Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

Lược sử tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam và Trung quốc

Bởi
 AdminTD
 -

6-3-2019
1/ Tranh chấp chủ quyền
Trung Quốc bắt đầu lên tiếng tranh dành quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1909 vì lý do đế quốc Nhật chiếm đóng đảo Pratas (tức quần đảo Đông sa), cận đảo Hải Nam. (Tức là, nếu không có vụ Nhật dòm ngó Đông Sa, đe dọa đảo Hải Nam, thì TQ sẽ không bao giờ lên tiếng tranh giành quần đảo Hoàng Sa).
Tháng 8 năm 1925 Toàn quyền Đông dương tuyên bố quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratleys) là những lãnh thổ thuộc Pháp.
Ngày 13 tháng tư năm 1932 Pháp gởi công hàm minh thị đế quốc Đại Nam (quốc hiệu VN triều Nguyễn) có chủ quyền lịch sử tại Hoàng Sa.

Như vậy Pháp nhìn nhận Hoàng Sa là lãnh thổ của đế quốc Đại Nam. Pháp tuyên bố sáp nhập HS trước cộng đồng quốc tế, như là một thủ tục hành chánh nhằm khẳng định chủ quyền vùng lãnh thổ mà họ có trách nhiệm bảo hộ. Điều này phù hợp với các cam kết mà Pháp đã ký với triều đình nhà Nguyễn (hiệp ước Patenotre và các hiệp ước bảo hộ khác…).
Trong khi Pháp tuyên bố chủ quyền Trường Sa với danh nghĩa “thụ đắc một lãnh thổ vô chủ”.
Chi tiết này tuy không quan trọng về lịch sử, vì cách nào thì HS và TS cũng thuộc chủ quyền của VN. Nhưng trên phương diện pháp lý, hai cách thức thụ đắc chủ quyền hoàn toàn khác nhau. Khi Pháp trả lại độc lập cho VN, (theo tinh thần kết ước Elysée 1948), Quốc Gia Việt Nam (Etat du VietNam) tuyên bố ra đời 24 tháng sáu năm 1949. Hoàng Sa thuộc về quốc gia mới này vì nó là một bộ phận không thể tách rời của đế quốc Đại Nam.
Trong khi chủ quyền của VN tại Trường Sa, VN có hai lựa chọn, một là “kế thừa” từ nhà nước bảo hộ Pháp. Tức nhìn nhận TS trước kia là “đất vô chủ”. Hoặc lựa chọn theo lý thuyết “liên tục quốc gia”. Cách thức sau khá mạo hiểm vì VN cần nhiều dữ kiện chứng minh đế quốc Đại Nam có chủ quyền lịch sử tại Trường Sa.
2/ Sau khi nhân vơ Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của TQ, năm 1932 TQ gởi công hàm tới bộ Ngoại giao Pháp để phản đối. Công hàm dẫn “Công ước phân định biên giới 1887”, theo đó quần đảo Hoàng sa vì ở phía đông đường kinh tuyến 108°2, vì vậy quần đảo này thuộc Trung hoa.
Công hàm cũng khẳng định rằng Hoàng Sa là lãnh thổ phía cực nam của TQ.
Lập luận dựa vào Công ước 1887 là không căn cứ. Bởi vì công ước 1887 chỉ nhằm phân định biên giới giữa Tonkin (tức Bắc kỳ) và các tỉnh Hoa nam. Tức nó chỉ có hiệu lực ở Tonkin (Bắc kỳ) mà thôi.
Điều cần ghi nhận, qua công hàm nói trên, là đến thời điểm 1932 nhà cầm quyền TQ chưa biết có sự hiện hữu của quần đảo Trường Sa, ở phía nam, mà các chúa Nguyễn, các triều đình nhà Nguyễn, đã liên tục khai thác từ lâu đời, như đã đồng thời khai thác ở Hoàng Sa.
Trong thời kỳ bảo hộ, nhà nước bảo hộ Pháp, đại diện chính đáng của đế quốc Đại Nam và triều đình nhà Nguyễn, đề nghị hai lần với Trung Quốc một trọng tài phân giải, vào năm 1932 và năm 1947. Cả hai lần Trung Quốc đều không đáp ứng. Thái độ của Trung Quốc có thể biết trước, vì họ không có hy vọng nào để thắng. Ở các thời điểm đó Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý hay bằng chứng lịch sử nào để có thể chứng minh chủ quyền của họ tại quần đảo Hoàng Sa.
3/ Hòa ước San Francisco 1951
Năm 1937, để chuẩn bị chiến tranh, Nhật tuyên bố chủ quyền, đồng thời sáp nhập hành chánh Hoàng Sa và Trường Sa vào Đài loan.
Mặc dầu trước đó, ngày 25 tháng chạp năm 1927, đại diện toàn quyền của đế quốc Nhật tại Pháp gởi giác thư khẳng định rằng Nhật không quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa. Đàm phán giữa hai phái đoàn Nhật và Pháp tại Paris tháng tám 1934 cũng tái khẳng định việc Nhật từ bỏ tất cả những yêu sách tại các quần đảo này.
Nhật bại trận trước quân Đồng Minh tháng tám 1945. Số phận của Nhật, về lãnh thổ đế quốc này cũng như những vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng trước chiến tranh, được các quốc gia đồng minh (Mỹ, Liên xô, Anh và Trung hoa) quyết định theo các kết ước như mật ước Yalta (tháng hai 1945), Tuyên bố Caire (1943) và Tối hậu thư Potsdam (tháng sáu 1945). Nội dung các kết ước được hợp thức hóa (pháp lý hóa) qua Hòa ước San Francisco ký ngày 8 tháng chín năm 1951, ký tập thể giữa Nhật và 49 nước có tuyên bố chiến tranh với Nhật.
Việt Nam tham dự Hội nghị San Francisco với tư cách là “quốc gia có chiến tranh với Nhật”. Đại diện VN là Thủ tướng Trần Văn Hữu.
Nội dung Hòa ước San Francisco, phần liên quan đến các vùng lãnh thổ mà Nhật chiếm đóng trước chiến tranh, gồm 6 điểm (a đến f). Lời mở đầu:
“Nhật phải từ bỏ mọi quyền (droits), danh nghĩa (chủ quyền – titres) và mọi yêu sách (revendications) tại các vùng lãnh thổ sau đây:
(a) Triều Tiên, và công nhận nền độc lập của xứ này (b) đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ, (c) quần đảo Kouriles và phần đảo Sakhaline cũng như các đảo khác đã nhượng cho Nhật qua Hiệp ước Portsmouth năm 1905, (d) tại các đảo đã được giao cho Hội Quốc Liên quản lý và theo quyết định của Hội đồng Bảo an ngày 2 tháng 4 năm 1947, e/ vùng Bắc cực, (f) các quần đảo Spratly (Trường Sa) và quần đảo Paracels (Hoàng Sa).
Đối với Trung Hoa, có hai chính phủ đại diện, Mao Trạch Đông ở lục địa và Tưởng Giới Thạch ở Đài loan. Hội nghị không mời bên nào, vì không thể nhìn nhận bên này phủ nhận bên kia. Giải pháp cuối cùng là dành quyền cho Nhật sự lựa chọn bên để ký hiệp ước hòa bình. Cuối cùng chính quyền Trung hoa Dân quốc được Nhật lựa chọn để ký hòa ước song phương ngày 28 tháng Tư năm 1952 tại Đài Bắc. Việc ký hòa ước song phương cũng đã xảy ra với 3 quốc gia khác là Ấn Độ (Tokyo 9 tháng Sáu 1952), Indonesia (Djakarta 20 tháng Giêng 1958) và Miến Điện (Rangoon, 5 tháng 11 năm 1958). Hòa kỳ ký song phương với Nhật cùng ngày với hòa ước (tập thể) San Francisco 8 tháng chín 1951.
Đại diện của VN là ông Trần Văn Hữu nhân dịp này lên tiếng trước hội nghị khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS. Tuyên bố sáp nhập lãnh thổ của ông Trần Văn Hữu không gặp sự phản đối nào.
4/ Hòa ước Nhật-Hoa 28 tháng tư năm 1952
Nhật lựa chọn Trung hoa dân quốc là đại diện cho Trung Hoa, ký hòa ước với nước này vào ngày 28 tháng tư năm 1952. Nội dung Hòa ước (về phần liên quan đến lãnh thổ):
“Hai bên nhìn nhận, theo điều 2 của Hiệp ước San Francisco ngày 8-9-1951, Nhật từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa chủ quyền cũng như mọi yêu sách về đảo Đài Loan, Bành Hồ cũng như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.”
Một số học giả cho rằng như vậy Nhật đã trả HS và TS cho TQ, cùng với Đài loan và Bành hồ.
Điều này không đúng. Hội nghị San Francisco xảy ra trước vài tháng, đại diện VN là ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố chủ quyền HS và TS thuộc về VN rồi, không có quốc gia nào phản đối. HS và TS đã “có chủ”. Nhật lấy đâu ra HS và TS để trao cho Trung hoa?
Trong khi đó, theo tinh thần hội nghị San Francisco, Nhật bị tước đoạt mọi “quyền”, mọi “thẩm quyền” và các “yêu sách” về các vùng lãnh thổ mà họ chiếm trước chiến tranh. Tức là Nhật không có “quyền” để trao các vùng lãnh thổ trên cho bất kỳ nước nào cả.
Người ta cũng không thấy đoạn nào trong Hòa ước Nhật-Hoa nói cụ thể là Nhật giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan hiện nay). Chỉ thấy ghi là hai bên “nhìn nhận điều 2 của Hiệp ước San Francisco 8-9-1951”.
Theo ngôn ngữ công pháp quốc tế, sự từ bỏ lãnh thổ của Nhật là một sự “từ bỏ đơn thuần”, không giao lại cho một quốc gia đối tượng đã xác định nào đó (in faforem).
5/ Hiệu lực Hòa ước San Francisco trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ
Tất cả những vùng lãnh thổ mà Nhật từ bỏ, trên thực tế đã được xác định chủ quyền do Tuyên bố Caire (1943), mật ước Yalta (1945) và Tối hậu thư Potsdam (1945). Số phận của tất cả những vùng lãnh thổ đã đề cập đến trong các văn bản này đã được thực thi trước đó. Hòa ước San Francisco chỉ có nhiệm vụ “hợp thức hóa”.
Cả ba văn kiện nói trên, không có văn kiện nào nói về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài Hòa ước San Francisco mà điều 2 lại không nói rõ rệt HS và TS sẽ trả về cho quốc gia nào! (Trái với sự khẳng định của nhiều người, các lãnh thổ do Nhật, Đức hay Ý chiếm của các quốc gia khác trước chiến tranh. Sau khi bại trận phải trả các vùng lãnh thổ này cho “chủ cũ” của chúng. Điều này không hẵn luôn xảy ra như vậy. Luật quốc tế không nhìn nhận thuyết “đáo hoàn – reversion”, trả lại cho chủ cũ).
Theo tập quán quốc tế (Công ước Vienne về Hiệu lực các công ước 1969), trường hợp nội dung (một điều khoản) của công ước có nội dung không rõ ràng, người ta cần phải qui chiếu về các văn bản “tiền hội nghị”.
Điều cần nghiên cứu là thời “tiền hội nghị”, các đại cường có đề cập đến chủ quyền của hoàng Sa và Trường Sa hay không ?Quốc gia nào đề nghị nội dung điều 2?
Vấn đề khác, tuyên bố của ông Trần Văn Hữu trước Hội nghị có hiệu lực pháp lý hay không?
Điều quan trọng là TQ, không tham dự Hội nghị, đã lên tiếng phản đối nội dung Hội nghị San Francisco. Tuyên bố của TQ có ảnh hưởng gì đến chủ quyền HS và TS.
Nhưng dầu thế nào, Hòa ước San Francisco thực tế là “khúc quanh về pháp lý”, xác định nước nào có chủ quyền ở những vùng lãnh thổ mà Nhật từ bỏ. Bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Bình Luận từ

Không có nhận xét nào: