HỒNG THỦY
(GDVN) - 10 tàu Trung Quốc hiện diện gần đảo Thị Tứ và không ngăn cản hoạt động của ngư dân Philippines, Manila đang giám sát chặt chẽ động tĩnh các tàu này.
3 xu thế cạnh tranh chiến lược biển Trung - MỹTrung Quốc sẽ để sáng kiến Vành đai và Con đường lặng lẽ cáo chung?4 tác nhân khiến cục diện Biển Đông năm 2019 “yên mà không ổn”
Ngày 4/3, tờ Philippines Inquirer Daily đưa tin, ngư dân Philippines bị tàu cá "dân quân biển" Trung Quốc ngăn chặn, không cho đánh bắt trên vùng biển nằm giữa đảo Thị Tứ và đá Xu Bi (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; Xu Bi bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép, Thị Tứ bị Philippines chiếm đóng trái phép).
Tàu cá "dân quân biển" Trung Quốc không chịu rời khỏi vùng biển quanh doi cát giữa đảo Thị Tứ và đá Xu Bi và ngăn chặn tàu cá Philippines đến đây đánh bắt. [1]
ABS CBN ngày 5/3 đưa tin, Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines bác bỏ thông tin nói trên.
Chỉ huy cơ quan này nói rằng họ không nhận được thông tin nào về việc ngư dân Philippines bị Trung Quốc ngăn chặn không cho đánh cá hoặc tiếp cận các bãi cát quanh đảo Thị Tứ, Trường Sa.
Phó đô đốc Rene Medina (quân phục trắng), chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, ảnh: Manila Bulletin. |
Phó đô đốc Rene Medina, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây nói rằng, ngược lại, ngư dân Philippines vẫn đánh bắt bình thường và có thể nghỉ ngơi, trú ẩn trên doi cát quanh đó.
Có 10 tàu Trung Quốc đang neo đậu gần đó, nhưng Bộ Tư lệnh miền Tây không nhận được báo cáo nào về việc các tàu này quấy rối ngư dân Philippines, ngoại trừ sự hiện diện "kỳ lạ", vì các tàu này không có hoạt động đánh bắt nào.
Bộ Tư lệnh miền Tây vẫn đang giám sát chặt 10 tàu Trung Quốc, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết, các tàu này thực sự là tàu "dân quân biển" Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines không bình luận về sự hiện diện này, nhưng lưu ý Trung Quốc đã cam kết với Philippines, họ không để bạo lực nổ ra. [2]
Mỹ tuyên bố sẽ ra tay nếu Philippines bị tấn công ở Biển Đông
CNN ngày 5/3 đưa tin, phát biểu với truyền thông hôm thứ Ba 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, hiệp ước tương trợ phòng thủ (MDT) giữa Philippines và Hoa Kỳ quá mơ hồ, nó có thể gây ra sự nhầm lẫn, hỗn loạn trong một cuộc khủng hoảng.
"Philippines không xung đột với bất kỳ quốc gia nào và sẽ không gây chiến với bất kỳ quốc gia nào trong tương lai.
Nhưng Hoa Kỳ với sự gia tăng các hoạt động thường xuyên của tàu hải quân ở Biển Đông, có nhiều khả năng dẫn đến xung đột.
Trong trường hợp đó, theo hiệp ước tương trợ phòng thủ, Philippines sẽ phải tự động tham gia", ông Delfin Lorenzana nói.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana. Ảnh: Philstar. |
Hôm thứ Hai 4/3, một máy bay ném bom B-52 của Hoa Kỳ đã bay gần các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông, đây là hoạt động đầu tiên của máy bay ném bom chiết lược không quân Mỹ trên vùng biển này kể từ tháng 11 năm ngoái.
Ngày 28/2, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức cấp cao khác, tìm cách trấn an Manila về cam kết của Washington đối với hiệp ước tương trợ phòng thủ:
"Vì Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, nên bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ tương trợ lẫn nhau theo điều 4 Hiệp ước tương trợ phòng thủ của chúng ta."
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin khi đó tiếp lời cho biết, hai chính phủ Mỹ và Philippines chia sẻ quan điểm rằng liên minh phải có khả năng đảm bảo sự bảo vệ lẫn nhau một cách liên tục.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nhắc lại sự kiện Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn năm 1992 trong khi hải quân Hoa Kỳ đóng tại Vịnh Subic, mà không có hành động nào ngăn chặn.
Mặc dù đây không phải là một cuộc tấn công vũ trang, nhưng Philippines xem hành động này là gây hấn. [3]
Vành Khăn là một cấu trúc địa lý nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Philippines cũng yêu sách với cấu trúc địa lý này, Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng và đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, ảnh: Philstar. |
Ngày 6/3, cựu Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario có bài viết trên tờ Philippines Inquirer Daily, hoan nghênh tuyên bố chính thức của Hoa Kỳ rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào Philippines trên Biển Đông đều kích hoạt nghĩa vụ tương trợ phòng thủ giữa Hoa Kỳ với quốc gia này.
Ông xem đây là một tuyên bố quan trọng nhất được đưa ra trong nhiều thập kỷ qua về hiệp ước tương trợ phòng thủ kể từ khi nó được phê chuẩn vào năm 1951.
Theo ông Rosario, nên coi tuyên bố này là dấu hiệu tích cực và đáng tin cậy về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, khẳng định sự thượng tôn pháp luật.
Điện Manacanang cần phải xúc tiến hợp tác với Mỹ trong việc ngăn chặn Bắc Kinh bồi đắp, quân sự hóa bãi cạn Scarborough. [4]
Nguồn:
[1]https://www.news.com.au/finance/chinas-latest-island-grab-fishing-militia-makes-move-on-sandbars-around-philippines-thitu-island/news-story/7805269e5fe270f59e7657328f0c6382
[2]https://news.abs-cbn.com/news/03/05/19/no-reports-of-pinoy-fishermen-shooed-from-pag-asa-island-military
[3]https://edition.cnn.com/2019/03/05/asia/philippines-defense-treaty-china-us-intl/index.html
[4]https://opinion.inquirer.net/119954/del-rosario-important-for-ph-to-work-with-us-on-sea-dispute?utm_expid=.XqNwTug2W6nwDVUSgFJXed.1
Philippines cáo buộc Trung Quốc ngăn ngư dân tiếp cận đảo Thị Tứ
Quan chức Philippines cho biết các tàu Trung Quốc không cho phép ngư dân nước này lại gần những bãi cạn gần đảo Thị Tứ ở Trường Sa.
Chuyên gia Mỹ phát hiện Trung Quốc điều gần 100 tàu áp sát đảo Thị Tứ
Đảo Thị Tứ hồi tháng 12/2018. Ảnh: AMTI.
|
Inquirer hôm 4/3 dẫn lời ông Roberto del Mundo, thị trưởng thị trấn Kalayaan trên đảo Palawan, cho biết các tàu cá Trung Quốc đang ép ngư dân Philippines rời khỏi những bãi cạn nằm trong lãnh hải của đảo Thị Tứ, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát.
"Sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ảnh hưởng tới hoạt động đánh bắt của chúng tôi, điều mà trước đây không xảy ra. Khi các ngư dân của chúng tôi chuẩn bị tới bãi cạn số 3, một tàu Trung Quốc ngay lập tức áp sát khiến họ không thể lại gần", ông Del Mundo cho biết, nhưng thêm rằng không có hành vi gây hấn nào.
Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hôm nay tuyên bố Bộ Quốc phòng nước này đang kiểm tra thông tin các tàu Trung Quốc chặn ngư dân vào các bãi cạn, theo AP.
Hôm 7/2, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Mỹ, cho biết gần 100 tàu Trung Quốc, gồm các tàu hải quân, hải cảnh và hàng chục tàu cá, vào giữa tháng 12 đã áp sát đảo Thị Tứ. Con số này giảm xuống còn 42 chiếc vào ngày 26/1.
Báo cáo của AMTI cho rằng sự hiện diện của đội tàu Trung Quốc là một phần nỗ lực gây sức ép, buộc Philippines ngừng hoạt động cải tạo trên đảo Thị Tứ.
Việt Nam từng nhiều lần khẳng định mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình ở hai quần đảo này, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp, Việt Nam đề nghị các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình hay mở rộng tranh chấp.
Hồng Thủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét