LỜI TOÀ SOẠN:
Sau ngày nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời, có hàng trăm bài báo kể về ông từ những người bạn bè, đồng chí, cấp dưới...
Chỉ có một người luôn lặng im tuyệt đối, chính là Phan Minh Hoàn – người con trai duy nhất của ông Sáu Khải. Đó là nhân vật đã bị gắn với rất nhiều lời đồn đại bao năm qua, nhưng chưa một lần ông lên tiếng thanh minh cho mình.
Một năm ngày giỗ ông Sáu Khải (1/2 âm lịch), con trai ông đã chia sẻ với Báo Điện tử Trí Thức trẻ những câu chuyện chưa bao giờ được kể về những thăng trầm, niềm vui, nỗi đau… của người cha Thủ tướng bình dị của mình.
Có không ít người nghĩ rằng, có một người cha là Thủ tướng đồng nghĩa với không ít đặc quyền đi kèm. Nhưng tôi chưa từng cảm nhận được những đặc quyền đó. Vì với gia đình tôi, đó lại là những năm tháng sóng gió nhất.
Năm 1997, Ba tôi trở thành Thủ tướng Chính phủ thay bác Sáu Dân. Nhưng con đường trở thành Thủ tướng của ông không dễ dàng. Mà tôi chính là nguyên nhân chính.
Trước Đại hội VIII, không hiểu sao đột nhiên có những tin đồn về tôi xuất hiện. Người ta đồn tôi yêu Nguyễn Cao Kỳ Duyên, đồn tôi chạy cò quota ăn chênh lệch, đồn tôi giàu nhất Việt Nam, nhưng nghiêm trọng nhất là họ đồn tôi giết người. Những tin đồn đó bay đến các cơ quan cấp cao, trở thành áp lực lớn với Ba tôi, đe doạ sự nghiệp chính trị của ông.
Không như Ba tôi, tôi không theo đuổi sự nghiệp chính trị mà chỉ thích làm kinh tế. Thời mới có kinh tế thị trường, tôi đi kinh doanh nhà hàng, khách sạn, vũ trường nên có không ít người nhìn tôi với đôi mắt định kiến. Nhưng đến tận ngày hôm nay, trước bàn thờ Ba, tôi vẫn có thể khẳng định rằng tôi luôn cố gắng sống và kiếm tiền tử tế, để không làm ông phải hổ thẹn về con trai mình. Còn với tư cách một sĩ quan an ninh, thì giống như Ba tôi, tôi cũng chưa bao giờ tham ô, tư lợi bất cứ thứ gì của tổ chức.
Thật ra, bao nhiêu năm qua, tôi chưa một lần đính chính những tin đồn về mình trên báo chí, cho đến trước bài báo này, vì với tôi, đó là những tin đồn nực cười. Nhưng dù thế nào, thì với tư cách là con trai của một trong những nhà lãnh đạo đất nước, tôi đã viết cả chục trang báo cáo gửi cơ quan cấp cao nhất, để giải trình cho công văn của UBKTTW, đề nghị giải đáp từng vấn đề, từng tin đồn có liên quan đến tôi.
Họ nói tôi nổ súng bắn chết người, tôi khẳng định tôi không nổ súng giết người bao giờ. Họ nói tôi cưới Nguyễn Cao Kỳ Duyên, tôi thật ra còn không hề biết mặt cô ấy. Họ nói tôi chạy dự án ăn chênh lệch, tôi nói nếu tìm được bằng chứng, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Tôi vẫn còn nhớ, lúc đó, để Ba tôi không phải bận tâm thêm về những tin đồn, tôi đã lẳng lặng xin gặp bác Sáu Nam (Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước) và được ông đồng ý.
Dù bác Sáu Nam chưa hề gặp tôi trước đó, mà chỉ nghe kể về tôi qua những lời đồn, nhưng ngày hôm đó, ông đã dành cho tôi gần 3 tiếng đồng hồ trò chuyện, lắng nghe tất cả những gì tôi giãi bày. Điều đó khiến tôi vô cùng cảm động!
Trước mặt bác Sáu Nam, tôi giải thích cặn kẽ mọi tin đồn: Tôi kể về công việc kinh doanh của tôi, về lý do vì sao tôi trở thành doanh nhân, cũng như khát khao của tôi về việc làm giàu chính đáng. Cả thế hệ chúng tôi thời đó đều vậy. Đất nước vừa mới bắt đầu bước vào kinh tế thị trường. Chúng tôi - những thanh niên đã trải qua cái nghèo, cái đói suốt thời bao cấp đều có giấc mơ làm kinh tế để thoát nghèo.
Tôi vẫn nhớ bác Sáu Nam đã nghe tôi nói chuyện rất lâu ngày hôm đó. Sau lần ấy, bác Sáu Nam bảo, ông hiểu và tin vào những điều tôi nói.
Thực tế là tổ chức đã xác minh và biết rằng đó là những điều vu khống. Nên bất chấp âm mưu của ai đó muốn bôi nhọ tôi và gây khó cho sự nghiệp chính trị của Ba tôi, thì Ba tôi vẫn trở thành Thủ tướng.
Nhưng vết thương tinh thần mà vụ việc đó để lại cho gia đình tôi thì không nhỏ! Đã có thời điểm, áp lực của những lời đồn đó đã đẩy ba con tôi ra xa nhau.
Ba tôi có hai người con là tôi và em gái kém tôi mấy tuổi. Em gái tôi từ nhỏ đã bị bệnh động kinh, nên mọi hy vọng của ba tôi vào gia đình, vào con cái, đều được đặt lên vai tôi.
Ba tôi luôn nói, ông không mong tôi trở thành ông nọ bà kia, không thích tôi dính dáng đến quyền lực. Ông chỉ mong con mình nên người, trở thành người tử tế, thành người có ích.
Tôi vẫn còn nhớ thời tôi học cấp 3 ở miền Bắc, Ba tôi làm cán bộ trong Nam. Lúc đó có người vào Nam báo rằng tôi nghịch ngợm, không chịu học hành, ông viết một cái thư ra cho tôi: "Nếu con không chịu học hành, không chịu tu dưỡng, thì chi bằng con hãy vào bộ đội, chiến đấu và hi sinh cho đất nước còn hơn".
Khi những tin đồn về tôi ầm ĩ khắp cả nước, chắc hẳn có quá nhiều lời đồn đại về con trai mình đến tai ông đã khiến ông lo lắng và băn khoăn. Một ngày, trong bữa cơm gia đình, ông gặng hỏi tôi rất gay gắt: "Nếu con không làm những việc đó, sao người ta lại đồn?".
Ngày hôm đó, tôi đã rất giận Ba mình. Tôi cảm thấy bị tổn thương và bị xúc phạm. Tôi nói với ông: "Con luôn coi gia đình là nơi trú ngụ cuối cùng của mình. Kể cả con có làm điều gì sai quấy ở ngoài, thì con cũng không bao giờ giấu ba mẹ. Người ngoài nghĩ về con sao cũng mặc. Nhưng đến cả nơi ấm áp nhất, nơi trú ngụ cuối cùng của con, những người yêu thương con nhất cũng không tin tưởng con, thì xin phép ba, con đi. Ba mẹ hãy từ mặt con".
Sau câu nói đó, tôi bỏ vào Sài Gòn rất lâu. Ba con tôi không liên lạc với nhau suốt một thời gian dài. Dù Ba tôi gọi cho tôi rất nhiều cuộc điện thoại, nhưng lần nào tôi cũng từ chối nghe. Mãi đến một ngày, sau khi vợ tôi khuyên bảo, tôi mới nhấc máy lên. Ở đầu dây bên kia, Ba tôi nói: "Con ra Hà Nội gặp ba một lần. Ba đã kiểm tra và biết rằng con không làm những việc đó. Ba xin lỗi con". Những hiểu nhầm và tổn thương giữa chúng tôi được xoá bỏ từ lần đó.
Rất nhiều người đã từng hỏi tôi, rằng gia đình tôi có biết ai là người đứng sau những âm mưu bôi nhọ tôi, vu khống tôi hơn 20 năm về trước hay không và họ làm thế nhằm mục đích gì?
Không những biết, mà thậm chí gia đình tôi vẫn giữ quan hệ bình thường với họ, thậm chí còn cố gắng thân hơn, cố gắng gần hơn lúc trước!
Cả tôi và ba tôi đều biết rất rõ người đứng sau những âm mưu đó, kể cả họ có mượn tay người này hay người khác. Nhưng đến tận lúc Ba tôi mất, ông cũng không bao giờ hé răng với người ngoài về danh tính của người đã âm mưu hãm hại gia đình tôi, âm mưu phá hỏng sự nghiệp của Ba tôi.
Mà đời ông Sáu Khải đã không nói, thì đến đời tôi - Phan Minh Hoàn - con trai ông đến chết cũng không nói.
Trong đám tang Ba tôi, khi viết lời cảm tạ, tôi đã gửi gắm thông điệp về câu chuyện đó - mà tôi tin, người nào là nhân vật của câu chuyện ấy sẽ hiểu. Thông điệp ấy là: "Ba tôi đến lúc chết vẫn luôn tin tưởng vào điều tốt đẹp nhất trong mỗi con người". Có thể trong hoàn cảnh nào đó, người ta vì tham vọng quá lớn mà làm một việc xấu. Nhưng cuối cùng, Ba tôi luôn hy vọng rằng, sau khi mọi chuyện qua đi, ai rồi cũng sẽ hướng thiện.
Và tôi - luôn tự hứa với mình rằng - riêng điều đó tôi nhất định sẽ nghe theo ông, tin theo ông, học theo ông.
Những người nắm giữ cương vị cao như Ba tôi thường rất ít khi bộc lộ cảm xúc. Ba tôi hiểu những áp lực mà tôi phải gánh chịu khi xung quanh quá nhiều lời đồn về tôi. Ông cũng biết những ngày tháng kinh khủng nhất, tôi gần như chỉ ngủ 1-2 tiếng mỗi đêm. Trong sâu thẳm, tôi biết ông rất thương con trai mình. Nhưng để giữ sự đoàn kết và hoà khí với tổ chức, Ba tôi đã chọn cách im lặng.
Sợ tôi buồn, ông động viên: "Đã làm người, thì con phải chấp nhận gánh vác. Đôi khi, là gánh vác cả những việc mà người ta vu oan cho mình....".
Ba tôi rất thích lối xưng hô "mày - tao" dân dã kiểu Nam bộ. Những lúc trò chuyện vui với nhau, Ba tôi bảo: "Tao là Đảng viên thì mày phải là Đảng viên. Tao là Cộng sản, thì mày cũng phải là Cộng sản. Còn đời con mày, tao không can thiệp". Tôi hiểu ý ông!
Ông muốn tôi phải cùng chung lý tưởng với ông, cùng chia sẻ và gánh vác những trách nhiệm với ông, kể cả đôi lúc việc đó có khiến cuộc đời riêng của tôi bị thiệt thòi. Là một Đảng viên và là con trai của ông Sáu Khải - thì tôi phải coi đó là bổn phận của mình.
Gia đình tôi không chủ trương theo đuổi quyền lực và ba tôi luôn dặn dò tôi đừng bao giờ thay đổi quyền lực. Tôi xuất thân là sĩ quan an ninh, sau này được phép ra ngoài làm kinh tế, nhưng đến lúc Ba tôi trở thành Thủ tướng, ông yêu cầu tôi quay trở lại Bộ Công an.
Ba tôi không thích tôi làm hải quan, không thích tôi làm xuất nhập khẩu hay nhà đất. Ở Bộ Công an, tôi làm bên lĩnh vực an ninh kinh tế, nhưng sau này, Ba tôi thậm chí đã đề nghị các lãnh đạo ở Bộ Công an sắp xếp cho tôi về làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Mà tuyệt nhiên, suốt cuộc đời mình, ông cũng không bao giờ mở lời nhờ ai cất nhắc tôi nên vị trí này kia.
Đôi khi tôi vẫn buồn cười vì bị Ba cấm đoán đủ thứ, nên có lúc trêu ông: "Thế thì con chỉ còn làm bộ đội tình nguyện ở Campuchia thôi Ba nhỉ?". Ông cười bảo: "Đúng, tính con tự do. Thành ra, con phải làm bộ đội và công an thì mới nên người được".
Nhưng những lúc nghiêm túc, ông nói: "Ba là Thủ tướng thì trước tiên phải nghiêm với con mình, phải dạy được con mình. Nếu không thì còn ai nghe nữa". Ông luôn nói cái chức Thủ tướng của ông là trọng trách do Đảng giao, là phụng sự nhân dân một cách đúng nghĩa, chứ không phải quyền lực gì to tát.
Tôi đã học được rằng mình phải chấp nhận những áp lực, và đôi khi chấp nhận cả sự hi sinh. Đôi lúc, giống như ba tôi nói, tôi phải gánh vác cả những điều đơm đặt của người đời.
Nhưng tôi cũng đã hơn một lần chứng kiến, Ba tôi luôn sẵn sàng hi sinh mọi thứ quý giá nhất mà ông có vì anh em chúng tôi.
Gia đình tôi có hai anh em. Em gái tôi bệnh tật, nên suốt cả cuộc đời cho đến ngày mất, ba tôi chăm lo cho em gái tôi.
Ba tôi đang ăn cơm mà em gái tôi lên cơn động kinh, là ông bỏ dở bữa cơm không ăn nổi.
Ông vẫn nói, nếu có thể khấn nguyện bề trên, mà khấn nguyện được, thì kể cả bỏ chức Thủ tướng, ông cũng sẵn sàng từ bỏ nếu em tôi khỏi bệnh.
Với tôi, ba lại dành cho sự hi sinh khác, nhưng cũng không vì thế mà kém lớn lao. Thời trẻ, tôi có yêu một cô gái - một nghệ sĩ piano và thật lòng muốn kết hôn với cô ấy. Nhưng theo nguyên tắc của Đảng, tôi phải đi xác minh lý lịch gia đình.
Đến lúc xác minh ra thì mới biết hoàn cảnh của gia đình chúng tôi không phù hợp với nhau. Tôi là sĩ quan an ninh, Ba tôi là lãnh đạo, tổ chức không đồng ý cho tôi kết hôn với người con gái ấy.
Ba tôi biết chuyện liền nói với tôi: "Ba là Cộng sản, Ba không muốn ngồi sui với một người khác lý tưởng. Nhưng nếu con cảm thấy đó là tình yêu thật sự của con và con vẫn giữ quyết định đi đến hôn nhân với người ta, thì ba sẽ báo cáo các bác lãnh đạo khác cao hơn ba, để cho con được kết hôn với cô gái ấy. Và nếu người ta tin ba, thì người ta giữ ba lại làm việc. Nếu người ta không tin Ba, không giữ Ba lại, ba cũng không buồn phiền, chỉ cần con hạnh phúc".
Lúc đó Ba tôi đang là Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nghe xong, thấy thương ông ghê gớm! Tôi hiểu rằng, tôi không được phép để ông phải hi sinh nhiều đến thế cho hạnh phúc riêng của tôi. Nên dù rất yêu cô gái ấy, dù rất đau khổ, tôi đã chọn cách chia tay với người con gái mình yêu.
Nhưng chẳng có lý do gì để chúng tôi chia tay nhau!
Người ta nói trong tình yêu không có ranh giới, không có khoảng cách, không có lý lịch, không có đẳng cấp. Tôi chẳng thể nói với người con gái tôi yêu rằng chúng tôi không thể đến với nhau vì xuất thân khác nhau, lý tưởng khác nhau. Nên tôi đã chọn cách lẳng lặng ra đi. Có những nỗi đau khổ quá đỗi khủng khiếp của đời người không dễ gì nói ra…
Ba tôi là một trong những người nắm giữ cương vị cao nhất của đất nước, nhưng ông chưa bao giờ là một người giàu có. Ông là một Thủ tướng thanh bạch cho đến tận cuối đời!
Tôi nhớ, kể cả khi đã là Thủ tướng, nhưng mỗi lần vào Sài Gòn công tác mà cần tiền lì xì các cụ lão thành cách mạng hay những gia đình có công, ông đều kêu tôi: "Con đưa cho ba dăm - mười triệu".
Ba tôi sinh ra ở xã Tân Thông Hội - Củ Chi. Ông yêu quê hương mình tha thiết. Nhưng vì gia đình nghèo, nên cụ nội tôi đã phải bán đi từng miếng đất. Ba tôi vẫn luôn day dứt, vì mảnh đất cuối cùng của tổ tiên, bà nội tôi đã bán để lấy tiền vào chiến khu thăm ông. Nên sau này, nguyện vọng lớn nhất đời ba tôi là chuộc lại được toàn bộ mảnh đất ấy.
Tôi hiểu nguyện vọng đó của Ba tôi tha thiết đến mức nào. Nên từ những năm 90, cứ mỗi năm một chút, tôi lại dành dụm một khoản tiền để chuộc lại từng mảnh đất của cụ ngoại. Chuộc hơn chục năm trời mới dần dần lấy lại được khu đất ấy.
Chuộc đất xong thì phải xây nhà. Tôi vẫn nhớ có hai lần Ba tôi đưa tiền cho tôi - hai cái sổ tiết kiệm, một lần 700 triệu, một lần 200 triệu. Ông nói, đó là toàn bộ số tiền ông có, là toàn bộ tích luỹ của ông trong suốt cuộc đời mình.
Có lẽ vì thế mà Ba tôi rất giữ ý. Ông không bao giờ nói cái nhà đó là của ông. Đi đâu, gặp ai ông cũng nói : "Cái nhà đó là của Hoàn Ty " (tên thân mật của con trai ông Sáu Khải - PV). Nên đôi khi tôi vẫn động viên: "Ba cứ ở cái nhà này, coi như cái nhà này là của ba. Ba ở rồi truyền lại cho con, cho cháu..".
Ba tôi không viết di chúc. Ông chỉ để lại những lời dặn dò. Những tháng cuối cùng, khi chưa phải khí phế quản và còn nói chuyện được, ông có căn dặn tôi: "Ba chẳng có gì để lại cho con cháu, chỉ để lại sự nghiệp mà Ba đã làm. Ba mất, con phải chăm sóc các con, chăm sóc các cháu.". Nhưng ông cứ ngập ngừng mãi khi nhắc đến căn nhà 24 Tú Xương - căn nhà mà thành phố cấp cho ông, nhưng giờ em gái tôi đang ở.
Hiểu ý Ba, tôi chặn lời ông lại: "Ba yên tâm! Con chỉ cho em thêm, chứ không bao giờ giành của em bất cứ thứ gì. Em gái con và các cháu, con sẽ thay ba chăm sóc". Sau câu nói ấy, gương mặt Ba tôi nhẹ nhõm hẳn đi!
Ba tôi rất quý con quý cháu. Cháu chắt của ông, đứa nào cũng được ông ẵm bồng. Riêng thằng chắt nội thì sống với ông, mỗi tối đã quen được ông bồng bế, hát ru mới chịu đi ngủ. Nhưng ông lại rất muộn đường cháu chắt.
Cả tôi và em gái tôi đều kết hôn muộn và chậm con. Nên thời làm Thủ tướng, Ba tôi lúc nào cũng buồn bã, ưu tư vì chuyện này, đến nỗi mà bác Nguyễn Công Tạn (nguyên Phó Thủ tướng) từng thốt lên: "Ông Sáu Khải chẳng bao giờ có một nụ cười đầy đủ".
Thi thoảng ba con tâm sự với nhau, ông cứ nói riết: "Tao nghĩ là tao sống rất đạo đức, rất chân thật, tại sao bây giờ chưa có cháu nội, chưa có cháu ngoại?".
Nên khi tôi sinh cho ông cháu nội, rồi em gái tôi kết hôn, sinh cho ông liền một lúc hai đứa cháu ngoại, khỏi nói ông mừng đến mức nào. Từ Hà Nội, chưa kịp vào thăm cháu ngoại, ông gọi hỏi: "Tụi nhỏ có đủ chân, đủ tay không?", rồi cười lớn khi nghe báo các cháu đều lành lặn, khoẻ mạnh.
Chuyện Ba tôi lên chức ông có lẽ là cả một "sự kiện", đến cả Thủ tướng Malaysia hồi đó gặp ông còn gửi quà chúc mừng. Nên nhiều người có thể ngạc nhiên khi bác Mười Hương (ông Nguyễn Đình Hương – Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương) kể về chuyện ba tôi tuy là Thủ tướng - nhưng tự đi ra phường làm giấy khai sinh cho cháu ngoại rồi bị cán bộ phường nạt nộ. Nhưng ai gần ông, biết ông vui đến thế nào khi có cháu, thì sẽ hiểu những điều đó là rất đỗi bình thường.
Khi về hưu, ba tôi trở về quê nhà ở xã Tân Thông Hội - sống cuộc đời hưu trí giản dị. Nhiều người cứ thắc mắc, sao không bao giờ thấy ông xuất hiện và tham gia vào những vấn đề của đất nước, của đời sống xã hội. Thật ra ông vẫn luôn quan tâm, nhưng ông đã có lời hứa lúc về hưu, là sẽ không bao giờ can thiệp vào chuyện chính trị. Ông bảo, thời ông đương chức thì vẫn còn chế độ Ban Cố vấn. Ba tôi muốn những người đang làm việc được rảnh rang, tự quyết. Nên về hưu, ông có lời thề sẽ không can thiệp vào việc điều hành của người kế nhiệm.
Và ông đã giữ lời hứa đó cho đến tận lúc mất: Hoàn toàn im hơi lặng tiếng, đúng là một ông già hưu trí đúng nghĩa: Sáng dậy từ 4-5 giờ đi thăm vườn cây, ăn sáng, uống cafe, đọc báo, đi cắt tóc 30 nghìn ở đầu ấp, và đến từng đám giỗ, đám cưới mà người dân trong xã mời. Thi thoảng ông chụp ảnh selfie với cháu chắt, và đôi khi cạu cọ khi phát hiện chị giúp việc đang cầm điện thoại quay lén ông đi dạo thong dong trong vườn (vì chị biết sẽ không còn nhiều cơ hội như thế nữa). Về hưu, Ba tôi nuôi yến để cho cả gia đình dùng. Nhưng tháng nào cũng dư để bán, mà mỗi lần bán đều được 30 - 40 triệu.
Ba tôi chỉ có một thú vui "xa xỉ" nhưng lại không hề tốt cho sức khỏe, đó là thuốc lá. Càng sau này, bệnh phổi của ông càng nặng, nên lúc mẹ tôi còn sống đã hạn chế ông hút thuốc.
Tôi thương Ba mình lắm. Dù là thứ có hại, nhưng đó là thú vui của ông, là thói quen của ông bao năm, đâu dễ gì bỏ được! Nên có lúc ông nằm viện 108, thi thoảng tôi vẫn xin phép bác sĩ đưa ông ra ngoài, lấy cớ đi dạo, để Ba tôi được khoái trá rít vài hơi thuốc cho đã cơn ghiền.
Sau ngày Ba tôi mất, chị Ba – người giúp việc đi theo ông suốt mấy chục năm cứ khóc hoài, vì thi thoảng dọn nhà, moi góc nào cũng tìm thấy vài bao thuốc mà ông lén giấu từ trước đó... Đến tận bây giờ, cái ghế Ba tôi hay ngồi uống cafe, đọc báo vẫn đặt nguyên vị trí và tuyệt đối không ai ngồi vào. Cái tẩu thuốc và cặp kính lão vẫn đặt trên bàn. Từng bộ pijama của ông trong phòng ông vẫn được chị Ba gấp gọn gàng trong tủ. Chiếc điện thoại ông hay dùng vẫn để ở đầu giường. Tivi vẫn bật kênh Thể thao mà hồi còn sống, ông yêu thích đến mức bật cả trong lúc ngủ.
Tất cả chúng tôi đều không muốn thay đổi bất cứ thứ gì trong ngôi nhà mà nơi nào cũng có hình bóng Ba tôi.
Hồi bà ngoại tôi mất, Ba tôi không nhận tiền phúng điếu. Nhưng với đám tang của chính mình, thì ông dặn tôi phải nhận.
Ông nói: "Tiền phúng điếu đó, một phần con giúp Ba gửi ở đình Tân Thông và Nhà thờ họ coi như tiền nhang khói. Một phần, Ba muốn lập một quỹ khuyến học cho trường cấp I-II-III xã Tân Thông Hội. Còn một phần, con gửi cho các cô, các chú, những người cận vệ, lái xe, phục vụ cho ba. Vì các cô chú theo Ba bao năm đều nghèo, con hãy thay Ba chăm sóc họ...".
Tôi đã lắng nghe mọi điều ông căn dặn và làm theo mọi điều ông mong muốn.
Với gia đình tôi, sự ra đi của Ba tôi là một mất mát lớn, khi mà tôi mất cha, con tôi mất ông, các cháu tôi mất ông cố. Nhưng trong sâu thẳm, tôi cũng rất tự hào vì được làm con trai ông, tự hào khi chứng kiến quá nhiều tình cảm mà người dân cả nước đã dành cho ông trong những ngày tang lễ.
Nên riêng có lần này, tôi muốn kể những câu chuyện về Ba tôi, về gia đình tôi, không phải để khoe khoang hay chứng minh điều gì. Mà chỉ để ghi nhớ lại những hồi ức đẹp nhất mà tôi có về Ba mình!
Tô Lan Hương (ghi)
7pm.
1 nhận xét:
Nhà báo xác minh lại chi tiết : ông Mười Hương có phải là ông Nguyễn Đình hương không? Hay là ông Trần Quốc Hương?
Đăng nhận xét