Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Vì sao ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam?; Dư luận mạng viết về đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng


Ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionÔng Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Dư luận người Việt trong và ngoài nước đang chú ý nhiều đến sự kiện đương kim Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên Bộ chính trị bị Ủy ban kiểm tra Trung ương công khai kiến nghị kỷ luật.

Đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng công bố hôm 27/4, trước lúc Hội nghị Trung ương 5 Khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra đầu tháng Năm.
Ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong giai đoạn 2009 - 2011, là nơi ông từng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn.
BBC ghi nhận một số tiếng nói trên mạng xã hội tiếng Việt và cả báo chí nhà nước tại Việt Nam bình luận sự việc này.

Lặp lại năm 2012?

Nhiều người so sánh đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng với đề nghị xem xét kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại một hội nghị trung ương năm 2012.
Khi đó, Hội nghị Trung ương 6 Khóa 11 ra kết luận "không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị".
Nay nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị, viết trên Facebook cá nhân, cho rằng ông Đinh La Thăng không có sức mạnh như nguyên Thủ tướng:
"Vì đơn giản ông Thăng không có bề dày nắm quyền lực như ông Nguyễn Tấn Dũng để có thể chi phối chọn lựa của các ủy viên TƯ."
Hoặc nếu ông Thăng không bị kỷ luật, cây bút Tâm Chánh nêu giả thiết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể "huy động sự tham gia của người dân vào cuộc đấu tranh sinh tử này".
"Yếu huyệt trong thế trận này chính là ai nhanh chóng nắm giữ ngọn cờ công khai và chuyển nó thành khí thế của dân."


"Ông Trọng sẽ thắng nếu biết khai thác sức mạnh này, biến dư luận thành công luận, nhưng ở thời ông Trọng tác động chính yếu này của truyền thông không còn trong tay nền báo chí cách mạng vốn bị tẩn nhừ tử, chỉ có một mực "cách mạng" mà không còn sự chính trực báo chí nữa."
Còn nếu ông Thăng nhận mức kỷ luật khá nặng là "cảnh cáo", cây bút Tâm Chánh nêu ra kịch bản:
"Sự leo thang mong muốn trừng phạt này sẽ làm lộ ra không it tật bệnh ở mức trầm kha của một hệ thống chinh trị sau nhiều năm kiến tạo pháp quyền vẫn chỉ có thể dùng đến uy quyền để cai trị chính bộ máy của mình."

Giải pháp 'đồng bộ'


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp khai mạc Hội nghị Trung ương 5Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp khai mạc Hội nghị Trung ương 5
Đại hội Đảng 12 diễn ra tháng Giêng 2016Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionĐại hội Đảng 12 diễn ra tháng Giêng 2016

Trong khi đó, cây bút Nguyễn An Dân cũng dùng Facebook để đòi hỏi:
"Nhân dân chỉ tin khi đồng thời với xử lý kỷ luật ông Thăng là những giải pháp đồng bộ công khai, minh bạch với nhân dân và đảng viên cơ sở trong xử lý toàn diện."
"Xa hơn là việc chọn lựa bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cần phải công khai, minh bạch những thành tích đã đạt được, có chương trình hành động để đạt được các mục tiêu, yêu cầu của cương vị đó, thuyết phục được các đảng viên và quần chúng nhân dân."
Ông này cho rằng: " Vấn đề cuối cùng vẫn là hiến pháp phải đứng trên đảng pháp, là pháp trị, là tư pháp độc lập."
Chốt lại, ông Nguyễn An Dân kêu gọi cải tổ chính trị:
"Chính trị càng cải cách nhanh chừng nào thì tham nhũng sẽ giảm dần đi chừng ấy, đó mới là cách chống tham nhũng hiệu quả và lâu dài, vì lợi ích nhân dân, chứ không phải giữ nguyên hệ thống nhưng đem dê ra tế thần khi cần thiết."

Chấn động hay rất bình thường?

Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công khai đề xuất hình thức kỷ luật với ông Đinh La Thăng, truyền thông nhà nước tại Việt Nam cũng phỏng vấn một số người thường trả lời báo chí.
Cựu đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng:
"Từ nay, nên theo nếp sống văn minh như thế: Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và kỷ luật của tổ chức."
Một cựu Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nói:
"Người có công thì biểu dương, người có tội thì không bỏ qua."


"Tôi ghi nhận tinh thần nghiêm túc ấy. Còn xem xét kết luận ấy như thế nào, xử lý ra sao thì do Trung ương quyết định."
Còn trên trang Giáo Dục, luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết:
"Nội dung kết luận kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương quả thực là vụ việc theo tôi là chấn động.
Nói chấn động, vì đồng chí Đinh La Thăng từng được ca ngợi là năng động, có những táo bạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác...

Ông Đinh La ThăngBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionÔng Đinh La Thăng từng được nêu như một "hiện tượng" của chính trị Việt Nam vài năm qua

Trước đây, dư luận chỉ biết cái đồng chí Đinh La Thăng làm được nhưng nay Đảng đã chỉ ra những trách nhiệm của đồng chí về những hậu quả mà đồng chí đã làm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chịu xem xét xử lý theo điều lệ Đảng".
Nhưng ông Phan Xuân Xiểm cũng nói thêm:
"Đồng chí Đinh La Thăng giữ chức vị cao trong Đảng bị đề nghị xem xét kỷ luật thì tôi cho là điều bình thường."
Cũng về sự "bình thường", trang Viet-Studies ở Hoa Kỳ nhắc lại một bài trên VietnamNet hồi tháng 11/2011 trích lời ông Vũ Mão, cựu quan chức cao cấp ở Việt Nam khi đó khen Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng:
"Tôi hoan nghênh và ủng hộ những việc làm thể hiện tư duy, phong cách mạnh mẽ của của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng...
Hiện nay, dư luận đồng tình với Bộ trưởng Thăng rất nhiều, những ý kiến qua lại cũng không ít, tôi cho đó là chuyện bình thường."
BBC sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến trước và trong kỳ hội nghị trung ương 5 khóa XII của Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam sắp diễn ra.


Vì sao ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam?


(VTC News) - Cùng nhìn lại những mốc sự nghiệp của ông Đinh La Thăng cho đến khi bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.
5 năm làm Chủ tịch PVN
Ông Đinh La Thăng, sinh ngày 10/09/1960, quê ở Nam Định, ông có học vị tiến sĩ, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trước khi được phân công làm Bí thư TP.HCM.
Ông Thăng bắt đầu công tác từ năm 1983 tại Công ty Cung ứng vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, là kế toán viên. Sau đó là phó kế toán trưởng, kế toán trưởng công ty, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty.
Đến năm 1989, ông làm phó kế toán trưởng, kế toán trưởng, Ủy viên Ban Thưởng vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà, Ủy viên Trung ương Hội Kế toán Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng.
Từ năm 1995, ông Thăng làm Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Sông Đà; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Vi sao ong Dinh La Thang bi khoi to, bat tam giam? hinh anh 1
Ông Đinh La Thăng 

Giai đoạn 2001 đến 2003, ông làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà. Đại biểu Quốc hội Khoá XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Ủy viên Trung ương Hội Kế toán Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam.
Năm 2003, ông được điều động làm Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế. Giai đoạn này, ông Thăng cũng được bầu là đại biểu Quốc hội Khoá XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Giai đoạn 2006-2008, ông Thăng làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội Khoá XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó bí thư Đảng uỷ cơ quan Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Từ tháng 12/2008, ông Thăng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Video: Nhìn lại chặng đường sự nghiệp của ông Đinh La Thăng
Năm 2011, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó ông Thăng tiếp tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khoá XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.  Ông Thăng cũng tiếp tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa XIV.
Tháng 2/2016, tại Thành ủy TP.HCM diễn ra hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy.
Bị đề nghị xem xét kỷ luật
Ngày 27/4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan. 
Cụ thể, Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên; không kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc Tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm vẫn được Tập đoàn điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, có trường hợp điều động, bổ nhiệm chức vụ cao hơn; để nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị khai trừ ra khỏi Đảng và xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn.
Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.
Thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Đảng ủy Tập đoàn ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ĐU, ngày 17/8/2009 có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.
Để Hội đồng Thành viên ban hành các nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến Hội đồng Thành viên và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng; trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng.
Để Hội đồng thành viên ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN, ngày 16-5-2011 góp vốn đầu tư vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn.
Nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro khó thu hồi vốn đầu tư với tổng số tiền rất lớn.
Trong đó, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.
Video: Những phát ngôn gây chú ý của ông Đinh La Thăng
Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17-3-2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật;       
Vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/9/2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn và Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi Hội đồng quản trị  Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng thành viên ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng Thành viên ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005.
Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
Cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị
Ngày 7/5/2017, ngày làm việc thứ ba Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đọc tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam). 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận kỹ, thống nhất cao với tờ trình của Bộ Chính trị. Trung ương Đảng nhận thấy ông Đinh La Thăng, có quá trình công tác gần 35 năm, có những đóng góp nhất định cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và những cơ quan, đơn vị giữ cương vị lãnh đạo.
Nhưng trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011, ông Thăng đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân, "gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng".
"Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%)", thông cáo ngày làm việc thứ ba Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu.
Cho thôi đại biểu Quốc hội
Chiều 8/12/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua hai nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Video: Những sai phạm của ông Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV, liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.
Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng: (1) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); (2) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Khởi tố, bắt tạm giam, đình chỉ sinh hoạt Đảng
Ngày 8/12/217, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp uỷ (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ ngày 8/12/2017 theo Quyết định khởi tố bị can số 522/C46, ngày 08/12/2017 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46, ngày 08/12/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Thời hạn đình chỉ được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có).
Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và ông Đinh La Thăng thi hành Quyết định này.
Quyết định trên căn cứ Điều lệ Đảng; Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XII; Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và theo đề nghị của Đảng uỷ Công an Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

NAM MINH





Ngày 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua 2 nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). 
du luan dong tinh voi viec xu ly ong dinh la thang hinh 1
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Trước sự việc, Nhà thơ Giang Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, hơn 70 năm tuổi Đảng cho biết, ông cũng như nhiều Đảng viên lão thành rất đồng tình với những hình thức kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng.
Theo ông Nam, cho thôi Đại biểu Quốc hội thể hiện quyết tâm cao trong công tác phòng chống tham nhũng, đem lại niềm tin cho người dân.
Ông Giang Nam cho biết: “Đúng là nghiêm trọng đấy, bãi miễn đại biểu Quốc hội, dân sẽ ủng hộ. Đó cũng là bài học cho anh em khác, khi có quyền lực trong tay hết sức cẩn thận. Bài học lớn lắm, đem lại niềm tin cho đảng viên thế hệ chúng tôi. Đây là áp dụng những điều mà ta đã hứa với dân, nhất định bài trừ tham nhũng, bài trừ lợi dụng quyền lực. Những chuyện cũ đối với cá nhân Đinh La Thăng sẽ còn những việc phía sau nữa.”
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Dung, đảng viên ở Quận 8, TP.HCM nhận xét: “Quyết định này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khiến chúng tôi tăng thêm niềm tin vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta”.
Bà Dung cho biết thêm: “Điều này đã khẳng định rằng, những cán bộ đảng viên dù ở cương vị nào, là ủy viên Bộ Chính trị, hay ủy viên TW Đảng, hoặc đứng đầu một bộ, ban, ngành nhưng làm trái quy định của chỉ đạo, điều hành không đúng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân thì cần phải xử lý thích đáng”.
Bà Dung cho rằng: “Không chỉ có một cá nhân ông Đinh la Thăng mà cả những người liên quan đến các vụ việc này cũng cần điều tra làm rõ và đưa ra nghiêm trị trước pháp luật”.
Liên quan đến vụ việc của ông Đinh La Thăng, nhiều ý kiến của cử tri, cán bộ, đảng viên tỉnh Điện Biên cho rằng, Đại biểu Quốc hội phải đại diện cho ý kiến của nhân dân, phải đủ phẩm chất đạo đức, thật sự trong sạch. Do đó đều tỏ ra đồng tình, nhất trí với việc Quốc hội bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Đây là một chủ trương hết sức đúng, kiên quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Bởi vì những người là đại diện của dân không chỉ là với địa phương bầu ra ông Đinh La Thăng mà còn là cử tri cả nước.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương đã kiên quyết việc thực hiện phòng chống tham nhũng và chúng ta đã loại dần được cái cụm từ đó là “vùng cấm đối với cán bộ cấp cao”
Còn ông Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên cho rằng: Trong thời gian qua, Đảng ta rất kiên quyết với nhiệm vụ chống tham nhũng, đặc biệt coi trọng đạo đức, phẩm chất chính trị của cán bộ. Đa số Đảng viên, cán bộ, cử tri và người dân chúng tôi rất hoan nghênh và coi đó là quốc sách hàng đầu của Đảng ta trong việc đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu, nhất là đối với cán bộ hiện nay.
Là Đại biểu Quốc hội thì những đồng chí này phải thực sự được người dân tín nhiệm, trân trọng. Bởi vì họ thay mặt quyền và lợi ích của tất cả mọi người, đồng chí đại diện cho tất cả người dân, lo chung việc nước, gánh vác việc nước, việc dân thì phải thực sự gương mẫu, phải thật sự trong sạch.
Còn ông Nguyễn Việt Thanh, một đảng viên ở TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cho biết, theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng, một đảng viên dù ở cương vị nào khi có thành tích sẽ được khen thưởng và khi có những vi phạm, phải chịu kỷ luật, đặc biệt người có chức vụ càng cao thì phải chịu trách nhiệm càng lớn, không có vùng cấm cho đối tượng nào cả.
“Chuyện Đảng xử lý cũng theo nguyên tắc thôi, trên cơ sở thiếu sót nào đó, mình tin tưởng Đảng, đây là việc trong sáng thôi. Nói chung từ xưa tới giờ không có đồng chí nào nằm ngoài vùng cấm cả, từ cơ sở đến Trung ương, nếu có thiếu sót phải xử lý", ông Thanh cho biết.
Ông Phan Quốc Nam, một cựu chiến binh ở TP.Trà Vinh nêu quan điểm: “Theo tôi nếu là Ủy viên Bộ chính trị có vi phạm cũng phải xử lý thôi. Bộ chính trị là cơ quan Đảng cao nhất nhưng chống tham nhũng thì cấp nào cũng phải xử lý hết. Một số cán bộ trong đó có ông Đinh La Thăng vi phạm như vậy thì kỷ luật thôi, tùy theo mức độ. Có như vậy người dân mới có niềm tin với Đảng”.
Người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng rất tán thành, ủng hộ việc này và mong muốn việc xử lý vi phạm cần được nhân rộng, bởi vì nếu chỉ hô hào phòng chống tham nhũng nhưng không quyết liệt thì sẽ đánh mất niềm tin của nhân dân.
Cử tri Đặng Ngọc Phi, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu nói: “Tôi nhận thấy việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy cán bộ, đặc biệt là chúng ta đang thể hiện điều đó bằng việc nói và làm rất là triệt để, cứ anh đã vi phạm thì anh phải bị xử lý. Việc xử lý ông Đinh La Thăng là một lãnh đạo cấp cao, thực sự rất được lòng dân và người dân hoàn toàn tin tưởng vào quyết định đó”./.
Cùng ngày, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp uỷ (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ ngày 8/12/2017 theo Quyết định khởi tố bị can số 522/C46, ngày 08/12/2017 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46, ngày 08/12/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an. Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV, liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra. 
Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng: (1) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); (2) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II./. 
Nhóm PV/VOV


Không có nhận xét nào: