Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Nước mắm, Masan và mùi, vị của minh bạch

Một người mua nước mắm trong siêu thị ở Việt Nam.Một người mua nước mắm trong siêu thị ở Việt Nam.
Dẫu Bộ Khoa học – Công nghệ loan báo chính phủ Việt Nam đã ra lệnh tạm ngưng thẩm định Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (TCVN-12607: 2019) nhưng cả dư luận lẫn công luận vẫn chưa lắng xuống. Cả công chúng lẫn hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang nhắm vào Masan – tập đoàn tư nhân chuyên sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng và đang được xem là bá chủ thị trường nước mắm.
***
Nhiều chuyên gia, chủ cơ sở sản xuất nước mắm đã phân tích cặn kẽ những bất hợp lý trong TCVN-12607: 2019, thậm chí cáo buộc bộ phận soạn thảo TCVN-12607: 2019 có gian ý, cố tình biến nước mắm công nghiệp (hỗn hợp chỉ có một lượng nước mắm nhất định, phần còn lại là nước kèm nhiều yếu tố nhân tạo như đường hóa học, chất tạo hương, chất tạo màu, chất tạo vị, chất tạo độ sệt, chất bảo quản) thành nước mắm, thay đổi nguyên nghĩa nước mắm.

Ngoài gian ý, bộ phận soạn thảo TCVN-12607: 2019 còn bị cáo buộc là có ác ý khi đặt định những chỉ tiêu vô bổ, những đòi hỏi xa lạ với thực tế sản xuất nước mắm, sai lạc ở góc độ khoa học, vệ sinh – an toàn thực phẩm, mà chắc chắn các cơ sở sản xuất nước mắm không thể đáp ứng, chỉ có các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp mới dễ dàng hội đủ. Cũng vì vậy, sản xuất nước mắm sẽ cáo chung, thị trường nước mắm trị giá hàng chục ngàn tỉ sẽ lọt vào tay các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp.
Mức độ nghi ngại về gian ý đối với nước mắm, tính chất nghiêm trọng từ các cáo buộc về ác ý của hệ thống công quyền đối với các cơ sở sản xuất nước mắm đang gia tăng. Chẳng riêng công chúng, hệ thống truyền thông chính thức đang vạch ra hàng loạt yếu tố bất thường liên quan tới TCVN-12607: 2019. Ví dụ lúc đầu (2017), bộ phận soạn thảo mời ông Lê Trần Phú Đức, đại diện giới sản xuất nước mắm tham gia. Các thành viên đồng thuận phải có sự phân biệt rạch ròi giữa nước mắm và nước mắm công nghiệp
Tuy nhiên suốt năm 2018, bộ phận soạn thảo TCVN-12607: 2019 không “dùng” ông Đức - nhân vật được xem như đại diện của giới sản xuất nước mắm – nữa. Mãi đến cuối tháng trước, qua báo chí, ông Đức mới biết diện mạo mới của TCVN-20167: 2019. Ông Đức bảo ông không ngạc nhiên khi diện mạo của TCVN-20167: 2019 khác hẳn lúc đầu. Từ đầu 2019, khi đại diện cho tập đoàn Masan tham gia soạn thảo TCVN-20167: 2019, ông đã nhận ra đó là một “cuộc chiến” (1). Nếu điều ông Đức nói về sự thay đổi "diện mạo" của TCVN-20167: 2019 là đúng, cần phải tìm hiểu tại sao chuyện ấy đã xảy ra, và xảy ra như thế nào.
Chuyện chưa ngừng ở đó, sau khi dư luận dậy lên thành bão, thượng tuần tháng này, Cục Chế biến – Phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, nơi đảm nhận vai trò soạn thảo TCVN-20167: 2019, tổ chức một cuộc họp báo để biện giải. Bà Trần Thị Dung, người được xem như một chuyên gia về nước mắm, nhân vật từng “tả xung, hữu đột” chống chiến dịch đầu độc nhận thức của công chúng rằng “nước mắm nhiễm thạch tín” bị đuổi ra khỏi phòng họp khi toan phát biểu (2).
Cuộc họp báo vừa kể bị chỉ trích còn vì không mời bất kỳ đại diện nào của giới sản xuất nước mắm, các chuyên gia được Cục Chế biến – Phát triển thị trường nông sản mời đến để trả lời những thắc mắc liên quan tới “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” mà báo giới nêu ra chỉ chuyên về an toàn thực phẩm, không có chuyên gia nào từng nghiên cứu và thật sự am tường về nước mắm, cũng như sản xuất nước mắm. Ban Tổ chức giải thích họ đuổi bà Dung vì họp báo khác với… hội nghị khoa học!
***
Cho dù việc ban hành TCVN-20617: 2019 đã bị chặn lại nhưng rất nhiều người tin rằng đó chỉ là khoảng lặng trước một trận bão khác. Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cảnh báo, cả gian ý lẫn ác ý với nước mắm vẫn còn nguyên. Nhắc lại thảm nạn cách nay ba năm, giới sản xuất nước mắm chới với vì đợt tuyên truyền “nước mắm nhiễm thạch tín”, ông Hưng đề nghị giới sản xuất nước mắm phải góp ý để sản xuất nước mắm có thể phát triển bền vững (3).
Với thực tế như vừa qua, chẳng ai dám khẳng định, nước mắm sẽ không bị “đánh” nữa. Bao giờ giới sản xuất nước mắm buông bỏ sự nghiệp, thị trường vì không chịu nổi áp lực tâm lý về chuyện sẽ bị đánh, chỉ không biết bị đánh kiểu nào, vào đâu, sẽ mất thêm những gì? Trong tình cảnh như thế, có bao nhiêu người yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất? Riêng Phú Quốc có 2.600 tàu cung cấp nguyên liệu cho 53 cơ sở sản xuất 22 triệu lít nước mắm/năm. Sản xuất nước mắm lận đận, bấp bênh như thế, ngư nghiệp ra sao?
Sau Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, Cục Chế biến – Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, giờ có thêm Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ tham gia vào việc định danh, định tính của… nước mắm. Cho dù với người Việt, nước mắm là một thứ “quốc hồn, quốc túy” nhưng chẳng có gì bảo đảm việc đặt định tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm sẽ không tạo ra một scandal nữa.
Việc định danh, định tính nước mắm trở thành phức tạp vì người ta ước tính, thị trường nước mắm ở Việt Nam trị giá 11.300 tỉ đồng (4). TCVN-12607: 2019 xới lên hàng loạt thắc mắc đã từng làm dư luận dậy sóng cách nay ba năm: Gian thương nào dẫn dắt một chuỗi tổ chức và cơ quan truyền thông phát tán kết quả, thông tin ngụy tạo, nước mắm nhiễm thạch tín khiến giới sản xuất nước mắm lao đao. Đến giờ, chỉ có một số cá nhân, tổ chức, 50 cơ quan truyền thông bị xử phạt (5), còn gian thương chưa bị vạch mặt, chỉ tên (6).
Đang có rất nhiều cáo buộc rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bị lũng đoạn nên luôn luôn đứng về phía có dã tâm triệt hạ nước mắm. Không chỉ có công chúng, một số chuyên gia và cơ quan truyền thông khẳng định, việc Masan – doanh nghiệp chuyên sản xuất nước mắm công nghiệp – tham gia soạn thảo TCVN-12607: 2019 là không bình thường (7). Cần xác định thực, hư đối với thông tin này. Việc các doanh nghiệp sản xuất nước mắm gặp đủ thứ khó khăn từ phía Bộ Nội vụ khi xin thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam cũng mới được nêu ra và cũng được cho là có liên quan đến Masan (8). Các Bộ, Ngành liên quan đến trách nhiệm cấp phép thành lập hội cần làm sáng tỏ dư luận này.
Tuy một Phó Thủ tướng Việt Nam vừa yêu cầu các bộ hữu trách phải nghiên cứu kỹ ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn nước mắm, tổ chức đối thoại để tạo sự đồng thuận, không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng nhưng chưa có cơ sở đủ vững để tin việc định danh, định tính, xác lập tiêu chuẩn nước mắm sẽ suôn sẻ, tốt đẹp.
Năm 2018, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã thừa nhận chỉ tiêu histamin trong Bộ Tiêu chuẩn quốc tế về nước mắm không hợp lý và cam kết sẽ vận động để nới rộng chỉ tiêu này, tạo điều kiện cho Việt Nam có thể xuất cảng nước mắm. Sau đó, Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm được giao cho Cục Chế biến – Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn soạn thảo. TCVN-12607: 2019 vẫn khống chế tỉ lệ histamin trong nước mắm (9).
Nếu thật sự cầu thị, thật tâm xem minh bạch là nền tảng cho kiến tạo, việc chính phủ Việt Nam cần làm ngay là tổ chức điều tra, buộc các cá nhân, cơ quan hữu trách trả lời rạch ròi tại sao trong vài năm gần đây, việc định danh, định tính nước mắm lại lằng nhằng, phát sinh vô số điểm bất thường khiến công chúng và doanh giới bất bình, nghi ngại như vậy. Đó là cách hữu hiệu nhất để chứng tỏ chính phủ không chấp nhận chuyện bị lũng đoạn về chính sách. Đó cũng là giải pháp tốt nhất để bảo vệ thanh danh cho Masan.
Chú thích
(2) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/cuoc-hop-bao-nuoc-mam-tien-si-man-bi-moi-ra-khoi-phong-hop-512517.html
  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: