Tóm tắt bài viết

  • Nghi vấn gia tăng về một tiền đồn quân sự của Trung Quốc, núp dưới danh nghĩa là một khu nghỉ dưỡng tại Campuchia.
  • Hình ảnh vệ tinh cho thấy, một đường băng lớn với chiều dài khoảng 3.400 mét đã được hình thành tại khu du lịch đủ cho máy bay quân sự vận hành.
  • Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã gửi thư cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen, bày tỏ lo ngại rằng dự án của công ty du lịch Trung Quốc đã được phát triển cho mục đích quân sự.
  • Đất "dự án du lịch" dự kiến được công ty đầu tư trả lại cho Campuchia vào năm 2108, nhưng một số chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ tìm cách để có quyền sở hữu vĩnh viễn.
Campuchia đã giao 45.000 ha đất và 20% đường bờ biển ở tỉnh Koh Kong cho một công ty của Trung Quốc, để phát triển một dự án du lịch có tên Mecca, nhưng nhiều dữ kiện cho thấy, Bắc Kinh sử dụng khu du lịch này cho mục đích quân sự, theo SCMP.
Công ty tư nhân Union Development Group (UDG) của Trung Quốc là chủ đầu tư của Mecca. Theo kế hoạch, ở đây sẽ mọc lên một khu du lịch cao cấp thu hút khách từ Đại lục, với các sòng bạc, sân golf và khu nghỉ dưỡng sang trọng. Theo hợp đồng, Campuchia sẽ thu về 1 triệu đô la tiền thuê đất trong năm đầu tiên.

Nghi vấn về một đường bay quân sự nơi hẻo lánh

Sự hoài nghi đã gia tăng trong việc Bắc Kinh dùng công ty UDG làm vỏ bọc, để phát triển một tiền đồn quân sự trên đất Campuchia. Những hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã cho thấy, đường băng được xây dựng ở khu du lịch này dài hơn nhiều so với một đường băng dành cho các máy bay dân sự.

SCMP cho hay, các quan chức Campuchia đã tỏ ra “rất đau khổ” khi nhận ra rằng, dự án cảng nước sâu của dự án du lịch này có thể phục vụ lợi ích quân sự của Trung Quốc, vì thế các nghi ngờ đối với đường băng càng củng cố thêm nhận định rằng, khu du lịch này phục vụ “mục đích kép”.
“Đường băng có chiều dài khoảng 3.400 mét, dài hơn đường băng ở sân bay quốc tế Phnom Penh, và có thể dùng cho bất kỳ máy bay nào trong lực lượng không quân Trung Quốc”, theo ông Gregory Poling, Giám đốc của tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế.
“Đây cũng là một địa điểm khá hẻo lánh cho một sân bay lớn như vậy, nếu nó dành cho mục đích dân sự. Điều duy nhất ở gần [đường băng] đó là dự án sòng bạc / khu nghỉ dưỡng Koh Kong, mà theo tôi biết thì cho tới nay nó vẫn chưa thành công [về phương diện kinh tế]”, ông Poling nói. Trong khi đó, các báo cáo cho hay công việc xây dựng tại dự án ở Koh Kong đã bị đình trệ trong nhiều tháng qua.
Trước câu hỏi về việc dự án có nhằm mục đích sử dụng cho quân sự hay không, Poling nói thấy “có rất nhiều khói nhưng không thấy lửa”, nhưng ông nói thêm: “nếu có bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á, nơi Trung Quốc có thể hiện diện quân sự thường xuyên, đó sẽ là Campuchia”.

Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại dự án nhằm mục đích quân sự

Các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy hàng loạt các công trình xây dựng trên đường băng của khu du lịch Mecca. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã gửi thư cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào tháng 11/2018, bày tỏ lo ngại rằng dự án của công ty du lịch Trung Quốc đã được phát triển cho mục đích quân sự.
Hầu hết các đường băng được hoàn thành chỉ trong hai tháng, và nó lớn hơn đáng kể so với khuyến nghị của Cục Hàng không Liên bang Mỹ là 2.800 mét cho một chiếc Boeing 787-900.
DUG có thể là một công ty tư nhân của Trung Quốc, nhưng nó bị nghi ngờ là có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh, tờ báo Hồng Kông, SCMP, nhận định.
Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu tại một buổi làm việc với Hội đồng Châu Mỹ về sự tham gia của Hoa Kỳ ở Tây bán cầu, được tổ chức tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington vào ngày 9/5/2019 (Ảnh: Jenny Jing / Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), cựu phó thủ tướng Trung Quốc và trưởng ban soạn thảo dự án Vành đai – Con đường của Bắc Kinh, đã ủng hộ dự án ngay từ đầu. Ông Trương đồng thời chủ trì việc ký kết thỏa thuận giữa UDG và Campuchia.
Dự án cũng đã nhận được nhiều chuyến thăm từ các nhân vật cao cấp khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm ông Khâm Mẫn (Wang Qinmin), phó chủ tịch Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc, theo SCMP.
Một chuyên gia quân sự phương Tây khác cũng đã đặt vấn đề về sự khác thường của dự án du lịch Mecca, “Quy mô phát triển dự án du lịch của tập đoàn UDG dường như không phù hợp với tiềm năng thương mại của khu vực đó, đặt ra câu hỏi về khả năng tài chính [của chủ đầu tư] và tính bền vững [của dự án], [nó cũng đặt ra câu hỏi] về công năng kép, cũng như ý định cuối cùng của các bên liên quan”.
Phóng viên của SCMP đã cố gắng liên hệ với người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia, Chum Socheat, để tìm hiểu thêm thông tin nhưng không thể gặp được dù đã cố gắng nhiều lần, trong khi người phát ngôn của chính phủ, Phay Siphan, nói rằng ông không có ý kiến gì về việc chính phủ Campuchia có giám sát dự án hay không.
Trong khi đó, Paul Chambers, một nhà phân tích tại Đại học Naresuan, nói với tới tờ This Week in Asia rằng các quan chức cấp cao của Campuchia thừa nhận việc Thủ tướng Hun Sen đang xem xét phê duyệt đề xuất cho Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân ở khu du lịch Mecca.
Ông Chambers ví dự án du lịch ở Koh Kong giống như các dự án kinh tế của Trung Quốc tại Sri Lanka và Lào. Sri Lanka đã phải bàn giao quyền kiểm soát Cảng Hambantota chiến lược cho Trung Quốc với hợp đồng thuê lên tới 99 năm sau khi họ không thể trả được nợ cho Bắc Kinh.
“[Đối với] Trường hợp ở Sri Lanka, sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đã buộc Sri Lanka đơn giản là trao cơ sở đó cho người Trung Quốc. Điều tương tự cũng có thể dễ dàng xảy ra ở Campuchia”, ông nói.
Sri Lanka đã phải “ngậm ngùi” trao cảng Hambantota cho Trung Quốc sử dụng 99 năm vì thiếu nợ Bắc Kinh. (Ảnh: AFP)

Đất “dự án du lịch” dự kiến được trả lại cho Campuchia vào năm 2108

Năm 2016, Trung Quốc đã cung cấp 36% tổng số tiền viện trợ kinh tế cho Campuchia và 30% tổng vốn đầu tư mà nước này nhận được. Chỉ trong năm nay, Trung Quốc đã cam kết viện trợ cho Campuchia thêm 558 triệu đô la Mỹ và hứa sẽ nhập khẩu 400.000 tấn gạo của quốc gia Đông Nam Á. Và với việc EU và Mỹ đang dự tính các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Phnom Penh sẽ càng làm cho Campuchia ngả hơn về phía Trung Quốc, SCMP bình luận.
Đất cho dự án của UDG dự kiến sẽ được trả lại cho Campuchia khi hết hạn thuê vào năm 2108, nhưng một số chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ tìm cách tận dụng tình hình để có quyền sở hữu vĩnh viễn.
Bà Yun Sun, Giám đốc của Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cũng đồng ý với quan điểm rằng dự án của UDG “có thể sử dụng cho mục đích quân sự”, và nói rằng, đã “có hình mẫu về việc phát triển cảng với hai công năng [của Trung Quốc] tại Djibouti, Sri Lanka, Pakistan, Burma”.
“Trung Quốc đã cố tình [theo đuổi] loại cảng này để tránh những tranh cãi”, bà Yun nói.
Cảng ở khu du lịch Mecca nằm ngay đối diện với một kênh đào mà Thái Lan triển khai, cho phép Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, một kênh hẹp được sử dụng để nhập khẩu phần lớn năng lượng của Trung Quốc.
Mecca cũng có thể mang lại cho Trung Quốc một lợi thế ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh muốn giành quyền kiểm soát hầu hết diện tích mặt biển.
Kha Đạt

CLIP HAY