Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

Thượng đỉnh Trump-Kim không thỏa thuận là tin xấu cho Trung Quốc; Thượng đỉnh Hà Nội: Trump trắng tay, Kim nâng cao vị thế?

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản
Cuộc gặp Trump-Kim lần hai đã có kết thúc không như mong đợiCuộc gặp Trump-Kim lần hai đã có kết thúc không như mong đợi
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thể đem về một thỏa thuận hạt nhân sau hai ngày họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội trong khi ông Kim đã tận dụng cuộc gặp với ông Trump để nâng cao hình ảnh của mình đối với người dân trong nước cũng như trên trường quốc tế, truyền thống Mỹ nhận định về kết quả của Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai.

Sau hai ngày họp thượng đỉnh, ông Trump đã đột ngột cắt ngắn hội nghị vào trưa ngày 28/2 với lý do là phía Triều Tiên đưa ra yêu cầu mà ông không thể chấp nhận là ‘dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận’. Trong khi đó, phái đoàn Triều Tiên đã đổ lỗi cho phía Mỹ không chịu ‘dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận’ để đổi lấy việc họ tháo dỡ ‘hoàn toàn, vĩnh viễn, có giám sát’ một số cơ sở hạt nhân của họ như là bước đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa.
Ông Trump thua?
Đài NBC nhận định rằng Tổng thống Trump ‘đã thua lớn’.
“Sau khi đi nửa vòng Trái đất để đến gặp mặt đối mặt với một trong những nhà độc tài khét tiếng nhất thế giới với hy vọng sẽ thuyết phục được nhà độc tài này từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của ông – vị tổng thống tự xem mình là nhà thương thuyết tài ba nhất thế giới rời bỏ bàn đàm phán mà trong tay không có gì nhiều hơn lúc ông đến,” đài NBC nhận định.
“Đôi khi anh phải bỏ đi,” ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo sau Thượng đỉnh. “Tôi nghĩ rằng đây là một trong những lúc như vậy.”
Đài NBC cũng đặt thất bại tại Hội nghị Hà Nội lên trên một loạt những vụ viêc xấu hổ của ông Trump trong những tháng vừa qua.
Đó là thất bại nặng nề của Đảng Cộng hòa của ông Trump trong cuộc bầu cử Hạ viện giữa kỳ, đợt đóng cửa chính phủ 35 ngày mà ông Trump nói là ‘việc của ông’ mà ông thấy ‘tự hào’ nhưng cuối cùng không đạt được mục đích gì; Quốc hội bác yêu cầu của ông cấp tiền xây bức tường biên giới với Mexico; một số cộng sự gần gũi nhất của ông bị Công tố viên đặc biệt Robert Mueller kết án; và mới đây nhất là những cáo buộc ông là kẻ ‘lừa đảo, dối trá và phân biệt chủng tộc’ mà luật sư cũ đồng thời là người dàn xếp của ông, ông Michael Cohen, đưa ra trước Hạ viện.
Ông Trump đã tự đặt mình vào thế khó khi đồng ý đến gặp ông Kim một lần nữa với không có gì hơn là một lời hứa từ phía Bình Nhưỡng rằng họ sẽ bắt đầu thu gọn chương trình hạt nhân của họ.
Tuy nhiên những gì mà Trump đã mất về phương diện uy tín, thời gian và công sức sẽ chẳng là gì so với những gì mà bản thân ông và nước Mỹ có thể sẽ mất nếu như ông nhượng bộ ông Kim chỉ để đạt được một thỏa thuận để cho phép ông tuyên bố hội nghị thành công và giữ thể diện khi về nước.
Ông Victor Cha, giám đốc chương trình Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) gọi cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội là ‘thất bại hoàn toàn’. Tuy nhiên, ông cho rằng ông Trump ‘đã có quyết định đúng khi thúc đẩy những bước đi lớn hơn những hành động vụn vặt và thà là không đạt thỏa thuận còn hơn là có một thỏa thuận tồi’.
Ông Trump đã tiết lộ thỏa thuận đạt được sẽ tồi tệ như thế nào khi ông nêu lên điểm bế tắc trong cuộc đàm phán vốn tập trung vào việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên để đổi lấy việc họ giải trừ hạt nhân.
“Về cơ bản họ mốn dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, nhưng chúng tôi không thể làm được,” ông Trump cho biết. “Họ sẵn lòng giải trừ hạt nhân trên một phương diện lớn mà chúng tôi muốn, nhưng nhiêu dó không thể khiến chúng tôi xóa bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt, cho nên chúng tôi tiếp tục làm việc và chúng ta sẽ chờ xem.”
Trước khi đàm phán sụp đổ, Đài NBC đã đưa tin vào tối ngày 27/2 rằng các phía Mỹ đã từ bỏ yêu cầu ông Kim kê khai đầy đủ số vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo.
Cũng như chuyến công du Việt Nam lần này mà ông Trump đã cất công đi gặp ông Kim, việc Mỹ từ bỏ yêu sách nói trên cho thấy bản thân ông Trump rất mong muốn có được thỏa thuận nào đó với ông Kim trước khi ông rời Việt Nam. Chương trình của ông Trump mà Nhà Trắng thông báo cho ngày 28/2 thậm chí còn bao gồm một lễ ký thỏa thuận – một thỏa thuận cuối cùng đã không thành và buổi lễ đó cũng bị hủy đột ngột.
Ngay cả trước khi đặt chân đến Hà Nội, khao khát của ông Trump muốn có được thỏa thuận với Triều Tiên dường như mạnh đến nỗi các chuyên gia về Triều Tiên của Mỹ lo ngại rằng ông sẽ bị cuốn vào một thỏa thuận tồi. Một số những người chỉ trích Trump cho rằng ông đang tuyệt vọng muốn ghi điểm trên trường quốc tế để khỏa lấp những khó khăn chính trị trong nước.
Ông Trump đã không đi quá xa đến mức ông đặt mình vào một tình huống mà ông không còn lựa chọn nào tốt – nhưng ông đã đi gần đến đó.
“Vào lúc này, chúng ta có một số lựa chọn,” ông nói. “Và vào lúc này, chúng tôi quyết định không theo bất kỳ lựa chọn nào.”
Theo nhận định của NBC thì không có lựa chọn nào là tốt nhất cho ông Trump vào lúc này.
Không phải lúc nào ông Trump cũng lựa chọn con đường ít rủi ro nhất. Trong vòng 35 ngày hồi đầu năm nay, ông đã để cho chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong một nỗ lực tuyệt vọng để buộc phe Dân chủ chi tiền xây bức tường biên giới. Sau khi cuối cùng ông cũng phải chấm dứt đóng cửa chính phủ, ông đã được Quốc hội cấp ít tiền để xây hàng rào biên giới hơn là những gì mà Quốc hội sẵn sàng cấp cho ông lúc đầu – lúc chưa xảy ra đóng cửa chính phủ.
Tuy nhiên, giờ đây quyết định của ông từ bỏ việc đạt được thỏa thuận có lẽ sẽ làm hài lòng rất nhiều các chuyên gia về Triều Tiên của Mỹ. Quan trọng hơn, ngoài hạ mình trước ông Kim với việc đồng ý đến Hà Nội mà không hề có thỏa thuận nào được chuẩn bị trước ngay từ đầu, ông Trump đã không nhượng bộ gì thêm ở Hà Nội.
Đó là một thắng lợi nhỏ nằm trong một thất bại lớn, NBC nhận định.
Canh bạc rủi ro
Tờ New York Times cũng có nhận định tương tự như NBC khi cho rằng bao công sức ông Trump bỏ ra để gặp thượng đỉnh với ông Kim vì ông tin vào mối quan hệ cá nhân giữa hai ông cũng như tài đàm phán của bản thân ông đã trở thành công cốc.
“Chấp nhận đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên – điều mà tất cả những người tiền nhiệm của ông đều không muốn làm – Tổng thống Donald Trump đã bay gần 15.000 km để đến gặp ông Kim Jong Un lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm và với tất cả hy vọng đặt cược vào khả năng đàm phán của bản thân mà ông ca ngợi là ‘nhà đàm phán bậc thầy’ sẽ tạo nên khác biệt. Nhưng theo những gì đã diễn ra, thì mọi việc lại không được như vậy,” tờ New York Times viết.
“Chẳng thà không có thỏa thuận còn hơn là thỏa thuận tồi, và tổng thống đã làm đúng khi bỏ ngang hội nghị,” ông Richard Hass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, được New York Times dẫn lời nói.
“Tuy nhiên điều này lẽ ra không nên xảy ra,” ông Hass nói thêm. “Thượng đỉnh đổ vỡ và đó là rủi ro anh phải chịu khi đặt quá nhiều niềm tin vào quan hệ cá nhân với một nhà lãnh đạo như ông Kim, khi mà cuộc gặp không được chuẩn bị đầy đủ và khi tổng thống tỏ dấu hiệu cho thấy ông tự tin sẽ thắng lợi.”
Kết quả của cuộc họp hôm 28/2 đã khiến mọi người ngạc nhiên. Trước đó, ông Trump đã tin tưởng rằng một thỏa thuận đang hình thành đến mức Nhà Trắng loan báo sẽ có ‘lễ ký kết’ ngay sau buổi ăn trưa thân mật giữa hai nhà lãnh đạo. Nhưng điều đó đã không hề xảy ra.
“Tổng thống Trump có lẽ đã có một thỏa thuận nhỏ,” ông Joseph Yun, cựu đặc sứ về Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định sau khi Thượng đỉnh Hà Nội sụp đổ. “Đóng cửa một vài cơ sở hạt nhân và dỡ bỏ một vài lệnh cấm vận. Nhưng vì Cohen (luật sư của ông Trump ra khai chứng chống lại ông ở Quốc hội) mà ông Trump cần phải có một thỏa thuận lớn để đổi lấy việc nới lỏng cấm vận cho việc dỡ bỏ ở quy mô lớn các cơ sở hạt nhân mà Triều Tiên phải mất gần 40 năm mới xây dựng được.”
Trong ngắn hạn, hậu quả của thượng đỉnh lần hai nhiều khả năng sẽ rất tai hại đối với ông Trump, không chỉ đối với giấc mơ đạt giải Nobel Hòa bình của ông Trump mà ông đã nhờ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đề cử, theo New York Times.
Cũng theo tờ báo này, ông Trump, người đã dễ dàng chấp nhận cam kết hết sức mơ hồ của ông Kim tại cuộc gặp ở Singapore lần trước là ‘làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa’, đã nhận ra trong cuộc gặp ở Hà Nội rằng nếu lần này ông chấp nhận yêu cầu của ông Kim là dỡ bỏ tất cả mọi cấm vận thì ông sẽ mất hết những đòn bẩy mà ông có được để gây sức ép với ông Kim.
Tờ báo này nhắc lại là kể từ ông Kim đưa ra lời cam kết đó với ông Trump ở Singapore, Bình Nhưỡng đã tìm mọi cách thoái thác như ông Kim không chịu gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Bình Nhưỡng và không cung cấp cho ông Pompeo danh mục các vũ khí hạt nhân của họ và không chịu làm việc với đặc sứ của Mỹ về Triều Tiên.
Thắng lợi về hình ảnh
Về phía nhà lãnh đạo Triều Tiên, hãng tin AP nhận định rằng ông Kim Jong-un không hề ra về tay trắng mặc dù ông đã không đạt được mục tiêu dỡ bỏ cấm vận và một tuyên bố hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Ông Kim có lẽ đã yêu sách quá mức về dỡ bỏ lệnh cấm vận, nhưng ông đã cho thấy rằng ông có thể chơi rắn – một điều mà có lẽ ông Trump sẽ không thể quên. Ông đã rời khỏi hội nghị với tính chính danh nhiều hơn trước đây sau khi đã thuyết phục người đàn ông quyền lực nhất thế giới đến châu Á lần thứ hai trong vòng chưa đến 9 tháng. Ngay cả khi loan báo rằng đàm phán đã thất bại, ông Trump vẫn tiếp tục ca ngợi ông Kim và nhấn mạnh rằng cuộc gặp thượng đỉnh nhìn chung là thân thiện và mang tính xây dựng.
Quan trọng hơn, ông Trump để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán mà ông Kim có thể tận dụng.
Nhờ vào cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất với ông Trump ở Singapore, ông Kim đã có bước tiến dài trong việc khiến cho Trung Quốc và Hàn Quốc không còn mặn mà gì đối với lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cũng như chính sách ‘áp lực tối đa’ của Mỹ. Ông Kim được cho là sẽ tiếp tục cố gắng đẩy Bắc Kinh và Seoul ra xa hơn nữa chính sách ‘áp lực tối đa’ của Washington vốn đã trở nên ngày càng suy yếu.
Tuy nhiên, việc thất bại của Hội nghị Hà Nội không nhất thiết có nghĩa là tất cả các bên ngay lập tức sẽ quay trở lại tình trạng khủng hoảng như trước kia do ông Trump đã nói rằng ông Kim cam kết sẽ duy trì việc đình chỉ phóng hỏa tiễn và thử hạt nhân.
Mặc dù có chủ ý hay không, ông Trump đã liên tục giúp cho ông Kim khẳng định bản thân trên vũ đài chính trị thế giới.
Trong cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ dường như đã lặp lại một trong những luận điểm chủ chốt của ông Kim rằng các cuộc tập trận rất tốn kém và không cần thiết. Hoa Kỳ vẫn duy trì gần 30.000 quân ở Hàn Quốc và các cuộc tập trận chung giữa hai nước từ lâu đã được Bình Nhưỡng và cả Bắc Kinh xem là một mối đe dọa an ninh lớn đối với họ.
Tại cuộc gặp đầu tiên ở Singapore, ông Trump đã đi xa đến mức ra lệnh dừng các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc.
Mặc dù tại Hà Nội lần này ông Trump không đề cập đến việc rút quân Mỹ về nước nhưng ông dường như chấp nhận quan điểm của ông Kim.
Ngay cả khi các cuộc đàm phán của ông với ông Trump bị sa lầy, ông Kim vẫn đã xóa đi phần lớn hình ảnh một chiều mà thế giới nhìn nhận về các lãnh đạo Triều Tiên.
Ở Hà Nội, ông tỏ ra ăn ý và ngoại giao trong các buổi tiếp xúc với ông Trump. Tuy nhiên ông kiên quyết từ chối từ bỏ chương trình hạt nhân mà đất nước ông phải rất tốn kém và rất vất vả mới đạt được để đổi lấy một đề nghị mà ông cho rằng không đáng.
Ở Hà Nội, cũng như ở Singapore, ông đã thể hiện một khuôn mặt dễ gần hơn là khi ông xuất hiện trên truyền thông ở trong nước. Có lúc ông tỏ vẻ nghiêm nghị, nhưng có lúc ông mỉm cười, thể hiện sự tư tin và tôn trọng trong các cuộc đàm phán với đối tác lớn tuổi hơn ông rất nhiều.
Ông thậm chí còn được bắt gặp có một khoảnh khắc hút thuốc rất đời thường trong chuyến tàu đến Việt Nam khi ông đứng tại một sân ga và châm thuốc bằng một que diêm cổ điển trước khi em gái ông đưa cho ông cái gạt tàn.
Mặc dù ông dựa vào phiên dịch trong các cuộc tiếp xúc với ông Trump, người ta đã nghe thấy ông nói tiếng Anh khi ông chào ông Trump. Ông cũng có hành động mang tính rủi ro khi lần đầu tiên lắng nghe câu hỏi của các phóng viên phương Tây.
Không giống như ông Trump, người ngay lập tức lên máy bay về Washington sau cuộc gặp, ông Kim không vội vã rời Hà Nội. Ông dự kiến ở lại đến ngày 2/3 và sẽ có thời gian thăm thú và gặp gỡ các quan chức Việt Nam trong một chuyến thăm được gọi là ‘thăm viếng hữu nghị’. Điều này sẽ giúp cho ông thể hiện với người dân Triều Tiên và thế giới rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với ông Trump chỉ là một phần trong chuyến công du rộng lớn hơn và nhiều mục tiêu hơn của ông.
Ông Trump sẽ quay trở về quê nhà trước những người dân Triều Tiên mà theo truyền thông nước này ‘đã mất ngủ vì họ kính cẩn mong chờ ngày ông quay lại’. Cho dù điều đó có thật hay không, chắc chắn ông sẽ không phải đối mặt với ngọn lửa chính trị vốn đang chờ đợi ông Trump ở Washington.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã quyết định kết thúc sớm cuộc đàm phán với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tại Hà Nội khi ông Kim không thể đưa ra bất kỳ lời hứa có thể kiểm chứng nào cho tiến trình phi hạt nhân hóa để đổi lại việc dỡ bỏ các chế tài của Mỹ. Đây là một kết thúc không vui cho một hội nghị thượng đỉnh thu hút sự chú ý toàn cầu, đặc biệt khi nó đã bắt đầu với việc hai bên thể hiện rất nhiều thiện chí với nhau.

Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo họp báo tại khách sạn Marriot, Hà Nội ngay sau thượng đỉnh Trump-Kim. 
Tuy nhiên, không thỏa thuận không đồng nghĩa với thất bại khi mà ông Trump ít nhất đã đạt được một trong những mục tiêu của ông là giữ cho khu vực ổn định không có thử hạt nhân. Nói cách khác, không thỏa thuận là một thành công khi mà điều đó có nghĩa rằng Mỹ đã không phải đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào, không dỡ bỏ chế tài và không viện trợ tiền khi đàm phán với chế độ cộng sản. Việc ông Trump không bị chế độ cộng sản lừa gạt bản thân nó đã là một thành công lớn rồi. Và ông Trump và ông Pompeo đã không đột ngột cắt kết nối với Bắc Hàn mà vẫn thể hiện sự sẵn sàng đàm phán thêm.
Không thỏa thuận có nghĩa rằng ông Kim Jong-un đã từ chối cơ hội tuyệt vời để chuyển dịch đất nước của ông sang xã hội mở, ngay cả khi chính quyền Trump đã cố ý sắp xếp cơ hội cho ông được chứng kiến thành công kinh tế tại Singapore và Việt Nam. Ông Kim đã tận hưởng màn trình diễn ngoại giao “vinh quang” tại hội nghị thượng đỉnh này mà cỗ máy truyền thông nhà nước của ông sẽ dành lời ca ngợi bất tận và mang đến những hy vọng lớn lao. Nhưng bây giờ thậm chí ông Kim phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ chính những đồng chí trong nội bộ đảng khi mà chuyến công du lần này của ông đã không mang lại bất kỳ kết quả nào.
Những trụ cột chính mà ông Kim sử dụng để bảo vệ chế độ cầm quyền là vũ khí hạt nhân và tuyên truyền chống Mỹ. Nhưng bây giờ, cả hai trụ cột này đều đang bị tê liệt. Ông Kim không thể phát triển vũ khí hạt nhân thêm nữa và không thể tiếp tục thử hạt nhân khi ông đã hứa phi hạt nhân hóa trước truyền thông toàn cầu. Và ông Kim có lẽ cũng không thể tấn công Mỹ mạnh mẽ bằng cỗ máy tuyên truyền của mình khi mà đối thoại liên tục với ông Pompeo và ông Trump sẽ giữ Bắc Hàn ở bàn đàm phán. Điều mà ông Kim có thể làm là đổ lỗi cho Mỹ bắt nạt Bắc Hàn. Và ông cần lo lắng xem liệu Mỹ sẽ tiếp tục tập trận quân sự chung với Hàn Quốc hay không.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thời điểm này có thể cảm thấy không hài lòng. Khi thượng đỉnh Trump-Kim không thể đưa ra bất kỳ tiến triển thêm nào về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thì những nỗ lực của ông Moon để làm hòa với Bắc Hàn năm ngoái dường như rất nhạt nhòa. Tổng thống Moon có thể sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích hơn vì phiên bản chính sách “Ánh Dương” với ông Kim Jong-un.
Một nhân vật khác không thể ngủ ngon chính là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh tại Hà Nội, ông Trump đã chỉ rõ rằng 93% hàng hóa cung cấp qua biên giới Bắc Hàn là từ Trung Quốc. Đây là một lời chỉ trích gián tiếp nhắm tới Trung Quốc đã vi phạm chế tài đang áp đặt lên Bắc Hàn. Điều này sẽ trở thành một lá bài mặc cả khác cho Mỹ tại bàn đàm phán trong đối thoại thương mại Mỹ – Trung.
Chính quyền Trump hiện đã rất không hài lòng về việc Trung Quốc liên tục ủng hộ chính quyền Maduro tại Venezuela. Cả ông Chavez và ông Maduro đều là những học trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Maduro đã học chiến thuật của ĐCSTQ sử dụng để vu oan cho sinh viên trong phong trào sinh viên năm 1989. Khi đó ĐCSTQ đã đốt một số xe vận tải quân sự và đổ lỗi cho sinh viên làm việc đó. Ông Maduro cũng đã đổ lỗi cho Mỹ đốt các xe tải chở hàng cứu trợ hôm 23/2.
Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim không kết quả và việc Trung Quốc ủng hộ chế độ Maduro sẽ cho phép chính quyền Trump nhìn thấy rõ ràng rằng đàm phán với các chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản sẽ không bao giờ diễn ra trơn tru khi mà những lãnh đạo của các chế độ này không hề quan tâm tới mạng sống của nhân dân và tương lai đất nước của họ.
Rời Hà Nội mà không đạt thỏa thuận không phải là kết quả làm hài lòng chính quyền Trump và nhiều nhà phê bình nói rằng ông Trump đã mất đi một thắng lợi rất cần thiết. Tuy nhiên, bất cứ điều gì ông Trump đã bỏ lỡ tại Hà Nội, ông sẽ mang nó ra bàn đàm phán thương mại Trung – Mỹ với Trung Quốc.
Vì vậy, không thỏa thuận từ thượng đỉnh Trump-Kim thực sự là tin xấu cho Trung Quốc. Bước ra khỏi một thỏa thuận xấu tiềm năng cho thấy bản chất của doanh nhân sắc sảo, và ý chí mạnh mẽ để tuân thủ các nguyên tắc. Ông Tập Cận Bình sẽ phải lo lắng: Ông Trump cũng sẽ bước ra ngoài trong cuộc đàm phán với tôi khi tôi gặp lại ông ấy ở Mar-a-Lago?
Tác giả: Tiến sĩ Xiaoxu Sean Lin, cựu sĩ quan quân đội Mỹ
Bài viết đăng trên The Epoch Times
Xuân Thành biên dịch

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết của tiến sĩ cựu sĩ quan Mỹ rất thỏa đáng./.