Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

Điều gì khiến tập đoàn Điện lực lãi đậm nghìn tỷ nhưng vẫn tăng giá?

(Thời sự) - Thiếu nguồn cung, chi phí phát sinh thực tế lớn, khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá, giá thành điện hiện nay thấp,… đó là những lý do được tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra để quyết định tăng giá 8,36%. Điều gì khiến tập đoàn Điện lực lãi đậm nghìn tỷ nhưng vẫn tăng giá? 

Ai cũng biết rằng điện là một trong những yếu tố cơ sở hạ tầng vô cùng quan trọng và cần thiết với đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người. Và kinh tế đất nước phát triển ra sao cũng phụ thuộc rất lớn vào ngành điện (để tăng trưởng 1% GDP, riêng ngành điện phải tăng trưởng 1,5%). Tăng giá điện 8,36%, chẳng biết sẽ có bao nhiêu con người phải ngày đêm lo nghĩ, muộn phiền? Chưa nói đến các doanh nghiệp vận hành khối lượng máy móc khổng lồ khác hoặc các ngành đặc thù sử dụng điện với công suất tối đa như sản xuất gang thép, xi măng,… Số tiền bỏ ra để mua điện e rằng chiếm một phần ba doanh thu mất rồi. Thế nên, quyết định tăng giá điện chẳng khác nào đưa dao kề cổ người dân hoặc doanh nghiệp bắt buộc họ phải chịu như thế hoặc dùng ít đi như câu nói của vị lãnh đạo nào đó: “Thu nhập thấp thì có trách nhiệm dùng ít điện”.
hatangdien
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ thái độ cứng rắn: “Nếu để thiếu điện, một số đồng chí phải mất chức” tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 3/11/2018.
Nhắc đến hai chữ “trách nhiệm”, có lẽ nên thuộc về EVN mới phải, nói gì thì đây cũng là tập đoàn kinh tế hàng đầu và độc quyền về điện trên cả nước. Với vị trí lớn và quan trọng như thế chẳng lẽ không gắn liền với hai từ “trách nhiệm” với đất nước và nhân dân? Cuối năm 2018, EVN từng tuyên bố: “Năm 2019 có thể thiếu điện và dẫn đến cắt điện luân phiên”do không đủ than. Tuy nhiên, đại diện tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chia sẻ đã hoàn thành hợp đồng cung cấp than và chính EVN không chịu ký hợp đồng dài hạn để TKV chủ động kế hoạch sản xuất, cung cấp than cho các nhà máy điện. Nếu có câu chuyện như thế thật thì EVN dường như đã đi ngược lại với mục tiêu quan trọng nhất do mình đặt ra là “cung cấp điện liên tục, ổn định cho phát triển kinh tế và xã hội” cùng với phương châm “hiện đại, hiệu quả, bền vững”. EVN đã làm hết trách nhiệm hay chưa?
Nói năm 2018, làm ăn thua lỗ nên tăng giá, ờ thì cũng cho có lý do. Vậy hà cớ gì ngay cả khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6000 tỷ đồng (năm 2017) mà vẫn tăng giá? Đáng lý ra, lãi thì doanh nghiệp hưởng, lỗ thì phải chịu, thậm chí là phá sản, không có chuyện lãi anh hưởng, lỗ anh đổ lên đầu dân, đòi tăng giá điện để bù lỗ được. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định rằng: “Theo báo cáo của EVN thì họ đang lỗ, nhưng hiện chưa có cơ quan kiểm toán độc lập nào kiểm toán con số đó. Giải pháp tăng giá điện lên để bù lỗ nhưng nhiều lần rồi tới nay vẫn chưa bù được. Rõ ràng ngành điện cần phải điều chỉnh sản xuất và quản lý để nâng cao tính hiệu quả”. Được biết, EVN đã nhận một khoản tiền vốn ODA của Chính phủ Đức không hề nhỏ; họ hỗ trợ Việt Nam ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng điện hiệu quả. Vậy số tiền đó đi đâu hết rồi?
N
Theo thông tin từ tập đoàn Điện lực Việt Nam thì nhà máy nhiệt điện khu vực Đông Bắc đang thiếu nhiên liệu.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc họp, đưa ra giải pháp để bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện đến sau năm 2020 để nền kinh tế tránh chịu thiệt hại. Thế nên, người đứng đầu Chính phủ đã nói thẳng: “Nếu như mất điện, một số đồng chí phải mất chức. Thái độ chúng ta phải cương quyết. Tôi đã viết rất nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm”. Cứ ngỡ như EVN sẽ nỗ lực giải quyết tình trạng gặp phải và kỳ thực họ cũng không dọa thiếu điện nữa. Thế nhưng, bất ngờ đầu năm nay họ lại thông báo tăng giá điện 8,36%. Phải chăng EVN đang cố tình lách chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc? Người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở không được để thiếu điện thì doanh nghiệp lại tăng giá, bất chấp tăng giá điện sẽ kéo theo hàng loạt hệ luỵ về kinh tế cũng như dân sinh. Thủ tướng chỉ đạo không được làm A, tập đoàn điện lực không làm A nhưng lại làm B, cái B gây tác động xấu nhiều không kém cái A. Và cũng không biết họ tính toán thế nào mà có con số tăng 8,36% nữa?
dienluc
Giá điện dự kiến tăng 8,36% là nỗi lo lắng của nhiều gia đình và doanh nghiệp.
Trước đây, thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của EVN từ quy trình điều hành, quản lý làm thất thoát vốn, nhập công nghệ lạc hậu, làm ô nhiễm môi trường đến đầu tư ngành ngoài, xây tụ điểm vui chơi cho cán bộ rồi chia đều số nợ, số lỗ ấy cho toàn dân. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thấy có cán bộ nào bị làm sao. Phải chăng chưa biết bài học “chịu trách nhiệm” ra làm sao nên tập đoàn điện lực vẫn chưa thể làm hết khả năng của mình cũng như việc xem nhẹ chỉ đạo của Thủ tướng?
Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn trì trệ, thua lỗ và trông chờ ngân sách rót tiền cứu mạng. Nên chăng, chúng ta nên cổ phần hóa các doanh nghiệp kiểu như vậy để tăng tính cạnh tranh và làm việc hiệu quả hơn. Riêng ngành điện, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: “Ngành điện có một số khâu khó cổ phần hóa nhưng không phải khâu nào cũng khó. Nhiều khâu hoàn toàn có thể cổ phần hóa được như khâu phát điện, bán điện, xây dựng các dự án điện…”. Nhưng trước hết, phải chăng tập đoàn Điện lực nên xem xét lại những việc đã làm để có hành động đúng vì dân, vì nước trong thời gian tới?
Thu Huyền 

Không có nhận xét nào: