Tất cả người dân bình thường, ở mọi nơi trên thế giới, ai cũng ghét bọn tham nhũng. Người nông dân, công nhân, tiểu thương, tư chức, ai cũng làm việc và kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức của mình. Một phần lợi tức được đóng thuế để chi tiêu cho những việc chung như trường học, bệnh viện, đường xá, trả lương cho công chức, công an.
Một số người ngồi trong các văn phòng mát mẻ, lợi dụng quyền chức của mình, ăn cắp của chung do mọi người đóng góp làm thành của riêng cho gia đình họ, đó là bọn tham nhũng. Thí dụ, xây một con đường chi phí 2 trăm tỷ đồng, bọn chúng nâng giá lên 3 trăm tỷ đồng, lợi dụng quyền chức chúng ký thông qua hợp đồng rồi chia nhau số tiền chênh lệch, quỹ chung do mọi người đóng góp phải trả 2 trăm tỷ đồng cho con đường và thêm 1 trăm tỷ đồng cho bọn tham nhũng.
Cho nên khi TBT Trọng đem ra cái lò đốt tham nhũng thì nhân dân ai cũng đồng ý và hy vọng sẽ đốt hết các đàn sâu tham nhũng. Lò cháy đã mấy năm, vài ngàn con sâu đảng viên cộng sản bị vào lò, một số con bị đốt thật, nhiều con sâu chỉ bị hơ nóng một chút (gọi là hình thức cảnh cáo) rồi cho ra làm việc tiếp!!! Mấy ngàn con sâu tưởng là nhiều, than ôi nhìn xung quanh thì thấy mấy trăm ngàn con sâu tham nhũng đang bò lúc nhúc trên mặt đất, chỉ cần quơ tay là tóm được một đống, không hiểu tại sao chúng không bị vào lò ?
Nhân dân là người ghét tham nhũng nhất vì nó ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Có những người dân sốt sắng tố cáo tham nhũng thì bị chính quyền cho là nói xấu Đảng (bởi vì tất cả người tham nhũng ở VN là đảng viên CS), gây chia rẽ giữa nhân dân với chính quyền cộng sản, bị khép tội phá hoại chính sách đoàn kết. Như vậy thì người dân nào sẽ góp phần tố cáo tham nhũng ?
Thiên chức của báo chí là nói lên sự thật. Có một số bài báo điều tra tham nhũng, nêu lên bằng chứng rỏ ràng, muốn góp phần làm đẹp xã hội. Nhưng đảng CS lại muốn báo chí chống tham nhũng theo định hướng của đảng, nhiều bài báo điều tra tham nhũng bị ra lệnh ngưng nửa chừng. Báo chí không có tự do làm đúng vai trò của mình, phải phục vụ đảng CS nhiều hơn phục vụ nhân dân, không đóng góp được nhiều cho việc chống tham nhũng.
Tại các quốc gia khác, đối diện với chính quyền là các đảng đối lập, họ bỏ thời giờ tìm các khuyết điểm của chính quyền, đưa các vụ tham nhũng ra ánh sáng. Đảng CSVN áp đặt chế độ độc tài độc đảng, không chấp nhận có đối lập, làm mất đi một nhân tố tích cực bài trừ tham nhũng.
Nhân dân tố cáo tham nhũng thì bị khép tội phá hoại chính sách đoàn kết, báo chí chỉ được chống tham nhũng theo định hướng của đảng, đối lập thì không có, ông Trọng dựa vào cái gì để bài trừ tham nhũng? Vài người bạn cho biết ông ta dựa vào Ban kiểm tra trung ương ĐCS và Ủy ban thanh tra chính phủ. Hai cơ quan này chắc có nhiều người tài giỏi, thanh liêm để làm gương và đi kiểm tra người khác ?
Một tổng thanh tra chính phủ trong 5 năm là Trần văn Truyền, ủy viên trung ương ĐCSVN. Trong 5 tháng trước khi nghỉ hưu, ông đã bổ nhiệm 60 cán bộ cấp Vụ và tương đương, thâu vào nhiều tiền chạy chức. Khi về hưu, ông có nhiều tiền bạc và 6 bất động sản ở Bến Tre, Sài Gòn trị giá hàng chục triệu USD. Ông ta như vậy thì làm sao thanh tra tham nhũng ?
Một chủ nhiệm Ban kiểm tra trung ương ĐCS trong 8 năm là Nguyễn văn Chi, ủy viên bộ chính trị ĐCSVN. Ông lợi dụng quyền chức của mình đưa con trai lên làm Phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng khi mới 35 tuổi, sau đó đưa lên làm Bí thư thành ủy. Ông cũng đưa một con trai khác lên làm Tổng cục phó Đường bộ khi mới 33 tuổi. Ông có vẻ quen thuộc với việc chạy chức. Ông ta như vậy thì làm sao kiểm tra tham nhũng ?
Có nhiều củi ở xung quanh lò nhưng cái lò lại cháy chậm, có lẽ vì không có người đưa củi vào lò. Nhân dân làm việc, đóng thuế, trả lương cho chính quyền, bọn tham nhũng ăn cắp tiền của nhân dân chứ không phải tiền của chính quyền. Tại sao nhân dân không có quyền tố cáo, chỉ mặt bọn tham nhũng, tiếp tay đưa củi vào lò? Với tốc độ đốt lò như hiện nay, đến khi ông Trọng già chết, nhiều củi tham nhũng vẫn còn đó, mấy trăm ngàn con sâu đảng viên CS tham nhũng vẫn còn đó, tiếp tục phá hoại đất nước Việt Nam.
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét