Luật sư Ngô Ngọc Trai
Dư luận trong nước đang ồn ào về dự án nghĩa trang dành cho cán bộ cấp cao được xây dựng tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 1400 tỷ đồng.
Qua theo dõi thì thấy dường như Quốc hội không hề có bất cứ vai trò nào trong dự án này. Tức là dự án được quyết định hoàn toàn bởi Chính phủ mà không thông qua Quốc hội.
Đây là một dẫn chứng cho thấy Chính phủ Việt Nam là chính phủ nắm nhiều quyền rộng rãi nhất so với chính phủ các nước trên thế giới trong việc chi tiêu ngân sách quốc gia.
Nhìn từ các nước
Chúng ta biết rằng tại mỗi quốc gia nguồn ngân sách là có giới hạn cho nên luôn phải lựa chọn tính toán kỹ cho những việc chi tiêu. Và ở hầu hết các nước họ quy định việc quyết định chi tiêu ngân sách phải do cơ quan dân cử là Quốc hội quyết định.
Xuất phát từ tiền đề rằng nhân dân mới là chủ nhân của đất nước, cho nên nhân dân mới là người quyết định mọi việc. Và dân chúng do số lượng đông đảo không thể cùng tham gia việc nước cho nên đã bầu ra những người đại diện cho mình đó là các Đại biểu Quốc hội.
Mặt khác, nhiều khối dân chúng với sự khác biệt về địa vị, nghề nghiệp, nhận thức khác nhau, nên dễ hiểu là khi đứng trước các dự định chi tiêu ngân sách sẽ xảy ra bất đồng tranh cãi.
Các đại biểu Quốc hội thay mặt cho họ sẽ thảo luận với nhau về tính cần thiết và tính cấp thiết của từng dự án, để rồi từ đó dàn xếp nhất trí với nhau thông qua việc chi tiêu bằng biểu quyết theo đa số.
Đối với các khoản chi thường xuyên như trả lương cho bộ máy nhà nước thì Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định dự toán ngân sách hàng năm. Còn đối với các dự án đầu tư công thì Quốc hội các nước cũng đem ra bàn tính để từ đó quyết định bằng một dự luật cụ thể.
Theo đó việc chi tiêu ngân sách quốc gia do Quốc hội quyết định đã trở thành nguyên tắc căn bản đương nhiên trong tổ chức bộ máy các quốc gia trên thế giới.
Vừa rồi ở bên Mỹ, Quốc hội Mỹ do không nhất trí được dự luật ngân sách chi trả lương cho bộ máy khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Đó là ví dụ cho thấy Quốc hội Mỹ nắm thẩm quyền quyết định về chi tiêu ngân sách quốc gia.
Đến cái khoản chi thiết yếu là chi trả lương cho bộ máy mà Chính phủ Mỹ còn phụ thuộc vào Quốc hội thì thật khó tưởng tượng được là Tổng thống Mỹ có thể quyết định một khoản chi tiêu ngân sách hay một dự án đầu tư mà không thông qua Quốc hội.
Việt Nam thì sao?
Ở Việt Nam lâu nay Hiến pháp cũng đã quy định trao quyền cho Quốc hội là quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương.
Hiến pháp không hề có một nội dung nào có thể diễn giải theo nghĩa cho Chính phủ được tự quyết định chi tiêu ngân sách.
Thực sự là khi tôi xem kỹ nội dung quy định về Quốc hội và Chính phủ trong Hiến pháp thì thấy Chính phủ được mô tả là chủ thể thừa hành, thực thi các ý chí của Quốc hội. Và có thể nhận định là với nội dung tinh thần như vậy thì mối tương quan vai trò giữa cơ quan lập pháp và hành pháp của nhà nước Việt Nam cũng tiệm cận tương đồng với các nước trên thế giới.
Nhưng điều khác hẳn hoàn toàn lại được thể hiện trong Luật tổ chức chính phủ. Theo đó Chính phủ có hàng loạt quyền hành rộng lớn mà theo đó chắc chắn sẽ khiến Quốc hội bị mất đi vai trò.
Điểm nổi bật trong Luật tổ chức Chính phủ là Chính phủ nắm rất nhiều quyền hạn trong quản lý phát triển kinh tế. Các quyền hạn rộng rãi đã biến Chính phủ không phải là người kiến tạo không gian sân chơi, mà Chính phủ lại là một đơn vị rất nỗ lực đi làm kinh tế.
Theo đó Chính phủ nắm quyền quản lý can thiệp rất sâu rộng vào nền kinh tế thị trường bằng các quyết sách về tài chính tiền tệ và đầu tư có ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Còn theo Luật đầu tư công thì Quốc hội và Chính phủ cùng có quyền quyết định dự án đầu tư, tùy thuộc vào quy mô dự án.
Trong đó Quốc hội quyết định đối với các loại dự án sau:
- Dự án quan trọng quốc gia có sử dụng vốn ngân sách từ 10.000 tỷ trở lên
- Một số ít ỏi danh mục các dự án khác như dự án nhà máy điện hạt nhân.
- Dự án sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên;
- Rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên;
- Dự án sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ với quy mô từ 500 héc ta trở lên;
- Dự án di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;
- Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Ngoài các trường hợp kể trên, Luật đầu tư công phân loại một loạt các dự án nhóm A, B, C với hàng chục kiểu loại đều thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các Bộ.
Ví như dự án xây dựng nghĩa trang gây tranh cãi 1400 tỷ đồng (thuộc mức ngân sách dưới 10.000 tỷ đồng) thì cũng thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng chính phủ.
Không chỉ thế ở Việt Nam một khối lượng lớn tài sản quốc gia nằm trong các doanh nghiệp nhà nước và việc quyết định đầu tư kinh doanh khối tài sản này cũng nằm trong tay ban lãnh đạo các doanh nghiệp và Chính phủ.
Những điều đó cộng hưởng với nhau tạo ra mức độ khuynh loát chi phối ngân sách quốc gia to lớn mà theo đó Quốc hội gần như hoàn toàn mất đi vai trò.
Quốc hội quá yếu quyền
Quốc hội Việt Nam được thiết kế tổ chức hoạt động theo một cách thức làm suy giảm vai trò của nó.
Ví như việc ấn định thời gian làm việc quá ngắn ngủi, chỉ khoảng hai tháng mỗi năm, tình trạng kiêm nhiệm hay mức độ đầu tư ít ỏi cho các Đại biểu Quốc hội.
Từ đó khiến cho các dự án thay vì được đưa ra Quốc hội bàn luận xác lập rõ tính xác đáng và tính cấp thiết, thì việc quyết định lại chỉ dựa vào ý chí chủ quan của một nhóm nhỏ lãnh đạo chính phủ.
Đồng nghĩa với đó ý chí và nguyện vọng của nhân dân không được điếm xỉa đến.
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, trưởng một văn phòng luật sư ở Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét