Từ những cuộc phỏng vấn này, Seipel dẫn dắt độc giả bước vào thế giới của Putin, về mối quan hệ giữa quan điểm thật sự của nhà lãnh đạo Nga với những lợi ích cạnh tranh.
Bằng ngòi bút sâu sắc, Hubert Seipel phác họa chân dung người có ảnh hưởng lớn với nước Nga rất rõ nét.

Không có nhận xét nào: