Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Bộ Ngoại giao Mỹ: nhân quyền Việt Nam năm 2018 vẫn tệ hại; Nhân quyền Việt Nam năm 2018: Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam duy trì chế độ “công an trị”


Nhiều người tham gia vào các cuộc biểu tình chống Luật đặc khu đã bị kết án tùNhiều người tham gia vào các cuộc biểu tình chống Luật đặc khu đã bị kết án tù
Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp các tiếng nói bất đồng bằng cách bắt giam tùy tiện, ngược đãi tù nhân, siết chặt các quyền bày tỏ trên mạng, quyền hội họp, quyền lập hội…, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong bản phúc trình về tình hình nhân quyền các nước trong năm 2018 vừa được công bố.
Về tình trạng bắt giữ và giam cầm tùy tiện, nhất là đối với những nhà hoạt động chính trị hay các cá nhân phản đối cưỡng chế đất, vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, theo phúc trình.

Phúc trình dẫn ra trường hợp của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang – người bị bắt giữ và thẩm vấn nhiều lần trong năm qua, trong đó có một lần cô bị đưa đi từ nhà riêng đến Cục điều tra An ninh thuộc Bộ Công an để thẩm vấn hàng giờ về cuốn sách ‘Chính trị Bình dân’ của cô.
Ngoài ra, chính quyền còn quản chế hay bắt giam tùy tiện nhiều nhà hoạt động tôn giáo và chính trị tại nơi cư trú của họ hay đưa vào đồn công an địa phương hay đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội, theo phúc trình. Một số nhà vận động nhân quyền cũng bị thường bị bắt sau khi đi nước ngoài về.
Những người tham gia vào các cuộc biểu tình chống Nhà nước thường xuyên bị sách nhiễu và tấn công, cũng theo bản báo cáo này. Báo cáo nêu ra trường hợp công an Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng Sáu đã đánh đập và bắt giữ 180 người chống một cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.
Những nhà hoạt động bị kết án tù cũng đối mặt với các hình thức ngược đãi như ép cung, đánh đập, tra tấn, thiếu chăm sóc y tế, đưa đi xa nhà và gây khó khăn cho thân nhân đi thăm viếng.
Phúc trình dẫn số liệu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong năm 2018 có hơn 100 người bị ngồi tù ở Việt Nam vì các lý do chính trị và tôn giáo. Trong đó, phúc trình nêu lên trường hợp của các thành viên Hội Anh em Dân chủ, bao gồm các ông Nguyễn Trung Trực, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà hoạt động tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyền và nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình đều nhận được những bản án nặng nề.
Bản phúc trình dẫn lời các nhà hoạt động cho biết các cán bộ của Bộ Công an thường ‘đánh đập các tù nhân chính trị để buộc họ nhận tội hay sử dụng các phương cách khác để ép họ viết biên bản nhận tội, trong đó có việc yêu cầu các bạn tù tấn công họ với lời hứa hẹn về một số ân huệ’. Ngoài ra công an cũng tìm cách moi thông tin từ các tù nhân chính trị về các nhà hoạt động nhân quyền khác.
Mặc dù theo luật định, trước khi chính thức bị truy tố, những người bị giam giữ có quyền thông báo cho gia đình, Bộ Công an vẫn giam giữ một số blogger và nhà hoạt động bị tình nghi về phạm tội an ninh quốc gia mà không công bố thông tin. Cho đến tháng 11, vẫn còn hơn một chục blogger bị bắt giam cho đến nay vẫn chưa biết tin tức là bị giam ở đâu, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Điều kiện giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam đa phần là ‘khắc nghiệt’, báo cáo cho biết. Phần ăn không đủ, thức ăn không vệ sinh, quá tải, thiếu nước sạch và vệ sinh kém là một số vấn đề của nhà tù Việt Nam mà phúc trình chỉ ra.
Theo phúc trình thì các cán bộ trại giam sẽ nhắm vào các tù nhân chính trị để ngược đãi và thường giam họ chung trong những nhóm nhỏ riêng rẽ với tù thường phạm. Phúc trình dẫn lời các cựu tù nhân cho biết cán bộ trại giam dùng sách đánh họ để không để lại vết đánh có thể nhìn thấy. Trong một số trường hợp, họ còn cổ vũ cho các tù nhân khác quấy rối và tấn công tù nhân chính trị. Trường hợp của bà Trần Thị Nga kể lại rằng bà bị một bạn tù ở trại giam Gia Trung ‘đánh đập tàn nhẫn’ cũng được nêu như một dẫn chứng.
Nhà hoạt động Công giáo Lê Đình Lượng, người bị kết án 20 năm tù vì ‘tiến hành các hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ bị biệt giam tại Trung tâm Giam giữ tỉnh Nghệ An ở nơi không có ánh sáng Mặt trời trong vòng một năm, phúc trình dẫn lời kể của thân nhân ông cho biết.
Về khẩu phần ăn thì các cựu tù nhân chính trị cho biết họ được cho ăn không đủ và đồ ăn thì tệ hại với chỉ hai chén nhỏ cơm và rau mỗi ngày mà còn bị lẫn với sỏi và côn trùng. Về chăm só cy tế, nhiều tù nhân chính trị và thân nhân của họ cho biết họ không được chăm sóc đầy đủ trong tù và dẫn đến những hậu quả lâu dài cho sức khỏe của họ.
Việt Nam vẫn duy trì cách làm là chuyển tù nhân đi rất xa quê nhà của họ khiến cho thân nhân của họ khó mà thăm viếng và thường xuyên bị chuyển trại mà không thông báo cho gia đình. Điển hình là trường hợp của tù nhân Trương Minh Đức từ Thành phố Hồ Chí Minh bị chuyển đến Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh các tù nhân chính trị, bản phúc trình cũng cho biết các học viên tại các trung tâm cai nghiện ma túy cũng bị ngược đãi với dẫn chứng các học viện tại một trung tâm cai nghiện ở Tiền Giang bỏ trốn hàng loạt hồi tháng Tám đã cho biết họ bị buộc làm việc không lương 8 tiếng một ngày và sẽ bị trừng phạt, bao gồm đánh đập, nếu họ cứng đầu.
Trên lĩnh vực tư pháp, bản phúc trình cho biết hệ thống tư pháp của Việt Nam ‘trên thực tế nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản’ và ‘vai trò của Đảng là đặc biệt nổi bật’ trong những vụ án tham những hay thách thức Đảng và Nhà nước. Phúc trình dẫn lời các luật sư cho biết trong nhiều trường hợp ‘dường như thẩm phán đã có phán quyết có tội trước khi xét xử’.
Các luật sư đại diện cho các nhà hoạt động chính trị cũng bị sách nhiễu, giới hạn, khai trừ và đạo luật hình sự mới buộc họ phải vi phạm nghĩa vụ với thân chủ của họ trong những trường hợp liên quan đến ‘an ninh quốc gia’.
Về quyền tự do biểu đạt, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Việt Nam tiếp tục sử dụng những điều khoản về an ninh quốc gia và chống bôi nhọ để hạn chế quyền này, trong đó có định ra các tội danh nhu ‘phá hoại cơ sở chủ nghĩa xã hội’, ‘gây chia rẽ lương giáo’, ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ hay ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân’.
Theo đó, chính quyền tiếp tục hạn chế những bài viết và phát ngôn chỉ trích các lãnh đạo, Đảng hay đòi đa nguyên chính trị, đa đảng, đòi nhân quyền, tự do tôn giáo hay chỉ trích chính sách đối với Trung Quốc về lãnh thổ.
Dẫn chứng mà phúc trình đưa ra là Luật An ninh mạng với những điều khoản mơ hồ như ‘xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, phá hoại đoàn kết dân tộc, gây rối trật tự công cộng’ và vụ bắt giữ blogger Lê Anh Hùng về tội ‘lạm dụng các quyền tự do dân chủ’ để chỉ trích các lãnh đạo trên mạng.
Theo phúc trình, dưới Luật An ninh mạng này, chính quyền Việt Nam đã gây sức ép buộc các công ty như Facebook và Google dỡ bỏ những ‘tài khoản giả’ và ‘nội dung độc hại’, trong đó có nội dung chống Nhà nước.
Về quyền tự do đi lại, chính quyền Việt Nam đã hạn chế việc đi lại của các cựu tù nhân như bà Bùi Thị Minh Hằng và ông Đinh Nhật Uy trong khi tiếp tục giám sát và hạn chế sự đi lại của các nhà hoạt động và lãnh đạo tôn giáo nổi bật như Nguyễn Đan Quế, Phạm Chí Dũng, Phạm Bá Hải, Nguyễn Hồng Quang, Thích Không Tánh, Lê Công Cầu và Dương Thị Tân.
Một số nhà hoạt động còn bị cấm ra nước ngoài như Bùi Minh Quốc, Đinh Hữu Thoại, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Đoan Trang, Lê Hồng Quang và Lệ Công Định. Những người này bị tịch thu hộ chiếu với những cáo buộc mơ hồ hay không được cấp hộ chiếu mà không có lời giải thích rõ ràng.

Diễn đàn Facebook


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo tại buổi họp báo công bố Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 ngày 13/03/19. Courtesy: Ảnh chụp màn hình state.gov


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe 
Ngay sau khi công bố bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018, trong buổi họp báo diễn ra tại Bộ Ngoại Giao Mỹ, Ngoại trưởng Michael Pompeo nhấn mạnh rằng ông mong đợi một kết quả báo cáo tình hình nhân quyền thế giới trong năm qua không bị tì vết và được cải thiện, tuy nhiên thực tế không được như vậy.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo kể tên một số quốc gia bị ghi nhận vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn:

“Năm ngoái, chính quyền của các quốc gia đã xử tử khoảng hơn 20 người và bắt giữ hàng ngàn người mà không qua xét xử, chỉ vì người dân biểu tình cho các quyền của họ. Chính phủ cấm đoán truyền thông đưa tin tức về các cuộc xuống đường. Những việc làm như thế cho thấy Chính phủ Iran tiếp tục áp đặt sự hà khắc lên dân chúng trong 4 thập niên qua. Trong khi đó, quân đội của Nam Sudan xâm hại tình dục đối với dân chúng vì thể hiện quan điểm chính trị khác biệt. Ở Nicaragua, người dân biểu tình ôn hòa để đòi hỏi về phúc lợi xã hội thì bị tấn công, còn chỉ trích các chính sách của chính phủ thì bị tống xuất, cầm tù hoặc là bị giết hại. Trung Quốc lại vi phạm nhân quyền theo cách của riêng họ. Chỉ trong năm 2018, Trung Quốc tăng cường đàn áp lên người Hồi Giáo và các nhóm dân sắc tộc thiểu số ở mức kỷ lục. Hiện tại, có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người theo đạo Hồi giáo bị đưa vào các trại tập trung cải tạo vì thực hành tín ngưỡng và gìn giữ truyền thống sắc tộc. Chính phủ Bắc Kinh cũng gia tăng bắt bớ các tín đồ Thiên Chúa giáo, người Tây Tạng và bất kỳ người dân nào có quan điểm khác với chính quyền hay cất lên tiếng nói đòi hỏi chính quyền phải thay đổi.

Trong Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ, phần báo cáo liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam mới nhất, diễn ra hồi năm 2016 không phải là cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì chế độ “công an trị” để điều hành quốc gia, qua rất nhiều thông tin và bằng chứng cho thấy vấn đề nhân quyền ở nước này bị vi phạm liên can bởi công an như cơ quan chức năng bách hại người dân một cách tùy tiện và vô pháp; tra tấn người dân; bắt bớ dân chúng tùy tiện, bắt giữ và kết án một cách vô pháp những cá nhân lên tiếng chỉ trích chính phủ hay đòi hỏi các quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và tự do thông tin; theo dõi liên lạc thông tin của dân chúng; cấm đoán người dân hoạt động cho phong trào tự do dân chủ hay tham gia các tổ chức chính trị…

Bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ nêu rõ tính đến cuối tháng 11 năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an, mà phía chính quyền chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra liên quan những cái chết đầy khuất tất đó, thậm chí gia đình các nạn nhân còn bị sách nhiễu và hăm dọa khi yêu cầu chính quyền trả lời cho những thắc mắc của họ về cái chết của người thân.

Bản phúc trình còn lên án tình trạng công an ngược đãi và tra tấn những người bị bắt giữ trong lúc thẩm vấn. Một số nhà hoạt động ở Việt Nam còn tố cáo công an chìm liên tục sách nhiễu, tấn công và đe dọa giết hại họ.

Trường hợp tù nhân bị đối xử tệ hại ở các trại giam tại Việt Nam cũng được nhắc đến trong bản phúc trình, như trại tù bị quá tải, đồ ăn thức uống bị thiếu và không sạch sẽ, điều kiện vệ sinh tồi tệ. Riêng các tù nhân chính trị bị đối xử hà khắc hơn, thường bị giam riêng, biệt giam trong nhiều ngày và bị khủng bố tinh thần. Theo số liệu ghi nhận từ các tổ chức nhân quyền thế giới, bản phúc trình cho biết Việt Nam trong năm 2018 có hơn 100 tù nhân chính trị và tôn giáo.

Ngành tư pháp của Việt Nam cũng bị tố cáo vi phạm pháp luật hiện hành từ khâu bắt giữ tùy tiện cho đến những phiên tòa với các bản án “bỏ túi” mà thẩm phán đã định sẵn trước khi tiến hành xét xử.

Bản phúc trình đề cập đến tình trạng người dân bị mất đất đai, nhà cửa do các lực lượng chức năng cưỡng chế bất hợp pháp và việc khiếu nại, thưa kiện của người dân liên quan đất đai không được chính quyền giải quyết thỏa đáng.

Báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2018 trong bản phúc trình ghi nhận tình trạng giới chức địa phương đối xử phân biệt đối với các nhóm sắc thiểu số ở khu vực phía Đông Bắc, Tây Nguyên và vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Từ Việt Nam, nhà hoạt động dân chủ nhân quyền Đinh Quang Tuyến nhận định với RFA rằng tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2018 nghiêm trọng hơn so với năm trước đó:

“Theo tôi thấy thì rõ ràng là nghiêm trọng hơn, tính theo số người bị bắt và tính theo sự đa dạng. Tại vì, hồi trước chỉ bắt và đánh người đi biểu tình thôi. Còn bây giờ thì tài xế phản đối BOT “bẩn” cũng bị nữa…thì dạng thức rộng hơn rất nhiều. Khi mà các tầng lớp nhân dân lến tiếng thì chính quyền càng ngày càng lộ, lộ hết bản chất độc tài toàn trị của họ. Và tất nhiên khi như vậy thì mức độ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hơn rất nhiều.”

Một số người trong giới đấu tranh dân chủ ở trong nước cho rằng phúc trình của Hoa Kỳ về thực thi nhân quyền năm 2018 tại Việt Nam phản ảnh đúng tình hình thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, họ nói với RFA rằng có một yếu tố tích cực cần được ghi nhận là chính phủ Hà Nội càng cai trị người dân bằng chế độ “công an trị” thì dân chúng càng phản kháng mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ, ghi nhận một điểm sáng của Chính phủ Việt Nam là thỉnh thoảng chính phủ có các hành động sửa sai, trong đó có cả việc truy tố các quan chức vi phạm luật; thế nhưng cũng có các viên chức ngành công an phạm luật lại không bị trừng phạt.


RFA

Không có nhận xét nào: